Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Xuất phát từ thực tiễn giải quyết vấn đề lao động việc làm trong nước và xét xu hướng phát triển chung của thị truờng lao động quốc tế, Bộ Chính trị đã có chỉ thị: “Cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác lâu dài với các nước. Trong xu thế hiện nay, khi thị trường lao động của nhiều quốc gia phát triển đang không ngừng được mở rộng, thì để thiết lập và xây dựng một thị trường lao động thiết nghĩ là không khó, nhưng khó khăn hơn nhiều có lẽ là việc phát triển nguồn nhân lực ra sao để có thể giữ vững và luôn luôn mở rộng được thị phần tại thị trường lao động đó. Mà những khó khăn chủ yếu ở đây tập trung vào chất lượng nguồn lao động làm sao để có thể cạnh tranh với lao động quốc tế. ở một thị trường lao động có nhiều thuận lợi như Hàn Quốc hiện nay, thì việc củng cố và mở rộng thị phần lao động phải được coi là một chiến lược quốc gia, trong đó có sự tham gia của tất cả các cấp quản lý, của nhiều tổ chức, bộ, ngành v.v...

Lao động phổ thông Việt Nam tại Hàn Quốc, bên cạnh các thế mạnh chủ yếu đã được nêu trên đây thì hạn chế cũng vẫn tồn tại, mà rõ nét nhất là hiện tượng vi phạm quy chế lao động, bỏ trốn hợp đồng. Xuất phát từ thực tế nghiên cứu nguồn nhân lực lao động phổ thông tại Hàn Quốc và nhu cầu lao động ở đây, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp, nhằm phát triển lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta để có thể đáp ứng được yêu cầu lao động tại Hàn Quốc trong thời gian tới.

1. Đối với các cơ quan chức năng tổ chức tuyển chọn và quản lý lao động:

* Về mặt cơ sở pháp lý cho hợp tác lao động Hàn Quốc:

- Trong điều kiện mới hiện nay, Việt Nam đã được chọn là một trong số 7 quốc gia để thực hiện chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc, thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, củng cố và nâng cao cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện đồng thời cả hai chương trình: Tu nghiệp sinh Công nghiệp và Hợp tác lao động nước ngoài; Kể từ 16/8/2004 Luật cấp phép lao động nước ngoài ở Hàn Quốc được thực thi, đòi hỏi phía Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xúc tiến ký kết hợp đồng Hiệp định hợp tác lao động, tạo nên cơ sở pháp lý cho việc tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới.

- Cần có sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước nhằm thống nhất giữa các bộ ngành hữu quan trong nước, xây dựng những văn bản pháp lý về tuyển chọn và đào tạo lao động nước ngoài nói chung và cho thị trường Hàn Quốc nói riêng một cách công khai, có tổ chức, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu và thế mạnh lao động của các địa phương; bổ sung cơ chế chính sách (trong đó có cả chính sách cho vay vốn đầu tư ban đầu cho người lao dộng) theo sự vận động của thị trường trong nước và Hàn Quốc, để tạo điều kiện cho việc tuyển chọn và đào tạo lao động có hiệu quả;

- Bộ LĐ-TB-XH cần phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng những văn bản pháp luật xử lý việc vi phạm pháp luật và hợp đồng lao động. Các văn bản này phải được đưa vào chương trình đào tạo và thông báo đến từng gia đình phái cử lao động trước khi thực hiện hợp đồng. Nếu lao động cố tình vi phạm quy chế và pháp luật sở tại thì gia đình và người vi phạm đều phải chịu trách nhiệm xử phạt bằng tài chính (tuy nhiên, những đề xuất này còn bị rằng buộc bởi những điều kiện tuyển chọn mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây).

* Về mặt tổ chức tuyển chọn lao động:

- Đây là một chiến lược quốc gia nên ngay trong việc tuyển chọn phải có sự tham gia của các bộ ngành đó là các Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT. Các cơ quan chức năng thực hiện tuyển chọn và đào tạo lao động cần phối hợp chặt chẽ với nhau ở tất cả các cấp, các ban ngành tạo điều kiện tối đa cho người lao động, coi quyền lợi của người lao động là cơ sở để có lợi ích quốc gia. Việc tuyển chọn lao động nhất thiết phải được một cơ quan nhà nước (hoặc một tổ chức phi lợi nhuận) thực hiện, tránh tình trạng gánh nặng tài chính quá lớn đối với người lao động, khi phải qua nhiều cầu cửa với các thủ tục hành chính rườm rà. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến một phần không nhỏ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc buộc phải trốn hợp đồng ở lại lao động bất hợp pháp để có thể hoàn lại vốn đầu tư ban đầu trước khi đi lao động.

- Cải cách các thủ tục hành chính về xác nhận tư cách, thân nhân, sức khoẻ, giảm thiểu tới mức tối đa những chi phí không cần thiết cho người lao động. Hiện nay, việc tuyển chọn lao động nước ngoài còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện để nhiều đối tượng thực hiện môi giới bất hợp pháp, làm nhiễu thông tin, có thể còn lừa đảo gây nhiều phiền hà cho việc tuyển chọn và cho bản thân người lao động. Việc vay vốn đầu tư ban đầu của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ khế ước, trong khi đó nhiều địa phương, nhiều gia đình có nhu cầu cung cấp lao động nhưng không có những điều kiện cần thiết về tài chính để thực hiện.

* Về đào tạo lao động cho Hàn Quốc: Hàn Quốc là một nước có nền công nghiệp phát triển cao nhưng lại có một lối quản lý doanh nghiệp hết sức đặc thù, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Nho giáo. Chính vì vậy mà việc đào tạo và chuẩn bị lao động cho thị trường Hàn Quốc cũng cần phải tính đến nét đặc thù nêu trên.

- Đối với lao động có tay nghề thì trước hết đó là việc đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho lao động với tinh thần “mang chuông đi đánh nước người” vì đã đến lúc lao động Việt Nam phải chấp nhận thi tuyển tay nghề và cạnh tranh với lao động quốc tế, chưa nói đến đặc thù là các doanh nghiệp Hàn Quốc đã quen với một cách đào tạo bài bản và yêu cầu chuyên môn cao. Đây là một thách thức lớn đối với lao động Việt Nam. Trước tình hình mới này Bộ GD-ĐT cần xây dựng các chương trình đào tạo một cách hệ thống, trên cơ sở nghiên cứu các định hướng ngành nghề của thị trường lao động Hàn Quốc trong từng thời điểm, nhằm chuẩn bị sẵn nguồn lực cho các chương trình tuyển chọn lao động, khi phía Hàn Quốc có nhu cầu.

- Ngoài ra, việc trang bị những hiểu biết về pháp luật, về quy chế lao động, lối sống văn hoá, tập quán sinh hoạt và ngoại ngữ là một điều vô cùng cần thiết. Hiện nay, các công ty được uỷ quyền phái cử vẫn đang thực hiện kế hoạch tập trung các ứng viên đi lao động để học tập trong vòng vài ba tháng trước khi đi lao động. Thiết nghĩ, thời gian như vậy là quá hạn chế đối với một chương trình học tập cả pháp luật, quy chế lao động, văn hoá và ngoại ngữ, chưa nói đến việc đối tượng dạy học chủ yếu là những người có trình độ trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, với thời gian như vậy, việc học tập cũng chỉ là hình thức. Đây cũng là nguyên nhân của sự thiếu hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, gây ra những xung đột văn hoá mà nhẽ ra không xảy ra tại một môi trường làm việc như ở Hàn Quốc.

- Nếu là đối tượng lao động phổ thông thì việc chuẩn bị cho lao động ý thức chấp hành pháp luật và tác phong công nghiệp phải để lên hàng đầu. Lao động Việt Nam không thể mang tác phong làm việc tuỳ tiện theo lối tư duy nông nghiệp cố hữu của mình vào một nền kinh tế công nghiệp hiện đại với tính chuyên môn hoá và kỷ luật cao như ở Hàn Quốc. Nếu chỉ ỷ lại vào sự cần cù, chịu khó và khéo tay thì lao động ta sẽ chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của những doanh nghiệp nhỏ và mãi mãi chỉ bó gọn trong các lĩnh vực 3D mà lao động bản địa không muốn làm. Trong trường hợp này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm đào tạo lao động của Indonesia: trước khi thực hiện hợp đồng, lao động phổ thông quốc gia này đã ít nhất có 6 tháng chịu kỷ luật sắt như trong quân đội, vì vậy tỷ lệ vi phạm pháp luật của Indonesia ở Hàn Quốc là thấp nhất.

- Tiếp theo là việc trang bị cho lao động những hiểu biết về văn hoá ứng xử của Người Hàn và cùng với nó là tiếng Hàn. Chương trình đào tạo ngoại ngữ và văn hoá của Tổng Cục dạy nghề biên soạn mà các công ty tuyển chọn lao động đang sử dụng hiện nay còn quá sơ sài để lao động có thể giao tiếp với người Hàn Quốc cũng như có được những ứng xử đúng chuẩn mực. Nên chăng, Tổng Cục dạy nghề (Bộ GD-ĐT) cần chuẩn bị một bộ giáo trình đào tạo lao động có hệ thống?

2. Đối với người lao động:

Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo và sự cởi mở về chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tuyển chọn lao động, thì sự nỗ lực tự giác trong việc tự hoàn thiện mình của người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng.

- Lao động trong độ tuổi trước hết phải chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của mình là điều cần thiết, dù đó chỉ là lao động chân tay thuần tuý. Với một tay nghề vững và chỉ cần thêm một chút vốn ban đầu, lao động phổ thông có thể tham gia những hợp đồng lao động nước ngoài trên các lĩnh vực như: xây dựng, nông nghiệp dịch vụ, công cộng và lâm nghiệp v.v… ở Hàn Quốc.

- Nếu người lao động không tự rèn luyện mình ý thức chấp hành pháp luật và quy chế lao động của nước sở tại, không ý thức được bản thân từng người lao động là một nhân cách đại diện cho quốc gia và mỗi việc làm vi phạm pháp luật của mình đều “con sâu bỏ rầu nồi canh” và đều ảnh hưởng đến các lợi ích cộng đồng và quốc gia khác, thì không thể có một cơ quan tuyển chọn, một cơ sở đào tạo nào có thể tạo cho người lao động những phẩm chất cần thiết để thực hiện những hợp đồng lao động có hiệu quả.

Những người được lao động tại thị trường Hàn Quốc là một sự may mắn hơn rất nhiều thị trường lao động khác. Bởi trước hết công việc luôn luôn được đảm bảo và không bao giờ bị mất việc hoặc bị hết việc nếu người lao động không vi phạm pháp luật và quy chế. Với sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, mọi quyền lợi của người lao động luôn luôn được đảm bảo, lại thêm vào đó là bản tính nhân hậu, đề cao các giá trị nhân văn của người Hàn Quốc là chỗ dựa tinh thần quý giá cho mỗi lao động ở đây. Sau thời gian thực hiện hợp đồng, chắc chắn mỗi lao động không chỉ tích luỹ được cho mình những nguồn lợi vật chất không nhỏ, mà còn được trang bị cả kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm quản lý, tư duy và tác phong công nghiệp và cả bản tính nhân văn, những yếu tố cần thiết để mỗi công nhân khi trở về nước có thể vững vàng trên vị trí người lao động mới của mình. Nếu mọi người lao động ở Hàn Quốc đều ý thức được rằng chỉ tiêu và cơ cấu ngành nghề của Chính phủ Hàn Quốc hàng năm vẫn đang mở rộng hơn cho lao động phổ thông Việt Nam và đó là sự ưu ái chung đối với cả sự phát triển chung của quốc gia, thì chắc chắn những trường hợp trốn hợp đồng cũng sẽ không còn là phổ biến như hiện nay, điều đó trước hết phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân người lao động và sự giáo dục của gia đình phái cử lao động.

Thực hiện: TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc- Viện nghiên cứu con người

Biên tập và chỉnh sửa: nhóm website (tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa)

Nguồn: TCNCĐBA 204

Scroll To Top