Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT VÀI ĐÁNH GIÁ CỦA CÁC CHUYÊN GIA HÀN QUỐC VỀ CHÍNH SÁCH THAY ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN KINH TẾ HÀN QUỐC (Phần 1)

Đăng ngày:

Kể từ khi cải cách và mở cửa (từ 1979 đến 2012), nền kinh tế của Trung Quốc  đã đạt ở mức cao với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 9,9%. Đồng thời, Trung Quốc đã trở thành điển hình về mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, với những lợi thế rất lớn về các nhân tố như lao động, tài nguyên, qua đó, thu hút được vốn và động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, nước này đã có nhiều vấn đề tồn đọng và phát sinh do quá trình tăng trưởng cao về lượng như ô nhiễm môi trường, sự bất bình đẳng về thu nhập, sự mất cân đối giữa các khu vực ngày càng nghiêm trọng, vấn đề trang thiết bị sản xuất có công suất dư thừa v.v..., cùng với sự yếu kém về mặt cơ cấu như việc thay đổi cơ cấu nhân sự cũng đã khiến cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng càng ngày càng trở nên cần thiết hơn.

Có thể nói, quá trình tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ nhanh cũng khiến vấn đề ô nhiễm môi trường và khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đang càng ngày trở nên nghiêm trọng. Trong lúc vấn đề môi trường ở các thành phố lớn ở Trung Quốc được ước tính nghiêm trọng hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác thì vào đầu năm 2013, cuộc điều tra nồng độ bụi PM2.5 tại 74 thành phố trên toàn quốc đã chỉ ra không quá 4 thành phố ở dưới mức quy định là Lhasa, Haikou v.v.. Đồng thời, từ sau năm 2000, hệ số Gini [1]của Trung Quốc khá cao và đạt trên mức 0.4 cho thấy "sự xung đột và bất mãn trong xã hội đang trở nên khá nghiêm trọng".Đồng thời, năm 2012, số lượng người tham gia hoạt động sản xuất (trong lứa tuổi từ 15 đến 59) kể từ sau khi chính phủ thành lập vào năm 1949 đã giảm lần đầu tiên  so với năm trước.Năm 2011 là 941 triệu người và đến năm 2012 giảm xuống còn 937 triệu người. Nếu tiếp tục xu hướng này, Trung Quốc được dự báo sẽ sớm tiến tới bước ngoặt Lewis[2].

Chính vì thế, kể từ giữa thập niên 2000, chính phủ Trung Quốc đang phá vỡ phương thức tăng trưởng truyền thống lấy trọng tâm là đầu tư và xuất nhập khẩu mà đang xúc tiến nhiều chính sách đa dạng để chuyển hướng sang  phương thức tăng trưởng coi trọng nhu cầu trong nước và lấy tiêu dùng làm nền tảng. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng bắt đầu được đề cập đến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (trong khoảng thời gian từ 2006~2010) và được một lần nữa nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (từ 2011-2015).

Trong thời gian tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ 11, tốc độ tăng trưởng hàng năm và mục tiêu tăng trưởng thu nhập cá nhân lần lượt đạt 7,5% và 5% thì mục tiêu này trong giai đoạn kế hoạch lần thứ 12 đều chỉ đưa ra mức 7%, cho thấy nước này đang nhấn mạnh sự tăng trưởng về chất.

Đặc biệt, trong hai tuần diễn ra hai sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Trung Quốc vừa qua mà mở đầu là Hội nghị Chính Hiệp từ ngày 3/3 đến 13/3 “Hai kỳ họp” ,cách gọi tắt của kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và kỳ họp Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc đã được đúc kết trong câu nói “Tân thường thái”, tức một trạng thái bình thường mới. Điều này có nghĩa là, thời kỳ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đã kết thúc và quốc gia này đang bước chậm lại, ổn định hơn trong quá trình phát triển kinh tế. Là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình cải cách 150.000 doanh nghiệp nhà nước để có được sự công nhận toàn cầu, mở cửa thị trường và toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ hướng tới ổn định nền kinh tế bằng cách đầu tư vào dự án “Con đường tơ lụa mới” trị giá gần 640 tỷ USD, các chương trình cải thiện chất lượng không khí với mức đầu tư khoảng 930 tỷ USD, 90 tỷ USD cho dự án nhà thông minh và 125 tỷ USD cho các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ và quản lý nước.

Để có thể hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nội dung cụ thể của chính sách này. Có thể nói, Chính phủ Trung Quốc đã xử lý và phân chia nội dung chính sách chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên các lĩnh vực tăng cường khả năng tiêu dùng và các lĩnh vực cải cách cơ cấu về mặt cung cấp.

Về lĩnh vực tăng cường khả năng tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều chính sách đa dạng trong các lĩnh vực như tăng cường chế độ an sinh xã hội và chế độ hộ tịch, ổn định thị trường bất động sản, tăng thu nhập v.v… để nâng cao tiềm năng tiêu thụ.

Do tỷ lệ thu nhập từ lao động giảm (năm 1992 là 55%, năm 2011 giảm xuống còn 47%) nên Trung Quốc cần thực hiện và lập ra các chính sách để ứng phó với việc sức mua đang suy yếu cũng như tiếp tục nâng cao mức lương tối thiểu, điều chỉnh và hướng đến việc miễn thuế thu nhập cá nhân cũng như nâng cao thu nhập của nông dân. Cụ thể là, mức lương tối thiểu ở Trung Quốc đã đạt mức bình quân hàng năm là 19,1% từ năm 2006-2012 . Mức giảm thuế thu nhập cá nhân theo tiêu chuẩn hàng tháng đã tăng từ 1.600 nhân dân tệ lên 3.500 nhân dân tệ (tháng 9 năm 2011), đồng thời, từ tháng 7 năm 2013, luật hợp đồng lao động cải cách các quy định về việc quản lý mức lương như nhau cho công việc như nhau đối với nhân viên tạm thời và nhân viên chính thức đã được ban hành. Thêm nữa, ngân sách dành cho 3 lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như việc tăng thu mua ngũ cốc, tăng tiền trợ cấp nông nghiệp, đầu tư các trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp tăng 11,3% từ 1 nghìn 230  tỷ nhân dân tệ vào năm 2012 lên 1 nghìn 370 tỷ nhân dân tệ vào 2013 (trong khi mức tăng tổng ngân sách là 8%).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần chỉ ra những yếu tố hạn chế tiêu dùng, đồng thời, tiến hành việc cung cấp nhà ở căn bản dành cho tầng lớp nhân dân và các chính sách hạn chế đầu cơ để đảm bảo ổn định và giảm giá bất động sản đang ở mức cao bằng việc tăng cường các quy định hạn chế đầu cơ như áp dụng chế độ xử phạt tới 20% thuế thu nhập của người bán buôn  vào tháng 2 năm 2013, tăng cường sự giám sát của Ủy ban Quản lý giám sát ngân hàng đối với các khoản vay phát triển bất động sản  vào tháng 4 năm 2013 v.v...

Đồng thời, việc cải cách chế độ an sinh xã hội và chế độ hộ tịch cũng là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm. Hiện nay, tỷ lệ đóng góp vào GDP của mức chi tiêu của hộ gia đình của Trung Quốc chỉ đạt 40% , tức là mới vượt quá nửa tỷ lệ tiêu chuẩn này ở Mỹ (là 76%). Một trong số nguyên nhân gây ra điều này là do tỷ lệ tiết kiệm cao bởi tình hình xã hội kém ổn định. Hiện nay, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình (tính là tiết kiệm / thu nhập) được tăng lên đáng kể từ 29,5% vào năm 1992 lên 40,4% trong năm 2009  và nguyên nhân chính của việc này chính là việc gia tăng khả năng quyết định giá cả của thị trường, đồng thời, đối tượng chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến nhà ở và giáo dục đã chuyển từ quốc gia sang cá nhân.Chính vì thế, thông qua việc tăng cường chế độ an sinh xã hội như hệ thống quản lý bảo hiểm và y tế ở các khu vực đô thị và nông thôn, đồng bộ giống nhau,Trung Quốc đã góp phần nâng cao tỷ lệ tiêu dùng của hộ gia đình.

Mặt khác, về khía cạnh kinh tế, số lượng lao động nông thôn nhập cư không được công nhận do chế độ hộ tịch tăng lên được coi như là nguyên nhân hạn chế sự gia tăng tiêu dùng. Cùng với đó, gần đây, Trung Quốc đang tiến hành dự án thí điểm để cải thiện chế độ hộ tịch cũng như cải thiện chế độ bảo hiểm xã hội và các chương trình trợ cấp xã hội cho các lao động nông thôn nhập cư này.

Đến cuối năm 2012, số lượng người đang sinh sống tại thành phố hiện nay là 710 triệu người sống, trong đó ước tính chỉ 470 triệu người là có hộ khẩu thành phố và 240 triệu người là dân số lưu động xuất thân từ tầng lớp lao động nông thôn nhập cư. Đồng thời, lượng tiêu dùng tính theo chi tiêu của lao động nhập cư vào năm 2012 là 677 tỷ $ (trong khi đó số dân của Indonesia là 25 triệu người nhưng luợng tiền chi tiêu gấp 1,5 lần số này, theo FT ngày 13/7). Chính vì nguyên nhân này, Chính phủ đã phải mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội dành cho đối tượng lao động nhập cư và kết quả là tỷ lệ lao động nhập cư tham gia vào 5 loại bảo hiểm lớn như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trẻ em, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm dưỡng lão đã tăng từ 10,5% trong năm 2008 lên 13,9% trong năm 2012.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tổng thuật theo nguồn:

Tình hình tiến hành chính sách để thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc và đánh giá kết quả đạt được, Han Chae Hyeon, Trưởng phòng đội kinh tế phòng Kinh tế quốc tế Cục điều tra, đăng trên báo Xem xét lại nền kinh tế thế giới của Ngân hàng Hàn Quốc  ngày 11/5/2013.

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_economyplus_detail.htm?No=4849

 

 



[1] Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Nó có giá trị từ 0 đến 1 và bằng tỷ số giữa phần diện tích nằm giữa đường cong Lorenz và đường bình đẳng tuyệt đối với phần diện tích nằm dưới đường bình đẳng tuyệt đối.

[2] Bước ngoặt Lewis chỉ ra thời điểm thu hút lao động dư thừa ở khu vực nông  thôn mà không cần tăng lương, nếu làm được điều này, ngành công nghiệp chế tạo vốn lệ thuộc vào lao động lương thấp sẽ phát triển thêm được 1 bước giúp cho lương tăng nhanh và khiến cho tăng trưởng chậm


Scroll To Top