PHÁT BIỂU CẢM TƯỞNG KẾT THÚC CHƯƠNG TRÌNH TÌM HIỂU ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Lời dẫn (BBT): Được sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF), từ ngày 25 đến 27-7-2014, tại thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc đã tổ chức Chương trình tìm hiểu đất nước và con người Hàn Quốc dành cho giáo viên phổ thông Việt Nam. Sau khi kết thúc khóa học, một đại diện của học viên đã có lời phát biểu cảm tưởng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chân thành này với độc giả: Kính thưa TS Trần Quang Minh-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng toàn thể các PGS,TS-những thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á! Kính thưa các thầy cô giáo cán bộ quản lí, giáo viên của các trường THPT thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ! Tôi tên là Trương Thị Kiều Thủy-Phó Hiệu trưởng trường THPT Anh Sơn 3, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. Tôi rất vinh dự khi được các giáo viên tỉnh Nghệ An lựa chọn để thay mặt cho đoàn Nghệ An phát biểu cảm xúc trong buổi kết thúc chương trình này. Kính thưa các thầy cô giáo! Cũng như tất cả mọi giáo viên ở đây, tôi may mắn nhận được thư mời của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Cảm xúc đầu tiên đến với tôi là sự háo hức và tò mò. Háo hức vì được đi đến một vùng quê đã từng là tuyến lửa trong chiến tranh chống Mĩ, một vùng quê lung linh trong tâm hồn người dân Việt Nam bởi những câu hát “Xa khơi”, bởi những câu thơ đầy ám ảnh của Tố Hữu “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Háo hức vì được đến vùng đất mà vị đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời đã chọn làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho mình. Tò mò vì tên gọi của một chương trình; mình sẽ học tập được gì ở khóa học 3 ngày này? Cái gì hấp dẫn, thú vị đang chờ đợi mình? Đem theo tâm trạng ấy, cảm xúc ấy, vượt qua hàng trăm ki-lô-mét, 4 tỉnh hội ngộ, miền núi và miền xuôi, thành phố và nông thôn gặp gỡ làm thành một tập thể lớp gắn kết với nhau bởi những bài giảng rất thú vị, bởi những hoạt động vui chơi, những giờ giải lao và liên hoan đầy ắp tiếng cười. Kính thưa các giảng viên của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, các thầy cô giáo! Hai ngày rưỡi, 9 bài giảng, hoạt động căng thẳng, có lúc phải đến gần 12 giờ trưa mới hoàn thành bài giảng, lượng kiến thức cung cấp cho giáo viên là rất lớn. Nhưng, với phương pháp dạy học của các giảng viên kết hợp được ngôn ngữ và những hình ảnh đẹp, ấn tượng, kết hợp giữa lí thuyết và những câu chuyện thực tiễn đã làm giảm được sự căng thẳng, khiến những kiến thức khô khan trừu tượng cũng trở nên dễ hiểu và giúp thời gian như trôi nhanh hơn trong sự nhẹ nhàng. Với sự truyền thụ của các giảng viên, chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc trạng thái, cảm xúc khác nhau; lúc thì khâm phục các nữ tiến sĩ trẻ trung, tài năng, nói tiếng Hàn Quốc rất hay; lúc thì được cười nghiêng ngả trước sự thâm trầm và hóm hỉnh của ngài tham tán Park; lúc lại rộn ràng với việc thử trang phục Hàn Quốc và chụp ảnh lưu niệm. Qua chương trình, chúng tôi được nhiều lắm. Được kiến thức cơ bản và toàn diện về đất nước và con người Hàn Quốc; hiểu và ngưỡng mộ dân tộc Hàn Quốc với ý chí sắt đá và lòng tự trọng cao vời đã vượt qua những biến động chính trị và khủng hoảng kinh tế để vươn lên thành một quốc gia giàu có, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và đang từng ngày, từng giờ vươn ra tầm thế giới rất mạnh mẽ. Liên hệ đến Việt Nam, chúng tôi hiểu rõ tại sao lại có sức lan tỏa và thẩm thấu của các yếu tố văn hóa Hàn Quốc vào đời sống kinh tế, văn hóa Việt Nam trong hai thập kỉ qua và hôm nay như vậy: Chúng tôi thích ăn kim chi và mở Internet để học cách làm kim chi, thích mặc đồ cắt may theo phong cách thời trang Hàn Quốc, mua đồ mĩ phẩm Hàn Quốc, các bà nội trợ Việt Nam hàng ngày mở ti vi để cùng khóc cùng cười với diễn xuất tài năng của các diễn viên Hàn Quốc xinh đẹp. Và hàng ngày, hàng giờ, người Việt Nam vẫn mở hầu bao để rút Việt Nam đồng mua sản phẩm từ nền công nghệ mềm Hàn Quốc. Kính thưa các giảng viên của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, các thầy cô giáo! Trông người lại ngẫm đến ta, chúng tôi cũng nhận thấy giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa; chúng tôi cũng vô cùng tự hào về lịch sử, văn hóa, trí tuệ Việt Nam; nhưng cũng nhận thấy Việt Nam mình còn nghèo lắm, còn yếu về nhiều mặt. Đó là cái giật mình cần thiết để nhận ra trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng trong quá trình hội nhập và phát triển. Hai ngày rưỡi, một khóa học, chúng tôi được nâng cao sự hiểu biết về Hàn Quốc, biết ơn chính phủ Hàn Quốc với những gì tốt đẹp đã mang đến cho dân tộc và đất nước Việt Nam, mong muốn mối quan hệ Việt-Hàn ngày càng sâu sắc như mục tiêu mà Hàn Quốc đặt ra “Đối tác chiến lược” và “Đối tác phát triển toàn diện trong thế kỉ XXI”. Chúng tôi, ngày mai sẽ trở về quê trên mọi nẻo đường của tổ quốc, bước vào năm học mới sẽ có những hành động thiết thực và nhỏ bé để làm tốt hơn mối quan hệ Việt –Hàn: tổ chức chuyên đề giới thiệu đất nước và con người Hàn Quốc cho học sinh; đưa kiến thức Hàn Quốc tích hợp vào chương trình môn Giáo dục, Địa lí, Lịch sử; tư vấn cho học sinh khi làm công tác tuyển sinh lớp 12. Hội ngộ rồi chia li, trong giờ phút giã biệt, thay mặt cho toàn thể giáo viên tỉnh Nghệ An, xin cảm ơn các thầy cô giáo của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã làm việc rất vất vả để tổ chức chương trình, bố trí chỗ ăn nghỉ cho giáo viên; với những giờ dạy nghiêm túc mà sinh động, hấp dẫn. Các thầy cô của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã và đang là những người bắc những nhịp cầu hợp tác kiên cố và đẹp đẽ giữa Việt Nam và các nước thuộc Đông Bắc Á, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, căn hóa, chính trị của đất nước ta theo đường lối đổi mới của Đảng. Cảm ơn về sự thành công của một khóa học. Cảm ơn về những tình bạn đã đến bất ngờ và ở lại mãi trong tim chúng tôi. Cảm ơn những kỉ niệm đẹp đẽ trên mảnh đất Quảng Bình thân thiện, mến khách và nên thơ. Kính chúc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kính chúc các thầy cô giáo bình yên trên những nẻo đường về và có những cuộc đoàn tụ với gia đình thật vui vẻ, hạnh phúc. TM. ĐOÀN CBQL,GV NGHỆ AN P. HIỆU TRƯỞNG Trương Thị Kiều Thủy