Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở HÀN QUỐC (PHẦN 2)

Đăng ngày:

2. Phụ nữ Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp

Nhìn chung, việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp đối với người phụ nữ Hàn Quốc là khá khó khăn. Trong một cuộc thăm dò trên 3.000 công ty vào năm 2015, hơn 80% người được hỏi cho rằng: chỉ có 1/3 người lao động nữ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Luật Lao động Hàn Quốc yêu cầu các công ty tư nhân phải cho phép phụ nữ mang thai có 1 năm nghỉ thai sản. Bà Park Geun-hye, nữ tổng thống quyền lực đầu tiên của châu Á đã tuyên bố sẽ tạo ra 1,7 triệu việc làm cho phụ nữ, nâng tỷ lệ việc làm lên thêm 7%, tức 62%; đồng thời cũng sẽ nêu đích danh và trừng trị những công ty có quá ít nhân viên nữ. Tuy nhiên tỷ trọng phụ nữ có việc làm trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc chỉ đạt 50% vào năm 2000 và chỉ tăng thêm 5% trong hơn một thập kỷ qua.

Gần đây, theo một khảo sát của Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc (KIHASA) với đối tượng là 2.000 nam/nữ chưa kết hôn thì 47% nam giới tán thành việc có thể không có con sau khi kết hôn, trong khi có tới 61% nữ giới đồng tình với quan điểm này. Kết quả này chứng tỏ gánh nặng chăm sóc, giáo dục con cái đối với phụ nữ vẫn còn rất lớn.

Khi Moon Su-jong, một nhà thiết kế trẻ trong một tập đoàn cỡ vừa của Hàn Quốc, từ chối uống rượu trong buổi tiệc đêm khuya của công ty, sếp của cô đã nghĩ rằng cô đang mang thai (nếu không thì chả có lý do gì mà không uống cả?). Ngoài mặt, cả đội chúc mừng cô nhưng trong lòng thì họ thấy khó chịu. Họ đổ lỗi vì những gánh nặng cô đem lại cho đồng nghiệp khi cô vắng mặt và yêu cầu cô nên bỏ việc để tìm một người mới vào làm thay thế.

Cô Moon sau đó đã phàn nàn với bộ phận nhân sự nhưng chính họ cũng đồng ý rằng cô đang làm tổn hại đến công ty khi mang thai. Sếp cô còn nói rằng công ty nên thuê thêm nhiều đàn ông. Vì vậy, 5 tháng sau đó, cô Moon đã bỏ việc. Và khi đứa con thứ 2 ra đời, mẹ chồng cô không còn đủ sức để giúp cô trông trẻ nên cô cũng buộc phải nghỉ việc ở công ty sau đó và trở thành lao động tự do.

3. Một số chính sách thúc đẩy bình đẳng giới

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ làm việc, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nói chung, cũng như cho phụ nữ bị gián đoạn làm việc nói riêng.

Ở Hàn Quốc, lao động nữ chủ yếu tham gia các hoạt động phi kinh tế do họ phải đảm nhiệm nhiều công việc gia đình, sinh con và nuôi dạy con cái. Điều này dẫn đến tình trạng phụ nữ bị gián đoạn việc làm, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Năm 1989, Chính phủ đã ban hành Luật tuyển dụng bình đẳng cho nam và nữ, trong đó quy định: cấm phân biệt đối xử trong tìm việc, tuyển dụng, thăng tiến, về hưu…; Bảo vệ người mẹ với chế độ nghỉ phép trước và sau thai sản; Thực hiện chế độ tuyển dụng tích cực (2008) - yêu cầu hơn 500 giám đốc doanh nghiệp nộp bản kế hoạch tuyển dụng bình đẳng về giới, lập báo cáo tình hình nhân lực nữ theo từng cấp và kế hoạch thực hiện bình đẳng giới trong các cơ quan,...

Năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành Luật thúc đẩy những phụ nữ bị gián đoạn năng lực cạnh tranh tham gia hoạt động kinh tế với việc mở rộng hỗ trợ phụ nữ tìm việc sau khi kết hôn, sinh con; mở rộng đào tạo nghề cho phụ nữ bị gián đoạn năng lực cạnh tranh; chính sách tuyển dụng bình đẳng và “dung hòa gia đình và công việc” nhằm bảo vệ người mẹ (quy định người mẹ được nghỉ 3 tháng phép trước và sau khi sinh); chế độ nghỉ phép để nuôi con nhỏ, nghỉ phép để chăm sóc gia đình, giảm thời gian làm việc cho người nuôi con nhỏ; chế độ làm việc linh hoạt, việc làm chính quy theo giờ,...

Ngoài ra, còn có các luật và kế hoạch cơ bản hỗ trợ nữ nông dân năm 1998 như: Tập huấn cho nữ nông dân, đào tạo nữ lãnh đạo, điều tra tình hình sản xuất; phúc lợi xã hội cho nông dân nữ, bảo vệ người mẹ. Các luật và kế hoạch cơ bản hỗ trợ nữ doanh nhân năm 1998 như: Hỗ trợ vốn thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của doanh nhân nữ; vận hành các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nữ.

Chính sách mở rộng việc làm có lựa chọn giờ làm việc năm 2013 với mục tiêu tỉ lệ tuyển dụng lao động nữ là 70%; tăng tỉ lệ tuyển dụng lao động nữ từ 53,5% lên 61,9% (đến năm 2017); tăng lượng lao động nữ tham gia các việc làm thường xuyên theo giờ lên 2.420.000 người,...

Chính sách hỗ trợ lao động nữ làm khoa học kỹ thuật đã đạt được những kết quả tương đối tích cực. Trong lĩnh vực này, Chính phủ ban hành Luật Tăng cường và Hỗ trợ phụ nữ làm khoa học và kỹ thuật năm 2002, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch cơ bản tăng cường và hỗ trợ phụ nữ trong khoa học và công nghệ theo các giai đoạn 5 năm từ năm 2004. Những chính sách này do Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ quản lý và thực hiện. Các nội dung chính bao gồm: Hướng nữ sinh viên gia nhập lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng và hỗ trợ lao động nữ làm việc trong lĩnh vực này; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho các cá nhân ưu tú; thành lập trung tâm hỗ trợ nữ lao động làm trong lĩnh vực này trên toàn quốc (WISET); khuyến khích chế độ tuyển dụng và thăng tiến cho lao động nữ trong các trường đại học và cơ quan nghiên cứu; thực hiện hỗ trợ lao động nữ trong lĩnh vực này chưa tìm được việc hay năng lực cạnh tranh giảm do gián đoạn việc làm.

Đáng chú ý còn có Dự án 3W gồm: Phụ nữ trong Khoa học và Kỹ thuật (WISE) năm 2001, Phụ nữ trong kỹ thuật (WIE) năm 2006 và Nâng cao năng lực lãnh đạo cho nghiên cứu sinh thông qua việc thực hiện các dự án nghiên cứu (WATCH 21) được thực hiện từ năm 2004. Dự án 3W được ngân sách Chính phủ hỗ trợ 3 tỷ USD hàng năm, nhằm tăng tỷ lệ nữ tiến sỹ khoa học và kỹ thuật từ 16,3% năm 2004 lên 20,8% vào năm 2008. Năm 2013, số nữ tiến sỹ ước tính tăng thêm 1.000 người.

Để nâng cao tỉ lệ nữ giáo sư trong các trường công lập trên toàn quốc, Hàn Quốc đề ra chính sách tuyển dụng nữ giáo sư tại các trường công lập năm 2003. Các trường hàng năm phải xây dựng Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới. Từ năm 2005, Hàn Quốc hỗ trợ thành lập và vận hành Trung tâm phát triển việc làm cho nữ sinh viên trong các trường đại học trên cả nước; hỗ trợ nữ sinh về nhận thức giới, con đường lập nghiệp, phát triển nghề nghiệp và đặt ra kế hoạch bồi dưỡng 100.000 nữ nhân tài trong giai đoạn 2013-2017.

Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng cường số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực nữ trong các cơ quan chính phủ, Hàn Quốc đã thành lập Học viện phụ nữ đào tạo tập trung các ngành chuyên môn, bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, còn có thể kể đến một loạt chính sách hướng tới đối tượng lao động nữ: Chính sách dung hòa gia đình và công việc; Luật tạo môi trường thân thiện với gia đình; Luật nuôi dạy con; Chính sách về việc mở rộng các cơ sở nuôi dạy công lập, nuôi dạy miễn phí,… Các chính sách này cung cấp một số chế tài như: chế độ chứng nhận doanh nghiệp thân thiện với gia đình, chế độ bảo hiểm điều dưỡng lâu dài, các quy định giảm nhẹ gánh nặng về nuôi dạy con, thực hiện mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ, hỗ trợ bảo hiểm điều dưỡng lâu dài,…

Thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ lao động nữ đã đi đúng hướng, đồng thời vai trò của Chính phủ trong việc ban hành luật đi đôi với hỗ trợ ngân sách thực hiện là rất cần thiết.

4. Hiệu quả chính sách về bình đẳng giới còn thấp

Tuy nhiên, chính môi trường công sở đang tỏ ra chậm chạp trong việc thích ứng với xu hướng này, khi có những nhân viên nữ có khả năng bị bỏ qua hoặc cho ra rìa. Một cuộc khảo sát nguồn nhân lực gần đây của một cổng thông tin tìm việc cho thấy: 1/3 các công ty đã từ chối đơn ứng tuyển của phụ nữ có cùng năng lực như những người đàn ông. 1/3 số người được hỏi thì đồng ý rằng “chỉ có đàn ông mới làm được việc đó”.

Phụ nữ Hàn Quốc cũng đã bắt đầu thể hiện thái độ phản ứng lại tình trạng này. Vào tháng 01/2016, một nhân viên nữ ở thành phố Daegu đã kiện ông chủ vì đã buộc cô phải từ chức trước khi kết hôn.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài tại Hàn Quốc lại nhìn nhận đây là cơ hội tìm kiếm nhân lực giá rẻ cho công ty họ. (Khi mà những phụ nữ tài năng bị đánh giá thấp thì giá thuê họ sẽ rẻ hơn!). Một nghiên cứu trong năm 2010 cho thấy rằng: các công ty đa quốc gia đang thuê rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc có trình độ và điều này làm tăng cho họ rất nhiều lợi nhuận.

Có một cách khác dễ dàng hơn cho các bà mẹ là để những người chồng làm việc tại nhà nhiều hơn. Hiện nay, luật pháp Hàn Quốc đã thúc đẩy bình đẳng giới trong phân công lao động khi: người cha được hưởng 53 tuần làm cha mà vẫn được trả lương – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong khối OECD. Nhưng chỉ có 2% số người sử dụng luật này trong năm 2014. Cũng có một vài trường hợp đặc biệt khi người cha chấp nhận nghỉ làm 1 năm để vợ theo đuổi nghề nghiệp mơ ước.

Trong một cuộc khảo sát vào năm 2014, 64% người cha được hỏi cho rằng họ sẽ chia sẻ gánh nặng chăm sóc con cái chỉ khi được xã hội chấp nhận và có khả năng tài chính (Theo luật, họ sẽ được trả 40% tiền lương thông thường khi nghỉ nhưng giới hạn 1 triệu won, tức 860 USD/tháng. Và đương nhiên họ có thể mất vị trí khi quay trở lại).

5. Năm 2016, Hàn Quốc xúc tiến sửa đồi Luật bình đẳng giới trong tuyển dụng

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã chủ trì cuộc họp nội các và quyết định trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật bình đẳng giới trong tuyển dụng.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong quá trình mang thai và sinh nở, Chính phủ quyết định sửa đổi quy định cho phép lao động nữ có thể xin nghỉ phép dưới hình thức chăm sóc con cái ngay từ thời gian còn đang mang thai. Tuy nhiên, thời gian nghỉ chăm sóc con cái trước và sau khi sinh gộp lại không được quá 1 năm. Ngoài ra, dự thảo còn có nội dung cho phép người lao động nữ được nghỉ 3 ngày/năm nếu bị chẩn đoán mang thai khó. Chủ sử dụng lao động từ chối cho người lao động nghỉ phép sẽ bị phạt hành chính tối đa là 5 triệu won (khoảng 4.400 USD).

Về việc xin giảm thời gian làm việc để vừa làm việc vừa chăm sóc con nhỏ, dự thảo trên cũng tăng thời gian cho người lao động từ 1 năm lên 2 năm. Dự thảo còn quy định chủ sử dụng lao động phải hỗ trợ cần thiết để người lao động có thể làm việc từ xa trong thời gian chăm sóc con cái.

Chính phủ giải thích rằng dự thảo này nhằm mục đích giảm bớt trường hợp nhiều lao động nữ bị gián đoạn về kinh nghiệm làm việc do nghỉ thai sản hoặc chăm sóc con cái, góp phần giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp hiện nay tại Hàn Quốc. Dự thảo này sẽ được trình lên Quốc hội thẩm định, nếu được thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2017.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 26/10/2016 đã cho rằng khoảng cách kinh tế giữa nam và nữ trên toàn thế giới đang tiếp tục gia tăng trong vòng 4 năm qua, đạt mức độ nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho tới nay. Diễn đàn kinh tế thế giới tính toán rằng phải mất 170 năm nữa mới có thể đảm bảo được bình đẳng giới về kinh tế trên thế giới, cao hơn rất nhiều so với con số 118 năm mà WEF đưa ra vào năm ngoái.

 

*** Kết luận ***

Dựa vào kết quả khảo sát, điều tra của một số tổ chức trên thế giới, có thể nhận thấy chỉ số bình đẳng giới của Hàn Quốc còn rất thấp khi so sánh với các nước thuộc khối OECD, thậm chí, Hàn Quốc còn thuộc nhóm có điểm số thấp khi so với mặt bằng chung toàn cầu.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Hàn Quốc - một đất nước “văn minh, hiện đại” - trước cộng đồng quốc tế nói chung mà còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội,... của Hàn Quốc. Xét về yếu tố kinh tế, bất bình đẳng giới vô hình chung đã làm Hàn Quốc hao phí một lượng lao động nhất định, trong đó phải kể đến những lao động nữ có trình độ và được đào tạo bài bản. Về mặt xã hội, việc người phụ nữ Hàn Quốc khó có thể dung hòa giữa gia đình và sự nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn sinh con và chăm sóc con cái của họ, điều này sẽ tạo nên những tác động tiêu cực và làm nghiêm trọng hơn tình trạng “tỷ lệ sinh thấp trong khi già hóa dân số cao” của Hàn Quốc hiện nay.

Trong khoảng chục năm gần đây, việc giải quyết vấn đề này đã được chính phủ Hàn Quốc lưu tâm tới, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ người phụ nữ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các chính sách này vẫn chưa đạt được những hiệu quả rõ rệt.

Vào ngày 18/10/2016 vừa qua, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã chủ trì cuộc họp nội các và quyết định trình lên Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật bình đẳng giới trong tuyển dụng. Đây là một tín hiệu đáng mừng và phần nào thể hiện nỗ lực mới của chính phủ Hàn Quốc trong việc hướng tới mục tiêu về bình đẳng giới.

 

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm NC Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 .http://ttalgi21.khan.kr/4922

2. http://bizkhan.tistory.com/2052

3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=32783

4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=32717&id=Dm

5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=31840&id=Dm

6. http://phunuvietnam.vn/kho-bau/binh-dang-gioi-trong-lao-dong-viec-lam-o-han-quoc-post12243.html

7. http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/50648/Binh-dang-gioi-o-Han-quoc-chi-13-so-nhan-vien-nghi-thai-san-quay-lai-lam-viec

8. http://www.pnvnnuocngoai.vn/cam-nang-phap-luat/van-ban-moi/han-quoc-dung-cuoi-bang-xep-hang-binh-dang-gioi-trong-thi-truong-lao-dong-44040.html

9. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=25801&id=Po


Scroll To Top