Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM TẠI THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Đặc biệt, nhu cầu thu hút lao động nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải và các ngành kỹ thuật cao như: công nghệ tin học, thương mại điện tử, sinh học, môi trường v.v... đang ngày một tăng lên trong thời điểm hiện nay, do vậy mà cơ cấu hợp tác lao động của Hàn Quốc cũng đang không ngừng được mở rộng.

Để đáp ứng một phần nhu cầu lao động phổ thông cho trên 2,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, chương trình Tu nghiệp sinh Công nghiệp được Chính phủ Hàn Quốc triển khai thực hiện trong vòng hơn chục năm nay và đã tiếp nhận lao động dưới hình thức đào tạo Tu nghiệp sinh (TNS) này từ 15 quốc gia châu á: Bangladesh, Cambodia, China, Indonesia, Iran, Kazatan, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philpipine, Sri Lanka, Uzbekistan, Việt Nam, Thái Lan vào thị trường lao động Hàn Quốc.

Ban đầu chương trình có quy định chung là tổng thời gian tu nghiệp là 3 năm, trong đó 2 năm đầu lao động phổ thông được tu nghiệp và sau một kỳ kiểm tra đánh giá tay nghề và tiếng Hàn của TNS, họ sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo và được 1 năm cuối trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất để nâng cao tay nghề tại các lĩnh vực mà họ được trang bị kiến thức. Từ tháng 12/2001 chương trình này có thay đổi về thời gian tu nghiệp giảm xuống chỉ còn 1 năm và sau đó họ được tuyển dụng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm việc thêm 2 năm. Quy định mới này đã được thực thi từ 18/4/2002 cho đến nay. Sau khi hết hạn hợp đồng 3 năm, TNS nhất thiết phải trở về nước. Chỉ trong điều kiện đó lượt TNS mới hoặc những TNS cũ muốn tiếp tục tham gia hợp đồng tiếp theo mới được trở lại Hàn Quốc nếu được công ty tuyển dụng lao động của các quốc gia phái cử và các doanh nghiệp Hàn Quốc chấp nhận. Với tổng số chỉ tiêu phân bổ cho các công ty phái cử từ 15 quốc gia nêu trên, số lượng TNS được bổ sung, thay thế và nhập cảnh Hàn Quốc chỉ sau khi số lao động trước đó hoàn thành chương trình tu nghiệp và về nước với mức tối đa đúng với chỉ tiêu trần đã phân bổ.

Tu nghiệp sinh Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình TNS Công nghiệp. Thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (KFSB) của Hàn Quốc, trong hơn 10 năm qua 8 công ty được uỷ quyền phái cử của Việt Nam gồm VINACONEX, SOVILACO, LOD, SULECO, TRACIMEXCO, OLECO, TRACODI và IMS đã và đang thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và đưa người lao động với trình độ phổ thông sang tu nghiệp các nghề sản xuất chế tạo và nông nghiệp dịch vụ khác nhau tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc với tổng chỉ tiêu trần là 18.770 người. Tính theo chỉ tiêu chung mà Hàn Quốc phân bổ cho các quốc gia, Việt Nam được là quốc gia có số lượng TNS đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia trong số 15 quốc gia có phái cử lao động phổ thông đến thị trường này. Hiện nay, lao động phổ thông Việt Nam ở Hàn Quốc có khoảng trên 20.000 (tính cả lao động bất hợp pháp).

Một thực trạng là lao động nước ngoài bất hợp pháp cũng gây ra những bất ổn đáng kể cho thị trường lao động Hàn Quốc. Với một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thị trường lao động Hàn Quốc đang ngày một được mở rộng, số TNS đã hết hạn hợp đồng thấy vẫn có thể xin được việc làm, họ không chịu về nước, tiếp tục sống và làm việc bất hợp pháp ngày càng tăng. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Lao động Hàn Quốc, đến những tháng đầu năm 2004, tổng lao động nhập cư tại Hàn Quốc khoảng trên 400.000 người, trong đó chiếm tới khoảng 300.000 lao động bất hợp pháp (chiếm tới trên 73%). Việt Nam cũng có tỷ lệ lao động bỏ trốn hợp đồng để đi làm ngoài khá cao tới 59,25% .

Năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc dự tính sẽ bổ sung cho thị trường lao động của mình khoảng 79.000 người, trong đó lao động Việt Nam sẽ được tuyển dụng là 3.730 người. Trước mắt, trong năm nay chỉ tiêu 23.000 lao động phổ thông sẽ chuyển cho chương trình TNS Công nghiệp tuyển dụng từ 15 quốc gia phái cử và trong số đó, Việt Nam được nhận chỉ tiêu 810 người. Hiện nay 8 công ty trên của Việt Nam đang thực hiện tuyển dụng và đào tạo tại chỗ trước phái cử, để chuẩn bị chuyển số TNS này cho các công ty đối tác Hàn Quốc tiếp nhận. Việc đào tạo và tiếp nhận TNS sẽ được thực hiện từ giờ cho đến cuối năm 2004.

Hiện nay, lực lượng lao động phổ thông nước ngoài đang tham gia vào quá trình sản xuất của Hàn Quốc đã đáp ứng được phần cơ bản về thiếu hụt nhân lực trong các ngành sản xuất 3D kể trên. Thực tế cho thấy, trong vòng hơn 10 năm qua chương trình TNS Công nghiệp đã đóng góp một phần đáng kể vào việc mở rộng thị trường lao động và đẩy mạnh nền kinh tế của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thị trường lao động Hàn Quốc vẫn đang ngày một mở rộng theo cơ cấu công nghiệp chế tạo, xây dựng và công nghệ cao. Chính vì vậy, song song với chương trình TNS Công nghiệp, ngày 31/7/2003 Quốc hội Hàn Quốc thông qua Luật cấp phép cho lao động nước ngoài (Emploiment Permit Act) và sau khi được Tổng thống đã phê chuẩn, ngày 16/8/2003, Chính phủ Hàn Quốc đã công báo Luật này. Sau một năm công bố Luật chính thức sẽ có hiệu lực và được đưa vào thực thi song song với chương trình TNS công nghiệp. Theo quy định của chương trình này, lao động nước ngoài sẽ được tuyển dụng theo từng lĩnh vực mà các doanh nghiệp đăng ký bằng thi tuyển tay nghề do doanh nghiệp trực tiếp tuyển đúng với yêu cầu sản xuất và đặc thù nghề nghiệp của mình. Trong đó, lao động nước ngoài sẽ được làm việc trong cùng một điều kiện, với cùng một yêu cầu, được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như lao động bản địa.

Để giải quyết hiện trạng lao động bất hợp pháp tồn lại từ chương trình TNS Công nghiệp, cũng như để chấn chỉnh lại việc quản lý lao động một cách có quy củ và hệ thống, ngay sau khi Luật cấp phép cho lao động nước ngoài mới ra đời, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách đăng trình đối với lao động bất hợp pháp nước ngoài có thời gian cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc dưới 4 năm (tính từ ngày nhập cảnh đến 31/3/2003). Sau khi đăng trình tại Bộ Lao động và Bộ Tư pháp Hàn Quốc trước 15/11/2003 và về nước để nhận thị thực tái nhập cảnh, lực lượng lao động này sẽ được hợp pháp hoá tư cách lao động và được tiếp tục làm việc với tổng thời gian là 5 năm (tính cả thời gian bất hợp pháp trước đó). Trong việc thực hiện chính sách đăng trình này, trong số 14.770 lao động bất hợp pháp Việt Nam đã có tới trên 11.000 lao động phổ thông Việt Nam (có thời hạn cư trú bất hợp pháp trên 3 năm và dưới 4 năm) được hợp thức hoá, chiếm tỷ lệ 75%.

Trong không khí chung chuẩn bị thực thi Luật cấp phép cho lao động nước ngoài và triển khai Chương trình hợp tác lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng được chọn là một trong 7 quốc gia thực hiện chương trình này, các cơ quan hữu quan hai nước đang chuẩn bị mọi mặt để ký kết hợp đồng và tổ chức triển khai tuyển chọn trong thời gian gần nhất. Đối với lao động phổ thông Việt Nam, đây vừa là một cơ hội để học hỏi, nâng cao tay nghề và hội nhập kiến thức, tuy nhiên đây cũng là một thách thức lớn, vì người lao động Việt Nam sẽ phải chấp nhận thi tuyển một trình độ cùng với lao động của các quốc gia khác, với những đòi hỏi về tay nghề đặc thù và phẩm chất theo yêu cầu sản xuất của từng doanh nghiệp.



Thực hiện: TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc- Viện nghiên cứu con người

Biên tập và chỉnh sửa: nhóm website (tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa)

Nguồn: TCNCĐBA 0204

Scroll To Top