NỮ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CỦA SAMSUNG PHÁ VỠ RÀO CẢN VÔ HÌNH TRONG DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Đối với một đất nước có truyền thống Nho giáo, Hàn Quốc đã đi một chặng đường dài về bình đẳng giới. Cuộc thăm dò dư luận hiện nay đã chứng minh điều đó bằng việc nữ tổng thống đầu tiên được bầu vào tháng 12 -Park Geun-hye, con gái của cố tổng thống Park Chung-hee, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu nhà nước ở Đông Bắc Á. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc Hội hiện nay là 16%, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử của Hàn Quốc. Đất nước mà bộ trưởng, tướng lãnh, các phi công, các thẩm phán Tòa án Tối cao, thậm chí cả phi hành gia là nữ. Hàn Quốc có sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý trong những thập kỷ qua, phụ nữ đã dần lấy lại vị thế trong thế giới doanh nghiệp. Cuối cùng, rào cản vô hình cũng bị phá vỡ ngay ở các công ty hàng đầu ở Hàn Quốc, bao gồm doanh nghiệp điện tử “khổng lồ” Samsung. Trong kế hoạch cải tổ quản lý đầu năm 2012, tập đoàn kinh doanh lớn nhất của Hàn Quốc - Samsung, với hơn 210.000 nhân viên và 200 tỷ USD doanh thu hàng năm đã đề bạt 3 nhân viên nữ vào vị trí giám đốc điều hành. Đáng chú ý, 3 phụ nữ này đều là nhân viên lâu năm của Samsung. Trước đây, khi Samsung thuê nữ giám đốc điều hành, họ luôn tuyển dụng từ bên ngoài. Nhưng 3 giám đốc điều hành mới đều là những nhân viên nữ đầu tiên tham gia Samsung sau khi công ty loại bỏ phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng năm 1992 lần đầu tiên trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc. Quyết định Chủ tịch Lee Kun-hee được coi là triệt để tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nhờ vào động thái đó, hiện có 56.000 phụ nữ đang làm việc cho Samsung và nhiều người trong số họ sẽ sớm theo bước chân của ba người tiên phong. Kim Sung-hong, một phát ngôn viên của Samsung cho biết: "Việc cải tiến bộ máy là một khúc dạo đầu cho Samsung khi có nhiều giám đốc điều hành là phụ nữ hơn. Họ sẽ dẫn đầu sự phát triển của Samsung trong tương lai." Tuy nhiên, Samsung vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được bình đẳng giới thực sự. Nhân viên nữ chiếm 1/4 tổng số nhân viên của Samsung, vị trí không quá xa so với đối thủ cạnh tranh toàn cầu của công ty. Theo số liệu của Hiệp hội lao động nữ quốc gia, trong 1.760 giám đốc điều hành của Samsung, thì chỉ có 34 người, tương đương 2% là phụ nữ, thấp hơn nhiều so với 18% tại Hewlett-Packard hay 23% tại IBM. Số phụ nữ trong ban giám đốc tại Samsung cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong nước của Samsung. Tập đoàn toàn cầu lớn như Hyundai hay LG có ít nhất 12 nữ giám đốc điều hành. Tại Hàn Quốc, số đàn ông đã lập gia đình đi làm là 83% thì con số phụ nữ đã lập gia đình đi làm chỉ là 49% và chủ yếu ở các vị trí cấp thấp. Kim Tae-hong, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết: "Đó là một sự lãng phí lớn khi không sử dụng phụ nữ có trình độ cao tại Hàn Quốc. Khả năng phát triển kinh tế của Hàn Quốc đang bị suy yếu đáng kể bởi sự thiếu hụt lao động nữ, đặc biệt là giám đốc điều hành trong công ty." Tuy nhiên, Chủ tịch Lee của Samsung đã nhìn thấy tiềm năng của lao động nữ rất sớm trong sự nghiệp quản lý của mình. Năm 1987, sau khi tiếp quản vị trí lãnh đạo của Samsung từ cha mình, ông đã bị sốc vì phụ nữ Hàn Quốc không được sử dụng trong doanh nghiệp. Vào thời điểm đó, lao động nữ chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp các trường trung học nghề và họ được tuyển dụng chủ yếu cho công việc thư ký. Nhưng đầu những năm 1990, chứng kiến một làn sóng các cô gái tốt nghiệp đại học - một phần của sự bùng nổ dân số tại Hàn Quốc thời gian này, họ là thế hệ đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành hệ thống giáo dục đại học với số lượng lớn. Hầu hết trong số họ, tuy có bằng đại học nhưng vẫn không có nhiều cơ hội việc làm. Chỉ có 39% nữ sinh viên tốt nghiệp 4 năm đại học được thuê trong năm 1992. Ông Lee lưu ý ngay sau khi được bổ nhiệm làm chủ tịch: "Ở các nước khác, đàn ông và phụ nữ làm việc cùng nhau, nhưng ở nước ta, chỉ có đàn ông làm việc. Điều này giống như chạy đua trên một chiếc xe đạp với một chiếc lốp bị xịt." Vì vậy, trong năm 1992, Samsung đã nhận 250 phụ nữ, chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp đại học thông qua một chương trình tuyển dụng đặc biệt dành cho lao động nữ. Năm 1993, số lao động nữ được tuyển dụng tăng lên 500 người. Họ được gửi tới các bộ phận phần mềm, thiết kế và các bộ phận khác được coi là thích hợp cho phụ nữ. Song, sự phản đối từ nhà quản lý nam rất dữ dội. Nhiều giám đốc điều hành từ chối nhận nhân viên nữ bởi vì họ tin rằng phụ nữ không thể tham gia vào văn hóa uống của Hàn Quốc - phần thiết yếu của hoạt động giải trí Hàn Quốc. Họ miễn cưỡng chấp nhận lao động nữ và yêu cầu nhân viên nữ làm công việc tầm thường như pha cà phê hoặc quét dọn. Choi Ina, giám đốc điều hành tại công ty truyền thông Cheil phụ trách quảng cáo của Samsung cho biết: "Mỗi buổi sáng, tôi đã phải lau bàn làm việc của khoảng 10 người cao niên và chuẩn bị trà lúa mạch cho họ. Tôi đã đến văn phòng sớm hơn một giờ so với các đồng nghiệp của tôi, vì vậy, họ sẽ không nhìn thấy tôi làm gì". Nhận thức được vấn đề này, năm 1994 chủ tịch Lee đã ra lệnh "cải cách nhân lực" và đề nghị giám đốc điều hành đối xử và trả lương một cách công bằng giữa nhân viên nam và nữ. Ông cho rằng, Samsung sẽ không bao giờ có thể trở thành một thương hiệu hàng đầu trong kinh doanh thiết bị gia dụng nếu nó không nằm dưới sự điều hành của nữ giám đốc, những người có thể dự đoán nhu cầu của một người nội trợ tốt hơn so với đàn ông. Năm 1995, lần đầu tiên tại Hàn Quốc,ông ra lệnh cấm đồng phục nữ. Đồng phục cho nhân viên nữ, đặc biệt là công nhân với áo sơ mi cổ trắng đã từ lâu sử dụng tại Hàn Quốc để buộc phụ nữ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp kiểu quân sự. Lee Na-young, một nhà xã hội học tại Đại học Chung-Ang của Seoul nói: "Một bộ đồng phục là một biểu tượng cho sự phù hợp và kỷ luật. Lệnh cấm đồng phục nữ là để giải phóng phụ nữ và khôi phục niềm tự hào của họ". Sau Samsung, nhiều công ty khác của Hàn Quốc thiết lập các chính sách đó cho riêng mình. Cải cách của chủ tịch Lee đã không dừng lại ở đó. Ông yêu cầu phải có ít nhất 20% nhân viên mới phải là nữ và xây dựng một số trung tâm chăm sóc ban ngày cho các bà mẹ trong thời gian làm việc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, phụ nữ là đối tượng đầu tiên bị sa thải và cuối cùng lại được thuê tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Samsung vẫn tiếp tục tuyển dụng phụ nữ và đầu tư cho họ. Ngày nay, Samsung điều hành 57 trung tâm chăm sóc trẻ em ở Hàn Quốc với khoảng 7.000 trẻ em. Tại mỗi nơi làm việc đều có một phòng làm việc đặc biệt dành cho các bà mẹ để họ nghỉ ngơi. Chung Mi-jin, nhà quản lý kỹ thuật tại Samsung cho hay các phòng làm việc này đã hữu ích ra sao. Năm 2005, cô nghĩ sẽ phải bỏ việc sau khi sinh con. Cô trở lại làm việc ba tháng sau khi sinh và cô sốt ruột mỗi khi con ốm. Nhưng ngay tại thời điểm đó, lần đầu tiên "phòng cho các bà mẹ" của công ty mở ra như một tấm phao cứu trợ đối với cô. Cô có thể sử dụng phòng nghỉ ngơi và thư giãn trong khi tiếp tục hoàn thành công việc việc của mình. Cô Chung nói: "Nó thực sự là một vị cứu tinh. Tôi vui vì tôi đã không bỏ việc tại thời điểm đó”. Mục tiêu tiếp theo của Samsung là tăng tỉ lệ nữ giám đốc điều hành từ 2% ở hiện tại lên10% vào năm 2020. Đó thực sự là một kế hoạch đầy tham vọng. Văn hóa doanh nghiệp của Hàn Quốc vẫn còn nhiều bất cập. Nữ doanh nhân thường bị cái nhìn thiếu tôn trọng và thậm chí bị quấy rối bởi cấp dưới của họ và buộc phải uống rượu như là một nghi thức của đàn ông vẫn được duy trì. Quan trọng hơn, theo Shin Won-dong tại Viện Chiến lược lực lượng lao động Hàn Quốc, người lao động nữ tin rằng, họ "kém từ khi sinh ra". Để phá vỡ những rào cản này, các công ty Hàn Quốc đang cố gắng tìm cách sáng tạo để thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Để thúc đẩy nhân viên đoàn kết, nhiều sự kiện văn hóa và thể thao, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc được tổ chức nhiều hơn để thay thế dần văn hóa uống. Có chế độ nghỉ thai sản và xây dựng nhiều hơn nữa các trung tâm chăm sóc trẻ em. Ưu tiên cộng điểm cho nam giới tham gia nghĩa vụ quân sự khi tuyển dụng đã được bãi bỏ. Tại Samsung, Chủ tịch Lee tổ chức bữa ăn trưa thường xuyên với lao động nữ để khuyến khích và lắng nghe ý kiến của họ. Trong một cuộc họp gần đây, ông bày tỏ mong muốn cá nhân của mình là được thấy nữ CEO đầu tiên của Samsung. Để đánh giá thành quả phát triển của Samsung từ năm 1992 đến nay, có lẽ ngày đó không phải là quá xa. Nguyễn Phương Thảo Dịch từ nguồn: http://www.thedailybeast.com/newsweek/2012/07/29/samsung-s-female-executives-shatter-south-korea-s-glass-ceiling.html