MỘT SỐ LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP (Phần 2)
Đăng ngày:
2. Quan điểm khi tiếp cận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Có ba phương thức tiếp cận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: thứ nhất là phương pháp tiếp cận lấy cổ đông làm trung tâm. Thứ hai là phương pháp tiếp cận với các bên liên quan mật thiết làm trung tâm. Thứ ba là phương pháp tiếp cận với các thành viên xã hội. a. Phương pháp tiếp cận lấy cổ đông làm trung tâm Phương pháp giải thích CSR theo lập trường của các cổ đông được xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa tự do truyền thống của nền kinh tế thị trường. Theo quan điểm này, doanh nghiệp là một đơn vị cơ bản của hoạt động kinh tế tồn tại dựa trên các hợp đồng thương mại. Thông thường, doanh nghiệp do các cổ đông lập ra và huy động vốn với quy mô lớn nhằm phân tán rủi ro cũng như tạo nên và gia tăng phần lợi nhuận cho mình. Nhờ đó, các cổ đông độc quyền các doanh nghiệp cũng như có quyền thống trị và quyền sở hữu. Trái lại, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm phải tối đa hóa lợi ích của cổ đông. Theo như lý luận ở trên của nền kinh tế thị trường tự do, tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân theo quy tắc cạnh tranh và tăng cường phúc lợi của toàn xã hội và nỗ lực cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận của bản thân. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp có trách nhiệm trong các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận đối với cổ đông và thực hiện trách nhiệm xã hội vì bản thân doanh nghiệp. Lý luận trên dựa vào căn cứ doanh nghiệp được thừa nhận có tư cách pháp nhân mang tính xã hội từ xã hội và quốc gia nên có quyền được sử dụng các loại cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của quốc gia hay xã hội cũng như có nghĩa vụ phải nộp thuế và tuân thủ pháp luật. Theo đó, trong cách tiếp cận lấy cổ đông làm trọng tâm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là toàn bộ các hoạt động kinh tế, các nghĩa vụ nộp thuế và tuân thủ pháp luật nhằm mục đích theo đuổi lợi nhuận cho bản thân. Trong phương pháp tiếp cận lấy cổ đông làm trung tâm, các vấn đề thực tế nhất có liên quan đến CSR là sự không đồng nhất trong cách hiểu của người kinh doanh và các cổ đông, thêm nữa, đó còn là vấn đề của người đại diện ( Friedman,1970 ). Friedman phê phán rằng người kinh doanh thường tận dụng mọi hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội như một phương tiện để phát triển phương diện chính trị, mục đích xã hội và kinh nghiệm của bản thân. Các hoạt động CSR này nếu nhìn theo lập trường của cổ đông sẽ được coi là làm tiêu tốn chi phí và lợi nhuận. ( Mc Williams & Siegel, 2000 ). Kết cục, theo quan điểm khi lấy cổ đông làm trọng tâm, các doanh nghiệp khi cân nhắc CSR thường có xu thế coi việc tối đa hóa lợi nhuận lâu dài của người sở hữu doanh nghiệp như là việc thực hiện trách nhiệm xã hội. b. Phương pháp tiếp cận với các bên liên quan mật thiết làm trung tâm Phương pháp tiếp cận với các bên liên quan làm trung tâm được Freeman đề cập đến chính là việc xây dựng lại khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên quan điểm của các đối tượng có mối liên hệ với hoạt động của doanh nghiệp, chứ không phải của riêng cổ đông. Cách tiếp cận với các cổ đông làm trung tâm dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế, trong khi cách tiếp cận với các bên liên quan làm trung tâm là dựa trên nền tảng cơ bản là giao ước với xã hội. Cùng với việc gia tăng tính phức tạp của môi trường xã hội, sự phụ thuộc giữa xã hội và kinh tế càng ngày càng trở nên to lớn. Hiện nay, hoạt động kinh tế nào cũng mang ý nghĩa xã hội phức tạp và có ảnh hưởng trực tiếp ngày càng lớn tới xã hội. Trong một môi trường như thế, doanh nghiệp có mối quan hệ với nhiều đối tượng liên quan, đồng thời cũng ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng lẫn nhau dưới nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm nhất định không chỉ riêng với các cổ đông mà còn với các bên liên quan. Điều này có nghĩa là, các bên liên quan chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội, môi trường do hoạt động của doanh nghiệp có thể yêu cầu trách nhiệm nhất định đến từ phía doanh nghiệp. Cùng với đó, ngoài các cổ đông, những bên liên quan khác có quyền chia sẻ một phần lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra. Cơ sở lý luận chủ yếu của phương pháp tiếp cận lấy các bên liên quan làm trọng tâm chính là tăng cường khả năng xử lý đa dạng phạm vi giữa doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong các cổ đông. Tuy nhiên, thực tế là thật khó để làm hài lòng tất cả các bên có liên quan nên phương pháp tiếp cận các bên liên quan đang xoáy vào trọng tâm tìm kiếm phương pháp đối phó để cân bằng thứ bậc ưu tiên mang tính chiến lược về các yêu cầu đa dạng của những đối tượng này. ( Freeman, 1984 ). Phương pháp tiếp cận của các bên có liên quan này được chia thành góc nhìn mô phạm, góc nhìn về phương pháp, góc nhìn về khía cạnh biểu đạt ( Donalson& Preston, 1995 ). Góc nhìn mô phạm chính là việc băn khoăn quan điểm: “Nếu như vậy, người kinh doanh sẽ phải cố gắng để kinh doanh lành mạnh và có đạo đức.” Còn vấn đề đặt ra “Nếu như thế thì CSR chính là việc nhận thành quả doanh nghiệp tạo ra và sử dụng nó làm lực lượng trọng tâm”chính là góc nhìn về phương pháp. Ngược lại, góc nhìn về khía cạnh biểu đạt thì lại hiểu rằng: “ CSR chính là hoạt động xuất hiện dưới hình thức nào dó trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.” c. Phương pháp tiếp cận với các thành viên của xã hội Quan điểm thứ ba về trách nhiệm xã hội ( CSR ) thì coi doanh nghiệp như là “một cá thể được nhân cách ngang hàng với tự nhiên”. Ở đây, “cá thể được nhân cách” có nghĩa là chủ thể thực tế với tư cách thành viên xây dựng xã hội, chứ không phải là một pháp nhân. Với tư cách là một thành viên xây dựng xã hội, doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ như con người, ngoài ra, thành viên xây dựng xã hội này còn có quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội và phải có đóng góp nhất định để đạt được mục tiêu mà xã hội theo đuổi. Mặt khác, doanh nghiệp có đặc trưng khác với những thành viên xã hội thông thường, với tư cách là thành viên xã hội, nó không chỉ có trách nhiệm nhận những yêu cầu đặt ra mà còn được phép sử dụng điều đó như phương pháp mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp phân tích CSR và các biến đổi có liên quan về môi trường như những biến đổi chủ yếu của môi trường kinh doanh và tùy theo từng mục tiêu chiến lược khác nhau của từng doanh nghiệp, chúng ta có thể tiến hành và lên kế hoạch về các hoạt động kinh doanh có liên quan đến CSR dưới nhiều hình thức đa dạng. Điều này có mặt tương đồng với góc nhìn về cơ cấu của phương pháp tiếp cận của các bên có liên quan. Đến tận bây giờ, ta có thế thấy rõ có nhiều lập trường về các thuật ngữ, định nghĩa , quan điểm của CSR. Nghiên cứu này tổng hợp tất cả những thứ đó theo nguyên lý của ba phương hướng tiếp cận thì khái niệm “ Trách nhiệm xã hội ( CSR ) là việc doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững nhờ vào hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và lành mạnh về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội” được xuất phát từ các giả thiết này. Người dịch: Nguyễn Ngọc Mai - Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Theo nguồn: Báo cáo điều tra triển vọng và tình hình thực hiện kinh doanh, đồng thời với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Hàn Quốc của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và trách nhiệm xã hội trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc và Viện kinh doanh bền vững trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc: http://oreal.kaist.ac.kr/CSR_2006_KAIST.pdf