Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Phần 3)

Đăng ngày:

3. Bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc

Xu thế phát triển của bán đảo Triều Tiên có tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Theo tầm nhìn phát triển cho đến thế kỷ XXI, bán đảo Triều Tiên không chỉ phát triển đúng hướng về an ninh và thống nhất, mà hợp tác kinh tế cũng ngày càng đi lên. Bằng chứng cho thấy, các khu kinh tế ở bán đảo Triều Tiên sẽ sớm được xây dựng, đồng thời, sẽ là bước tiến quan trọng trong công cuộc hòa bình thống nhất của bán đảo Triều Tiên, điều này có ảnh hưởng sâu rộng đến công cuộc xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Có người cho rằng, sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ gây trở ngại đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, bởi sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, Hàn Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư nhiều công trình trình trọng điểm sang CHDCND Triều Tiên như đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và đường sắt, đồng thời, sau khi thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành nước có nền kinh tế quy mô lớn và phát triển, thúc đẩy bán đảo Triều Tiên trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh, điều này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Nhưng lập luận này cũng không hoàn toàn chính xác. Trong khoảng thời gian ngắn, khả năng nói trên khó tránh khỏi, do đó, phần nào sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Nhưng nếu suy nghĩ xa hơn, sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc có thể sẽ là lợi nhiều hại ít.

Thứ nhất, Sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên sẽ tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Theo chương trình “ba hiện đại hóa” mà Đặng Tiểu Bình đã đưa ra, tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn, giai đoạn đầu từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, giai đoạn 2 từ thập niên 90 đến thập niên 20 của thế kỷ XXI, giai đoạn 3 từ thập niên 20 đến thập niên 50 của thế kỷ XXI. Theo báo cáo của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, dự đoán đến năm 2030, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 62 triệu nhân dân tệ, bình quân đầu người đạt 4 vạn nhân dân tệ. Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, trình độ khoa học kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, mức sống xã hội đạt trình độ nước phát triển. Đến năm 2050, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 150 triệu nhân dân tệ, bình quân đầu người đạt khoảng 10 vạn tệ, trình độ khoa học kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, kinh tế quốc dân thông tin hóa toàn diện, mức sống người dân sẽ đạt trình độ thượng lưu của nước phát triển. Có thể nói, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu công cuộc hiện đại hóa toàn diện. Vì vậy, trong nửa đầu thế kỷ XXI sẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong công cuộc hiện đại hóa ở Trung Quốc, cũng là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với nước này. Để đạt mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng là một yếu tố quan trọng.

Có thể nói, người dân Trung Quốc quan tâm đến hòa bình ổn định và tình hình thế giới hơn bất kỳ ai. Vị trí địa lý, diễn biến lịch sử và tình hình hiện tại ở bán đảo Triều Tiên có tầm quan trọng đối với an ninh Trung Quốc. Sự bất ổn định của bán đảo Triều Tiên sẽ kìm hãm kế hoạch xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Một Triều Tiên ổn định, thống nhất và phát triển sẽ là nhân tố then chốt trong xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa, không có một bán đảo Triều Tiên ổn định sẽ không có một hiện đại hóa Trung Quốc trọn vẹn. Sự thành lập các cộng đồng kinh tế sẽ đánh dấu sự kết thúc giữa các phe đối lập chính trị và quân sự Nam Bắc Triều Tiên, xóa bỏ rào cản hợp tác chính trị và an ninh khu vực Đông Bắc Á, từ đó sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên, cũng mang lại cho khu vực Đông Bắc Á nói chung và Trung Quốc nói riêng sự ổn định phát triển và hợp tác lâu dài về kinh tế.

Thứ hai, sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên sẽ thúc đẩy giao lưu hợp tác song phương và đa phương giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Sự hình thành khu cộng đồng kinh tế, đồng nghĩa với việc sát nhập thị trường, giao lưu kinh tế giữa Hàn - Triều sẽ thúc đẩy sự mở rộng và phát triển kinh tế lên tầm cao mới. Những năm gần đây, Hàn - Triều chính thức hợp tác thành lập đặc khu kinh tế núi Kumgang và hàng chục các dự án lớn khác, cho thấy hiệu quả thực tế giữa hợp tác Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Qua đó, thúc đẩy giao lưu và hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, mang lại hiệu quả trực tiếp cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Chỉ lấy thương mại  và đầu tư làm ví dụ, cũng đủ thấy Hàn - Triều là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Trước mắt, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc (chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Từ kim ngạch thương mại đạt 4,44 tỷ USD trong năm 1991 trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã tăng đến 9,1 tỷ USD trong năm 1993. Sau đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng trong nhiều năm liền. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung - Hàn đạt 34,5 tỷ USD trong năm 2000, tăng 38% so với cùng kỳ. Theo phân tích của CHDCND Triều Tiên, cùng với việc thực hiện các chiến lược phục hồi kinh tế và cường thịnh quốc gia, kinh tế Trung - Triều sẽ ngày càng phát triển. Điều đó cho thấy, khu cộng đồng kinh tế Hàn - Triều sau khi chính thức được thành lập, cùng với tiềm năng và quy mô kinh tế ngày càng lớn, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên sẽ có một bước nhảy vọt lớn. Từ đó, kim ngạch thương mại và đầu tư có thể sẽ bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua cả Nhật Bản.

Thứ ba, bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành đối tác quan trọng trong hợp tác của Trung Quốc với các nước khu vực Đông Bắc Á. Hợp tác kinh tế khu vực Đông Bắc Á là việc vô cùng cấp bách, các quốc gia ven biển Nhật Bản đang hết sức quan tâm và đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Thực tế cho thấy, hợp tác ba nước Trung - Nhật - Hàn mang tính quan trọng và thực tế, trong hợp tác kinh tế nên bắt đầu từ hợp tác phi thể chế hóa (non-institutional cooperation),  từ đó, từng bước phát triển từ mô hình hợp tác thấp cho đến cao.

Hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có tính tương hỗ cao, tiềm lực phát triển lớn. Việc ba quốc gia này cùng xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế là hoàn toàn cần thiết và khả thi. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể xây dựng thành khối quan hệ hợp tác tam giác tương tự như nhiều mô hình hợp tác giữa các nước ASEAN. Ví dụ, các khu kinh tế biển Hoàn Bột, Đồ Môn Giang… đều có thể áp dụng mô hình hợp tác này. Khu kinh tế Đồ Môn Giang là một công trình khổng lồ, bắt đầu thực hiện từ năm 1992, nhưng do sự phân chia bán đảo Triều Tiên đã khiến Nam-Bắc Triều Tiên không thể đồng lòng hợp tác xây dựng khu kinh tế khổng lồ này cũng như nhiều khu kinh tế giáp ranh khác. Điều này cũng làm kìm hãm sự phát triển hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á. Nếu Nam-Bắc Triều Tiên có thể thống nhất cùng phát triển sẽ mang lại nhiều hy vọng hơn trong việc thành lập khu kinh tế Đồ Môn Giang, mang lại sự hợp tác lâu dài và ổn định về kinh tế, đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa cho các bên.

Theo thống kê, lĩnh vực vận tải hàng hóa contaneir của Châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất trong khối kinh tế EU, Bắc Mỹ và Châu Á. Trong những năm 90 chiếm 37,4%, năm 2000 chiếm 50%. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà việc lưu thông hàng hóa không được thông suốt. Ví dụ như việc xây dựng “mạng lưới lưu thông tam giác” Đông Bắc Á sẽ tăng hiệu quả cho việc lưu thông hàng hóa, tức là “lấy Busan (Hàn Quốc) làm cảng trung tâm, lấy Rajin làm phụ cảng, phát triển Rajin thành khu vực lưu thông hàng hóa quốc tế, từ đó tạo thành mối liên kết các tuyến đường trên biển Đông, Thái Bình Dương bao quanh lục địa Á - Âu, ở đây, có lợi nhất vẫn là Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên”.

Đồng thời, cần thống nhất phối hợp phát triển giao thông như xây dựng các tuyến đường hàng không, đường bộ, đường sắt theo những nhánh sau: một là, xây dựng tuyến đường hàng không Seoul – Bình Nhưỡng – Bắc Kinh; hai là xây dựng tuyến đường bộ Seoul – Bàn Môn Điếm – Kaesong – Bình Nhưỡng; ba là khôi phục lại tuyến đường sắt Seoul - Tân Nghĩa Châu, Seoul – Wonsan; bốn là xây dựng tuyến đường sắt quốc tế Busan - Rajin – Đồ Môn Giang. Sau khi cảng Rajin của Triều Tiên đi vào hoạt động có thể đề ra ý tưởng về việc hình thành một loạt các tuyến đường: một là từ Gwangyang (Hàn Quốc) -  Seoul – Kaesong (Triều Tiên) đến Tân Nghĩa Châu (Trung Quốc). Hai là tuyến vận tải hai bờ Busan – Pohang – Wonsan -  Rajin – Đồ Môn Giang. Ba là tuyến vận tải Busan – Daegu – Seoul – Kaesong –Bình Nhưỡng – Tân Nghĩa Châu. Những tuyến đường này sẽ liên kết với tuyến đường sắt ngang qua Nga và có thể thông tuyến trực tiếp đến Rotterdam. Tuyến đường này sẽ trở thành đại lộ giao thông quan trọng trao đổi hàng hóa, dòng người giữa vùng Đông Bắc của Trung Quốc và Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nó cũng sẽ trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa và là cứ điểm kết nối với lục địa Âu – Á và Thái Bình Dương.

4. Bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành lực lượng trợ giúp cho công cuộc thống nhất hòa bình ở Trung Quốc

Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc trong khoảng thời gian đầu của thế kỷ mới phải đối mặt với vấn đề hòa bình thống nhất. Hai đối tượng này có sự khác biệt lớn về mặt tính chất. Vấn đề của bán đảo Triều Tiên là kết quả của hiệp định quốc tế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, còn vấn đề Đài Loan là kết quả của cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Vấn đề Đài Loan chỉ có thể được giải quyết theo hệ thống của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, từ trước đến nay đều phản đối dùng cách giải quyết vấn đề của Đức, Triều Tiên để giải quyết vấn đề Đài Loan. Lãnh đạo Đài Loan đôi khi đưa ra kiểu mẫu của Đông Đức – Tây Đức và kiểu mẫu Hàn Quốc – Triều Tiên để giải quyết vấn đề hai bờ. Trong buổi khai mạc Hội nghị cấp cao giữa hai miền Triều Tiên, nhà lãnh đạo mới của Đài Loan đã nhấn mạnh kiểu mẫu Hàn – Triều đóng vai trò “là kiểu mẫu lý tưởng” cho việc giải quyết vấn đề ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc phản đối cách nghĩ này của Đài Loan, cho rằng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, tuyệt đối không thể lẫn lộn. Nhưng điều này không có nghĩa là tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ không có ảnh hưởng tích cực đến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Thậm chí việc Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất sẽ thúc đẩy cho việc hòa bình thống nhất Trung Quốc.

Thứ nhất, nó giúp hai bên giải quyết vấn đề Đài Loan độc lập, giúp điều chỉnh và cải thiện quan hệ Trung – Mỹ. Điều 1 trong Tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên đã thông cáo với toàn thế giới: “Hai bên Nam – Bắc quyết định, vấn đề thống nhất đất nước do chính nước đó giải quyết, lực lượng liên kết của dân tộc chúng tôi sẽ độc lập giải quyết vấn đề”. Nếu như hai bờ có thể giống như Hàn Quốc và Triều Tiên tự chủ độc lập giải quyết vấn đề thống nhất thì Mỹ cho dù muốn can thiệp vào cũng không thể được. Đương nhiên, đây chỉ là mong muốn của phía Trung Quốc, còn Mỹ vẫn không thể bỏ rơi Đài Loan, vẫn ra sức trợ giúp cho Đài Loan. Giới chức cầm quyền ở Đài Loan chắc chắn vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ. Nhưng nếu như hai miền Triều Tiên có thể thực sự từ bỏ được sự can dự từ các nước lớn bên ngoài mà độc lập tự chủ giải quyết vấn đề thống nhất của mình thì sẽ có lợi cho vấn đề thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan mặc cho sức ép từ dư luận quốc tế cũng như áp lực từ phía Mỹ, thậm chí có thể buộc Mỹ phải từ bỏ hành vi can dự vào eo biển Đài Loan.

Thứ hai, thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên sẽ là một sự đả kích nghiêm trọng đến việc “Đài Loan độc lập”. Cho dù hai miền Nam Bắc đã trở thành hai quốc gia có chủ quyền, đều đã gia nhập Liên Hợp Quốc nhưng cả hai miền “trăm miệng một lời” đều mong muốn được thống nhất làm một mà không ngừng nỗ lực. Không kể miền Bắc hay miền Nam, không kể người già hay trẻ, ai cũng mong muốn không còn sự chia cắt giữa hai miền, không hề thấy bất kỳ thế lực hay tiếng nói nào tuyên bố “Triều Tiên độc lập” hay “Hàn Quốc độc lập” mà chỉ có sự nhất trí cao độ của cả hai miền về một viễn cảnh thống nhất đất nước. Các tầng lớp thanh niên, già trẻ, gái trai Hàn Quốc thường hát vang bài ca “Chúng tôi mong muốn thống nhất”. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung vào đầu năm 1993 đã đưa ra ý kiến về vấn đề thống nhất như sau: “Đối với Hàn Quốc, bây giờ nên thoát ra khỏi sự trì trệ để hướng tới việc thống nhất đất nước, tuyệt đối không thể bị tụt hậu. Việc thống nhất của Hàn Quốc không chỉ là vấn đề “nên” mà là “có thể”, hơn nữ,  nó còn là vấn đề cần phải giải quyết, chỉ có thống nhất, Hàn Quốc mới có sự phát triển linh hoạt. Trên thực tế, đây cũng là con đường chúng ta phải đi đến hướng tới một nước phát triển”.

Mong muốn thống nhất của phía Triều Tiên cũng hoàn toàn đồng nhất với Hàn Quốc. Ủy viên Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân cấp cao Triều Tiên Kim Jung-nam trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung đã nêu rõ lập trường căn bản của phía Triều Tiên về vấn đề thống nhất: tiến hành thống nhất đất nước là trách nhiệm của mỗi nhà chính trị, hai bên nên đặt việc thực hiện thống nhất đất nước lên hàng đầu, cố gắng hết sức để đi đến kết quả cuối cùng. So sánh với vấn đề Đài Loan, mọi người thấy rằng, thế lực và tiếng nói tuyên bố Đài Loan độc lập trong nội bộ đảo Đài Loan tuy chưa đủ trở thành trào lưu chính, nhưng nó cũng đang lan rộng. Những thế lực bảo thủ đó đã quên mất nguồn gốc tổ tiên, ngay cả người Trung Quốc đều không chịu thừa nhận, chỉ muốn đưa Đài Loan vĩnh viễn tách ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Dựa trên sự so sánh này, nhiều chuyên gia đã đưa ra một loạt kết luận mang tính logic như sau: Một là, so sánh bán đảo Triều Tiên với việc “Đài Loan độc lập” là vô căn cứ và cực kỳ vô lý. Hai là, thống nhất hai miền Triều Tiên và thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan đều là xu thế tất yếu, là mong muốn của mọi người, không thể đảo ngược. Ba là, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên đều là quốc gia từng phải trải qua nỗi đau của sự chia cắt, nhân dân hai miền Triều Tiên và nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan đều rất mong muốn “kề vai sát cánh” trên con đường thống nhất đất nước, cùng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, cuối cùng là hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước.

Thứ ba, hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ làm giảm áp lực về an ninh và quân sự ở Đông Bắc Á cho Trung Quốc, có thể giảm toàn bộ hoặc một phần áp lực ở vùng duyên hải Đông Nam, giúp Trung Quốc tập trung sức lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã điều quân đội chủ lực đến chiến trường Triều Tiên. Sau khi chiến tranh kết thúc, tuy quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc đã rút khỏi bán đảo Triều Tiên vào năm 1958 nhưng vẫn bố trí một phần quân chủ lực đóng ở vùng Đông Bắc. Đặc biệt do Liên Xô triển khai quân ở biên giới Trung – Xô buộc lực lượng quân đội Trung Quốc chủ yếu đóng ở phía Bắc. Sau khi Liên Xô tan rã, phía
Bắc được nới lỏng hơn, nhưng tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào trạng thái đối đầu quân sự, đặc biệt là Mỹ đã cử hàng ngàn quân đến đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản với lý do để ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, nhưng trên thực tế chính là nhắm vào Trung Quốc và Nga. Với tình hình này, Trung Quốc không thể không cảnh giác cao độ ở khu vực Đông Bắc, lực lượng quân đội Trung Quốc được bố trí tự nhiên cũng sẽ có sự phối hợp tương ứng. Nếu tình hình bán đảo Triều Tiên thay đổi, Mỹ sẽ không còn lý do gì để đóng quân và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cũng như thực hiện việc điều chỉnh chiến lược nữa. Sự đề phòng của Trung Quốc ở phía Đông Bắc chắc chắn có thể được giảm bớt, tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể tập trung sức lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, gia tăng quân đội và kỹ thuật công nghệ cao vào Đài Loan, từ đó có thể tạo ra ưu thế tuyệt đối áp đảo sức mạnh quân sự của Đài Loan, có lợi cho việc “lấy áp đảo để giữ hòa bình”, cuối cùng có thể đạt được mục đích giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan.

Người dịch: Diễm Huyền

Nguồn: Bài viết 朝鲜半岛对中国的, 战略意义, từ http://wenku.baidu.com/view/cb41b4ed172ded630b1cb689.html


Scroll To Top