Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN QUỐC TRONG QUAN HỆ VỚI ASEAN: TỪ ĐỐI TÁC ĐỐI THOẠI ĐẾN ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN (1991 - 2009) (Phần 1)

Đăng ngày:

1. Dẫn nhập

Trong những năm gần đây, cùng với sự nổi lên của xu thế liên kết khu vực và ảnh hưởng ngày càng lớn của ASEAN[1] với tư cách là một tổ chức khu vực thành công nhất trong khối các nước đang phát triển (박광섭, 2002)[2], ASEAN và khu vực Đông Á đã trở thành đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và thế giới quan tâm. Kết quả là ngày càng xuất hiện nhiều các nghiên cứu về các vấn đề khác nhau của khu vực Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng. Trong đó, rất nhiều các công trình nghiên cứu đã được triển khai theo hướng tập trung vào các vấn đề đương đại như cộng đồng Đông Á, hợp tác đa phương ASEAN + 3, các vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay vai trò và tác động của các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... đối với các vấn đề của khu vực, ASEAN và thế giới. Các thực thể nhỏ hơn hoặc có vai trò không lớn như Hàn Quốc trong quan hệ đối với ASEAN cũng được đề cập nhưng không nhiều và thường được lồng ghép với vấn đề cộng đồng Đông Á  hoặc trong các mối quan hệ chung của nhóm + 3. Bản thân việc nghiên cứu quan hệ quốc tế của Hàn Quốc cũng được các nhà nghiên cứu tập trung vào quan hệ của Hàn Quốc với các nước lớn hơn là với ASEAN.

Tuy nhiên, với vị thế ngày càng lớn[3], ASEAN đang nổi lên như một khu vực quan trọng trên nhiều mặt từ kinh tế đến chính trị, ngoại giao và đối với Hàn Quốc, tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ với ASEAN được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Đặc biệt, với quá trình hoàn thiện thể chế ASEAN + 3, việc tăng cường hợp tác chính trị, kinh tế với ASEAN được Hàn Quốc đặt ra như một yêu cầu cấp thiết (박광섭, 2002). Ngược lại, đối với ASEAN, sự phát triển nhanh chóng trên mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế cũng như những đóng góp của Hàn Quốc trong tiến trình hợp tác khu vực làm cho Hàn Quốc trở thành một đối tác không thể thiếu đối với ASEAN nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng. Vì thế, nghiên cứu Đông Á, ASEAN hay nghiên cứu quan hệ quốc tế của Hàn Quốc không thể thiếu những nghiên cứu về hai thực thể này cũng như quan hệ giữa chúng.

Tìm hiểu quan hệ Hàn Quốc – ASEAN, có thể thấy, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc được triển khai chủ yếu theo 3 hướng chủ yếu: 1) Đẩy mạnh quan hệ hợp tác an ninh khu vực với ASEAN nhằm xây dựng nền móng cho sự hòa bình của bán đảo Hàn và đối phó với sự không rõ ràng của môi trường an ninh khu vực sau chiến tranh lạnh; 2) Tích cực tiến hành hợp tác kinh tế với ASEAN nhằm đảm bảo sức cạnh tranh về kinh tế thông qua việc triển khai liên tục các hoạt động hỗ trợ nhằm duy trì đầu tư và xuất khẩu, đối phó một cách năng động với những biến động của tình hình kinh tế thế giới; 3) Xúc tiến hợp tác văn hóa – xã hội với ASEAN theo nhiều kênh hợp tác và thông qua việc mở rộng giao lưu nhân dân (박광섭, 2012: 220 - 221). Trên cơ sở nhận định này, bài viết đặt mục tiêu tìm hiểu những chuyển biến trong quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2009, là giai đoạn Hàn Quốc có sự chuyển biến trong quan hệ với ASEAN từ vai trò là đối tác đối thoại sang vai trò là đối tác toàn diện. Từ đó, làm sáng tỏ những thay đổi trong nhận thức cũng như chính sách của Hàn Quốc đối với ASEAN. Trong quá trình xem xét sự phát triển quan hệ Hàn Quốc – ASEAN, hợp tác đa phương ASEAN + 3 có sự tham gia của Hàn Quốc cũng được đề cập. Nhưng xuất phát từ nhận định cơ chế này mặc dù có thể đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ Hàn Quốc – ASEAN nhưng không phản ánh sự thay đổi bước ngoặt trong quan hệ song phương của Hàn Quốc và ASEAN nên chúng tôi vẫn coi nó nằm trong giai đoạn quan hệ song phương Hàn Quốc – ASEAN ở mức độ quan hệ đối thoại toàn diện. Xét trên phạm vi khái niệm, mặc dù quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á đã được các tài liệu lịch sử đề cập đến từ thế kỷ  XIII (Lee Jaehyun, 2009: 43) và bài viết cũng nhắc đến quan hệ song phương của Hàn Quốc với các nước khu vực Đông Nam Á, nhưng nội dung trọng tâm của bài viết này hướng đến là Hàn Quốc trong quan hệ với ASEAN với tư cách là quốc gia được thành lập sau năm 1948 và ASEAN được xem xét như một thực thể thống nhất trong quan hệ với Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, bài viết hy vọng đóng góp một phần cho việc tìm hiểu quan hệ ASEAN – Hàn Quốc và quan hệ quốc tế trong khu vực.

2. Quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trong thời kỳ chiến tranh lạnh

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953), trong bối cảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn còn rất căng thẳng cộng với sự đối đầu của cục diện chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt động hướng của nhu cầu hợp tác trong khu vực. Tháng 3. 1949, khi Philippine đã đưa ra đề xuất thành lập đồng minh Thái Bình Dương, chính quyền Rhee Seung Man của Hàn Quốc và chính quyền Tưởng Giới Thạch của Đài Loan đã nhiệt tình ủng hộ nhằm đối phó với sự uy hiếp của khối cộng sản. Mục đích của Tổng thống Rhee Sung Man khi ủng hộ sự hình thành của khối này là muốn tìm kiếm một đồng minh quân sự trong khu vực, hy vọng vào sự chủ đạo hoặc ít nhất là tham gia một cách tích cực của Mỹ, đồng thời, gạt bỏ vai trò của Nhật Bản đối với tổ chức đồng minh khu vực này. Vì thế, Tổng thống Rhee Seung Man đã tiến hành thảo luận cụ thể với Tưởng Giới Thạch và Quirino của Philippin về việc hình thành đồng minh châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng, kế hoạch này đã không thực hiện được do không được Mỹ ủng hộ. Kết quả cuối cùng đã xoay chuyển theo mong muốn của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ với nhau (최영종, 2007: 202 - 203) và cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành một mắt xích quan trọng trọng hệ thống an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Á. Như vậy, mặc dù không phải là người đề xuất nhưng Hàn Quốc quan tâm và tích cực xúc tiến việc hình thành đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không có sự ủng hộ của Mỹ, kết cục, kế hoạch đó đã không trở thành hiện thực.

Trong những năm 60, dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Park Chung Hee, cùng với sự gia tăng của chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đẩy mạnh hơn việc gắn bó lợi ích của mình với Mỹ ở khu vực Đông Á và thể hiện sự quan tâm đối với việc hình thành hợp tác khu vực vì mục đích an ninh. Bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malaysia và Indonesia[4], gửi quân tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam[5], bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản[6]... Hàn Quốc đã cho thấy sự thay đổi chính sách đối ngoại hướng tới khu vực nhiều hơn. Bản thân Tổng thống Park Chung Hee, năm 1966, đã thực hiện một loạt các cuộc viếng thăm cấp nguyên thủ đến các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Nam Việt Nam. Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ song phương, Hàn Quốc cũng có tham vọng hình thành một cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo. Năm 1966, Hàn Quốc đưa ra đề nghị thành lập Hội đồng châu Á – Thái Bình Dương (The Asian and Pacific Council - ASPAC)[7] tại Seoul nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực. Mặc dù thể chế khu vực này hoạt động không hiệu quả và tồn tại không lâu[8] bởi nhiều nguyên nhân khác nhau[9] nhưng xét từ khía cạnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á, với sự tham gia của các nước trong khu vực, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á đã cho thấy cho dù là vì mục đích gì thì lúc này nhu cầu hợp tác giữa hai bên đã xuất hiện. Trong khoảng thời gian này, hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN cũng đã được thành lập song vẫn chỉ được đánh giá như là một liên mính chính trị lỏng lẻo (Nguyễn Trần Quế, 2003). Bản thân ASEAN cũng đang trong thời kỳ xây dựng, hoàn thiện thể chế và điều hòa bất đồng giữa các thành viên nên chưa thể hiện được vai trò của mình. Thêm vào đó, sự kỳ vọng của Hàn Quốc vào ASPAC vẫn còn cũng  khiến cho quan hệ Hàn Quốc – ASEAN vẫn chưa được cả hai bên chú trọng.

Như vậy, trong thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh, mặc dù vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ và phương Tây nhưng Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến hợp tác khu vực và cố gắng nhiều hơn trong việc mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực. Trong khu vực cũng đã xuất hiện nhu cầu hợp tác. Nguyên nhân thúc đẩy sự hợp tác khu vực này xuất phát từ nhu cầu an ninh. Tuy nhiên, các chính sách đối ngoại của Hàn Quốc cũng như việc hình thành các tổ chức hợp tác khu vực thời kỳ này vẫn chịu sự chi phối lớn của Mỹ. Bản thân Hàn Quốc và một số nước chịu ảnh hưởng của Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng các mối quan hệ đó không phát triển trên cơ sở nhu cầu thúc đẩy quan hệ song phương mà thiên về duy trì lợi ích chung trong nhóm đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là Đông Nam Á đã bắt đầu có chỗ đứng trong nhận thức về lợi ích của Hàn Quốc.

Sang những năm 70, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động: Mỹ rút quân khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam (1973), Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc tăng cường đua tranh quyền lực, Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (năm 1978)... Cùng với những những biến động này, việc Mỹ đồng thời cắt giảm nhiều cam kết an ninh khu vực làm cho Hàn Quốc buộc phải chú ý nhiểu hơn đến việc củng cố quan hệ với các nước Đông Á để hạn chế những bất lợi do những xáo trộn cán cân quyền lực trong khu vực (Hoàng Khắc Nam, 2002). Thêm vào đó, đây là giai đoạn Hàn Quốc phát triển kinh tế tập trung vào công nghiệp nặng nhằm mục đích xây dựng một nền móng cho một quốc gia công nghiệp độc lập nên rất cần đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và trao đổi hàng hóa với các nước Đông Nam Á. Chính vì vậy, chính phủ Hàn Quốc đã tích cực phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á không chỉ nhằm đa nguyên hóa quan hệ ngoại giao mà còn nhằm tiếp cận với nguồn tài nguyên ngay bên cạnh. Trong giai đoạn này, ngoài việc duy trì quan hệ với các nước ASEAN đã được thiết lập trong giai đoạn trước, Hàn Quốc đã mở rộng thiết lập quan hệ với 5 nước Đông Nam Á nữa.

Bảng 1. Niên biểu thiết lập quan hệ ngoại giao của Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á[10]

STT

Quốc gia

Năm

STT

Quốc gia

Năm

1

Brunei

1984

6

Myanmar

1975 (1983)

2007

2

Cambodia

1970 (1975)

1997

7

Philippines

1949

3

Indonesia

1966, 1973

8

Singapore

1975

4

Lào

1974 (1975)

1995

9

Thái Lan

1958

5

Malaysia

1960

10

Việt Nam

1956 (1975)

1992

  • Thông số (   ) biểu thị năm quan hệ ngoại giao bị gián đoạn.
  • Thông số dòng dưới chỉ năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây cũng là thập niên Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước châu Á nhất[11]. Bản thân các nước ASEAN cũng có những lo ngại giống như Hàn Quốc nên cũng đều muốn thúc đẩy mối quan hệ này. Nhưng đến nửa cuối những năm 70, quan hệ ASEAN – Hàn Quốc trong chính sách khu vực không được nâng cao mà thậm chí còn có xu hướng bị đẩy xuống. Nguyên nhân là do quan hệ Hàn Quốc – Mỹ có nhiều thay đổi không có lợi cho Hàn Quốc khi Tổng thống Mỹ Carter tuyên bố rút quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc cộng với những nguy cơ gây bất ổn ở Đông Nam Á làm cho cả ASEAN và Hàn Quốc đều không đặt vị trí ưu tiên cho mối quan hệ này. Tháng 2. 1976, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất được tổ chức thành công giúp nâng cao vị thế của ASEAN nhưng chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng vẫn không có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã chú ý hơn đến việc phát triển ngoại giao văn hóa với nước Đông Nam Á. Nếu trong những năm 60, Hàn Quốc mới chỉ ký kết Hiệp định văn hóa với Malaysia[12] thì đến giai đoạn này, Hàn Quốc đã tiến hành ký kết với Philippines (ngày 8. 8. 1970), với Campuchia (ngày 4. 8. 1972) (Vũ Tuyết Loan, 2012) và đăng cai nhiều hoạt động văn hóa khu vực. Nhìn chung, trong thập kỷ 70, quan hệ Hàn Quốc – ASEAN vẫn bị chi phối bởi quan hệ giữa các nước lớn và chủ yếu vẫn diễn ra trên bình diện song phương và chưa thực chất. Tuy nhiên, phạm vi quan hệ đã mở rộng hơn sang các lĩnh vực ngoài lĩnh vực an ninh.

Thập kỷ 80 là giai đoạn chuyển giao từ thời kỳ chiến tranh lạnh sang thời thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Xét về mặt chính trị – ngoại giao, mặc dù Hàn Quốc vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao rộng mở và tích cực đối với khu vực Đông Á nhưng không tạo ra nhiều khác biệt. Quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á trong giai đoạn tiếp tục duy trì ở hình thức song phương. Những sự kiện đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là chuyến thăm 5 nước ASEAN của Tổng thống Jeon Doo Hwan vào tháng 7. 1981. Trong chuyến thăm này, hai bên đã thảo luận về việc hợp tác và bày tỏ mối quan tâm chung đối với sự bảo hộ mậu dịch của các nước phát triển cùng sự ổn định, hòa bình của các nước trong khu vực. Ngược lại, lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN cũng thực hiện các cuộc viếng thăm Hàn Quốc[13](박광섭. 이요한, 2008). Mặc dù không có quan hệ đa phương trực tiếp do đều ưu tiên quan hệ với các nước lớn và tập trung giải quyết vấn đề nội tại của mình nhưng Hàn Quốc vẫn thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ – ASEAN – Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Liên Xô và vấn đề Campuchia. Trong khi đó, ASEAN cũng đứng về phía Hàn Quốc trong vấn đề bán đảo Hàn.

Tuy nhiên, để tiếp tục chính sách phát triển công nghiệp nặng và sản xuất ô tô trong nước, quan hệ Hàn Quốc đối với ASEAN giai đoạn này đã chú trọng đến quan hệ kinh tế. Điều này làm cho việc đầu tư của Hàn Quốc vào các nước Đông Nam Á đã bắt đầu tăng lên. Từ cuối những năm 80, làn sóng đầu tư và hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với các nước ASEAN đã dần tăng lên nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở các nước có quan hệ truyền thống.

Bảng 2. Tình hình đầu tư vào các nước ASEAN của Hàn Quốc những năm 80.

(Đơn vị: nghìn đô la)

Năm

Quốc gia

1980

1981

1982

1983

1984

1985

1986

1987

1988

1989

Tổng

Indonesia

38.494

1.800

5.122

12.109

5.686

6.307

1.319

126.131

20.473

76.764

294.205

Malaysia

151

1.215

508

12.833

3.311

9.759

116

794

1.294

3.082

33.063

Singapore

30.289

974

596

1.881

508

23

0

232

15.091

58

49.652

Thái Lan

2.441

0

0

1.101

-

-

53

180

9.547

9.142

22.464

(Nguồn: Tổng hợp trên cơ sở số liệu của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 한국수출입은행, http://www.koreaexim.go.kr)

Bảng 2 cho thấy, tình hình đầu tư của Hàn Quốc vào các nước ASEAN trong thập niên 80 vào 4 quốc gia có quan hệ từ sớm với Hàn Quốc là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Trong đó, quốc gia thu hút đầu tư nhiều nhất của Hàn Quốc là Indonesia. Đây là 4 quốc gia thu hút được đầu tư của Hàn Quốc nhiều nhất nhưng có thể thấy sự đầu tư của Hàn Quốc cho các nước ASEAN là không nhiều và không liên tục. Điều đó cho thấy, mặc dù Hàn Quốc đã bắt đầu có những hoạt động hợp tác kinh tế với các nước ASEAN nhưng vẫn chưa được chú trọng như tiềm năng kinh tế của thị trường này.

Như vậy, có thể thấy, đặc điểm lớn nhất trong quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc thời kỳ này là Hàn Quốc đã có những quan tâm đến vấn đề hợp tác khu vực nhưng vẫn ưu tiên và chịu ảnh hưởng nhiều bởi quan hệ với Mỹ. Mặc dù vẫn chú trọng đến các mối quan hệ song phương và chưa tham gia vào tổ chức khu vực nào nhưng các sự kiện như Hội nghị Hòa bình Đông Bắc Á với sự tham gia của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Liên Xô năm 1988 từ đề nghị của Tổng thống Rho Tae Woo, việc xây dựng kênh đối thoại giữa các bộ ngành của Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á lần đầu tiên vào năm 1989 và hình thành quan hệ đối tác chức năng Hàn Quốc – ASEAN, tham gia vào diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực APEC (Asia Pacific Economics Conference) tháng 11. 1989 ..... là những dấu hiệu rõ nét thể hiện chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề hợp tác khu vực.

 

Lê Thị Thu Giang

Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Đỗ Hoài Nam. Võ Đại Lược (2004), Hướng tới cộng đồng kinh tế Đông Á, NXB Thế giới.
  2. Hoàng Khắc Nam (2008), Hợp tác đa phương ASEAN + 3 – Vấn đề và triển vọng, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  3. Hoàng Khắc Nam (2007), Hàn Quốc với ASEAN trong chiến tranh lạnh: Từ ASPAC tới quan hệ đối tác, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5.
  4. Lê Thị Thu Giang (2014), Quan điểm và chính sách của Hàn Quốc đối với vấn đề liên kết Đông Á, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (156).
  5. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2009), Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, NXB Chính trị quốc gia.
  6. Nguyễn Xuân Thắng. Đặng Xuân Thanh (2013), Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á giai đoạn 2001 – 2020, NXB Khoa học Xã hội.
Tài liệu tiếng Hàn
  1. 1. 김승진(1998), 한국과 ASEAN한국간 무역구조의 변화추이와 대응방향- 제조업부문을 중심으로-, 세계경제연구원.
  2. 권경덕. 정인교(2007), 한국 – ASEAN FTA 경제적 효과에 관한 연구, 한국학술정보(주).
  3. 박광섭 (2002), 한국의 對아세안 외교에 관한 연구, 논문집 (사회과학편) 제21집, p. 219 – 236.
  4. 박광섭. 이요한 (2008), 아세안과 동남아 국가연구, 大經도서출판.
  5. 박명림, 지상현 (2010), 탈냉전기 한국의 동아시아 인식과 구상김대중 사례 연구, 한국정치학회보, 제43집, 제4호.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Kenneth Walz (2000), Structural Realism after the Cold War, International Security, Vol.25, No.1.
  2. Ku Su Jeong (1999), The secret tragedy of Vietnam, 273th edition of "The Hankyoreh21",  http://legacy.h21.hani.co.kr/h21/vietnam/Eng-vietnam273.html)
  3. Lee, Jaehyon (2009), Historical Review of ASEAN – Korea Relationship: Past, Present and Future, IFANS Review, Vol.17, No. 1, p39 - 57.
  4. ASEAN - Korea Center Introduction, http://www.aseankorea.org/eng.

 


[1] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of  Southeast Asian Nations) được thành lập ngày 8. 8. 1967 với  năm  thành viên sáng lập là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines. Hiệp hội được xác định là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để đối phó với các phong trào chống đối trong nước và những tác động tiêu cực từ bên ngoài nhằm duy trì sự ổn định chính trị – an ninh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội [Nguyễn Trần Quế, 2003: 20].

[2] ASEAN được đánh giá là ví dụ thành công nhất trong hợp tác khu vực với việc điều hòa, kiểm soát các mâu thuẫn cũng như khác biệt nội khối một cách hòa bình, thực hiện hợp tác khu vực và cùng phát triển kinh tế. Xem 박광섭 (2002), 한국 對아세안 외교에 관한 연구, 논문집 (사회과학편) 제 21집, p 221.

[3] ASEAN hiện được coi như lực lượng chèo lái cho tiến trình hợp tác đa phương ASEAN + 3 cũng như tiến trình hình thành cộng đồng Đông Á. Đồng thời, Hàn Quốc cũng hướng tới ASEAN như một thị trường tiêu thụ rộng lớn  và thị trường lao động giá rẻ của Hàn Quốc.

 

[4] Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malaysia năm 1960, quan hệ lãnh sự với Indonesia năm 1966.

[5] Năm 1964,  chính quyền Park Chung Hee đã bắt đầu gửi quân tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam vì lợi ích kinh tế cũng như nhằm duy trì sự bảo trợ an ninh của Mỹ cho Hàn Quốc. Trong khoảng thời gian từ 1965 – 1973, Hàn Quốc đã gửi khoảng 312.853 quân đến Việt Nam. Theo Ku Su Jeong, The secret tragedy of Vietnam, 273th edition of "The Hankyoreh21"/ 2. Sep, 1999,  http://legacy.h21.hani.co.kr/h21/vietnam/Eng-vietnam273.html)

[6] Năm 1965, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Mặc dù chưa đạt đến quan hệ đồng minh thực chất nhưng quan hệ song phương giữa hai nước cũng có nhiều tiến triển, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Trong giai đoạn 1965 – 1977, tổng số vốn hợp tác của Nhật Bản và Hàn Quốc đạt 3,68 tỷ USD, 80% linh kiện và nguyên vật liệu của các ngành công nghiệp của Hàn Quốc được nhập từ Nhật Bản  (Nguyễn Hoàng Giáp 2009, 72).

[7] Hội đồng châu Á – Thái Bình Dương có sự tham gia của 9 nước là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philipin, Thái Lan, Nam Việt Nam, Malaysia, Úc, New Zealand. Lào tham gia với tư cách quan sát viên.

[8] Hội đồng châu Á – Thái Bình Dương chính thức ngừng hoạt động năm 1973.

[9] Các nguyên nhân tác động đến sự thất bại của Hội đồng châu Á – Thái Bình Dương được cho là do không có sự tham gia của Mỹ, thiếu sự tin tưởng giữa các thành viên và tính cực đoan tương đối của bản thân Hội đồng này. Xem Hoàng Khắc Nam, 2012.

[10] Theo Lee, Jae Hyun (2009), Historical review of ASEAN – KOREA relationship: Past, Present and Future, IFANS Reviews, Vol.17, No.1, June, p.47.

[11] Trong quan hệ ngoại giao với các nước châu Á, số quốc gia châu Á được Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ  theo từng giai đoạn như sau: 5 nước (1948 - 1960), 6 nước (1961 - 1970), 14 nước (1971 - 1980), 4 nước (1981 - 1990), 8 nước (1981 - 1990). Theo Lee, Jae Hyun (2009), Historical review of ASEAN – KOREA relationship: Past, Present and Future, IFANS Reviews, Vol.17, No.1, June, p.47.

[12] Hiệp định văn hóa Hàn Quốc – Malaysia được ký ngày 30. 9. 1965.

[13] Tổng thống Indonesia Suharto thăm Hàn Quốc tháng 10. 1982, thủ tướng Malaysia Mahathir thăm Hàn Quốc tháng 8. 1983, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thăm Hàn Quốc tháng 6. 1986.


Scroll To Top