MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ CÁCH TIẾP CẬN CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI HỘI NHẬP KHU VỰC ĐÔNG Á (Phần 2)
Đăng ngày:
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2008, tổng thống Lee Myung-bak dường như tiếp tục thực hiện cam kết của Hàn Quốc đối với khu vực và quá trình thể chế hóa với một sự quan tâm nhất định tới Đông Bắc Á cùng với duy trì ASEAN + 3 (APT) như một động lực chủ yếu để hướng tới hội nhập Đông Á. Trong thời gian này, EAS đã mời các thành viên khác ngoài khu vực nhằm cân bằng áp lực ảnh hưởng của Trung Quốc và sự cạnh tranh của nó với Nhật Bản. Tiếp tục với truyền thống của người tiền nhiệm xây dựng thương hiệu chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với những cái tên ưa thích như "Ngoại giao Châu Á mới", ngụ ý việc mở rộng phạm vi ngoại giao của Seoul để đóng góp lớn hơn cho hội nhập khu vực và toàn cầu. Điều này càng rõ ràng hơn khi Hàn Quốc tham gia tích cực và nhiệt thành vào nhiều thể chế quốc tế như hội nghị G20 năm 2010. Như một phần của tầm nhìn “Hàn Quốc toàn cầu”, một cái tên đã được gắn cho Chiến lược An ninh Quốc gia của chính phủ đương thời, Seoul đang tìm cách phát triển sự nhận biết rộng rãi toàn cầu như một thành viên tích cực và phát triển của cộng đồng quốc tế cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á, Trung Á, Ấn Độ, Úc và New Zealand như một cách để mở ra một ‘Kỷ nguyên Châu Á’ mới. Hơn nữa, những ưu tiên ngoại giao của chính quyền Tổng thống Lee là thực dụng và hiện thực, điều mà các đối tác chủ chốt và song phương được đánh giá cao hơn chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng này không có nghĩa là loại trừ lẫn nhau với chính sách láng giềng thân thiện của Hàn Quốc đang diễn ra và việc xây dựng một “Mạng lưới Hợp tác Đông Bắc Á”, nơi chủ nghĩa đa phương sẽ được thể chế hóa. Điều này vẫn là ưu tiên hàng đầu và trong nhiệm kỳ của Tổng thống Lee. Trong bối cảnh này, việc tăng cường các cuộc Hội nghị Hợp tác Ba bên của nhóm Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản (CKJ) là ví dụ về tầm quan trọng của Seoul đối với vấn đề thể chế hóa của khu vực Đông Bắc Á. Hội nghị thượng đỉnh ba bên này đã hình thành trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Châu Á và sự sáng tạo ra khuôn khổ APT trong những năm gần đây đã được hợp nhất như một kênh chính cho đối thoại giữa ba thành viên chính của Đông Bắc Á (NEA), đưa Hàn Quốc vào trung tâm của việc định hình thể chế hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách thì Seoul có nhu cầu lớn đối với tăng cường hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Điều này như một cách để nâng cao vị thế của khu vực Đông Á và vai trò trong cộng đồng quốc tế cùng giải quyết những thách thức chính mà Đông Bắc Á phải đối đầu. Năm 2008 là năm có nhiều bước tiến trong hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Lần đầu tiên Hội nghị Ba bên đã được tổ chức ở tại lãnh thổ của một trong ba thành viên là ở Fukuoka Nhật Bản, độc lập hoàn toàn với các hội nghị APT. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo ba nước đã thông qua một thỏa thuận chung, tiến hành trao đổi ở cấp cao thường xuyên hơn. Điều này đối với Seoul là rất có ý nghĩa, bởi Hàn Quốc đã từng gợi ý cần có những cuộc họp thường xuyên. Việc thông qua các thỏa thuận giữa Hàn Quốc-Nhật Bản và Hàn Quốc-Trung Quốc về hoán đổi tiền tệ mỗi gói 30 tỷ USD để đối phó với khủng hoảng toàn cầu đã phản ánh cam kết của 3 nước nhằm đưa nỗ lực chung thành hành động và Hàn Quốc đã được trao gửi sứ mệnh quan trọng này trong tiến trình thực hiện. Năm 2010, ba nước đã thông qua một chương trình nghị sự “Tầm nhìn 2020” về hợp tác ba bên, bao gồm triển vọng tương lai của khung khổ đa phương thông qua thiết lập một loạt các nhiệm vụ hành động cụ thể trên 5 lĩnh vực, bao gồm: Thể chế hóa và nâng tầm đối tác ba bên; Hợp tác kinh tế bền vững thịnh vượng chung; Hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Thúc đẩy quan hệ thân thiện thông qua mở rộng trao đổi văn hóa và nhân văn; Nỗ lực chung cho ổn định và hòa bình quốc tế và khu vực. Với hội nghị cấp cao lần thứ 4 diễn ra thành công trong năm 2011, cuộc đối thoại thường xuyên này còn bao gồm đối thoại cấp bộ trưởng về các vấn đề tương tự như văn hóa, ngoại giao, thương mại và môi trường, cùng với quyết định thiết lập một ban thư ký thường trực ở Hàn Quốc là một bước tiến đáng ghi nhận trong việc đưa Seoul vào trung tâm của quá trình này. Điều đó thực sự trở thành cơ sở trong cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với thể chế hóa khu vực Đông Bắc Á. Về mặt liên kết lãnh đạo, hầu hết các học giả Hàn Quốc đều cho rằng, sự ủng hộ chủ nghĩa khu vực mở của Seoul có nhiều điểm tương đồng với các luận điểm của Tokyo hơn so với những quan điểm Đông Á duy nhất ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu xem xét ở các cuộc họp và hội nghị mà Hàn Quốc tham gia cùng với Trung Quốc thì con số này là nhiều hơn so với số cuộc họp với Nhật Bản bàn về các vấn đề nền tảng song phương trong những năm gần đây. Seoul đang thực sự quan tâm tới quan hệ với Trung Quốc nhiều hơn với Nhật Bản. Ví dụ, năm 2010 Hàn Quốc đã tổ chức 24 cuộc họp cấp cao với Trung Quốc, với tần suất trung bình 2 cuộc họp một tháng trong khi chỉ có 16 cuộc họp trong năm với Nhật Bản, nhiều cuộc họp trong số đó diễn ra dưới các khung khổ đa phương khác. Điều này có thể xem như là một cách để cân bằng cán cân đồng minh của Nhật Bản cũng như Hàn Quốc với Mỹ, trong khi Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc) thì lại không phải là đồng minh của Mỹ, và vẫn là một nước trong khu vực có ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên. Seoul có thể còn quan tâm nhiều hơn tới Bắc Kinh để có được sự ủng hộ cho tham vọng lãnh đạo khu vực của mình trong các vấn đề mang tính thực tế và thiết thực. Phản ứng của Trung Quốc đối với những sáng kiến của Hàn Quốc trong thể chế hóa khu vực có thể xác định mức độ thành công và tính hợp hiến của nó. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, vì mối đe dọa từ Triều Tiên và tầm quan trọng chiến lược của đồng minh an ninh Hàn - Mỹ nên việc duy trì sự can dự của Mỹ vào khu vực vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Seoul trong cách tiếp cận hiện nay của họ đối với khu vực. Điều này được phản ánh qua việc tăng cường quan hệ đồng minh trong nhưng năm gần đây và sự ủng hộ tư cách thành viên của Mỹ trong các thể chế như ARF và EAS (các diễn đàn mang tính chủ nghĩa khu vực mở). Về thực chất, Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak một mặt đặt niềm tin vào sự hợp tác giữa chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực Đông Á, nhưng mặt khác cũng đặt niềm tin vào các đối tác và quan hệ đồng minh song phương chiến lược, điều đã được thể hiện rất rõ qua tầm nhìn chiến lược của tổng thống Lee về một “Hàn Quốc Toàn cầu” “Global Korea”. Quan điểm về hội nhập khu vực của nữ Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm hiện nay Park Geun-Hye về cơ bản không khác nhiều so với người tiền nhiệm. Bà muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản, bởi vì mối quan hệ ba bên này mặc dù đã đạt được một số bước tiến đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự như mong đợi, do còn tồn tại một số vấn đề về tranh chấp chủ quyền biển đảo, quyền khai thác tài nguyên, vấn đề tàu cá-ngư dân, cũng như những bất đồng trong nhận thức lịch sử…. Bà tiếp tục thúc đẩy FTA ba bên Hàn - Trung - Nhật và hợp tác quân sự với Nhật Bản. Hơn nữa, bà Park chú trọng quan hệ với Trung Quốc nhiều hơn so với người tiền nhiệm đã quá chú trọng quan hệ với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Park hiện nay có kế hoạch tăng cường và phát triển quan hệ với Mỹ thành một liên minh chiến lược toàn diện, nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh thành một đối tác chiến lược quan trọng. Để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Park đã kêu gọi Hàn Quốc-Mỹ-Trung Quốc đối thoại chiến lược ba bên và phát tín hiệu hợp tác phòng thủ với Trung Quốc. Liên quan đến hội nhập kinh tế khu vực, Tổng thống Park rất thận trọng khi đưa ra lời cam kết bằng cách hứa hẹn sẽ "quan tâm hơn" tới các đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (điều mà Trung Quốc đang rất lo ngại) cùng với việc thúc đẩy sự tham gia của Hàn Quốc trong quan hệ đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RECP) của ASEAN. Chính quyền Tổng thống Park cũng cam kết sẽ tích cực hơn trong việc thiết lập một hệ thống hợp tác đa phương Đông Bắc Á, thúc đẩy hợp tác kinh tế và xây dựng niềm tin trên bán đảo Hàn và Đông Bắc Á bằng cách loại bỏ các rào cản, xung đột với các cơ chế đa phương. Chính phủ Park còn đề xuất một “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á”. Đây là một kế hoạch táo bạo bắt đầu từ khu vực an ninh phi truyền thống, nơi hợp tác là tương đối dễ dàng và mở rộng sang khu vực truyền thống bằng cách sử dụng cơ chế đa phương hiện có, bao gồm cả các cuộc đàm phán sáu bên. Hơn nữa, sẽ có sự hợp tác ba bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nói rộng hơn, hợp tác ba bên Á-Âu sẽ liên kết Hàn Quốc với ASEAN và EU./. Võ Hải Thanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Young Jong Choi, East Asian Regionalism and South Korea’s Strategy: Lessons from the Experience of Middle Power Activism, The Catholic University of Korea, 2010. 2. Prospects for Emerging East asian Cooperation and Implications for the United States, Joint U.S.-Korea Academic Studies, Volume 21, 2011. 3. The Optimum Size of East Asian Economic Integration and the Role of Korea, East Asia Integration Studies, July 2008. 4. Lim Soo-Ho, Park Geun-Hye’s Northeast Asia Policy: Challenges, Responses and Tasks, SERI Quarterly, April 2013