QUAN ĐIỂM, CHỦ THUYẾT CỦA CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VÀ HỌC GIẢ HÀN QUỐC ĐỐI VỚI SỰ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG ĐÔNG Á
Đăng ngày:
Trước đây, các nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa tham gia vào bất cứ một hiệp định thương mại khu vực nào. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, những nước này mới bắt đầu quan tâm hơn tới việc hình thành các hiệp định thương mại tự do. Năm 1998 -1999, Hàn Quốc đã xây dựng một FTA với Chile và bắt đầu tiến hành một nghiên cứu chung với Nhật Bản, Niudilân và Thái Lan. Nghiên cứu của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) chỉ ra rằng, việc hình thành một liên minh tiền tệ châu Á sẽ còn mất nhiều năm mới có thể hoàn tất. Hội nhập Đông Bắc Á chỉ được coi là mới bắt đầu bởi vẫn chưa có một hiệp định mậu dịch khu vực duy nhất nào bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; các vấn đề chính trị giữa ba bên: sự chia cắt của bán đảo Hàn và sự bất trắc của vùng Viễn Đông của Nga; sự phụ thuộc vào Mỹ và sợ Nhật Bản lấn át; Trung Quốc và Nhật Bản đều cảnh giác lẫn nhau. Các hiệp định mậu dịch tự do của các nước khác cũng có một tác động chính sách trong nước mạnh mẽ đối với vấn đề này. Hàn Quốc chuyển đổi hướng tới chủ nghĩa khu vực hiện đại Trong nhiệm kỳ tổng thống Kim Dae-jung nắm quyền, chính sách hội nhập khu vực đã được thúc đẩy rất tích cực. Chủ nghĩa khu vực Đông Á đã trở thành một trong các trụ cột chính của chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, nó được xem như là một phương tiện để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Tổng thống Kim Dae-jung nhìn nhận vấn đề bán đảo Hàn và giải pháp có thể của nó như là một phần của mạng lưới khu vực rộng lớn, bao gồm các nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á, vì vậy, ông đã tập trung nhấn mạnh vào thể chế hóa khu vực, bên cạnh Chính sách Ánh Dương hướng tới Triều Tiên. Nhờ đó, nền tảng của các cuộc đàm phán 6 bên cũng được thiết lập trong giai đoạn này. Đối với tổng thống Kim, vấn đề hợp tác khu vực và thể chế hóa cần phải được song hành với những cơ hội cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên. Sáng kiến đáng chú ý nhất trong việc xây dựng Công Đồng Đông Á là việc thiết lập Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG), cho phép khu vực tư nhân và khoa học được tham gia vào việc tìm kiếm cách thức thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong khối các nước APT. EASG đã đưa ra một số biện pháp tập trung vào vấn đề thể chế hóa khu vực trong bản Báo cáo cuối cùng lên Hội nghị APT như sau: Thiết lập một Hội đồng Kinh doanh Đông Á;Thiết lập một Mạng lưới Thông tin Đầu tư Đông Á; Xây dựng một mạng lưới chuyên gia hàng đầu Đông Á; Thiết lập một Diễn đàn Đông Á; Thiết lập các chương trình giảm nghèo; Tăng cường các cơ chế hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống; Phối hợp giữa các thể chế văn hóa và giáo dục nhằm thúc đẩy một cảm nhận mạnh mẽ, thấu đáo về khái niệm Đông Á; Thúc đẩy các nghiên cứu Đông Á trong khu vực; Thiết lập một Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á; Theo đuổi nâng cấp Hội nghị ASEAN + 3 thành Hội nghị Đông Á; Thúc đẩy hợp tác môi trường hàng hải khu vực chặt chẽ hơn trên toàn bộ khu vực; Xây dựng một khung khổ cho các chính sách và chiến lược năng lượng và kế hoạch hành động. Cách tiếp cận khu vực hiện nay của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak Kể từ khi lên nắm quyền năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak dường như tiếp tục cam kết của Hàn Quốc đối với khu vực và quá trình thể chế hóa với một sự quan tâm nhất định tới Đông Bắc Á cùng với duy trì APT như một động lực chủ yếu để hướng tới hội nhập Đông Á. Trong bối cảnh này, việc tăng cường các cuộc Hội nghị Hợp tác Ba bên của nhóm CKJ là ví dụ gần đây nhất về tầm quan trọng của Seoul đối với vấn đề thể chế hóa của khu vực Đông Bắc Á. Hội nghị thượng đỉnh ba bên này đã hình thành trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng châu Á và sự sáng tạo ra khuôn khổ APT trong những năm gần đây đã được hợp nhất như một kênh chính cho đối thoại giữa ba thành viên chính của NEA, đưa Hàn Quốc vào trung tâm của việc định hình thể chế hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2008 là năm có nhiều bước tiến trong hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Tại hội nghị Hội nghị Ba bên được tổ chức ở Fukuoka Nhật Bản, các nhà lãnh đạo ba nước đã thông qua một thỏa thuận chung tiến hành trao đổi ở cấp cao thường xuyên hơn. Năm 2010, ba nước đã thông qua một chương trình nghị sự “Tầm nhìn 2020” về hợp tác ba bên bao gồm triển vọng tương lai của khung khổ đa phương thông qua thiết lập một loạt các nhiệm vụ hành động cụ thể trên 5 lĩnh vực bao gồm: Thể chế hóa và nâng tầm Đối tác Ba bên, Hợp tác kinh tế bền vững thịnh vượng chung, Hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, thúc đẩy quan hệ thân thiện thông qua mở rộng trao đổi văn hóa và nhân văn, và Nỗ lực chung cho Ổn định và Hòa bình quốc tế và khu vực. Với hội nghị cấp cao lần thứ 4 diễn ra thành công trong năm 2011, cuộc đối thoại thường xuyên hiện nay còn bao gồm đối thoại cấp bộ trưởng về các vấn đề tương tự như văn hóa, ngoại giao, thương mại và môi trường, cùng với quyết định thiết lập một ban thư ký thường trực ở Hàn Quốc là một bước tiến đáng ghi nhận trong việc đưa Seoul vào trung tâm của quá trình này, điều đó thực sự trở thành cơ sở trong cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với thể chế hóa khu vực Đông Bắc Á. Seoul cũng đang thực sự quan tâm tới quan hệ với Trung Quốc nhiều hơn với Nhật Bản. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, vì mối đe dọa từ Triều Tiên và tầm quan trọng chiến lược của đồng minh an ninh Hàn – Mỹ nên việc duy trì sự can dự của Mỹ vào khu vực vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Seoul trong cách tiếp cận hiện nay của họ đối với khu vực. Điều này được phản ánh qua việc tăng cường quan hệ đồng minh trong những năm gần đây và sư ủng hộ tư cách thành viên của Mỹ trong các thể chế như ARF và EAS (các diễn đàn mang tính chủ nghĩa khu vực mở). Quan điểm chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay về xây dựng một cơ chế hợp tác Đông Bắc Á Hàn Quốc sẽ xây dựng một khung khổ hợp tác toàn diện để có thể giúp khu vực vượt qua được những trở ngại chính trị đối lập, giải quyết các thách thức chung và mở rộng phạm vi các lợi ích chung. Hợp tác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cần dựa trên các giá trị thị trường tự do và dân chủ tự do, tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực văn hóa-xã hội, ngoài các lĩnh vực chính trị và an ninh, đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo và phối hợp chiến lược giữa ba nước nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và duy trì sự ổn định trên bán đảo Hàn. Tăng cường hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản như một cách để nâng cao vai trò và vị thế của Đông Á trong cộng đồng quốc tế, giải quyết triệt để các thách thức chủ yếu hiện nay của khu vực Đông Bắc Á. Trong quan hệ với Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi mục tiêu xây dựng một quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Còn trong quan hệ với Nga, Hàn Quốc đã thiết lập một đối tác hợp tác chiến lược trong năm đầu tiên và các cuộc đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng 6 tháng một lần giữa Hàn Quốc và Nga giúp hai nước tham gia vào các thảo luận cởi mở hơn về một loạt các vấn đề, đồng thời, khai phá thêm nhiều cách thức hợp tác mới; tiếp tục hợp tác với Nga trong các lĩnh vực trao đổi công nghệ tiên tiến, đào tạo các chuyên gia khoa học và phát triển, bảo vệ các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Thứ nhất là đề cập tới vai trò trung tâm của Hàn Quốc trong Chủ nghĩa Khu vực Đông Á Tại sao Hàn Quốc có thể giữ vai trò trung tâm? Hàn Quốc có vẻ như là ứng cử viên phù hợp nhất nắm giữ vai trò lãnh đạo như một nhà nước phát triển về kinh tế và dân chủ; đóng vai trò lôi kéo các thành viên khác trong khu vực. Tổng thống Kim Dae-jung là người tiên phong ủng hộ APT và cả EAS. Tổng thống Roh Moo-hyun cũng đã ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa khu vực ở NEA. Hơn nữa, tương lai các hiệp định khu vực này phụ thuộc nhiều vào các nước Đông Bắc Á hơn là các nước ASEAN, bởi “cầu nối” Đông Nam Á trong chủ nghĩa khu vực đã giữ vai trò trong một thời gian, nhưng dường như hiện không còn tiếp tục nắm giữ vai trò này lâu hơn được. Một khung khổ khu vực Đông Á thực sự cần phải được thể chế hóa NEA với lãnh đạo nội sinh dẫn dắt quá trình này. Có thể nói, một sự hiểu biết thấu đáo về các sức mạnh là lựa chọn ưu tiên hiện nay để hiểu về vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc. Một nước có sực mạnh tầm trung và là một nước có vị trí địa lý “ở trung tâm” giữa các sức mạnh lớn. Theo cách tiếp cận hành vi, tập trung vào một dạng thức cụ thể của hành vi mà các sức mạnh tầm trung thường biểu hiện trên trường quốc tế. Điều này nhấn mạnh lên hành vi ám chỉ rằng “lãnh đạo tầm trung” không phải là một tương lai bất biến mà thay vào đó nó được điều chỉnh theo thời gian tùy thuộc vào những thay đổi trong hệ thống quốc tế. Hàn Quốc hội tụ đủ điều kiện để có thể được coi là một sức mạnh tầm trung đó. Tuy nhiên, cũng còn có một số ý kiến chỉ trích về khả năng thực sự của Hàn Quốc trong vai trò lãnh đạo khu vực, trong số đó, các ý kiến chủ yếu nhằm vào thái độ đối kháng với Nhật Bản của công chúng Hàn Quốc và sự hoài nghi của họ đối với Trung Quốc. Hơn nữa, việc không có khả năng giải quyết vấn đề Triều Tiên và những hạn chế này của Hàn Quốc đã khiến nó phải phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh là những lý do khiến một số người nghi ngại về khả năng lãnh đạo và là cầu nối khu vực. Sự lựa chọn cách thức tiếp cận của Hàn Quốc vào chủ nghĩa khu vực kinh tế Đông Á Ba nước lớn vùng Đông Bắc Á, Trung Quốc Nhật Bản và Hàn Quốc đã chọn cách tiếp cận đa lớp để tăng cường chủ nghĩa khu vực kinh tế. Ba nước cần tích cực tham gia trong tiến trình ASEAN + 3 và phát triển nó thành một tiến trình Đông Á, trong đó, vùng Đông Bắc Á tham gia với một Hàn Quốc còn có thể đóng góp cho hội nhập kinh tế ở Đông Á. Là một quốc gia hạng trung, Hàn Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại trong khu vực Đông Á như một tổng thể cũng như giữa hai nước lớn, Trung Quốc và Nhật Bản cũng như các nước ASEAN. Với giả định chức năng như vậy, Hàn Quốc phải làm cho nền kinh tế của mình có vai trò như một mô hình cho các nước Đông Á khác, trên cả hai khía cạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở cửa. Hàn Quốc phải ghi nhớ rằng, vị trí địa lý và kích thước kinh tế trung gian của nó chưa đủ để đóng vai trò hàng đầu trong hội nhập kinh tế khu vực. Bằng cách tích cực theo đuổi tự do hóa kinh tế, Hàn Quốc cũng phải nhắc nhở các nước láng giềng Đông Á, chủ nghĩa khu vực kinh tế không thể thay thế tự do hóa. Thứ hai là sự cần thiết của hợp tác kinh tế ba bên hướng tới một FTA 3 bên Trung – Nhật - Hàn Tình hình chính trị Đông Bắc Á hiện nay rất khó khăn để tham gia vào trung tâm lãnh đạo khu vực. Triều Tiên hiện nay vẫn đang bị cô lập và vẫn chưa có bất kỳ cải cách kinh tế nào. Khó có thể coi Nga là một phần của Đông Bắc Á, trong khi đó, Đài Loan cũng là một vấn đề gai góc kể từ khi Trung Quốc coi đó là một phần lãnh thổ. Vì vậy, Theo Hàn Quốc, lãnh đạo khu vực phải bắt đầu quá trình với ba nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung-Nhật-Hàn, hiện nay cần phải xây dựng một FTA phù hợp. FTA Trung-Nhật-Hàn sẽ có tầm quan trọng vô cùng to lớn về mặt kinh tế không chỉ đối với các nước này mà còn đối với toàn cầu. Ba nước này chiếm tới 1/5 GDP của thế giới và mức độ hợp tác kinh tế của ba nước đã phát triển đáng kể trong 20 năm qua. Tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng-Bak cho rằng, với một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc phải nhanh chóng thành lập một khu vực thương mại tự do. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, còn có một số trở ngại, thách thức đặt ra là: Sự chênh lệch trong mức độ phát triển kinh tế, sự khác biệt trong hệ thống chính trị là những rào cản đối với hợp tác kinh tế. Hơn nữa, một trong những vấn đề cơ bản phải được giải quyết là tính thiếu tinh thần cộng đồng giữa ba quốc gia và sự nhiệt tình của các bên trong vấn đề đàm phán FTA cũng có những khác biệt. Trong khi Nhật Bản muốn củng cố vị trí của nước này bằng cách theo đuổi cùng lúc TPP và FTA Trung-Nhật-Hàn thì Hàn Quốc lại tỏ ra miễn cưỡng do lo ngại thâm hụt thương mại với Nhật Bản có thể gia tăng. Ngoài ra, Mỹ cũng là một nhân tố không thể xem nhẹ, bởi Mỹ không hề mong muốn ba nước Trung-Nhật-Hàn xích lại quá gần nhau. Trong khuôn khổ các quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn, chiến lược FTA của Nhật Bản và Hàn Quốc tất yếu sẽ phải chịu sự kìm hãm của Mỹ. Những năm gần đây, Mỹ đã trở lại châu Á, chủ xướng và vận động các nước Đông Á tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sân chơi mà Trung Quốc bị gạt ra ngoài. Khi sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang phía Đông đã làm gia tăng sự phức tạp trong quan hệ hợp tác ở khu vực Đông Á thì tiến trình xây dựng FTA Trung-Nhật-Hàn sẽ đối mặt với rất nhiều nhân tố không rõ ràng. Cuối cùng là những đề xuất thiết lập một Hội đồng Hợp tác Kinh tế Đông Bắc Á Ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc phải đưa ra một số cơ chế khác để tăng cường hợp tác khu vực. Trong hội nhập kinh tế toàn diện, các chính phủ thành lập theo pháp luật và khung khổ thể chế. Hội nhập kinh tế khu vực, theo đuổi dưới sự bảo trợ của các lực lượng thị trường mà không có nỗ lực thể chế. Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương sẽ thực hiện các mục tiêu của việc tăng cường hợp tác kinh tế Đông Bắc Á bằng cách cung cấp một khuôn khổ thể chế cần thiết. Trên thực tế, Hội đồng sẽ bắt đầu với ba nước lớn của khu vực về kích thước kinh tế. Các nước và các nền kinh tế khác thuộc Đông Bắc Á có thể tham gia Hội đồng khi họ đã sẵn sàng để làm như vậy. Hội đồng phải nhằm mục đích thông qua những cách phi truyền thống để nhận ra những lợi ích của hội nhập kinh tế truyền thống, lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị và an ninh, tiếng nói được tăng cường trên trường quốc tế. Hội đồng phải cố gắng tăng cường hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực rộng lớn như thương mại, đầu tư, hợp tác công nghiệp, công nghệ, môi trường, viễn thông, giao thông vận tải, năng lượng, hợp tác tài chính, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Sự hình thành của Hội đồng và thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng sẽ giúp giảm căng thẳng trong khu vực. Sự hình thành Hội đồng này cũng có thể tăng thêm tiếng nói của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trên trường quốc tế, mặc dù ba nước sẽ không được tính cộng gộp làm một trong bản thoả thuận về mọi vấn đề. Hội đồng có thể hoạt động hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào các vấn đề khu vực mà cả ba quốc gia quan tâm. Trong ý nghĩa này, Hội đồng sẽ đóng một vai trò bổ sung cho APEC. Mặc dù có sự hình thành của Hội đồng, nhưng quan hệ kinh tế song phương có thể vẫn còn quan trọng hơn hợp tác kinh tế ba bên. Do các chức năng của Hội đồng tương tự như của APEC nên cơ cấu của nó có thể dựa trên APEC. Chính phủ Hàn Quốc nên đề nghị hình thành Hội đồng. Trong số ba nước, Hàn Quốc có vị trí ở giữa, cả về mặt địa lý và kinh tế. Hơn nữa, Hàn Quốc không bị nghi ngại là đang tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực. Bùi Đông Hưng tổng thuật theo Đề tài cấp bộ năm 2010-2012, "Những quan điểm và lý thuyết chủ yếu của các nước Đông Bắc Á đối với sự hình thành Cộng đồng Đông Á" (TS. Võ Hải Thanh)
vị thế bình đẳng với các nước ASEAN. Đồng thời, mỗi nước vùng Đông Bắc Á phải phấn đấu để hình thành một FTA song phương với Đông Nam Á hay Đông Bắc Á đối ứng. Hàn Quốc đã rất tích cực trong cả quá trình ASEAN + 3 và các cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản.