CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO HÀN QUỐC: XÂY DỰNG NIỀM TIN Ở ĐÔNG Á
Đăng ngày:
“Niềm tin” đã trở thành một từ thông dụng cho tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và chính phủ của bà. Ngay cả trước khi nhậm chức vào tháng 2 năm 2013, tổng thống Park đã nêu ra những nguyên lý quan trọng của chiến lược xây dựng niềm tin nhằm cải thiện và duy trì ổn định quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản. Về cơ bản, chiến lược “trustpolitik” (chính trị niềm tin) gồm 3 lớp. Đầu tiên, Seoul xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhân và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Hàn. Thứ hai, tổng thống Park cũng đề xuất “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á” (NAPCI) để tạo sự tin tưởng và thúc đẩy hợp tác Trung – Nhật – Hàn. Cuối cùng, Hàn Quốc tăng cường quan hệ “sân sau” với các nước khác bao gồm thành viên ASEAN, Ấn Độ và châu Âu. Một năm kể từ khi tổng thống Park và chính phủ của mình thực hiện “chính trị niềm tin”, Hàn Quốc đã thắt chặt liên minh với Mỹ, cải thiện quan hệ với Trung Quốc và củng cố quan hệ với các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, sáng kiến xây dựng niềm tin với Triều Tiên chưa giúp thay đổi rõ rệt tình hình trên bán đảo, quan hệ với Nhật Bản vẫn còn khá nguội lạnh. Sự khác biệt này cho thấy, thành công của “chính trị niềm tin” phụ thuộc nhiều vào lợi ích của Hàn Quốc cũng như các nước láng giềng. Không có sự thay đổi trong các mối quan hệ trên bán đảo Hàn Tổng thống Park nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 2, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3. Trong tháng 3, máy bay ném bom tàng hình B-2 đã lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Đường dây nóng liên Triều bị ngắt và các hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong bị đình trệ một thời gian. Bất chấp sự bất ổn này, chính quyền Seoul vẫn kiên định “chính sách liên kết” của mình. Đó là, một mặt tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng nhưng mặt khác vẫn chừa lại cánh cửa đối thoại. Thực tế, ngay cả khi phản ứng mạnh mẽ trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên thì Hàn Quốc vẫn tiếp tục viện trợ nhân đạo và nhắc lại sự cởi mở sẵn sàng đối thoại của mình. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong là một phần của chiến lược “chính trị niềm tin”. Tuy đây là một chiến lược hợp lý nhưng cũng cần lưu ý rằng, về tổng thể cho đến nay vẫn chưa có điều gì thực sự thay đổi. Triều Tiên vẫn kiên quyết theo đuổi các chương trình hạt nhân, mức độ nguy hiểm trên bán đảo Hàn tiếp tục phụ thuộc vào những quyết định không thể lường trước của lãnh đạo Bình Nhưỡng. Điều này làm cho sự thành công của “chính trị niềm tin” khó có thể đoán được. Tuy nhiên, cách tiếp cận kép “cây gậy và củ cà rốt” có vẻ mang đến nhiều tác động tích cực hơn là gây tổn thương cho mối quan hệ liên Triều. Một chiến lược phù hợp có thể duy trì ổn định quan hệ song phương thậm chí cả khi Triều Tiên không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhưng quan hệ với Nhật Bản vẫn khá nguội lạnh Tổng thống Park cũng đã thông qua một phương pháp tiếp cận dựa trên lòng tin vào mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản. “Sáng kiến hòa bình và hợp tác khu vực Đông Bắc Á” (NAPCI) nhằm giải quyết “những nghịch lý của châu Á” đề cập đến sự gia tăng lệ thuộc kinh tế lẫn nhau nhưng lại suy giảm hợp tác chính trị an ninh giữa Trung- Nhật- Hàn. Tổng thống Park đề xuất trước hết nên hợp tác trên các lĩnh vực “nhẹ nhàng” như môi trường, an toàn hạt nhân và cứu trợ thiên tai. Một khi niềm tin đã được thiết lập thông qua những vấn đề này thì sẽ có thể mở rộng để giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Ở cấp ba bên, trong năm qua đã có các cuộc đối thoại và hợp tác về các vấn đề môi trường, văn hóa, an toàn hạt nhân, an ninh mạng, và thậm chí cả vấn đề quan hệ chính trị xấu đi. Cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn cũng đã bắt đầu. Đây là những bước phát triển tích cực báo trước cho quan hệ hợp tác khu vực sẽ mật thiết hơn. Ở cấp song phương, mối quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều thay đổi. Quan hệ với Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt so với chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Lee Myung-bak. Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Trung là một cột mốc trong quan hệ song phương vì cả hai nhà lãnh đạo cho thấy mối quan hệ cá nhân mật thiết và cùng cam kết mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ chiến lược xây dựng lòng tin của Seoul đối với Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Hai bên cũng nhất trí về mục tiêu một bán đảo phi hạt nhân. Tuy nhiên, đã phát sinh một trở ngại nhỏ trong quan hệ hai nước, do cuối năm 2013 hai bên đều công bố việc mở rộng vùng nhận diện phòng không. Sự phản ứng của hai nước về vấn đề này đều khá hạn chế và hội nghị song phương về chính sách đối ngoại và an ninh đối thoại được khai mạc vào cuối tháng 12 đã tái khẳng định hợp tác chung. Sự thay đổi này cho thấy Seoul và Bắc Kinh cam kết phát triển quan hệ song phương và triển vọng hợp tác Hàn – Trung trong năm tới rất tích cực. Không giống mối quan hệ Hàn-Trung, quan hệ Hàn-Nhật vẫn khá nguội lạnh do tranh chấp lãnh thổ. Vào tháng 5/2013, Tokyo đơn phương cử một phái đoàn đến Bình Nhưỡng mà không báo trước cho Seoul làm gia tăng cẳng thẳng trong quan hệ hai bên. Các sự cố này xảy ra do hai bên thiếu một hội nghị thượng đỉnh chính thức Nhật-Hàn kể từ khi chuyển giao lãnh đạo hai nước. Điều này dẫn đến việc tạm dừng một số chương trình cấp cao giữa hai bên. Trong lúc quan hệ Nhật-Hàn đang xuống thấp, sự xuất hiện của “Sáng kiến hợp tác Đông Bắc Á” đã gặp phải trở ngại. Có hai lý do có thể giải thích tại sao cho tới nay “chính trị niềm tin” đã không cải thiện được mối quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản. Thứ nhất, vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh hải là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng căng thẳng mỗi khi xảy ra các hành động mang tính “khiêu khích”. Nếu không giải quyết gốc rễ của vấn đề, sẽ không thể có nền tảng ổn định để xây dựng niềm tin. Thứ hai, tâm lý trong nước có thể đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo thông qua các chính sách đối ngoại dẫn đến tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ song phương. Ví dụ, theo cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu chính sách Asan, năm ngoái 85% người dân Hàn Quốc không tin tưởng Nhật Bản và 76,5% không thích thủ tướng Shinzo Abe. Đa số dư luận có thể đã dẫn dắt các nhà lãnh đạo Hàn Quốc giữ lập trường đối kháng với các hành động gần đây của thủ tướng Abe. Thắt chặt quan hệ với ASEAN Ngoài Đông Bắc Á, Tổng thống Park cũng thể hiện cam kết khi tranh cử của mình bằng việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN. Bà áp dụng một chiến lược tương tự như “Sáng kiến châu Á” của người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Tổng thống Park thường xuyên tham dự các cuộc họp cùng ASEAN, tham gia các hội nghị thượng đỉnh song phương với Việt Nam, Philipin, Indonesia, Brunei và Singapo, nơi các nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường quan hệ trên mọi mặt. Đáng chú ý, tổng thống Park cố gắng nhận được sự ủng hộ, ít nhất là bằng lời nói, cho chiến lược “chính trị niềm tin” đối với Triều Tiên từ các nước khu vực Đông Nam Á. Có ba vấn đề quan trọng đáng xem để đánh giá sự phát triển của chính trị niềm tin. Thứ nhất, việc Triều Tiên tử hình Jang Sung-taek vào cuối tháng 12/2013 làm dấy lên suy đoán về mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh và các chính sách ưu tiên của Kim Jong-un. Cho dù Triều Tiên thay đổi chính sách thành cứng rắn hay cởi mở thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược “chính trị niềm tin”. Thứ hai, sự năng động ở Đông Bắc Á cũng sẽ ảnh hưởng đến các sáng kiến xây dựng niềm tin của tổng thống Park. Quan hệ của Seoul với Bắc Kinh và Washington sẽ vẫn tiếp tục tăng cường trong khi quan hệ với Nhật Bản vẫn nguội lạnh, ít nhất trong thời gian ngắn sắp tới, do những tranh chấp lịch sử và lãnh hải. Khi Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ những lợi ích chiến lược, sẽ có cơ hội để cải thiện quan hệ song phương nếu hai nước lựa chọn tập trung vào hợp tác. Tranh chấp chính trị sẽ không thể tạo nền tảng cho xây dựng niềm tin. Đối với “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á”, để đạt được những tiến triển trong việc giảm bớt “nghịch lý ở châu Á”, trước tiên các bên tham gia cần phải nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương. Cuối cùng, với các nước ASEAN, tuy có thể không có vị trí quan trọng mang tính chiến lược như Trung Quốc và Nhật Bản nhưng Seoul công nhận sự ảnh hưởng ngày càng tăng của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Tăng cường quan hệ với ASEAN cũng có thể giúp đỡ trong việc xây dựng lòng tin với Triều Tiên, vì 10 nước ASEAN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Như vậy, mặc dù có nhiều thách thức ở khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng cường quan hệ với ASEAN trong thời gian tới. Kiều Dung (tổng hợp) Nguồn: http://maker.baidu.com/translate/22144/ http://www.e-ir.info/2014/02/06/south-koreas-foreign-policy-in-2013-building-trust-in-east-asia/