Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở HÀN QUỐC (PHẦN 1)

Đăng ngày:

Gần đây, theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phúc lợi và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) với đối tượng là 2.000 nam/nữ chưa kết hôn thì 76% đàn ông và 82% phụ nữ phản đối ý kiến cho rằng kinh nghiệm làm việc của người chồng hơn vợ sẽ giúp đỡ nhiều cho đời sống gia đình. Bên cạnh đó, chỉ có 20% nam giới và 14% nữ giới tán thành quan niệm chồng đi làm kiếm tiền, vợ ở nhà làm nội trợ. Như vậy, hiện tại, ở Hàn Quốc đã có những thay đổi trong nhận thức, đặc biệt là của giới trẻ, về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội hiện đại. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, xét một cách tổng quan và trên mặt bằng chung thì vấn đề bất bình đẳng giới hay quan niệm “nam tôn, nữ ti” ở Hàn Quốc vẫn là một thực tế cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các nhà hoạch định chính sách, có như vậy mới có thể tạo nên những thay đổi tích cực và căn bản cho vị thế của người phụ nữ Hàn Quốc trên bình diện toàn xã hội.

1. Hàn Quốc đạt thứ hạng thấp trong các báo cáo về bình đẳng giới

1.1. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 26/10/2016 đã công bố Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2016. Theo đó, Hàn Quốc có chỉ số khoảng cách giới là 0,648, xếp thứ 116 trên tổng số 144 quốc gia được khảo sát.[1] (Năm 2014, Hàn Quốc xếp 117 trên tổng số 142 quốc gia).

Đây là năm thứ 11 WEF đưa ra báo cáo thường niên về xếp hạng chỉ số khoảng cách giới ở các quốc gia, chỉ số này dựa trên 4 yếu tố: (1) cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế, (2) thành tích giáo dục, (3) quyền hạn chính trị và (4) phúc lợi y tế.

Năm nay, Hàn Quốc xếp thứ 76 về phúc lợi y tế, thứ 92 về quyền hạn chính trị (năm 2014 xếp thứ 93) và xếp vào nhóm cuối ở 2 yếu tố còn lại là thành quả giáo dục và cơ hội tham gia hoạt động kinh tế, với vị trí lần lượt là 102 và 123.

Về cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế, khoảng cách về tiền lương giữa nhân viên nam và nữ ở Hàn Quốc là khá lớn. Xét theo tiêu chí lương bình quân của nam và nữ với cùng một công việc, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 125 trên tổng số 144 quốc gia được điều tra.

Ở lĩnh vực quyền hạn chính trị, Hàn Quốc sếp thứ 29 về thời gian cầm quyền của nguyên thủ quốc gia là nữ giới nhưng chỉ đứng thứ 128 về tỷ lệ nam nữ trong cơ cấu nội các.

Trong lĩnh vực giáo dục, Hàn Quốc xếp thứ 6 theo tiêu chí phổ cập giáo dục nhưng chỉ đứng thứ 112 theo tiêu chí giáo dục sau bậc trung học phổ thông.

Tỷ lệ nam nữ trong Nội các năm 2014

Quốc gia

Nữ

Nam

Ni-ca-ra-goa, Thụy Điển

57

43

Phần Lan

50

50

Pháp

49

51

Na Uy

47

53

Hàn Quốc

12

88

Tỷ lệ nam nữ trong Quốc hội năm 2014

Quốc gia

Nữ

Nam

Rwanda

64

36

Cu Ba

49

51

Thụy Điển

45

55

Senegal

43

57

Hàn Quốc

16

84

Nguồn: Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2014, WEF.

1.2. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)

Kể từ khi OECD bắt đầu thống kê mức chênh lệch tiền lương giữa lao động nam và nữ vào năm 2000, Hàn Quốc đã liên tục đứng đầu danh sách này tính đến năm 2012. Ngày 04/08/2014, OECD công bố mức chênh lệch này tại Hàn Quốc trong năm 2012 lên đến 37,4%. Điều này có nghĩa nếu lương cho lao động nam là 100 thì cho lao động nữ chỉ là 62,2.

Xếp sau Hàn Quốc lần lượt là các nước: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Anh, Slovakia, Cộng hòa Séc, Úc, Hungari, Na Uy và New Zealand. (Các nước thành viên khác của OECD hiện chưa có số liệu thống kê).

Chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ năm 2012 (đơn vị: %)

Hàn Quốc

37,4

Nhật Bản

26,5

Mỹ

19,1

Canada

18,8

Anh

17,8

Slovakia

16

Cộng hòa Séc

15,1

Úc

13,85

Hungari

11,3

Na Uy

6,4

New Zealand

6,2

Nguồn: OECD, năm 2014.

Sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ tại Hàn Quốc năm 2000 lên đến 40,4% nhưng sau đó giảm dần theo từng năm và đến năm 2012 thì còn 37,4%. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác cùng thuộc OECD thì việc Hàn Quốc giảm 3% trong 13 năm là quá thấp. Ví dụ như Nhật Bản đã giảm được 7,4% trong cùng thời gian đó, từ 33,9% vào năm 2000 đến năm 2012 chỉ còn 26,5%.

So với mức trung bình của cả OECD thì Hàn Quốc cao hơn 2,1 lần vào năm 2000 và 2,5 lần vào năm 2011.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc, lương tháng trung bình của lao động nam là 2,66 triệu won (tương đương 2.586 USD), trong khi con số này ở lao động nữ chỉ là 1,7 triệu won (tương đương 1.655 USD), tức chỉ bằng 64% so với nam. Dù làm trong cùng lĩnh vực, thu nhập của nam vẫn cao hơn của nữ.

1.3. Theo The Economist

Mới đây, tờ The Economist đã công bố Bảng xếp hạng bình đẳng giới trong thị trường lao động và Hàn Quốc là quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng này.

Kể từ năm 2013, tờ The Economist đã liên tục công bố bảng xếp hạng thường niên liên quan tới bình đẳng giới trong thị trường lao động. Năm nay (2016), 29 quốc gia thuộc OECD đã được đem ra so sánh. Các hạng mục được cân nhắc là: Cơ hội được học hành, cơ hội thăng tiến, hay đơn giản chỉ là cơ hội có được việc làm.

Trong 29 quốc gia này, Hàn Quốc là nước có điểm số thấp nhất, tức là phụ nữ Hàn Quốc ít có cơ hội được học hành cao, ít được giữ chức vụ quan trọng và ít có cơ hội tìm được việc làm hơn nam giới, khi so với 28 quốc gia còn lại. Hai nước đứn gần cuối bảng xếp hạng là Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.

1.4. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới

Theo kết quả khảo sát về chỉ số bình đẳng giới mà Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào ngày 12/10/2010, Hàn Quốc xếp thứ 104 trên tổng số 134 quốc gia được điều tra. Các nước đứng đầu danh sách có chỉ số bình đẳng giới rất cao, theo thứ tự lần lượt như sau: Ai-xơ-len, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, New Zealand, Ai-len, Đan Mạch,…. Đứng cuối bảng là nước Yemen (xếp thứ 134).

Chỉ số bình đẳng giới của Hàn Quốc theo các năm

Năm

Số lượng các nước được khảo sát

Thứ hạng của Hàn Quốc

Điểm số

Năm 2006

115

92

0,616

Năm 2007

128

97

0,641

Năm 2008

130

108

0,615

Năm 2009

134

115

0,615

Năm 2010

134

104

0,634

Chỉ số bình đẳng giới năm 2009 và 2010

Quốc gia

Năm 2010

Năm 2009

(Xếp hạng)

Sự tăng giảm

Xu hướng

Xếp hạng

Điểm số

Hàn Quốc

104

63,38%

115

11

Tăng

Yemen

134

38,03%

134

0

Giữ nguyên

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2010.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm NC Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 .http://ttalgi21.khan.kr/4922

2. http://bizkhan.tistory.com/2052

3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=32783

4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=32717&id=Dm

5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=31840&id=Dm

6. http://phunuvietnam.vn/kho-bau/binh-dang-gioi-trong-lao-dong-viec-lam-o-han-quoc-post12243.html

7. http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/50648/Binh-dang-gioi-o-Han-quoc-chi-13-so-nhan-vien-nghi-thai-san-quay-lai-lam-viec

8. http://www.pnvnnuocngoai.vn/cam-nang-phap-luat/van-ban-moi/han-quoc-dung-cuoi-bang-xep-hang-binh-dang-gioi-trong-thi-truong-lao-dong-44040.html

9. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=25801&id=Po

 

 



[1] Ai-xơ-len vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về bình đẳng giới (đạt 0,874 điểm) trong năm 2016, sau đó là các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển.


Scroll To Top