Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Phần 2)

Đăng ngày:

2. Bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành vị trí chiến lược để Trung Quốc ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Mỹ

Chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ này có hai biến đổi lớn. Một là, Trung Quốc được xếp vào hàng kẻ thù tiềm tàng trong tương lai của Mỹ. Hai là, trọng điểm chiến lược quân sự của Mỹ sẽ chuyển dịch từ Châu Âu sang Châu Á.

Bộ Quốc phòng Mỹ trong báo cáo “Triển vọng năm 2000” đã thông báo, tuy không chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng của Mỹ nhưng kế hoạch diễn tập quân sự của Mỹ đều có mục tiêu là nhằm vào Trung Quốc. Quân đội Mỹ hiện nay đang bắt đầu chuyển dịch trọng tâm từ Châu Âu sang Châu Á. Lực lượng quân Mỹ được phân bố đều ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Quan chức của Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng tỷ lệ này sẽ thay đổi, số lượng quân Mỹ ở Châu Á sẽ tăng lên, vượt quá 60%. Trước khi Tổng thống Mỹ G.Bush lên nắm quyền đã nói “Trung Quốc không phải là đối tác chiến lược của Mỹ mà là đối thủ cạnh tranh chiến lược”, từ đó cho thấy, trọng tâm trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ. Sau khi thắng cử Tổng thống, G.Bush đặc biệt nhấn mạnh đối thủ của Mỹ “thứ nhất là Trung Quốc, thứ hai là Nga”, coi Trung Quốc là kẻ thù và đối thủ “ẩn số” của Mỹ. Tại Nhà trắng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã đưa cho Tổng thống G.Bush một bản báo cáo bí mật, chỉ rõ “sự hùng mạnh của Trung Quốc” và “sự suy yếu của Nga”, do đó, kẻ thù chính của Mỹ là ở Bắc Kinh, ông kiến nghị lên Tổng thống Bush sẽ chuyển dịch trọng tâm chiến lược quốc phòng từ Châu Âu sang Thái Bình Dương, thực hiện chính sách bao vây Trung Quốc. Ông còn đưa ra báo cáo đánh giá về việc điều chỉnh chiến lược quân sự Mỹ trong tương lai. Báo cáo này chỉ rõ, chiến lược quân sự sẽ tiến hành điều chỉnh năm phương diện quan trọng, cho rằng trong tương lai, khu vực mà Mỹ sẽ thực hiện can dự quân sự khả năng cao nhất sẽ là khu vực Thái Bình Dương nên cần phải thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc phòng “duy trì hòa bình ở Châu Âu,  kiềm chế Nga” đã tồn tại từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc cho đến nay. Hoạt động quân sự ở khu vực Thái Bình Dương cần phải bảo đảm “lực lượng quân sự chiến đấu tầm xa”, do đó, yêu cầu phải nâng cao năng lực chiến đấu và không vận tầm xa của quân đội. Về phương diện lý luận quân sự, Mỹ chủ trương từ bỏ lý luận truyền thống “Mỹ phải được chuẩn bị để đánh thắng hai cuộc chiến tranh quy mô lớn cùng một lúc”, chuyển sang thực hiện chiến lược “nên và không nên”, tập trung sức lực vào một cuộc chiến quy mô lớn. Với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ , trong tương lai, khu vực có khả năng cao nhất là Mỹ sẽ tập trung quân lực chính vào khu vực Thái Bình Dương.

Căn cứ vào việc điều chỉnh chiến lược đó, vị thế của bán đảo Triều Tiên trong chiến lược mới của Mỹ không những không bị giảm xuống mà ngược lại còn tăng lên, bán đảo sẽ trở thành căn cứ điểm chiến lược quan trọng của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ vẫn sẽ lợi dụng “lá bài” quan trọng đó. Trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, khu vực Đông Bắc Á là một trong những khu vực then chốt nhất. Chiến lược toàn cầu của Mỹ chính là: giữ chắc NATO ở Châu Âu, thúc đẩy toàn diện NATO mở rộng ra phía Đông, kéo Nhật Bản lại gần Mỹ hơn, tăng cường toàn diện đồng minh quân sự Mỹ - Nhật. Hơn nữa, vị thế của bán đảo Triều Tiên có ảnh hưởng lớn ở khu vực Đông Bắc Á nên khống chế được bán đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ coi “việc Triều Tiên vẫn bị đe dọa” làm cái cớ để vào giúp đỡ tạo điều kiện thúc đẩy chiến lược của mình, gia tăng phát triển hệ thống phòng ngự tên lửa đạn đạo. Nếu hệ thống này hình thành, Mỹ sẽ tùy ý tấn công các nước khác, và có ưu thế quân sự tuyệt đối chống được sự công kích từ các nước khác. Công ty RAND (Mỹ) ngày 15 tháng 5 năm 2001 đã đưa ra một bản báo cáo nghiên cứu “Mỹ và Châu Á”, trong đó nêu, ngoài việc kiến nghị Mỹ cần tăng cường hợp tác quân sự với Australia, New Zealand, Philippines thì còn nhấn mạnh Mỹ nên bảo vệ vùng phía Bắc Châu Á và lợi dụng một cách có hiệu quả hơn nữa quan hệ an ninh mật thiết với Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo như sự điều chỉnh chính sách của Mỹ với Châu Á không ngừng sâu sắc thêm, việc thực hiện và mở rộng liên minh chủ đạo của Mỹ đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay trong chính sách Châu Á của Mỹ. Trong tình hình này, vị thế của Hàn Quốc là một nước đồng minh truyền thống của Mỹ ngày càng nổi bật.

Đối với con đường bá quyền kiểu này của Mỹ, Trung Quốc nên có chiến lược ứng phó tương ứng thích hợp. Trung Quốc rất coi trọng khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vị trí đặc thù và vai trò của bán đảo Triều Tiên. Theo quan điểm của tác giả, Trung Quốc nên nắm bắt hai chính sách then chốt sau:

Một là, tiếp tục chính sách theo đuổi cả “hai người bạn mới và cũ” ở bán đảo Triều Tiên, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu hảo với Hàn Quốc, đặc biệt cần tăng cường quan hệ đặc thù về chính trị và quân sự với Triều Tiên. Điều Mỹ và Nhật lo lắng và quan ngại nhất chính là việc phát triển quân sự của CHDCND Triều Tiên. Biện pháp tốt nhất để đối phó với Mỹ chính là Trung Quốc cần phải liên kết với Nga, phát triển quan hệ đặc thù với CHDCND Triều Tiên, ba nước này sẽ hình thành nên một kiểu quan hệ đồng minh quân sự chuẩn. Tuy nhiên, kiểu quan hệ này không giống như quan hệ Trung –  Xô – Triều trong thời kỳ chiến tranh lạnh khi quan hệ giữa ba nước này là quan hệ đồng minh phi quân sự, chủ yếu phát triển quan hệ về mặt chính trị, tương đối linh hoạt, vừa tiến vừa lùi. Nếu ba nước này liên kết lại thì sách lược của Mỹ sẽ bị kiềm chế. Học giả Vương Phi Lăng trong thời kỳ những năm 90 cho rằng: Bắc Kinh ở khu vực Đông Bắc Á ngoài việc dựa vào sức mạnh nội tại, “sẽ không ngừng tìm kiếm vùng đệm hòa hoãn hoặc lực lượng trung hòa”. Trung Quốc coi chủ nghĩa bá quyền của Mỹ là sự đe dọa lớn nhất đến an ninh khu vực Đông Bắc Á. Để duy trì hiện trạng của Đông Á, Trung Quốc “cần phải tạo thế cân bằng với Mỹ”, “trong tình hình chưa có Nga can thiệp vào, phải kiềm chế chủ nghĩa bá quyền của Mỹ”. Hơn nữa, Bình Nhưỡng ít nhất có thể trở thành “một người bạn đồng hành” với Bắc Kinh giúp trì hoãn, thậm chí ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Mỹ.

Trong khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hàn Quốc trong quan hệ với Mỹ - Nhật, trong chính sách với phía Bắc, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc đã có những sự thay đổi lớn. Từ việc phân tích dưới góc độ phản đối chủ nghĩa bá quyền, Hàn Quốc là đồng minh tốt nhất mà Trung Quốc có thể tranh thủ và liên kết. Do đó, đối với Hàn Quốc, ngoài việc tiếp tục tăng cường giao lưu văn hóa kinh tế, về lĩnh vực chính trị và ngoại giao, nên duy trì và chủ động đẩy mạnh quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Tăng cường quan hệ Trung – Hàn chính là sự đả kích lớn đối với chính sách sách bá quyền của Mỹ, bởi vậy, Trung Quốc không thể từ bỏ hoặc mắc sai lầm trong mối quan hệ này.

Hai là, Trung Quốc cần chú trọng và hết lòng giúp đỡ cho hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ là sự thất bại lớn của chính sách chủ nghĩa bá quyền Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, trong vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, mối lo lắng đầu tiên chính là Mỹ, tiếp đó là Nhật Bản. Bởi vì, một khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, Mỹ sẽ mất đi lý do đóng quân của mình tại bán đảo cũng như việc bố trí hệ thống tên lửa đạn đạo ở Châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí Mỹ cũng sẽ mất đi chỗ dựa đồng minh quân sự với Nhật Bản. Do đó, Mỹ tuyệt đối không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất trong khi Trung Quốc thật sự mong muốn bán đảo sẽ thống nhất. Sở dĩ Trung Quốc luôn kiên định lập trường đối với việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là căn cứ vào lợi ích chiến lược của bản thân Trung Quốc, cũng như dựa vào việc phân tích sáng suốt của Trung Quốc đối với tình hình khu vực Đông Bắc Á. Thứ nhất, bán đảo Triều Tiên thống nhất có lợi cho việc thay đổi cục diện chiến lược Đông Á, đặc biệt là buộc lực lượng quân đội Mỹ phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên, từ đó có lợi cho việc kiềm chế chính sách chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, có lợi cho việc cân bằng sự tranh giành quyền lực giữa Mỹ, Nhật và các nước lớn khác đối với bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Thứ hai, như đã đề cập trước đó, bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất sẽ trở thành một quốc gia lớn ở Đông Á với nền hòa bình trung lập, điều này có lợi cho sự phát triển đa cực hóa ở khu vực Đông Bắc Á.

Người dịch: Diễm Huyền

Nguồn: Bài viết 朝鲜半岛对中国的, 战略意义, từ http://wenku.baidu.com/view/cb41b4ed172ded630b1cb689.html


Scroll To Top