Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG BẤT ỔN VỀ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO VÀ AN NINH QUỐC GIA (SAU KHI TỔNG THỐNG PARK GEUN-HYE BỊ ĐÌNH CHỈ QUYỀN LỰC TẠM THỜI)

Đăng ngày:

Cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye đang bao trùm khắp Hàn Quốc, do đó, đã đặt những sáng kiến chiến lược và thỏa thuận hợp tác giữa Hàn Quốc với một số nước lớn vào thế dang dở, chưa biết sẽ được thực thi khi nào, ra sao trong thời gian tới.

Ông Kim Tae-woo, giáo sư Trường ĐH Dongguk, cảnh báo khoảng trống lãnh đạo mà bà Park để lại có thể khiến đất nước thêm khó khăn trong việc xử lý các thách thức đối ngoại và an ninh quốc gia.

1. “Ngoại giao thượng đỉnh” gặp khó khăn

Giới quan sát đánh giá sự vắng mặt của Tổng thống Park Geun-hye sẽ gây khó khăn cho Hàn Quốc trong việc thực hiện chiến lược “ngoại giao thượng đỉnh”, vốn được nhìn nhận như một phương pháp quan trọng giúp giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa Hàn Quốc với các quốc gia khác, thông qua những cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo.

“Nạn nhân” đầu tiên của cuộc khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc là Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản[1] được lên kế hoạch diễn ra trong tháng 12/2016, nay đã bị hoãn sang năm 2017. Mới đây, vào ngày 13/12, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Trung - Nhật sẽ được tổ chức tại Nhật Bản, vào một thời điểm thích hợp trong năm sau.

Hội nghị trên vốn được xem là cơ hội để Hàn Quốc bàn với Trung Quốc về một số tranh cãi, trong đó có kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ngoài ra, đây còn là dịp để Seoul tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn từ phía Bắc Kinh và Tokyo, để đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.[2]

2. Liên minh bị lung lay

Giới quan sát cho rằng việc chính quyền Hàn Quốc khuyết đi vị trí người dẫn dắt còn ảnh hưởng tới liên minh giữa Seoul và Washington, trong bối cảnh Đảng Dân chủ đồng hành, lực lượng chính trị chiếm ưu thế nhất Hàn Quốc hiện nay, phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, hãng thông tấn Yonhap còn đưa tin Đảng Dân chủ đồng hành, vào ngày 13/12 vừa qua, đã đề nghị chính phủ nước này hoãn việc triển khai THAAD và cho rằng vấn đề trên cần phải do chính quyền tiếp theo quyết định. Một tuyên bố của đảng này có đoạn: “Kế hoạch triển khai THAAD cần phải xem xét lại. Một chính quyền bị người dân luận tội không thể tiếp tục dự án này.” Như vậy, có khả năng Hàn Quốc sẽ trì hoãn, thậm chí hủy bỏ việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.[3]

Thêm nữa, sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11/2016 vừa qua, trong khi hàng loạt các quốc gia khác đã nỗ lực tìm cách gặp mặt ông Trump để thăm dò về chính sách ngoại giao mà ông này có thể theo đuổi, cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ cá nhân với những người thân cận với ông thì Hàn Quốc lại gần như không thể “động tĩnh gì”.

Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc) đã bình luận: “Hiện nay, các nước, bao gồm cả Nhật Bản, đều đến Mỹ để quan sát ông Trump sau chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống. Trong khi đó, chúng ta lại chẳng thể làm gì. Đây là một điểm trừ lớn tại thời điểm mà chính sách Washington áp dụng ở một số lĩnh vực, trong đó có cả vấn đề Triều Tiên, đang bị điều chỉnh”, “Một cuộc gặp thượng đỉnh nhanh gọn với ông Trump lúc này có lẽ là nằm ngoài tầm với”.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến bày tỏ tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ bảo vệ được “tính hệ thống” trong mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cùng các quốc gia khác. Giáo sư Kim Sung-han, Đại học Hàn Quốc, nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta có một hệ thống khá vững chắc, được hình thành sau quá trình đối phó với Triều Tiên, hợp tác cùng Mỹ và củng cố quan hệ với Trung Quốc”, “Có lẽ chưa đủ nhưng đó là hệ thống phản ứng ngoại giao và an ninh quốc gia của ta, vì thế ta nên hành động xoay quanh trung tâm này”.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng chính quyền do Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tạm quyền lãnh đạo nên duy trì như cũ các phương hướng chính sách về ngoại giao cũng như các lĩnh vực khác, tránh gây ra những biến động lớn, ít nhất cho tới khi hệ thống chính trị trong nước ổn định trở lại.

***

Giáo sư Hans Schattle, giảng viên Trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận định rằng, cuộc khủng hoảng chính trị này đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo có thể làm hao mòn những tham vọng quốc tế của Hàn Quốc. Trong khi đó, tờ Japan Times nhận định: “Việc bà Park từ chức có thể thay đổi những tính toán của Nhật Bản trong các mối quan hệ song phương, cũng như bức tranh an ninh khu vực”.

Giáo sư Kim Tae-woo, Đại học Dongguk, cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, thì nhận xét: “Hàn Quốc đang bị bủa vây bởi vô vàn bất ổn liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia”, “Đặc biệt là về mặt chính sách ngoại giao, mọi thứ có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn vì khủng hoảng lãnh đạo”.

The Wall Street Journal ngày 09/12 bình luận, cuộc luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có thể trở thành một cú đánh vào trật tự chính trị toàn cầu khi chính phủ mới có xu hướng hoài nghi Hoa Kỳ, thân Trung Quốc và muốn xem xét lại các thỏa thuận tự do thương mại. Vấn đề đặt ra hiện nay là, phe đối lập Hàn Quốc đang tỏ ra nghi ngờ về liên minh quân sự Hàn - Mỹ, điều này có thể gây nguy hiểm cho chính sách của Washington (như việc triển khai THAAD); trong khi đó, phe này lại có xu hướng tiếp cận mềm dẻo hơn với Triều Tiên, thân Trung Quốc và phản đối hợp tác chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn và có khả năng đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33214&id=Po
  2. http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-dang-doi-lap-chinh-de-nghi-hoan-trien-khai-thaad/420532.vnp
  3. http://dantri.com.vn/the-gioi/hai-kich-ban-cua-tong-thong-han-quoc-park-geun-hye-20161206125508478.htm
  4. http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/luan-toi-tong-thong-han-quoc-chua-yen-20161209224011088.htm
  5. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/tong-thong-bi-dinh-chi-quyen-luc-han-quoc-doi-mat-song-gio-ngoai-giao-3511128.html
  6. http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/WSJ-Luan-toi-Tong-thong-Han-Quoc-la-mot-cu-danh-vao-trat-tu-chinh-tri-toan-cau-post173113.gd

 

 



[1] Ba quốc gia này lần đầu tiên tổ chức họp thượng đỉnh vào năm 1999. Sau đó, kể từ năm 2008, các bên hàng năm thay phiên nhau đứng ra tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác xử lý những vấn đề khu vực và toàn cầu.

[2] Trong bối cảnh bất ổn chính trị sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo luận tội Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ra lệnh quân đội nâng cao cảnh giác trước bất kỳ hành động khiêu khích tiềm tàng nào từ nước láng giềng này.

[3] Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ hoàn tất việc triển khai THAAD vào tháng 05/2017.


Scroll To Top