ANH RỜI KHỎI EU (BREXIT) - MỘT SỐ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ HÀN QUỐC VÀ BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ CỦA CHÍNH PHỦ
Đăng ngày:
1. Một số tác động đối với nền kinh tế Hàn Quốc Vào ngày quyết định 24/6/2016, kết quả bỏ phiếu cho thấy một sự chia rẽ 52-48% của việc quyết định rời khỏi EU của người dân Anh, và sự lựa chọn này của người dân Anh đã khiến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới chao đảo, khiến bảng Anh và các đồng tiền chính khác rơi tự do và Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Chỉ số KOSPI chuẩn của Hàn Quốc bị giảm 3,09%, mức giảm hàng ngày mạnh nhất trong hơn bốn năm qua, và kết thúc tại 1.925.24 điểm, trong khi chỉ số KOSDAQ thứ cấp giảm 4,76% xuống còn 647,6 điểm. Trước đó trong ngày, các nhà điều hành đã phải tạm ngưng giao dịch của sàn KOSDAQ khi thị trường bị đột ngột giảm mạnh bất thường. Sau kết quả lấy phiếu Brexit ngày 24/6, đồng won Hàn Quốc mất 29,7 won đóng cửa ở mức 1.179.9 won/1đô la Mỹ, đánh dấu sự sụt giảm hàng ngày lớn nhất trong gần 5 năm gần đây. Thị trường tài chính Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề do tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc khá cao. Sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán (KOSPI) Hàn Quốc chiếm khoảng 30% và đầu tư của Anh chiếm khoảng 10% trong tổng số đầu tư nước ngoài này. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Anh chỉ chiếm khoảng 7,39 tỷ USD năm 2015, chiếm khoảng 1,4% tổng xuất khẩu của Hàn Quốc. Vì vậy, sự ra đi của Anh khỏi EU không tác động đáng kể đến nền kinh tế thực của Hàn Quốc trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có những tác động khó lường do ảnh hưởng của sự suy giảm chung của nền kinh tế thế giới sau sự kiện này, và nó sẽ làm cho nền kinh tế Hàn Quốc càng khó khăn hơn trong việc khôi phục và vượt qua giai đoạn tăng trưởng trì trệ trong những năm gần đây. Mỹ và Châu Âu sẽ là hai đối tượng chịu tác động trực tiếp của sự kiện này và Hàn Quốc sẽ là nước chịu tác động gián tiếp vì nước này có quan hệ kinh tế chủ yếu với Mỹ và EU. Hàn Quốc bị thâm hụt mậu dịch với EU kể từ khi hiệp định tự do mậu dịch FTA Hàn Quốc-EU có hiệu lực vào năm 2011. Theo Hiệp hội Mậu dịch quốc tế Hàn Quốc (KITA), Hàn Quốc có thặng dư mậu dịch với EU từ năm 1998 đến năm 2011 nhưng bắt đầu có thâm hụt 1 tỷ USD kể từ năm 2012, và 10,7tỷ USD vào năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do nhập khẩu xe ô tô và các sản phẩm cao cấp từ Châu Âu. Thâm hụt mậu dịch đã bắt đầu thu hẹp vào năm 2015 nhưng vẫn duy trì ở mức trên dưới 10 tỷ USD. IMF cũng không tin rằng Brexit sẽ tác động lớn tới nền kinh tế thực của Hàn Quốc mà nó chỉ có ảnh hưởng tức thời ngắn hạn lên thị trường tài chính do tâm lý lo lắng của giới đầu tư. Viện KDI không cho rằng Brexit là một yếu tố chủ chốt có thể kéo nền kinh tế Hàn Quốc đi xuống trong báo cáo mới nhất của mình, trong đó các chuyên gia hàng đầu đã điều chỉnh dự báo mục tiêu tăng trưởng năm 2016 của mình xuống còn 2,6% từ mức 3%. Bộ tài chính Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2016 xuống còn 2,8% từ mức 3,1%, và mức lạm phát giảm xuống còn 1,1% từ mức 1,5%. Ngân hàng TW Hàn Quốc (Bank of Korea) cũng giảm tỷ lệ tăng trưởng dự báo cho năm 2016 xuống còn 2,7% từ mức dự báo 2,8%. Ngày 24/6 chính phủ Hàn Quốc đã thông cáo tới Đảng cầm quyền Saenuri rằng mức tăng trưởng kinh tế quốc gia sẽ duy trì ở mức 2,8% cho năm 2016, giảm 0,3% từ mức dự báo cuối năm 2015 là 3,1%. Nhiều người cho rằng lãi suất sẽ giảm dần tới mức 0% và chính phủ sẽ thực hiện mở rộng nới lỏng định lượng để ứng phó với tình hình bất ổn hiện nay. 2. Một số biện pháp ứng phó của chính phủ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok ngày 24/6 đã chủ trì cuộc họp khẩn về tài chính và kinh tế vĩ mô bàn phương án đối phó với việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Ông phát biểu rằng, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến các đồng tiền chính trên thế giới, tình hình thị trường ngoại hối, thị trường vốn ngoại tệ, các giao dịch về vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Do nguy cơ bất ổn trên thị trường ngoại hối đang tăng cao, Chính phủ sẽ có can thiệp nhẹ làm bình ổn thị trường, sẽ khởi động ngay lập tức nhóm rà soát tình hình có sự tham gia của các cơ quan hữu quan để theo dõi sát sao diễn biến nền kinh tế và thị trường tài chính trong cũng như ngoài nước, tổ chức thường xuyên các cuộc họp tài chính và kinh tế vĩ mô, hoặc cần thiết sẽ mở cuộc họp các bộ trưởng liên quan do Phó Thủ tướng chủ trì để tìm kiếm phương án tổng hợp. Chủ trì cuộc họp nội các hôm 4/7, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bày tỏ lo ngại "chủ nghĩa biệt lập mới" “isolationism” có thể sẽ lan rộng sau việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), cùng với đó là xu hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và lịch trình bầu cử ở các nước. Bà Park Geun-hye nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc cần đẩy mạnh bồi dưỡng các ngành công nghiệp mới, khai thác thị trường nước ngoài, coi xu thế chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa biệt lập mới là cơ hội để xác lập vị thế một quốc gia đặt trọng tâm vào các chính sách đối ngoại mở cửa. Tổng thống chỉ thị cần phải duy trì một hệ thống đối ứng cấp quốc gia, ứng phó chặt chẽ 24/24 giờ với khủng hoảng, quảng bá củng cố niềm tin trong nước và quốc tế với Hàn Quốc. Tổng thống nhấn mạnh, phải tiến hành tái cơ cấu, chính phủ không được do dự, phải kêu gọi sức mạnh toàn dân để tiến hành tái cơ cấu. Bà cho rằng, điều đáng sợ nhất khi quốc gia rơi vào khủng hoảng chính là sự chia rẽ nội bộ và thái độ bàng quan. Ngoài ra, chính phủ còn dự định xúc tiến một FTA với Anh trong tương lai gần để ứng phó với Brexit. Tờ tạp chí Phố Uôn (Wall Street Journal) bình luận rằng, đây là một ứng phó thông minh của Hàn Quốc đối với sự kiện Anh rời khỏi EU, đây là một minh chứng nữa của vai trò dẫn dắt thương mại ở khu vực châu Á của Hàn Quốc và là một mô hình cho Mỹ và các nước khác. Bên cạnh đó chính phủ Hàn Quốc còn dự tính sẽ áp dụng một số biện pháp khác nếu thấy cần thiết như các thỏa thuận mới về hoán đổi ngoại hối, cắt giảm lãi suất, nới lỏng định lượng, kích thích kinh tế, … Trong Phương hướng chính sách kinh tế nửa cuối năm 2016 công bố hôm 28/6, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định rót nguồn tài chính quy mô 20.000 tỷ won (tương đương 17 tỷ USD) để khắc phục những nguy cơ trong và ngoài nước như việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) hay việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong số ngân sách được bổ sung, 10.000 tỷ won (8,53 tỷ USD) sẽ được trích từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ nhận định rằng chỉ khi rót thêm trên 20.000 tỷ won thì mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế 2,8% trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ quá trình tái cơ cấu, rồi tới vụ Brexit. Võ Hải Thanh Trung tâm NC Hàn Quốc Nguồn: 1.http://english.yonhapnews.co.kr/focus/2016/06/24/0/1700000000AEN20160624010000320F.html?390becc0 2. http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2016/06/28/2016062801151.html 3. http://www.foxnews.com/world/2016/07/14/south-korea-central-bank-lowers-growth-outlook-on-brexit.html 4. http://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_business/749648.html 5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=31719&id=Po 6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Ec_detail.htm?No=31729&id=Ec 7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Ec_detail.htm?No=31701&id=Ec