TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BÁO CÁO KINH DOANH BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Kinh doanh bền vững đang là xu thế lớn mạnh trên thế giới, trở thành một yêu cầu “mềm” đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Ở Hàn Quốc, từ năm 2003 trở đi, khái niệm này mới được xã hội và các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và phát triển sâu rộng. Theo sách Kinh doanh bền vững Hàn Quốc do Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Bộ Công nghiệp, Năng lượng và Thương mại phát hành vào năm 2014, tất cả các báo cáo kinh doanh bền vững tại Hàn Quốc ban đầu đều do các công ty tư nhân ban hành vào năm 2003 và năm 2004. Tiếp đó, vào năm 2005, các công ty nhà nước lần đầu ban hành báo cáo kinh doanh bền vững. Sau đó, lần lượt các tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2008 và các đoàn thể tự trị vào năm 2010, đã lần đầu ban hành báo cáo kinh doanh bền vững. Trong số các cơ quan chính phủ trung ương, Bộ Công nghiệp, Năng lượng và Thương Mại là đơn vị duy nhất phát hành báo cáo phát triển bền vững. Điều này được phản ánh rõ ràng và cụ thể trong bảng dưới đây. Nguồn: Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Bộ Công nghiệp, Năng lượng và Thương mại 2014. Sách Kinh doanh bền vững Hàn Quốc 2014 (KOREA SUSTAINABILITY FACTBOOK 2014) Nếu xem xét tình hình báo cáo kinh doanh bền vững của công ty tư nhân, năm 2003, số lượng báo cáo ban đầu là 4 nhưng đến năm 2013, con số này đã tăng lên 19 lần với con số là 77 bản. Trường hợp các công ty nhà nước phát hành ban đầu chỉ 3 bản vào năm 2005 và sau đó đã tăng lên 12 lần với con số 35 bản. Năm 2011, số lượng báo cáo kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp Hàn Quốc là trên 100 bản trong khi số lượng báo cáo lũy kế vào năm 2013 là gần 200 bản cho thấy xu thế gia tăng việc ban hành các báo cáo này. Năm 2013, số lượng báo cáo mới trong số 118 báo cáo là 14 bản, đồng thời, doanh nghiệp phát hành kinh doanh bền vững trong số 100 doanh nghiệp đứng đầu doanh thu chỉ chiếm có 51% tổng số báo cáo vào năm 2012. Ngoài ra, khi xem xét tiêu chuẩn để doanh nghiệp dựa vào đó làm báo cáo này thì theo kết quả điều tra tiến hành năm 2013 của tập đoàn Tư vấn kế toán tổng hợp đứng thứ 4 thế giới KPMG International về “xu hướng ban hành báo cáo kinh doanh bền vững năm 2013”, tỷ lệ doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng hướng dẫn GRI[1] của Tổ chức báo cáo sáng kiến toàn cầu khi làm báo cáo kinh doanh bền vững chiếm trên 90% và ở vị trí cao nhất thế giới. Cuộc điều tra này được tiến hành với đối tượng là 4.100 công ty trên toàn thế giới (100 doanh nghiệp lớn hàng đầu về doanh thu của 41 quốc gia) cho thấy số lượng các doanh nghiệp Châu Á tiến hành báo cáo kinh doanh bền vững chiếm tỷ lệ lớn. Tỷ lệ sử dụng GRI làm báo cáo kinh doanh bền vững theo từng quốc gia Nguồn: Tập đoàn Tư vấn kế toán tổng hợp KPMG International. 2013. Điều tra về xu hướng ban hành báo cáo kinh doanh bền vững năm 2013. Cũng theo điều tra này, 71% doanh nghiệp được điều tra thực hiện báo cáo kinh doanh bền vững, và trong số 250 doanh nghiệp lớn trên thế giới con số này cũng đạt gần 93%. Thêm vào đó, đối với khu vực Châu Á, 71% đối tượng được điều tra đã phát hành báo cáo này, con số này gần tương đương với tỷ lệ phát hành báo cáo ở khu vực Châu Âu là 73%. Tình hình tiến hành báo cáo kinh doanh bền vững theo từng khu vực/theo từng năm Nguồn: Như trên. Thông qua kết quả điều tra, Trưởng bộ phận Kinh doanh bền vững của tập đoàn KPMG cũng phát biểu rằng: “Ngày nay, thông qua hoạt động báo cáo kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp đang băn khoăn việc làm thế nào để đáp ứng môi trường kinh doanh và các vấn đề xã hội”, đồng thời, nhấn mạnh “Thông qua việc thực hiện báo cáo này, các doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo ra giá trị phát triển bền vững như tìm kiếm cơ hội xã hội, quản lý hiệu quả rủi ro có liên quan đến chiến lược kinh doanh v.v….” Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tổng thuật theo nguồn: [1] GRI (Global Reporting Intiative – Sáng kiến báo cáo toàn cầu) là tổ chức tiêu chuẩn quốc tế độc lập đưa ra hướng dẫn và tiêu chí để thực hiện báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp và các tổ chức khác. Tính đến năm 2015, có 7.500 tổ chức sử dụng Hướng dẫn GRI cho các báo cáo phát triển bền vững. Hướng dẫn GRI áp dụng cho các tổ chức đa quốc gia, các cơ quan công cộng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức phi chính phủ, các nhóm ngành công nghiệp và những đối tượng khác.