Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT VÀI ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC CHUYÊN GIA HÀN QUỐC VỀ CHÍNH SÁCH THAY ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN KINH TẾ HÀN QUỐC (Phần 2)

Đăng ngày:

Còn về mặt tái cấu trúc cơ cấu, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn mục tiêu trọng tâm là cải cách cơ cấu về mặt cung cấp được chỉ ra trong học thuyết kinh tế mới Likonomics[1] và xúc tiến thực hiện các chính sách có liên quan như loại bỏ các thiết bị dư thừa công suất và giảm tỷ lệ doanh nghiệp quốc doanh.

Trung Quốc đang nỗ lực giảm thiểu các thiết bị dư thừa công suất với trọng tâm là các ngành công nghiệp có tỷ lệ vận hành máy móc liên tục giảm. Nước này cũng chỉ ra các ngành công nghiệp có thiết bị dư thừa công suất tiêu biểu, như ngành sản xuất thép, kim loại màu, than, xi măng v.v.. và tỷ lệ vận hành máy móc của những ngành công nghiệp này đã giảm xuống trên dưới 85% ,  cần can thiệp thêm để đưa nó về tỷ lệ hợp lý, thông thường là ít hơn 80%.

Gần đây, vào tháng 10 năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đã chỉ ra những ngành công nghiệp năng suất dư thừa tiêu biểu và tuyên bố đưa ra bản đồ giảm thiểu năng suất của các thiết bị dư thừa công suất trong vòng 5 năm tới của các ngành như thép, xi măng, nhôm điện phân, kính phẳng và công nghiệp đóng tàu cũng như áp dụng các quy định xử lý như áp đặt các hạn chế và quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Ngoài ra, khi cân nhắc các đặc tính nổi trội của chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalisim)*, ta thấy, để đạt hiệu quả kinh tế cao, Trung Quốc cần tiền hành các quy định khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thâm nhập và đầu tư vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước độc quyền, đồng thời, nỗ lực đưa tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước xuống thấp hơn. Có thể nói, Quốc vụ viện Trung Quốc đang tiến hành quy định tăng cường đầu tư tư nhân như giảm tỷ lệ vốn sớ hữu nhà nước trong các doanh nghiệp quốc doanh, cụ thể hóa phạm vi mà vốn tư nhân có thể rót vào, giảm rào cản gia nhập các lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin, đường sắt , điều này đã khiến tỷ lệ phần vốn tư nhân trong lĩnh vực đầu tư vào tài sản cố định tăng nhanh kể từ năm 2011.

Đồng thời, để nâng cấp và cải tiến cơ cấu công nghiệp, Trung Quốc cần xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến môi trường cũng như hạn chế và rút dần ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường v.v..

Vào tháng 1 năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành "Luật xúc tiến kinh tế lưu thông”, tiến hành kiểm soát và quản lý tập trung chủ yếu vào vấn đề gây ô nhiễm môi trường, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng.  Số tiền đầu tư xử lý ô nhiễm liên quan trong  năm 2001 là 110 tỷ 7 trăm triệu nhân dân tệ đã tăng nhanh từ sau năm 2006 và đến năm 2011, số tiền này đã tăng gấp 5 lần và đạt con số là 659 tỷ 3 trăm triệu nhân dân tệ.

Thêm vào đó, Bộ Thông tin công nghiệp của nước này hàng năm đều đặt ra mục tiêu về số lượng thiết bị cũ kỹ cần thanh lý và tập trung vào đối tượng là các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra danh sách các công ty cần giải thể. Vào năm năm 2013, Trung Quốc đã công bố số lượng các thiết bị cũ kỹ, đối tượng cần thanh lý của 19 ngành công nghiệp như 10 triệu 440  nghìn tấn thép, 73 triệu 450 nghìn tấn xi măng, 4 triệu 550 nghìn tấn giấy công nghiệp và đưa ra danh sách các công ty cần giải thể 3 lần trong năm đó lần lượt vào tháng 7, tháng 9 và tháng 10.

Đồng thời, vào tháng 9 năm 2013, Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp khuyến khích cho các ngành công nghiệp có liên quan như chính sách hỗ trợ tiền để mua xe điện  thân thiện với môi trường sinh thái (từ 35 nghìn nhân dân tệ đến 60 nghìn nhân dân tệ) vốn hết hạn vào năm 2013 đã được gia hạn thêm đến năm 2015, đồng thời,  việc mua tới 30% dòng xe sử dụng năng lượng mới như xe ô tô điện hay xe hơi hybrid  sử dụng cho công vụ được coi là bắt buộc v.v..

Ngoài ra, theo ý kiến ​​về hỗ trợ tài chính cho chuyển dịch và nâng cấp cơ cấu kinh tế, tháng 7 năm 2013, các ban ngành liên quan như Quốc vụ viện Trung Quốc v.v.. đang tăng cường hỗ trợ tài chính để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhờ sự phân biệt khoản cho vay đối với ngành công nghiệp có thiết bị dư thừa công suất nên đã dẫn đến sự sàng lọc tự nhiên, đồng thời, thông qua việc phát triển ba loại bảo hiểm nghĩa vụ dành cho nông nghiệp và việc cải thiện môi trường sử dụng thẻ tín dụng,nước này cho biết khả năng sử dụng tín dụng của người tiêu dùng gia tăng cũng như mở rộng khả năng thâm nhập của vốn tư nhân  vào công ty tài chính. Đồng thời, theo báo cáo tiến hành chính sách tổng hợp quý 2/4 năm 2013 phát hành ngày2/8/2013, Ngân hàng Nhân dân cũng nhấn mạnh rằng, cần hạn chế các khoản cho vay đối với ngành công nghiệp có thiết bị dư thừa năng suất.

Tóm lại, có thể nói, việc thay đổi mô hình tăng trưởng đã bắt đầu ở Trung Quốc từ năm 2006 và sau đó, khi xem xét 5 hạng mục trong số 13 chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả xúc tiến các chính sách như tăng thu nhập, khoảng cách giữa thu nhập và tiêu dùng, lĩnh vực bất động sản và an sinh xã hội, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp v.v.., kết quả đánh giá cho thấy một số nội dung cải thiện rõ rệt như thu nhập ở khu vực nông thôn tăng lên, tăng thu chi tài chính liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội.

Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự tốt như mong đợi trong các lĩnh vực như phân phối và gia tăng thu nhập, giá nhà đất, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp v.v.. Do đó, Trung Quốc vẫn cần phải tiếp tục thúc đẩy các chính sách trong những lĩnh vực kể trên trong thời gian tiếp theo, đặc biệt, việc giảm thiểu những vấn đề phát sinh do giảm phát trong quá trình thực hiện giai đoạn tăng trưởng bền vững và việc duy trì các biện pháp cải cách nhất quán với nhau vẫn được coi là những mục tiêu rất quan trọng của quốc gia này.

Ngoài ra, là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới cũng như đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, sự thành bại của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không chỉ là nền tảng cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững của Trung Quốc trong tương lai mà còn được dự báo là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Hàn Quốc cũng như của thế giới. Tuy Hàn Quốc thu được 1,7 lần tổng thặng dư thương mại từ Trung Quốc, nhưng 52% lượng hàng xuất khẩu sang nước này là các hàng hóa trung gian, dựa vào thương mại gia công. Nếu Bắc Kinh thay đổi trọng tâm chính sách kinh tế, hướng vào thúc đẩy tiêu thụ nội địa và kinh tế trong nước thì Seoul dự kiến sẽ gặp khó khăn. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển Hàn Quốc, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1% thì kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại 0,17%.

Đồng thời, Hàn Quốc đã và đang duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, tận dụng thị trường rộng lớn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất của mình và chiếm lĩnh thị phần. Hàn Quốc có thể phát triển nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong suốt thế kỷ XXI là do có được thặng dư thương mại với thị trường lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tuyên bố duy trì tăng trưởng chỉ còn 7% lần này chính là tín hiệu đáng báo động cho kinh tế Hàn Quốc. Trên thực tế, khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại vào năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc sụt giảm 0,4%. Nếu tiếp tục đà này, rõ ràng Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng.

Nhưng “khủng hoảng” luôn chứa đựng cả rủi ro và cơ hội.Thay vì các chính sách kinh tế đã làm nên tốc độ tăng trưởng thần kỳ trước đây, Trung Quốc giờ đây đang hướng vào “nâng cao chất lượng và hiệu quả”. Kể từ năm 2013 ngành công nghiệp dịch vụ (gồm tri thức, công nghệ thông tin và nhân lực) đã thay thế ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất và là động lực tăng trưởng mới của Trung Quốc. Ngành công nghiệp tiêu dùng và dịch vụ đang dẫn đầu tăng trưởng của quốc gia, cứ 1% tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tạo ra 1,4 triệu việc làm. Điều đó có nghĩa Trung Quốc có thể tạo ra đủ việc làm mà không phải gánh chịu những rủi ro từ các chính sách xuất khẩu và đầu tư. Và các lĩnh vực mới như thiết bị y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giáo dục sẽ ra đời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Mô hình “Tân thường thái” (Trạng thái bình thường mới) của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở tăng trưởng chậm hay kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nó còn có nghĩa là sự đổi mới trong phương thức hoạt động kinh tế sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống điều hành nhà nước, giúp Trung Quốc chuẩn bị cho tương lai. Kế hoạch nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới của Trung Quốc như công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến, hay năng lượng thay thế cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc. Cụ thể khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, Chính phủ nước này tung ra những dự án đô thị hóa mới và đầu tư mạnh tay vào các mô hình phát triển tuần hoàn như kế hoạch bảo tồn năng lượng, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường và các-bon thấp. Những dự án này cuối cùng sẽ tạo ra nhiều hơn các sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường, tăng nhu cầu sử dụng xe điện hay pin nhiên liệu cũng như các nồi hơi dùng trong công nghiệp hoặc trong gia đình. Bên cạnh đó, các nhu cầu về dịch vụ y tế cũng tăng lên. Do GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt mức 7.500 USD, các doanh nghiệp của Hàn Quốc thuận lợi hơn khi tiến vào các lĩnh vực thương mại điện tử, internet di động, nhà thông minh sử dụng công nghệ mạng internet của đồ vật IoT, rô-bốt và công nghệ điện toán đám mây ở thị trường này.
Những biến đổi về kinh tế Trung Quốc trong 10 năm tới đây, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến cũng sẽ phần nào làm thay đổi tương lai của kinh tế Hàn Quốc. Thời đại mới của quốc gia láng giềng này vừa là thách thức và cũng là cơ hội cho Hàn Quốc. Vì vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc nên có các biện pháp phù hợp để tận dụng tối đa những chính sách kinh tế mới của Trung Quốc.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tổng thuật theo nguồn:

Tình hình tiến hành chính sách để thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc và đánh giá kết quả đạt được, Han Chae Hyeon, Trưởng phòng đội kinh tế phòng Kinh tế quốc tế Cục điều tra, đăng trên báo Xem xét lại nền kinh tế thế giới của Ngân hàng Hàn Quốc  ngày 11/5/2013.

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?No=4849

 

 

 

 



[1]Học thuyết Likonomics” được gọi với cái tên mỹ miều “thuyết kinh tế học Lý Khắc Cường” do các nhà kinh tế học gán cho các chiến lược kinh tế mà thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất, “Likonomics” gồm 3 mục tiêu: không kích thích kinh tế(No stimulus), Giảm nợ(Deleveraging) và cải cách cơ cấu(Structural Reform)


Scroll To Top