HÀN QUỐC VÀ TRUNG QUỐC CHÍNH THỨC KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO SONG PHƯƠNG (FTA)
Đăng ngày:
1. Tiến trình đàm phán ký kết Hàn Quốc và Trung Quốc bắt đầu xem xét đến khả năng tiến hành một hiệp định thương mại tự do song phương vào năm 2004 và bắt đầu thực hiện một nghiên cứu khả thi chung vào năm 2005-2006, nhưng chỉ dưới hình thức là một nghiên cứu chung của khối tư nhân. Đến cuối 2006 mới chính thức thực hiện một nghiên cứu khả thi chung giữa hai chính phủ bao gồm các quan chức, các nhà nghiên cứu và các doanh nhân. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 3/2007. Đến tháng 5 năm 2012, những đàm phán giữa Chính phủ hai nước mới chính thức bắt đầu. Đến tháng 11 năm ngoái, Seoul và Bắc Kinh đã đạt được những nhất trí cuối cùng tiến đến ký tắt văn bản hiệp định này vào ngày 25/2/2015. Vào ngày 1/6/2015, Hàn Quốc và Trung Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), một bước tiến nữa hướng đến việc thực hiện thỏa thuận thương mại lớn và cùng có lợi. Cùng với việc đặt bút ký vào văn bản chính thức lần này, sau khi được Quốc hội hai nước phê chuẩn, FTA Hàn-Trung sẽ chính thức bắt đầu có hiệu lực 60 ngày sau khi hai nước gửi công văn thông báo cho nhau (dự kiến là vào cuối năm nay - 2015). Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick và người đồng cấp Trung Quốc Cao Hổ Thành, những người đặt bút ký văn bản trên cho biết, hiệp định này sẽ không chỉ góp phần mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư song phương mà còn tạo cơ sở cho sự hợp tác mà thông qua đó chính phủ và doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm những động lực tăng trưởng chung mới. 2. Một số nội dung chính, kỳ vọng & dự báo tác động FTA Hàn – Trung là một trong những FTA song phương lớn nhất của Hàn Quốc cho đến nay, bên cạnh các FTA Hàn – Mỹ, Hàn Quốc – EU,… Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch song phương hai nước đạt 235,3 tỷ USD năm 2014. Hàn Quốc cũng là một trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, với 1,6 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc trong quí I/2015. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới của Hàn Quốc, chiếm hơn 25% (145,28 tỷ USD) trong tổng xuất khẩu (572,66 tỷ USD) của Hàn Quốc năm 2014. Thị trường quốc gia lớn thứ hai của Hàn Quốc là Mỹ chiếm 11% và Nhật Bản chiếm 6%. FTA này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng giá trị thương mại hai bên lên hơn 300 tỷ USD, tăng 39,5% so với mức 215,1 tỷ USD của năm 2012. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, sau 10 năm thực hiện, FTA trên sẽ tăng GDP của Hàn Quốc thêm 0,96% và tạo thêm khoảng 53.800 việc làm mới cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Đối với Trung Quốc, FTA này cũng đem lại những lợi ích tương tự. FTA Hàn – Trung sẽ giúp các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường Trung Quốc. Hiệp định này sẽ bãi bỏ thuế trên 71% hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc trong 10 năm và 91% trong vòng 20 năm. Hàn Quốc đáp lại sẽ bãi bỏ thuế trên 79% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong 10 năm và 92% trong 20 năm. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng đã loại trừ một số hàng hóa nông sản và đánh cá chủ yếu của Hàn Quốc như gạo, thịt bò, thịt lợn, hạt tiêu và mực ống. Trung Quốc cũng né tránh và trì hoãn việc mở cửa khu vực chế tạo như ngành ô tô và sản xuất màn hình phẳng. Đàm phán FTA Hàn – Trung được bắt đầu từ tháng 5/2012 và thường xuyên bị biểu tình phản đối bởi các nông dân Hàn Quốc do mối lo ngại về hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, trong khi các nhà kinh tế cũng lo lắng về tác động xấu của nó. Theo chính phủ Hàn Quốc, 310 sản phẩm từ khu công nghiệp Gaeseong (giữa Hàn Quốc và Triều Tiên) sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ việc cắt giảm hay loại bỏ thuế nhập khẩu của Trung Quốc. Hai nước sẽ bổ sung thêm một điều khoản ngưng trệ mới trong hiệp định song phương để bảo vệ lĩnh vực chăn nuôi và áp dụng thuế hải quan mới đối với các sản phẩm và dịch vụ. Thông qua FTA này, Hàn Quốc sẽ thâm nhập tốt hơn và thiết lập một môi trường kinh doanh tốt hơn tại Trung Quốc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và viễn thông. Hai nước cũng cam kết đối xử ưu đãi lẫn nhau đối với các công ty tài chính và thiết lập một ủy ban mới để cùng giải quyết mọi vấn đề kinh doanh của các công ty. Đảm bảo không phân biệt đối xử trong việc thâm nhập mạng lưới viễn thông của các công ty của mỗi nước. Hơn nữa, chính phủ Hàn Quốc cũng đảm bảo với nông dân trong nước về 596 trong số 2.240 sản phẩm nông – ngư nghiệp hiện đang nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được miễn trừ đặc biệt khỏi danh mục tự do hóa này, cùng với 16 hạng mục khác bao gồm cả gạo cũng đã được miễn trừ ngay từ khi đàm phán ban đầu. Dự báo kỳ vọng, FTA Hàn – Trung sẽ thúc đẩy mậu dịch song phương hàng năm giữa hai nước lên mức 300 tỷ USD, tăng 21,54% từ mức 235,36 tỷ USD năm 2014. Hiệp định này sẽ làm tăng phạm vi trao đổi mậu dịch của Hàn Quốc với các nước và khu vực trên thế giới, chiếm khoảng 73% GDP toàn cầu từ mức 61% hiện nay. Trong một bức thư gửi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng FTA giữa hai nước sẽ đóng góp nhiều cho nỗ lực hội nhập kinh tế ở Đông Á. Việc ký kết FTA là một sự kiện mang tính biểu tượng, không chỉ tạo ra một bước nhảy vọt mới trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn mang đến cho người dân hai nước những lợi ích thiết thực. Về phần mình, bà Park cũng cho rằng việc này sẽ tạo ra nhiều cơ hội và mang lại cho người dân và doanh nghiệp hai nước nhiều lợi ích, trở thành một cột mốc lịch sử trong nỗ lực của hai nước trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cảnh báo rằng, FTA Hàn - Trung cũng đồng nghĩa với việc sự lệ thuộc vào hàng hóa từ nước láng giềng này sẽ dần tăng lên và điều đó là không hợp lý. Seoul không được phép quá hài lòng với những gì mà FTA này mang lại trước mắt. TS. Võ Hải Thanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Nguồn: 1. http://keia.org/publication/impacts-and-main-issues-korea-china-fta 2. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_hotissue_detail.htm?No=10040574 3. http://www.mofat.go.kr/ENG/policy/fta/status/negotiation/china/index.jsp?menu=m 4. http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20150601001162 5. http://vi.rfi.fr/chau-a/20150601-trung-%E2%80%93-han-chinh-thuc-ky-hiep-dinh-tu-do-mau-dich/ 6. TTXVN/Tin tức