Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ỦY BAN PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI (ESCD) THÀNH LẬP BỐN ỦY BAN THEO CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ

Đăng ngày:

Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội (ESCD) đã bắt đầu đi vào thảo luận nghiêm túc các vấn đề lao động quan trọng đang thu hút sự chú ý của xã hội hay đã trở thành các vấn đề xã hội, sau khi vừa thành lập bốn ủy ban mới theo chương trình nghị sự.

 

1. Ủy ban Mạng lưới An toàn Xã hội về Tiền lương

Ủy ban đầu tiên trong số bốn Ủy ban theo chương trình nghị sự có tên là “Ủy ban Mạng lưới An toàn Xã hội về Tiền lương”, được thành lập ngày 24 tháng 2 năm 2012. Mục đích chính của ủy ban này là giúp thiết lập các chính sách thị trường lao động và phúc lợi, nhằm củng cố mối quan hệ giữa việc làm và phúc lợi, xem xét thực trạng thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây.

Bất chấp xu hướng việc làm tốt hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây, trạng thái phân cực việc làm trầm trọng hơn khi số người lao động nghèo tăng lên. Nói cách khác, ESCD đã nhận ra rằng, những vấn đề hiện nay sẽ không bao giờ được giải quyết một cách hiệu quả, trừ phi phải thay đổi một mô hình chính sách thị trường lao động. Điều này càng trở nên cấp bách khi xã hội Hàn Quốc đang trở nên già hóa nhanh với tỷ lệ sinh rất thấp, mặt khác còn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm thường xuyên.

Ủy ban An toàn Xã hội về Tiền lương là kết quả của một thỏa thuận ba bên nhằm cải thiện tình hình hiện tại, sau khi xét duyệt lại các chính sách thị trường lao động của Hàn Quốc từ quan điểm của Thị trường lao động chuyển đổi (TLM) (Transitional Labor Markets) (1).

Trong tương lai, cùng với quan điểm của TLM, ủy ban này sẽ thiết lập một hướng đi cho chính sách thị trường lao động, nhằm củng cố mối tương quan giữa việc làm và phúc lợi, để có thể phát triển phúc lợi toàn diện cho người dân thông qua tạo việc làm. Các vấn đề nghị sự chính của ủy ban như sau: xem xét lại tính liên kết của hệ thống bảo hiểm xã hội với TLM và các biện pháp thắt chặt mối quan hệ giữa việc làm và phúc lợi; đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hệ thống Bảo hiểm Việc làm; thảo luận các phương án cải cách lại cấu trúc dịch vụ chuyển đổi công việc.

2. Ủy ban Cắt giảm giờ làm

Vào ngày 6 tháng 3 năm 2012, “Ủy ban Cắt giảm giờ làm” được thành lập nhằm rút ngắn thời gian lao động thực tế. Theo đó, cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động, đồng thời góp phần vào công tác tạo việc làm.

Lao động Hàn Quốc làm việc hơn 2.000 giờ mỗi năm. Tuy thời gian làm việc dài nhưng nó không tương xứng với tình hình kinh tế của Hàn Quốc. Vấn đề này tiếp tục được coi là một vấn đề xã hội, gây ra sự suy giảm về chất lượng lao động và phá hỏng nền tảng của công tác tạo việc làm.

Để giải quyết những vấn đề trên, ESCD đã điều hành một Ủy ban Cải thiện Giờ làm và Hệ thống Tiền lương trong một năm từ tháng 6/2009. Đây là kết quả của việc ký kết thành công “Thỏa thuận ba bên nhằm cải thiện thực trạng lao động nhiều giờ và thúc đẩy văn hóa lao động” vào ngày 8 tháng 6 năm 2010. Thỏa thuận chính là sẽ rút ngắn thời gian làm việc cho các công nhân Hàn Quốc xuống mức 1.800 vào giờ năm 2020. Ngoài ra, vào tháng 8/2011, Hội đồng ba bên còn thành lập Ủy ban Cải thiện giờ làm cho các ngành công nghiệp đặc thù. Ủy ban này đã soạn thảo “Quan điểm của những người đại diện cho quyền lợi cộng đồng nhằm cải thiện chế độ miễn giảm giờ làm” vào ngày 27 tháng 1 năm 2012. Ủy ban trình chính phủ như một bản đề xuất chủ yếu đưa ra gợi ý về việc giảm số lượng các khu vực đặc thù được cho phép kéo dài thời gian làm việc không giới hạn (từ 26 khu vực xuống còn 10 khu vực).

Tuy nhiên, Ủy ban Cắt giảm giờ làm được thành lập dựa trên sự nhất trí ba bên mà không có các biện pháp nói trên, thì việc thảo luận liên tục giữa người lao động, ban quản lý và chính phủ để cải thiện thực trạng làm việc nhiều giờ bấy lâu nay luôn là một điều cần thiết.

Chương trình nghị sự của Ủy ban bao gồm: tạo việc làm và cải thiện năng suất lao động thông qua giảm giờ làm; các phương án cải thiện tiền lương và chế độ làm việc theo ca nhằm giảm thời gian lao động thực tế; các biện pháp khuyến khích chương trình làm việc linh hoạt và cải thiện giờ làm thêm; vai trò và các kế hoạch hành động của các bên tham gia nhằm mục tiêu cải thiện việc làm và nhận thức tại nơi làm việc. Ngoài ra, Ủy ban hy vọng vấn đề nóng hiện nay sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, đó là làm việc vào ngày nghỉ có được tính là làm việc ngoài giờ hay không ?

3. Ủy ban Vì lợi ích chung của các thế hệ

Ủy ban được ra mắt vào ngày 9 tháng 3 năm 2012 và đã đi vào thảo luận một cách nghiêm túc. Cơ sở để thành lập ủy ban này là các vấn đề việc làm thực tế của lao động trẻ và lao động cao tuổi, gồm hai quan điểm khác nhau cùng tồn tại song song. Quan điểm thứ nhất lo ngại về sự cạnh tranh trong công việc giữa hai thế hệ, như việc mở rộng việc làm cho các lao động cao tuổi có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở các lao động trẻ. Mặt khác, quan điểm thứ hai thấy cần thiết phải có những biện pháp tăng độ tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý, do có sự phân chia thế hệ trong các nhóm nghề nghiệp. Điều này có nghĩa là, công việc của các lao động trẻ và lao động cao tuổi tập trung tại các lĩnh vực mà mỗi nhóm có một lợi thế tương đối. Từ đó, cần thiết phải tạo một mô hình lao động cùng đem lại lợi ích chung cho tất cả các thế hệ, nếu muốn giải quyết những vấn đề việc làm đối với hai thế hệ lao động này.

Ủy ban sẽ xem xét tỉ mỉ các chủ đề thảo luận hiện tại và tình trạng thực tế của thị trường lao động, trong khi nỗ lực tập hợp các ý kiến từ các bên tham gia. Ủy ban đang cố gắng đạt được một kết quả cụ thể để mang lại lợi ích chung cho các thế hệ, cùng với việc đưa ra những thảo luận xã hội về vấn đề này.

4. Ủy ban Nâng cao Hệ thống phòng tránh tai nạn lao động

Ủy ban được thành lập vào ngày 28 tháng 3 năm 2012, nhằm thảo luận về các phương án thúc đẩy hệ thống phòng tránh tai nạn lao động ở Hàn Quốc.

Số lượng nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động từ năm 2010 đến năm 2011 đã vượt mức 90.000 người, trong đó, số người tử vong là khoảng 2.000 người. Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do tai nạn lao động lên tới một con số rất lớn là 17 nghìn tỷ won. Nhưng trên hết, các tai nạn này khiến cho sức cạnh tranh của tổ chức và tiềm năng phát triển của nền kinh tế giảm sút, qua việc làm suy yếu đội ngũ các lao động lành nghề cũng như làm xấu thêm quan hệ trong ngành công nghiệp.

Cụ thể hơn, mức độ tai nạn lao động giữa các tập đoàn lớn và các công ty vừa và nhỏ rất khác biệt. Số lượng các nạn nhân phải chịu thương tổn do tai nạn lao động, như: lao động trong ngành công nghiệp xây dựng, lao động mới vào nghề hay lao động cao tuổi đang ngày một tăng lên. Trước tình thế này, các công ty không quá chú trọng hay đầu tư đúng mức đối với an toàn và sức khỏe của người lao động. Ngoài ra, các điều kiện về tai nạn lao động trong một hợp đồng phụ nhiều bên của các công ty vừa và nhỏ rất không đầy đủ. Đó là lý do tại sao vẫn còn những hạn chế trong công tác cải thiện một cách toàn diện mức độ an toàn và sức khỏe lao động, khi mà chúng chỉ được giải quyết bằng những quy định nhằm đưa ra hình phạt đối với việc vi phạm tiêu chuẩn cho phép hay cách thức thuộc các dự án của chính phủ. Trong bối cảnh đó, Ủy ban này đã được lập ra, dựa trên thỏa thuận ba bên nhằm đem lại những biện pháp thúc đẩy một hệ thống phòng tránh tai nạn lao động có khả năng thu hút các công ty tự chủ động đưa ra những hành động ngăn chặn.

Ủy ban sẽ thảo luận các biện pháp chính sách nhằm: thứ nhất, tạo  một bước nhảy vọt giúp Hàn Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu về ngăn ngừa tai nạn lao động; thứ hai, một mô hình quản lý mới bao gồm người lao động, ban quản lý, khu vực tư nhân và chính phủ đối với công tác phòng tránh tai nạn lao động; và thứ ba, các giải pháp loại bỏ “vùng chết” về an toàn và sức khỏe lao động. Cụ thể hơn, ủy ban sẽ dốc toàn lực để khuyến khích các công ty tự chủ động có những động thái phòng tránh tai nạn, thông qua hỗ trợ mở rộng hệ thống đánh giá rủi ro và thiết lập một cơ chế quản lý gồm người lao động – ban quản trị – khu vực tư nhân – chính phủ nhằm tạo một mối quan hệ mang tính hợp tác, giữa chính phủ với cơ quan phòng tránh tai nạn khu vực công cộng/tư nhân. ESCD lập kế hoạch nỗ lực hết khả năng nhằm ký kết được một hiệp định có ý nghĩa, qua việc thiết lập và điều hành các ủy ban về bốn vấn đề xã hội chính đã thu hút nhiều sự quan tâm trong năm nay. Các ủy ban này có khoảng 15 đến 20 đại diện từ phía người lao động, ban quản lý, chính phủ và nhóm lợi ích cộng đồng sẽ cùng tham gia trong thời gian một năm.

Chú thích:

(1) Transitional labor market: Hệ thống thị trường lao động có khả năng hỗ trợ việc chuyển đổi công việc của một cá nhân người lao động được suôn sẻ, qua việc ngăn ngừa hay xử lý các nhân tố rủi ro mà họ có thể phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi thị trường lao động, như: thay đổi công việc, thất nghiệp, gián đoạn công việc, nghỉ hưu.

Tống Thùy Linh

Nguồn: Korea Labor Review, Summer 2012


Scroll To Top