CHÍNH SÁCH KINH TẾ TRIỀU TIÊN DẦN THAY ĐỔI CẢI CÁCH MÔ HÌNH NÔNG TRƯỜNG TẬP THỂ THÀNH HỢP ĐỒNG RUỘNG ĐẤT
Đăng ngày:
Tác giả: Vương Hiểu Vi Nguồn: Thời báo Hoa Hạ, ngày 12 tháng 8 năm 2012 http://finance.ifeng.com/news/hqcj/20120811/6906143.shtml “Quốc gia phồn thịnh”, khái niệm này được xuất hiện trong một cương lĩnh chính sách quan trọng được Thông tấn xã Triều Tiên phát đi ngày 8 tháng 3. Trước đó một ngày, Kim Jong-un nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên trong buổi hội kiến với đoàn đại biểu Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn tập trung “phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân”. Nhiều nguồn tin cho rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc cải cách lần thứ năm. Khai thác các đầu mối mới Ngày 3 tháng 8, Thông tấn xã trung ương Triều Tiên đăng một bài báo tiết lộ ý định cải cách của Triều Tiên. Bài báo này được bắt nguồn từ cuộc hội đàm giữa Kim Jong-un với người phụ trách của Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên vào ngày 26 tháng 7. Bài viết có tiêu đề: “Thực hiện chủ nghĩa yêu nước Kim Jong-il, thúc đẩy xây dựng tổ quốc giàu mạnh”. Ngoài việc nhắc lại về “chính sách tiên quân”, đưa Triều Tiên trở thành “quốc gia có lực lượng quân sự hàng đầu thế giới”, Kim Jong-un đã chú trọng hơn đến những dự định phát triển kinh tế trong tương lai của Triều Tiên. Kim Jong-un nói: “Hiện tại, Triều Tiên cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng một quốc gia phồn thịnh”. Trong cuộc hội đàm, ngoài việc đưa ra các mong muốn về cải cách còn phân tích cả nguyên nhân của cải cách: “Không lâu trước đây, tôi đã nói với mọi người rằng, chúng ta phải đảm bảo rằng tại bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào, người dân cũng hô vang “Đảng Lao Động muôn năm”, không chỉ ở trong các buổi lễ lớn mà còn cả ở những vùng hải đảo hay đồi núi xa xôi. Nếu chúng ta làm cho quốc gia phồn vinh, người dân được giàu có thì họ sẽ làm như vậy.” Trong ấn tượng của bên ngoài, đây là lần hiếm hoi một nhà lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên trình bày về vấn đề kinh tế một cách có hệ thống. Động thái này ngay lập tức kích thích nhiệt tình quan sát của thế giới về sự thay đổi trong tư duy kinh tế của Triều Tiên. Một đất nước đang chống chọi với nạn lũ lụt có lập trường khá cởi mở với viện trợ của bên ngoài, dường như bầu không khí đó đang thổi đến một vài lĩnh vực khác ở Triều Tiên. Theo báo cáo của Thông tấn xã trung ương Triều Tiên, mưa bão kéo dài trong hai tháng liên tiếp đã làm hơn 560 chết và mất tích, hơn 210.000 người chịu ảnh hưởng. Trước khi lũ lụt xảy ra, Triều Tiên mới trải qua một trận hạn hán trăm năm có một. Thời tiết xấu đang uy hiếp nguồn cung ứng lương thực của Triều Tiên. Thiên tai lần này dường như là động lực để Triều Tiên tiến hành mở cửa. Tổ chức UNICEF cho rằng, trong thời gian lũ lụt gần đây Triều Tiên đã nới lỏng việc hạn chế người ngoài vào. Trong buổi họp báo thường lệ ở Giơ-ne-vơ, Patrick McCormick, phát ngôn viên của tổ chức này cho biết: “Bầu không khí ở Triều Tiên đã dễ chịu hơn”. Jens Laerke, phát ngôn viên văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc chứng thực điều này và cho biết Triều Tiên đã có các biện pháp sơ bộ để xin viện trợ từ Liên Hợp Quốc. Viện trợ bao gồm lương thực, nhiên liệu, dược phẩm, nước uống cũng có cả giống cây trồng và phân bón. Sao chép cải cách nông thôn Trung Quốc Trên thực tế, những thay đổi trong chính sách kinh tế của Triều Tiên đã xuất hiện từ cuối tháng 6. Ngày 28 tháng 6 năm 2012, một “chỉ thị đặc biệt” trong nội bộ Đảng của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Kim Jong-un đã được truyền ra. Chỉ thị này được bên ngoài gọi là “phương hướng 6·28”. Trong bản phương hướng này, Triều Tiên lên kế hoạch mô phỏng lại chế độ “bao tiêu sản phẩm” ở nông thôn trong thời kỳ đầu cải cách của Trung Quốc, đồng thời tiến hành thay đổi hình thức phân phối và sản xuất hiện tại của nước mình. Theo “Nhật báo Trung Quốc”, lần cải cách này sẽ làm thay đổi hình thức tập thể hóa nông nghiệp (nông trường tập thể) tồn tại từ năm 1958 đến nay bằng cách cho phép lấy gia đình làm đơn vị canh tác. Theo bản phương hướng, các hộ nông dân có thể được chia một số ruộng đất, nông cụ và phân bón. Quyền tự do xử lý các nông sản của hộ gia đình cũng được nới lỏng hơn. Do đó, Đảng Lao động Triều Tiên còn thành lập “Ban lãnh đạo cải cách kinh tế”, Phó thủ tướng Ro Tu-chol làm trưởng ban. Nếu “phương hướng 6·28” thành hiện thực, thì đây sẽ là lần cải cách kinh tế thứ 5 của Triều Tiên trong vòng 21 năm trở lại đây. Ba lần trong số đó, Triều Tiên đều “mô phỏng” kinh nghiệm của Trung Quốc. Trong đó, năm 2002 khởi động “cải cách kinh tế 7·1”, đã mô phỏng thành lập các đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Điều này được bên ngoài đánh giá là một bước ngoặt của Triều Tiên.Tuy nhiên, dường như Triều Tiên muốn triển khai cải cách theo kiểu kín đáo, không gây chú ý hoặc ít nhất cũng không muốn bên ngoài cho rằng các xu hướng chính sách kinh tế mới không đồng bộ với “Chính sách tiên quân”. Ngày 16 tháng 7 năm 2012, phát ngôn viên phụ trách công tác biên giới của “Ủy ban hòa bình thống nhất Tổ quốc” của Triều Tiên trả lời phỏng vấn của hãng Thông tấn Trung ương đã cho rằng, thảo luận khả năng các chính sách đưa ra không nhất quán với nhau là một “suy nghĩ nực cười”. Những thay đổi trong một tháng Đã có những dấu hiệu thay đổi lặng lẽ nhưng rõ ràng, cho dù những tín hiệu đó có thể chỉ thể hiện phong cách của nhà lãnh đạo mới. Ngày đầu tiên trong tháng 7, Kim Jong-un đi thị sát công xưởng và các công trình đang xây dựng. Trong bài phát biểu hôm đó, Kim Jong-un nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến “xu hướng thế giới”, yêu cầu cán bộ và quần chúng nhân dân dựa trên “xu hướng thế giới” để phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất, mạnh dạn tiếp thu những điểm tốt của nước ngoài đồng thời biến nó trở thành những thứ mình cần. Việc đề cập đến “xu hướng thế giới” làm cho bên ngoài cảm nhận được hình bóng của việc du học đối với nhà lãnh đạo mới này. Ngày 28 tháng 7, theo tin của “Tin tức kinh tế Nhật Bản”, Kim Jong-un đã hạ lệnh giải tán phòng 39 được thành lập dưới thời Kim Jong-il, chuyên quản lý ngoại hối của Đảng Lao Động. Phòng số 39 nằm trong cơ cấu Đảng Lao động, toàn quyền phụ trách công tác thu nhận ngoại hối, nhưng trên thực tế, phòng này chịu sự lãnh đạo của quân đội. Cuối tháng 7, một sự thay đổi từ phía Kim Jong-un làm thế giới bên ngoài vui mừng. Trong ba bức ảnh được Thông tấn Trung ương Triều Tiên công bố vào các ngày 24, 27, 29, bên cạnh Kim Jong-un xuất hiện một người phụ nữ. Trong các bản tin sau đó, thân phận của người phụ nữ này đã được xác định, cô chính là Lee Sol-chu, phu nhân của Kim Jong-un. Sự thay đổi này phá vỡ thông lệ “không công bố tên tuổi và phu nhân của lãnh đạo cũng không xuất hiện trong các hoạt động trước công chúng” như trong thời Kim Jong-il. Hơn nữa, quần áo và phụ kiện nhãn hiệu phương Tây được Lee Sol-chu dùng và trong màn biểu diễn hai vợ chồng xem có xuất hiện nhân vật hoạt hình của Mỹ đã làm bên ngoài cảm thấy được sự thay đổi của Triều Tiên. Ngày 29 tháng 7, một tháng sau bản “phương hướng 6·28”, ý đồ về sự thay đổi một lần nữa lại xuất hiện trong bài diễn văn công khai lần thứ tư của Kim Jong-un. Xây dựng “quốc gia phồn thịnh” trở thành điểm sáng của bài diễn văn. Ngày 2 tháng 8, trong buổi dạ tiệc với phái đoàn của Trung Quốc, Kim Jong-un đã nói đến hy vọng phát triển kinh tế. Cuộc họp này cũng là hoạt động ngoại giao chính thức đầu tiên với phía Trung Quốc kể từ khi Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tối cao. Bốn ngày trước cuộc họp, Bộ trưởng Bộ An ninh nhân dân Triều Tiên Ri Myong-su cũng có chuyến thăm tới Trung Quốc. Theo thường lệ, chuyến thăm của Ri Myong-su được cho là “dấu hiệu báo trước” nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đến thăm Trung Quốc. Về phía dân sự, các dấu hiệu mở cửa càng rõ ràng hơn. Đảng Lao động Triều Tiên đã cử đoàn cán bộ khảo sát thôn Hoa Tây nổi tiếng của Trung Quốc. Một số lượng “không tiết lộ cụ thể” các nữ nhân viên đã ở lại, bắt đầu công việc thực tập tại các cơ sở thuộc thôn Hoa Tây. Cho dù hoạt đông giao lưu này chỉ thuộc phạm trù xuất khẩu lao động nhưng việc lựa chọn mô hình nông thôn thành công của Trung Quốc một lần nữa gợi lên trí tò mò với thế giới. Người dịch: Kiều Thị Dung