TRIỀU TIÊN TUYÊN BỐ ĐÃ THỬ NGHIỆM BOM NHIỆT HẠCH: PHẢN ỨNG CỦA HÀN QUỐC VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ (PHẦN 2)
Đăng ngày:
2.2. Phản ứng của cộng đồng quốc tế Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích quyết liệt tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên Cộng đồng quốc tế đang lên án gay gắt việc Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch vào sáng hôm thứ Tư (6/1). Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) Ned Price cho biết Washington đang theo dõi mọi động thái của Bình Nhưỡng và đã gửi thông điệp cảnh cáo tới nước này. Theo ông Price, hiện tại vẫn chưa xác nhận được Triều Tiên có thử nghiệm hạt nhân đúng như tuyên bố của ông Kim Jong-un hay không nhưng dù thế nào thì nước này đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Qua đây, ông hối thúc Bình Nhưỡng giữ đúng cam kết với cộng đồng quốc tế. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng lên án động thái Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch là vi phạm nghi quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và đe dọa an ninh toàn thế giới. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nêu rõ: "Vụ thử này, nếu được xác nhận là đã xảy ra, rõ ràng là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là điều rất đáng tiếc. Tôi kêu gọi Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và IAEA”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng ra tuyên bố riêng lên án và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng ngay các hành động này. Quan chức Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini, tuyên bố vụ thử bom H của Triều Tiên, nếu được xác nhận, vi phạm nghiêm trọng các cam kết quốc tế của nước này về việc không chế tạo và thử vũ khí hạt nhân. Bà nhấn mạnh vụ thử này đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực Đông Bắc Á[1] Uruguay, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đánh giá đợt thử nghiệm hạt nhân lần này của Bình Nhưỡng rõ ràng đã vi phạm nghị quyết hiện hành của Hội đồng bảo an, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Do đó, 15 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn vào hôm 6/1 (theo giờ địa phương) tại trụ sở ở New York Mỹ và ra quyết định sẽ sớm ra thêm một nghị quyết cấm vận Triều Tiên. Dự đoán, nghị quyết lần này của Hội đồng bảo an sẽ bao gồm những nội dung trừng phạt cứng rắn và bao quát hơn so với những nghị quyết trước đó. Cả ba lần Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009 và 2013, Hội đồng bảo an đều ra những nghị quyết trừng phạt với mức độ tăng dần.[2] Được biết, nội dung chủ yếu của dự thảo này là cấm vận giao dịch thương mại và tài chính như các tàu thuyền Triều Tiên sẽ bị cấm nhập cảnh tất cả cảng trên thế giới. Ngoài ra, Mỹ đang xem xét phương án cấm vận nghiêm khắc như tẩy chay liên đới (Secondary Boycott), đã từng được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp dụng đối với I-ran. Tẩy chay liên đới là phương án cấm vận các doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ của nước thứ ba giao dịch với Triều Tiên cho dù các giao dịch này không liên quan đến hoạt động phát triển hạt nhân. Ngày 8/1/2016, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố lên án vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng khẳng định là thử bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Trong tuyên bố của của mình, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nêu rõ vụ thử hạt nhân trên vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và an ninh trên Bán đảo Hàn, đồng thời một lần nữa tuyên bố ủng hộ các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo này một cách hòa bình. AEAN kêu gọi Triều Tiên tuân thủ tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời tạo thuận lợi cho việc nối lại các vòng đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên để mở đường cho việc duy trì và củng bố hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.[3] Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ đáp trả thích hợp với bất cứ động thái khiêu khích nào của Bình Nhưỡng và Washington sẽ không công nhận nước này là quốc gia sở hữu hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Hàn-Mỹ đã có cuộc điện đàm tái khẳng định về cam kết của Mỹ giúp Hàn Quốc phòng thủ kiên cố. Hai bên cũng quyết định xúc tiến triển khai các loại vũ khí chiến lược tối tân của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Hiện tại, quân đội hai nước cũng đang xem xét phương án điều động hạm đội tàu sân bay chở hàng chục máy bay chiến đấu với một số tàu hộ vệ đi theo, và phương án di chuyển các máy bay ném bom chiến lược và máy bay ném bom tàng hình của Mỹ tới bán đảo Hàn Quốc.[4] Một trong những vũ khí chiến lược của Mỹ là máy bay ném bom tầm xa B-52 đã bay trên không phận bán đảo Hàn vào hôm 10/1 với nhiệm vụ bảo vệ Hàn Quốc. Được biết lần này Mỹ đã trang bị cả tên lửa hạt nhân cho máy bay B-52, nhằm cảnh cáo cứng rắn với ý đồ khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên sau vụ nước này thử nghiệm hạt nhân lần bốn vào hôm 6/1/2016. Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Harry Harris nhấn mạnh việc Washington triển khai B-52 trên bán đảo Hàn Quốc nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc bảo vệ vững chắc cho các nước đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản.[5] Lầu Năm Góc ngày 8/1/2016 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản, ông Gen Nakatani để thảo luận về vụ Triều Tiên thử hạt nhân, đồng thời tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo đảm an ninh cho Tokyo và các đồng minh trong khu vực.[6] Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vấn đề châu Á, ông Hugo Swire cho biết đã triệu Đại sứ Triều Tiên để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của London đối với vụ thử bom H của Bình Nhưỡng. Ông Swire cho biết thêm Anh ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên và gọi vụ thử bom của Bình Nhưỡng "là hành động vi phạm rõ ràng" các nghị quyết của Liên hợp quốc.[7] Ngày 8/1/2016 Thượng viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết cực lực phản đối Triều Tiên thử hạt nhân. Nghị quyết nêu rõ vụ thử này “đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với những nỗ lực quốc tế nhằm không phổ biến vũ khí hạt nhân" đồng thời khẳng định Nhật Bản "không bao giờ tha thứ cho hành động bạo lực này." Trong nghị quyết trên, Thượng viện Nhật Bản yêu cầu Triều Tiên từ bỏ toàn bộ các chương trình hạt nhân của nước này, chấp thuận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thanh sát và thực hiện các bước giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Hàn. Dù là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhật Bản sẽ dẫn đầu cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an để thông qua một nghị quyết trừng phạt mới chống Triều Tiên. Phát biểu tại phiên họp toàn thể Thượng viện, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ quyết tâm đề nghị Bình Nhưỡng từ bỏ "mọi loại vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện nay" đúng theo nội dung các nghị quyết đã thông qua của Hội đồng Bảo an. Thủ tướng Abe cũng gián tiếp cho biết, Tokyo có thể siết chặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Bình Nhưỡng. Ông khẳng định: "Nhật Bản sẽ đáp lại Triều Tiên một cách cứng rắn và quyết đoán, bao gồm cả việc cân nhắc áp đặt các biện pháp của riêng mình." Thượng viện cũng hối thúc Chính phủ thực thi các "biện pháp cứng rắn," kể cả lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, để giải tỏa lo ngại của công chúng về hành động khiêu khích mới nhất này của Triều Tiên, đồng thời giải quyết dứt điểm mọi vấn đề còn tồn tại liên quan đến sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980.[8] Chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ phản đối mạnh mẽ tuyên bố thử nghiệm hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bắc Kinh cho biết sẽ thực thi nhiệm vụ cần phải làm cùng với cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn. Tại cuộc họp báo ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này đã triệu một quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đến để giải thích chi tiết lập trường của Bắc Kinh về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo người phát ngôn trên, Trung Quốc quan ngại về diễn biến tình hình do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cho rằng hành động này của Triều Tiên "không có lợi cho sự phát triển bình thường của quan hệ song phương" giữa hai nước. Trước đó, bà Hoa Xuân Oánh ngày 6/1 đã tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng "tôn trọng cam kết phi hạt nhân hóa và dừng bất cứ hành động nào có thể làm tình hình xấu đi"[9] Nga kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và không có các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng tại Đông Bắc Á. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vào ngày 6/1. Quan chức Ngoại giao Nga nêu rõ, nếu thông tin Triều Tiên thử bom H được khẳng định thì đây là một bước mới của Bình Nhưỡng trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân và điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những hành động như vậy sẽ gây căng thẳng trên Bán đảo Hàn vốn đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột chính trị-quân sự rất cao. Tuy nhiên, quan chức Nga cũng cho rằng vụ thử này không nên được sử dụng làm cớ để gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Bán đảo Hàn mà cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.[10] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình[11]. Ngày 07/01/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này. Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016, vi phạm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.” Ngày 7/1/2016, Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc," nhấn mạnh hành động này của Bình Nhưỡng "không chỉ vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà còn làm xói mòn những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên." Chính phủ Australia cùng ngày đã "cực lực lên án" vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, coi đây là hành động làm tổn hại nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế về không phổ biến hạt nhân, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Chính phủ Australia cho rằng việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phổ biến những công nghệ nhạy cảm đe dọa hòa bình và an ninh của bạn bè và đối tác của Australia trong và ngoài khu vực. Australia sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Theo phóng viên TTXVN tại Sydney). Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende coi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là "mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu và cần bị lên án mạnh mẽ." Cộng hoà Séc cho rằng đây là hành động "đáng tiếc và vô trách nhiệm," đe doạ ổn định và hòa bình không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn toàn bộ khu vực. Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva cũng lên án vụ thử, bày tỏ hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn các động thái như vậy. Trong khi đó, Belarus hối thúc Triều Tiên đảm bảo thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng. Phản ứng trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Berlin tới để làm rõ các thông tin về vụ việc này. Theo Bộ Ngoại giao Đức, chưa có gì đảm bảo đúng là Triều Tiên đã tiến hành thử bom nhiệt hạch và cần chờ đánh giá từ các trạm đo đạc mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Từ New Dehli, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này đang đánh giá tuyên bố của Triều Tiên về việc thử bom nhiệt hạch trong ngày 6/1 và các thông tin liên quan. Ấn Độ lên án mạnh mẽ hành động này, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ từ các mối quan hệ phổ biến hạt nhân giữa các nước trong khu vực.[12] Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã có những hành động mạnh mẽ nhằm phản đối việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch, tuy nhiên đều cho rằng cần thận trọng về tính xác thực trong tuyên bố của Bình Nhưỡng. Võ Hải Thanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc [1] http://www.vietnamplus.vn/iaea-va-eu-quan-ngai-ve-tuyen-bo-thu-bom-h-cua-trieu-tien/364862.vnp [2] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_newsthema_detail.htm?No=10049622 [3] http://www.vietnamplus.vn/asean-ra-tuyen-bo-len-an-vu-thu-bom-nhiet-hach-cua-trieu-tien/365251.vnp [4] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?lang=v&id=In&No=30245¤t_page [5] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?lang=v&id=In&No=30263¤t_page= [6] http://www.vietnamplus.vn/my-dam-bao-an-ninh-cho-nhat-sau-khi-trieu-tien-thu-hat-nhan/365316.vnp [7] http://www.vietnamplus.vn/anh-trieu-dai-su-trieu-tien-de-phan-doi-vu-thu-bom-nhiet-hach/365108.vnp [8] http://www.vietnamplus.vn/asean-ra-tuyen-bo-len-an-vu-thu-bom-nhiet-hach-cua-trieu-tien/365251.vnp [9] http://www.vietnamplus.vn/cong-dong-quoc-te-tiep-tuc-chi-trich-trieu-tien-thu-bom-h/365100.vnp [10] http://www.vietnamplus.vn/nga-trieu-tien-vi-pham-nghi-quyet-lhq-neu-thu-bom-hat-nhan/364852.vnp [11] http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/ns160107153207 [12] http://www.vietnamplus.vn/video-cac-nuoc-hoai-nghi-ve-tuyen-bo-thu-bom-h-cua-trieu-tien/364930.vnp