Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KHỦNG HOẢNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ CỦA HÀN QUỐC (PHẦN 1)

Đăng ngày:

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc đang gặp khủng hoảng do bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng thấp, các quốc gia xuất khẩu ô tô đã bổ sung nhiều chính sách bảo hộ thương mại riêng nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của nước mình, các đối thủ cạnh tranh như Mê-hi-cô và Ấn Độ ngày càng lớn mạnh, đồng thời, tình hình trong nước cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng lãn công, đình công liên tiếp xảy ra.

1. Công đoàn tổ chức lãn công, đình công

Đối với ngành ô tô Hàn Quốc, tình trạng đình công luôn là vấn đề nhức nhối. Có thể nói: hầu như không năm nào là không có đình công, kể từ khi công đoàn được thành lập tại các nhà máy sản xuất ôtô (những công đoàn đầu tiên được thành lập ở Kia và Huyndai vào năm 1987). Đó là lý do tại sao các công đoàn xe hơi luôn bị xem là “hiếu chiến” nhất.

Bảng: Lịch sử đình công của ngành ô tô Hàn Quốc (tính đến năm 2010)

Huyndai Motor

Kể từ khi công đoàn của công ty này được thành lập vào năm 1987 cho đến năm 2008, hàng năm đều diễn ra các cuộc đình công, trừ năm 1994. Theo đánh giá của công ty, trong hơn 20 năm qua, tổng số 359 ngày đình công đã gây ra thiệt hại 11,54 nghìn tỷ won. Năm 2009, lần đầu tiên trong 15 năm, các cuộc đàm phán về lương kết thúc mà không có đình công.

GM Daewoo

Công đoàn GM Daewoo thành lập vào tháng 10/2002. Các cuộc đình công được tổ chức vào các năm 2004, 2006 và 2008. Năm 2010, phía quản lý và người lao động đã hoàn tất được thương lượng về lương một cách hòa bình, đây là năm thứ 2 liên tiếp không đình công.

Kia Motor

Công đoàn được lập năm 1960 nhưng chính thức hoạt động vào năm 1991. Kể từ đó, năm nào cũng có đình công. Công ty cho biết tổng thiệt hại do đình công trong 19 năm (tính từ năm 1991) ước tính lên tới 6,4 nghìn tỷ won.

Ssangyong Motor

Công đoàn ra đời vào năm 1987. Từ năm 2000-2010, các cuộc đình công đều được tổ chức, trừ năm 2001 và năm 2007. Riêng năm 2009, một cuộc đình công kéo dài gần như đưa công ty đến đến bờ vực giải thể.

Renault Samsung Motor

Một ủy ban đại diện người lao động giữ vai trò như công đoàn. Trừ ngoại lệ năm 2000, ở công ty này không có mâu thuẫn lao động.

Nguồn: http://world.kbs.co.kr

Năm nay cũng vậy, công đoàn ngành ô tô Hàn Quốc lại liên tục tổ chức các cuộc lãn công và đình công nhằm yêu cầu tăng lương và nâng cao điều kiện làm việc. Vào ngày 26/09 vừa qua, khoảng 50 nghìn công nhân của Tập đoàn Hyundai Motor đã biểu tình trên quy mô toàn quốc, do đàm phán về tiền lương không đi đến kết quả. Cuộc đình công này diễn ra tại 3 nhà máy ở Ulsan, Jeonju và Asan. Đây là cuộc đình công quy mô lớn nhất kể từ năm 2004 và là cuộc đình công toàn thời gian đầu tiên trong vòng 12 năm trở lại đây (sau khi công nhân Hyundai thực hiện hàng loạt các cuộc lãn công rải rác suốt từ năm 2012 đến nay). Với diễn biến này, cổ phiếu của Hyundai ngay lập tức giảm 1,4%, xuống còn 140.000 won/cổ phiếu tại Seoul.

Cuộc đình công này diễn ra trong bối cảnh Hyundai đang nỗ lực để lật ngược tình thế khó khăn. Công ty đã có 10 quý liên tiếp giảm sút lợi nhuận và không đạt được mục tiêu doanh số bán hàng trong 2 năm liên tiếp. Theo thống kê nộp Cơ quan quản lý niêm yết, nhu cầu nội địa đối với sản phẩm Hyundai giảm 18% trong tháng 08/2016 so với năm trước đó, tiếp sau đà giảm 20% trong tháng 7. Cũng theo Hyundai, trước đó, một số cuộc đình công nhỏ bắt đầu vào tháng 7 đã dẫn tới số lượng xe hơi sản xuất ra giảm 100.000 chiếc, tương đương hơn 2,2 nghìn tỷ won cho tới ngày 23/09.

Nhà phân tích Cho Soo-hong đến từ Tập đoàn Chứng khoán và Đầu tư Nonghyup dự đoán rằng doanh số toàn cầu của Hyundai (bao gồm cả Kia) sẽ sụt giảm 0,6% trong năm 2016. Bộ trưởng Thương mại Joo Hyung-hwan thì chỉ trích cuộc đình công đã “dội gáo nước lạnh vào công cuộc khôi phục xuất khẩu” của Hàn Quốc. Còn tờ The Detroit Bureau của Mỹ nhận định cuộc đình công nổ ra đúng vào thời điểm xấu nhất đối với cả Hyundai và Hàn Quốc. Vấn đề này sẽ làm phức tạp thêm tình hình kinh tế Hàn Quốc vốn đang rối ren với sự cố Tập đoàn Samsung phải triệu hồi hàng triệu chiếc điện thoại Note 7, Tập đoàn Vận tải Hanjin phá sản và 3 công ty đóng tàu của nước này đang phải đối mặt nguy cơ tái cơ cấu để trả nợ.

2. Tình hình sản xuất ô tô trong nước gặp khó khăn

Sau khi chính sách cắt giảm thuế tiêu thụ cá nhân hết hiệu lực và sản xuất bị gián đoạn do công nhân đình công, doanh số bán ô tô tính từ tháng 7 tại Hàn Quốc đã sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, vào năm ngoái, lượng xe ô tô sản xuất tại Hàn Quốc đã giảm mạnh, khi 55% tổng số xe do tập đoàn ô tô Hyundai-Kia sản xuất đến từ các nhà máy ở nước ngoài. Thực tế, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đã không tiến hành đầu tư nhiều ở trong nước, ví dụ như: công ty ô tô Hyundai đã xây dựng rất nhiều nhà máy ở nước ngoài và 65% lượng ô tô của Hyundai được sản xuất tại các nhà máy đó. Hiện trạng này càng làm cho tình hình sản xuất ô tô trong nước trở nên nghiêm trọng hơn.

Hiện tại, nhu cầu ô tô nội địa của Hàn Quốc chỉ còn khoảng 1,8 triệu xe mỗi năm – một thị trường không lớn so với các nước phát triển – đây chính là vấn đề nan giải cho Hàn Quốc, khi mà cứ 3 trong 4 xe xuất khẩu được thử nghiệm thị hiếu trong nước trước khi đưa ra nước ngoài.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://world.kbs.co.kr/korean/program/program_economyplus.htm?No=5724

2. http://www.yonhapnews.co.kr/bulletin/2016/10/01/0200000000AKR20161001033100003.HTML

3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?no=5732

4. http://www.xegiaothong.vn/cong-nhan-hyundai-luong-18-ty-dongnam-van-dinh-cong-d140565.html

5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Ec_detail.htm?No=32656&id=Ec

6. http://doisongtieudung.vn/Cong-nhan-Huyndai-Motor-dinh-cong-lan-dau-tien-trong-12-nam_161-0-533992.html

7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Ec_detail.htm?No=32581&id=Ec

8. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/archive/program/news_zoom.htm?no=5777


Scroll To Top