Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN (Phần 1)

Đăng ngày:

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là một trong những vấn đề "nóng” của khu vực Đông Bắc Á mà còn là vấn đề phức tạp nhất trong chính trị quốc tế hiện nay. Đặc biệt bước sang thế kỷ XXI, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng bất ổn và khủng hoảng, khiến tình hình thế giới trở nên căng thẳng. Là một cường quốc trong khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc ngày càng khẳng định sức mạnh và vị thế nước lớn của mình, đặc biệt là tầm quan trọng cũng như sự phụ thuộc mạnh mẽ của Triều Tiên đối với Bắc Kinh, khiến cho Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc, tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Xét về góc độ địa chiến lược, Triều Tiên đối với Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể sánh với Mexico đối với Mỹ; Trung Á đối với Nga [3; tr.196]. Xét về góc độ an ninh chính trị, khủng hoảng hạt nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và quá trình xây dựng hiện đại hóa đất nước của Trung Quốc. Nếu Triều Tiên duy trì và kiên quyết theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ khiến Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc liên kết lại với nhau, thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hoặc có thể dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân trên bán đảo và khu vực, làm giảm ưu thế hạt nhân của Trung Quốc – điều mà Trung Quốc không hề muốn xảy ra vì nó đe dọa trực tiếp đến an ninh Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và địa vị của Trung Quốc. Hơn nữa, một Triều Tiên với tiềm lực quân sự, hạt nhân mạnh sẽ ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn. Do đó, hơn ai hết, những nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cùng với đó là nỗ lực tìm ra “lời giải” cho “bài toán” hạt nhân. Có thể thấy rằng, với vị thế và tư duy nước lớn của Trung Quốc hiện nay, cùng với những ảnh hưởng vốn có lâu nay ở bán đảo Triều Tiên, thì việc Trung Quốc tích cực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân là điều không thể không làm. Hơn thế, sự hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên là điều kiện rất cần thiết để Trung Quốc “trỗi dậy” [1; tr.55]. Bài viết trên cơ sở đưa ra và phân tích lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để từ đó đánh giá Trung Quốc có vai trò như thế nào trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

1. Lập trường và căn cứ chiến lược của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Sức mạnh không thể phủ nhận của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế và quân sự là cơ sở chắc chắn để Trung Quốc ngày càng khẳng định vị thế cường quốc và vai trò nước lớn của mình trong khu vực Đông Bắc Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Với sức mạnh đó, Trung Quốc đã có những lập trường và hành động cụ thể trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và Triều Tiên là hai nước láng giềng của nhau, vì vậy, hòa bình và ổn định bán đảo Triều Tiên phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Lập trường của Chính phủ Trung Quốc đối với kế hoạch hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được thể hiện rõ ràng, với sáu lập trường chính: Thứ nhất, Trung Quốc chủ trương phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, Trung Quốc không tán thành việc Triều Tiên rút khỏi “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”[1](Triều Tiên tuyên bố từ bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 1/2003). Thứ ba, duy trì thể chế không phổ biến vũ khí hạt nhân phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Thứ tư, những mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên cũng cần phải được giải quyết. Thứ năm, Trung Quốc hy vọng các bên giữ bình tĩnh, tránh gây nên các hành động khiến tình hình thêm căng thẳng; phản đối sử dụng vũ lực, các biện pháp quân sự và chiến tranh để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng, đối thoại là con đường hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân,  góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Thứ sáu, Trung Quốc và các bên liên quan cùng nỗ lực thúc đẩy giải quyết sớm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, chủ trương, lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được thể hiện ở hai điểm trọng tâm là: Bình Nhưỡng nhất định phải thực hiện phi hạt nhân hóa, từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, đồng nhất với chủ trương của bốn nước Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc; kiên trì và đề xướng con đường giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại, đàm phán, phản đối sử dụng các biện pháp vũ lực và quân sự.

Thứ nhất, xét từ góc độ lợi ích chiến lược an ninh quốc gia. Lợi ích an ninh bao gồm lợi ích an ninh khu vực và lợi ích an ninh của bản thân quốc gia đó. Với an ninh khu vực Đông Bắc Á, muốn duy trì an ninh khu vực nhất định phải giữ vững và bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên, bởi vì bán đảo Triều Tiên có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với khu vực Đông Bắc Á. Còn với Trung Quốc, Triều Tiên là một trong những tấm lá chắn bảo vệ chiến lược cho an ninh phía đông của Trung Quốc. Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ đe dọa đến an ninh Trung Quốc. Một mặt, nó gây tình trạng ô nhiễm hạt nhân cho Trung Quốc, mặt khác, nó có thể khiến Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí cả Đài Loan tham gia vào cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn đến việc phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực cũng như nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc gia mà Trung Quốc theo đuổi.

Thứ hai, xét từ góc độ lợi ích kinh tế, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã gây nên sự biến động ở khu vực Đông Bắc Á, thậm chí có thể gây ra chiến tranh. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Do Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Triều Tiên có quan hệ kinh tế mật thiết, có lợi ích chung về kinh tế nên việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân bằng quân sự hoặc chiến tranh sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của các bên. Ngoài ra, nó cũng phá hoại hợp tác kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Chính vì vậy, cho đến nay, cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa phát sinh xung đột quân sự hay dẫn tới một cuộc chiến đáng lo ngại nào.

Thứ ba, xét từ góc độ lợi ích địa chính trị, bán đảo Triều Tiên không chỉ là láng giềng về mặt địa lý với Trung Quốc, mà còn là vùng đệm chiến lược ngăn cách Trung Quốc tiếp xúc trực tiếp với Mỹ. Do đó, Bắc Kinh chủ trương duy trì ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên, phản đối Washington đưa ra những chính sách áp đặt trừng phạt về kinh tế với Bình Nhưỡng, phản đối ý đồ thông qua chiến tranh, quân sự lật đổ chính quyền chủ nghĩa xã hội Triều Tiên của Mỹ. Chủ trương đó của Trung Quốc sẽ giúp bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì vị trí “vùng đệm” chiến lược cân bằng với  Mỹ, phù hợp với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc.

Nói tóm lại, lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là căn cứ vào lợi ích căn bản của cả Triều Tiên và Hàn Quốc, của các nước trong khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Trung Quốc và căn cứ vào lợi ích cơ bản của nền hòa bình thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Văn Mỹ (2013), Ngoại giao Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những

vấn đề đặt ra cho Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[2] Đỗ Tiến Sâm – Chu Thùy Linh (2012), Trung Quốc năm 2011-2012, NXB Từ

điển Bách khoa, Hà Nội.

[3] Nguyễn Xuân Thắng – Đặng Xuân Thanh (2013), Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á

giai đoạn 2001-2020, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Thông tấn xã Việt Nam (2005), "Quan hệ Mỹ - Trung: Những điểm nổi bật", Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 23/11/2005.

[5] 金光日(2008),朝核问题解决过程中的中国推动力 (Sức mạnh của Trung

Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên),湖南农机中共延边州委党校基础理论教研部。

[6] 韩莉(2010),中国崛起与东北亚的安全战略选择 (Trung Quốc trỗi dậy và

sự lựa chọn chiến lược an ninh đối với khu vực Đông Bắc Á),延边党校学报,北京。

[7] 朝鲜半岛对中国的战略意义

Ý nghĩa chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc.

http://wenku.baidu.com/view/cb41b4ed172ded630b1cb689.html

[8] Trung Quốc kêu gọi tái khởi động cuộc đàm phán sáu bên (2014),

http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-keu-goi-tai-khoi-dong-cuoc-dam-phan-sau-ben/250654.vnp

 

 

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1] “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” hay còn gọi là NPT được 187 quốc gia có chủ quyền tham gia ký kết vào ngày 1/6/1968. Hiệp ước này được thiết lập nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân.


Scroll To Top