CẢI CÁCH KINH TẾ TRIỀU TIÊN: THĂM DÒ CON ĐƯỜNG THỨ BA VÀ TƯƠNG LAI CHƯA XÁC ĐỊNH CỦA NÓ1 (phần 3)
Đăng ngày:
4. Xu thế cải cách: Điều chỉnh sâu hơn nhưng không có tính cách mạng Xu thế cải cách của Triều Tiên có thể là: Thứ nhất, do sự tập trung vào cải cách phía cầu chưa chắc đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản suất của bên cung ứng nên bước tiếp theo, có thể Triều Tiên cần ưu tiên cho doanh nghiệp quốc doanh, dồn lực tập trung khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp này. Ủy ban Quy hoạch quốc gia sẽ lựa chọn một số biện pháp cải cách vượt cấp, cho phép thị trường phát huy tác dụng bổ sung, để điều tiết phân phối tài nguyên của các xí nghiệp sản xuất. Ủy ban Quy hoạch có thể có thể cắt đứt mối quan hệ với đa số lãnh đạo của xí nghiệp, sau đó, quan hệ giữa các xí nghiệp này sẽ tiến hành thông qua cơ cấu tiền tệ và các hình thức khác nhau của thị trường. Chính phủ Triều Tiên sẽ tập trung đầu tư vào một số doanh nghiệp lớn trong nước. Chiến lược này trong thực tế đã được thực hiện. Hiện nay, có thể thấy nhiều tập đoàn lớn trong các quảng cáo ở Triều Tiên như: Phú Cường, Đại Thành, Xã Hội Thắng Lợi, Xã Hội Triều Tiên Tự Cường-một chi nhánh của tổng công ty Vĩnh Bang…. Trong đó, công ty Xã Hội Tự Cường báo cáo, họ có tài sản 20 triệu USD và doanh thu 150 triệu USD. Thứ hai, các thay đổi trong chính sách cải cách cũng sẽ xuất hiện trong hệ thống ngân hàng. Hiện tại, tất cả các ngân hàng của nước này đều thực hiện cơ cấu tiền tệ hành chính, nguồn gốc tiền vốn chủ yếu từ dự toán quốc gia chứ không phải từ tiền gửi của người dân và doanh nghiệp. Họ chỉ dựa vào kế hoạch kinh tế của Chính phủ, cung cấp vốn và tín dụng cho các doanh nghiệp quốc doanh, nông trường và các tổ chức của Nhà nước khác mà không có các điều khoản bổ sung và thẩm tra nghiêm ngặt nào. Hạch toán kế toán ngân hàng cũng không xem xét đến yếu tố vốn và lợi nhuận. Do thu nhập tài chính và dự toán của Triều Tiên giảm nhanh chóng (năm 1994 đạt 19,2 tỷ USD, năm 2000 chỉ đạt 10 tỷ USD), Chính phủ và các ngân hàng phải không ngững nỗ lực thu hút tiền gửi của người dân để bổ sung vào các khoảng trống tiền vốn trong ngành công nghiệp. Do đó, Chính phủ cần phải thương mại hóa hệ thống ngân hàng, yêu cầu tất cả các nghiệp vụ tài chính phải tuân theo tình tự của ngân hàng và phải trả lãi cho các khoản tiền gửi và trái phiếu. Thứ ba, Chính phủ Triều Tiên sẽ lựa chọn các chính sách mở cửa đối ngoại, bởi vì các biện pháp cải cách có được thành công bước đầu, ngoài việc dựa vào các nguồn đầu tư trong nước còn phụ thuộc vào việc phá vỡ “nút thắt cổ chai” thiếu hụt năng lượng. Triều Tiên có thể thiết lập các chính sách linh hoạt để thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo các báo cáo, Triều Tiên đang suy nghĩ về việc cho phép thành lập các ngân hàng và công ty 100% vốn nước ngoài. Hiện nay mới có một ngân hàng hợp tác được thành lập ở Bình Nhưỡng17. Không nghi ngờ gì, đối tượng hợp tác chủ yếu trước mắt của Triều Tiên vẫn là Trung Quốc. Hợp tác song phương tập trung vào ba mặt chính18: Một là, các công ty Trung Quốc mở rộng thêm về đầu tư vào công nghiệp khai khoáng, luyện kim, đổi mới lưới điện và tuyến vận tải của Triều Tiên, ví dụ là tỉnh Cát Lâm Trung Quốc sẽ cung cấp điện cho Triều Tiên. Hai là, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực bán lẻ ở Triều Tiên. Nhà thầu sẽ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, bao gồm cả xây dựng đập thủy điện loại nhỏ, trạm phát điện và công ty phân bón. Những đầu tư này ngoài việc giúp kiểm soát lạm phát còn giảm thiểu được sự thiếu hụt về nguồn điện, phân bón và các nhu yếu phẩm khác. Ba là, trong tương lai không xa, Triều Tiên và Trung Quốc sẽ mở ra thêm nhiều khu mậu dịch tự do, bến cảng, khu gia công và khu công nghiệp miễn thuế ở các vùng biên giới. Ngoài ra, cùng với việc cải thiện và mở rộng thêm công trình du lịch núi Kim Cương và xây dựng khu tổ hợp công nghiệp Khai Thành, Triều Tiên còn xây dựng thêm các đặc khu kinh tế ở nhiều vùng khác nhau, thiết lập các trung tâm công nghiệp và vành đai công nghiệp có chức năng và định vị khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, như cùng thiết lập ngành sản xuất thâm dụng lao động, khu công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch và thúc đẩy khu kinh tế nông nghiệp. Theo các nguồn tin, Triều Tiên muốn phát huy tác dụng khác nhau của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tại các đặc khu kinh tế khác nhau, ví dụ như vai trò quan trọng của các nước này ở các khu vực sông Áp Lục, Khai Thành và La Tiên. Khu tự trị Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) của Triều Tiên vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Người ta chú ý đến cây cầu nối liền khu vực Đơn Đông Trung Quốc với Triều Tiên mà Trung Quốc đang xây dựng (cây cầu lớn thứ hai trên sông Áp Lục). Một khi cầu xây xong, sẽ trở thành con đường ngắn nhất giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Một khu tổ hợp nhà ở lớn cũng đang được các công nhân lành nghề xây dựng ở Tân Nghĩa Châu. Ngoài ra, từ lâu đã có nguồn tin rằng trên đảo Phi Đoạn (Pidansom) gần Tân Nghĩa Châu sẽ được phát triển thành một trung tâm tiền tệ. Nói cách khác, Triều Tiên đã tiếp thu một số đề xuất của Trung Quốc, cũng thấy được tác dụng của khai thác đặc khu Tân Nghĩa Châu. Trong tư tưởng của Kim Jong Il, Tân Nghĩa Châu là khu vực lý tưởng nhất để xây dựng khu kinh tế kỹ thuật cao. Một khi hoàn thành, ông sẽ biến giấc mơ đưa Tân Nghĩa Châu trở thành một Hồng Công mới thành hiện thực. Quan trọng hơn là, kế hoạch này hầu như không có nguy hiểm về chính trị. 5. Kết luận Triều Tiên đã khởi động kế hoạch cải cách có tính thực tế cao. Động lực chính là sự sinh tồn của chính quyền và tư duy nước mạnh của lý tưởng chủ nghĩa Kim Jong Il. Chúng ta nên nhìn nhận cuộc cải cách theo hai hướng. Căn cứ vào mâu thuẫn và các đặc điểm hạn chế của nó, chúng ta không thể xác định cải cách của Triều Tiên liệu có trở thành một thành công cục bộ không. Chúng ta cũng không thể đơn giản lấy mô hình cải cách của Trung Quốc và Việt Nam để đo tình hình cải cách của Triều Tiên. Nó được coi như cuộc thăm dò con đường cải cách thứ ba, nó là sự kết hợp giữa các kinh nghiệm chuyển hình kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam và Đông Âu, nó không phải là sự thay đổi thể chế có tính cách mạng mà chỉ là một xu hướng mở cửa chung. Chú thích 1. Nguyên văn trong bài phát biểu tiếng Anh tại hội nghị quốc tế của Đại học Havard tháng 9 năm 2006, sau đó được đăng trên tạp chí “Nghiên cứu học thuật Mỹ-Hàn” của Viện Kinh tế Hàn Quốc, Kỳ 17 năm 2007. 2. Lee Young Sun và Yoon Deok Ryong, “The Structure of North Korea’s Political Economy: Changes and Effects” được in trong cuốn sách “A New International Engagement Framework for North Korea do Ahn Choong Yong, Nicholas Eberstadt và Lee Young Sun biên soạn, Viện nghiên cứu Châu Mỹ của Hàn Quốc xuất bản năm 2004. Họ cho rằng cải cách ở Triều Tiên không phải là các chính sách tích cực hướng tới mục tiêu cụ thể. Andrei Lankov (2004) miêu tả cải cách thành một sự thừa nhận với hiện thực kinh tế khốc liệt. 3. Trong bốn năm qua Chính phủ đã thay đổi lập trường quan điểm về vấn đề chợ tự do, từ hạn chế đến ủng hộ, bởi chợ đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống của người dân Triều Tiên. Thế nhưng Chính phủ vẫn có một số nghi vấn và lo lắng, vì vậy vẫn thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt để khống chế hoạt động của các chợ này. 4. Các vấn đề liên quan đến trình tự kế hoạch dự toán và chế độ phân phối của Triều Tiên, xin xem bài luận của Lee và Yoon (2004, 47) 5. Ở đây tác giả sử dụng khái niệm “bờ vực sụp đổ”, hàm ý của nó giống với định nghĩa của Eberstadt (2004, 65), chính là sự sụp đổ của phân công lao động trong nền kinh tế quốc gia. 6. Bernhard Seliger,“North Korea Economic Devel opment and External Relations” , Korea Economy, 2004, p. 80 – 81. 7. Ngày 10 tháng 3 năm 2005, báo Kinh doanh Trung Quốc đã phỏng vấn Phó chủ tịch Trình Bằng của công ty giao lưu văn hóa và hữu nghị Triều-Trung. Ông cho rằng chiến lược hay mục tiêu đưa Triều Tiên thành một quốc gia hùng mạnh bao gồm ba mặt: về mặt ngoại giao, có thể vận dụng được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế (vấn đề hạt nhân là một đòn bẩy quan trọng), thiết lập một lực lượng quân sự hùng hậu, thông qua cải cách để cải thiện thể chế và năng lực kinh tế. 8. Kim Jong Il có khuynh hướng tập trung vào sự thần kỳ của công nghệ chứ không phải một chế độ để cho phát triển công nghệ. Đọc Lim Won Hyuk,“Kim Jong Il Southern Tour : Beijing Consensus with a North Korean Twist” , a presentation at the Korea-China Forum on China ’s Economic Reform: a Model for the DPRK, February 13,2006, Washington, D.C. 9. Một công nhân Triều Tiên có thể nhận được nhiều nhất 7000 đến 8000 won tiền lương cộng thêm các khoản tiền thưởng. 10. Theo báo cáo, đầu năm 2005, Triều Tiên đã suy nghĩ việc khoán một số diện tích đất nông nghiệp cho nông dân, nhưng sau một năm nghiên cứu kê hoạch này đã bị hủy bỏ. 11. Đối với điểm này, có thể có nhiều ý kiến khác nhau, các nông trường và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp khác nhau sẽ có các vấn đề khác nhau trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, sự khác biệt giữa góc nhìn và các địa phương được phỏng vấn cũng làm các nhà quan sát quốc tế có các kết luận khác nhau. Ngoài ra, liên tiếp mấy năm mưa thuận gió hòa, viện trợ phân bón của Hàn Quốc, các biện pháp kích thích kinh tế và ứng dụng kỹ thuật mới trong nông nghiệp đều giúp Triều Tiên “được mùa” trong năm 2003-2005. 12.Trình Bằng, Phó chủ tịch công ty Giao lưu văn hóa và hữu nghị Trung-Triều, đã chỉ ra điểm này khi trả lời phỏng vấn của “Báo kinh doanh Trung Quốc” vào ngày 10 tháng 3 năm 2005. 13. Hiện tại mỗi ngày người dân Triều Tiên bình quân được phân phối 200 đến 250 gam gạo, ban đầu là 300 gam gạo. Một kilogam gạo là 1050 won, bằng một nửa lương tháng của công nhân bình thường. 14. Căn cứ vào thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, các mặt hàng có tăng giá bao gồm: ngũ cốc tăng 20 lần, muối tăng 15 lần, mỳ lạnh tăng 20 lần. 15.Tony Banbury (2005) là đại diện của WFP tại khu vực Châu Á, ông phát hiện ở Bình Nhưỡng, giá một bữa tối ở khách sạn gấp 5 đến 7 lần tiền lương bình quân của người bản địa. Trong xã hội rất ít người có thể trả được. 16. Newcomb nhấn mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài có vai trò cực kỳ quan trọng với thành công trong cải cách kinh tế Triều Tiên. Đọc William Newcomb,“Reflections on North Korea Economic Reform ” , Korea E2 17. Tháng 5 năm 2005, một tập đoàn ngân hàng đầu tư ở Luân Đôn, tập đoàn Toàn Cầu đã mở chi nhánh ngân hàng ở Bình Nhưỡng. Đây là ngân hàng hợp tác đầu tiên giữa Anh và Triều Tiên. 18. Ngày 10 tháng 1 năm 2006, trang web Tân Hoa đưa tin, năm 2004 Triều Tiên thu hút được 59 triệu USD đầu tư nước ngoài. Trong đó, nguồn từ Trung Quốc là 50 triệu USD. Trong số 300 công ty đầu tư tại Triều Tiên, công ty của Trung Quốc chiếm 40%. Kiều Thị Dung