Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌM HIỂU VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC TẠI VIỆT NAM (Phần 1)

Đăng ngày:

Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, sự thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đang đặt ra cho đất nước nhiều vấn đề về môi trường và xã hội bức xúc. Chính những vấn đề đó đang đòi hỏi các chủ thể kinh tế, trong đó có cả các doanh nghiệp, phải có trách nhiệm để góp phần giải quyết, nếu không bản thân sự phát triển kinh tế sẽ không bền vững và sẽ phải trả giả quá đắt về môi trường và những vấn đề xã hội.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mới được đặt ra; mà trái lại, ngay trong thời bao cấp, người ta cũng đã nói nhiều về trách nhiệm xã hội của các xí nghiệp đối với nhà nước và người lao động, cũng như đối với cộng đồng nói chung. Nhưng, trong những năm gần đây, trách nhiệm xã hội được hiểu một cách rộng rãi hơn, không chỉ từ phương diện đạo đức, mà cả từ phương diện pháp lý. Những tác hại về môi trường do một số doanh nghiệp gây ra trong thời gian qua không những bị dư luận lên án về phương diện đạo đức, mà quan trọng hơn là cần phải được xử lý nghiêm khắc về phương diện pháp lý. Do đó, không phải ngẫu nhiên, trong những năm gần đây, trên sách báo và nhiều diễn đàn ở Việt Nam, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã và đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất của các hoạt động này, cho nên, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: một số vấn đề lý luận

Thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mới chính thức xuất hiện cách đây hơn 50 năm, khi H.R.Bowen công bố cuốn sách của mình với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) (1953) nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp làm tổn hại cho xã hội. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một số người xác định “trách nhiệm xã hội hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến”[1]. Một số người khác hiểu “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”[2] v.v..
Hiện đang tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những người ủng hộ quan điểm thứ nhất cho rằng, doanh nghiệp không có trách nhiệm gì đối với xã hội mà chỉ có trách nhiệm với cổ đông và người lao động của doanh nghiệp, còn nhà nước phải có trách nhiệm với xã hội; doanh nghiệp đã có trách nhiệm thông qua việc nộp thuế cho nhà nước. Trái lại, những người khác lại có quan điểm cho rằng, với tư cách là một trong những chủ thể của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn lực của xã hội, khai thác các nguồn lực tự nhiên và trong quá trình đó, họ gây ra những tổn hại không tốt đối với môi trường tự nhiên. Vì vậy, ngoài việc đóng thuế, doanh nghiệp còn có trách nhiệm xã hội đối với môi trường, cộng đồng, người lao động, v.v..
Còn ở Việt Nam, trong những năm gần đây, người ta thường sử dụng định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng thế giới về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo đó, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.[3]
Nói cách khác, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững luôn phải tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố, các mặt, như: 1. Bảo vệ môi trường; 2. Đóng góp cho cộng đồng xã hội; 3. Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; 4. Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; 5. Quan hệ tốt với người lao động; 6. Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, bốn yếu tố đầu tiên thể hiện trách nhiệm bên ngoài của doanh nghiệp, còn hai yếu tố cuối thể hiện trách nhiệm bên trong, nội tại của doanh nghiệp.

2. Tình trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc đã tiến hành điều tra về tình trạng tiến hành hoạt động trách nhiệm xã hội dựa trên các tiêu chí trên với đối tượng là 116 công ty Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó hiện nay tổng cộng có 47 công ty đang triển khai hoạt động CSR, 29 công ty dang dự định tiến hành, 40 công ty vẫn chưa có kế hoạch gì. Có điểm đáng lưu ý là số lượng công ty đang tiến hành hoặc có kế hoạch thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội đã chiếm tỷ lệ tới 66%. Điều này được thể hiện rõ qua bảng thống kê dưới đây.

 

 

Mục lục

Nội dung chính

Đặc trưng của các doanh nghiệp tiến hành trách nhiệm xã hội

- Các doanh nghiệp có quy mô lớn ( trong đó tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm 56%, tổng số lượng nhân viên bình quân là trên 1,700 người).

- Số lượng doanh nghiệp hướng tới thị trường trong nước khá cao và chiếm khoảng 49% .

- Số lượng công ty có nhà máy tại địa phương thấp hơn so với số lượng các doanh nghiệp chưa tiến hành hoạt động trách nhiệm xã hội.

Hình ảnh của các doanh nghiệp tiến hành trách nhiệm xã hội

- 80% công ty có hình ảnh tốt so với đối thủ cạnh tranh không tiến hành hoạt động trách nhiệm xã hội.

- 76,2% có  nhận được phản ứng tích cực từ các phương tiện truyền thông địa phương.

 

Động cơ và mục đích tiến hành trách nhiệm xã hội.

- Nhiều công ty chỉ có mục đích đơn thuần là làm từ thiện ( chiếm trên 80%).

- Một số công ty cũng muốn thông qua đó để thực hiện chiến lược kinh doanh ( 48% muốn cải thiện nhận thức của xã hội, 37% muốn nâng cao tinh thần và tính đoàn kết giữa các nhân viên, 33% dựa trên ý tưởng của người điều hành).

 

Mức độ tranh chấp trong lao động

- Trường hợp các doanh nghiệp đang tiến hành hoạt động chiếm 38%, đang có dự định tiến hành chiếm 51,7%, và doanh nghiệp chưa định tiến hành chiếm 12,5%.

Thực trạng  thực hiện các chương trình với trọng tâm là trách nhiệm xã hội

-Có cả mục đích từ thiện và mục đích chiến lược kinh doanh.

=>Lý do trách nhiệm xã hội giúp liên kết với hệ thống xã hội chiếm 48,8%.

=> Giúp cho việc quảng bá hoặc cải thiện hinh ảnh của doanh nghiệp chiếm 37,2%.

=>Có mối liên hệ chặt chẽ với viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp chiếm 27,9%.

 

Lý do không tiến hành trách nhiệm xã hội

- Các công ty không hiểu về hoạt động trách nhiệm xã hội nên không tiến hành chiếm tỷ lệ cao nhất là 36,8%,

Các hoạt động trách nhiệm xã hội được xúc tiến và coi là trọng tâm.

- Các hoạt động liên quan đến phúc lợi xã hội chiếm 88%, hoạt động nghiên cứu về giáo dục và phúc lợi cho nhân viên 41% . ( Ngoài ra còn nhiều câu trả lời khác).

Nhận thức được trách nhiệm xã hội là quan trọng

- Các công ty cho rằng đây là hoạt động cống hiến cho xã hội và hoàn trả một phần lợi nhuận cho xã hội chiếm đến 87%.

- Tỷ lệ các công ty nhận thức được trách nhiệm làm từ thiện cao nhất chiếm 82%.

Thời gian tiến hành trách nhiệm xã hội

- Thời gian trên 5 năm kể từ khi bắt đầu chiếm 35%, thời gian chưa đến 3 năm chiếm 56%.

Đánh giá bản thân về trách nhiệm xã hội

- Việc cải thiện hình ảnh và thương hiệu công ty cũng như nhận được sự hài lòng của nhân viên chiếm tỷ lệ khá cao. (Cải thiện thương hiệu công ty chiếm 51%, sự hài lòng của công nhân viên chiếm 47%, cải thiện hình ảnh doanh nghiệp chiếm 41%/),

Việc có tiếp tục tiến hành trách nhiệm xã hội nữa hay không

Tỷ lệ công ty trả lời là có kế hoạch tiếp tục tiến hành cao, chiếm đến 83,7%.( Khoảng 7% công ty dự kiến sẽ xem xét kết quả kinh doanh rồi mới quyết định ).

 

 

Có thể nói, các hoạt động CSR tiêu biểu ở đây bao gồm các hoạt động đa dạng như xây nhà tình thương, đến thăm và quyên tặng những trang thiết bị, tuyển dụng định kỳ người khuyết tật, cung cấp miễn phí các dịch vụ y tế v..v, tùy từng doanh nghiệp đã làm tốt theo những cấp độ khác nhau. Song, có một điểm chung là các công ty này không chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội như một hoạt động tình nguyện đơn thuần mà họ còn triển khai một cách đều đặn những hoạt động này để có thể hỗ trợ được nhiều hơn nữa những khu vực cần giúp đỡ thông qua sự hợp tác với xã hội địa phương, kể từ khi bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam.


Tổng hợp: Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Theo nguồn:

http://news.chosun.com/site/data/html_dir/2013/03/25/2013032501613.html

http://cafe.daum.net/V.I.V/F9TQ/103?docid=1E01tF9TQ10320120109133355

http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/02/20/4438/

[1] Prakash Sethi,(1975)  “Dimensions of Corporate Social Performance: An Analytical Framework,” California Management Review, page 58–64.

[2] Archie BCarroll, (1979), “A Three-Dimensional Conceptual Model of Corporate Social Performance,” Academy of Management Review.

[3] Trích theo: ThS.Nguyễn Thị Thu Trang. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Theo nguồn : http//www. Doanhnhan360.com/PortletBlank.aspx/44D1988963164E.


Scroll To Top