CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA
Đăng ngày:
I. Cơ sở thực tiễn 1. Những biến đổi trong xã hội Hàn Quốc về vấn đề hôn nhân và gia đình Đề cập tới vấn đề gia đình Hàn Quốc truyền thống thì cho dù là người Hàn Quốc hay người nước ngoài nghiên cứu về vấn đề này đều nhất trí cho rằng, đó là cấu trúc gia đình có nhiều thế hệ chung sống mang đậm tính Nho giáo, nặng tính gia trưởng và coi trọng trực hệ, dòng dõi. Cấu trúc gia đình đó được tạo dựng qua hàng trăm năm, xa hơn nữa, có thể nói tới hơn một nghìn năm khi mà chế độ phong kiến Hàn Quốc xác định vị trí vững chắc và khẳng định vai trò chi phối toàn bộ đời sống xã hội từ thời Koryeo (918 – 1392). Sở dĩ các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cố kết chặt chẽ trong cấu trúc gia đình truyền thống Hàn Quốc chỉ dừng lại con số hàng trăm năm là muốn khẳng định Nho giáo trong triều đại Choseon (1392 – 1910) đã có những khuôn mẫu, quy phạm, lễ giáo lễ nghi rất chặt chẽ trong vấn đề gia đình hơn cả Trung Quốc. Bước sang thời kỳ Nhật thuộc (1910 – 1945), chế độ phong kiến Hàn Quốc chấm dứt, hệ thống lễ giáo lễ nghi bắt đầu rạn nứt, cấu trúc gia đình có nhiều thế hệ chung sống (gia đình mở rộng) đã lung lay, xã hội Hàn Quốc chuyển sang thời kỳ cận đại hóa và văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập mạnh hơn vào bán đảo Hàn. Tuy vậy, phải đến khi Đại Hàn dân quốc được thành lập (1948), đặc biệt là vào thời kỳ Park Chung – hee nắm quyền thì xã hội Hàn Quốc thực sự mới có những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Ông Park đã ra lệnh hủy bỏ những điều bị coi là hủ lậu, dị đoan của chế độ phong kiến mà chỉ duy trì và phát triển hai khái niệm Trung và Hiếu của tư tưởng Nho giáo. Lẽ dĩ nhiên, điều đó đã khiến cho mô hình gia đình lớn kiểu Nho giáo dần dần yếu đi và mô hình gia đình nhỏ, vợ chồng là trọng tâm cũng dần mạnh lên theo quá trình công nghiệp hóa. Nhưng, cái gọi là “biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc” thực sự xuất hiện từ nửa sau những năm 1980 khi phong trào dân chủ lan rộng khắp Hàn Quốc. Quá trình dân chủ hóa đã làm thay đổi mạnh mẽ xã hội Hàn Quốc và tác động trực tiếp tới ý thức gia đình. Dân chủ hóa đã tạo ra một nét mới trong nhận thức của người Hàn Quốc về quan hệ giới, về vai trò của người phụ nữ Hàn Quốc trong xã hội hiện đại. Phong trào đòi cải thiện quyền lao động của phụ nữ được triển khai rộng khắp và sôi động trong xã hội đã có tác động không nhỏ vào văn hóa doanh nghiệp mang tính gia trưởng. Phụ nữ bắt đầu được đi làm, tham gia hoạt động xã hội, có thu nhập nhất định và theo đó, vị trí trong gia đình cũng dần được cải thiện. Nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc chỉ ra rằng, cùng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, cấu trúc gia đình Hàn Quốc cũng biến đổi theo rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Những cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, trong đó, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ đang độ tuổi kết hôn và sự hình thành các gia đình nhỏ là một tất yếu khách quan. Gia đình nhỏ (còn gọi là gia đình hạt nhân) gồm vợ chồng và con cái chưa kết hôn được hình thành nhanh chóng ở các khu đô thị, khu công nghiệp không bị ràng buộc bởi những lễ nghi khắt khe của gia đình truyền thống cũng dần dần tạo nên một nét văn hóa gia đình mới, trong đó, vai trò và vị trí của người phụ nữ cũng được nâng lên. Nhằm thích ứng với sự biến đổi của gia đình trong xã hội mới, chính phủ Hàn Quốc đã có những sự sửa đổi Luật gia đình của Hàn Quốc. Luật gia đình được ban hành vào năm 1958 đã lấy chế độ gia đình phụ hệ làm trung tâm. Về cơ bản, luật này duy trì hai nguyên tắc: Một là hôn nhân phi nội hôn, tức nam nữ trong dòng họ, cùng nguồn gốc thì không được kết hôn. Hai là duy trì chủ nghĩa huyết thống theo nam giới bằng việc nối dõi. Nhưng, trong lần sửa đổi vào năm 1977, vấn đề bình đẳng giới đã được đưa vào Luật gia đình, vấn đề thừa kế tài sản và quyền làm mẹ của người phụ nữ đã được quy định cụ thể. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong bình đẳng giới về mặt luật pháp. Lần sửa đổi vào năm 1990 không chỉ khẳng định thêm những vấn đề bình đẳng giới của Luật gia đình năm 1977 mà còn điều chỉnh phạm vi thân tộc, đối tượng kết hôn, thay đổi từ chế độ gia đình trực hệ lấy huyết thống làm trọng tâm sang chế độ gia đình lấy vợ chồng làm trọng tâm. Tuy chế độ gia đình lấy vợ chồng làm trọng tâm đã được đưa vào Luật nhưng chế độ hộ khẩu do nam giới đứng tên chủ hộ vẫn bị giới nữ không tán thành. Họ kiên quyết đấu tranh đòi sự bình đẳng và đến năm 2008, chế độ chủ hộ hoàn toàn bị bãi bỏ và chế độ một người một hộ khẩu riêng rẽ được ban hành. Việc sửa đổi Luật gia đình nêu trên phản ánh một thực tiễn rằng, vị thế của người phụ nữ Hàn Quốc được nâng cao rõ rệt trong một xã hội đang chuyển dần sang dân chủ hóa. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, tỉ lệ tham gia lao động là nữ giới trong các ngành nghề đều tăng đều đặn, đặc biệt, tỉ lệ lao động nữ có học vấn tăng lên nhanh chóng và khoảng cách này giữa nam và nữ cũng giảm đi khá nhiều. Xin xem bảng cụ thể dưới đây: Tỉ lệ lao động nữ có học vấn (%) Trình độ Nam Nữ 1980 1990 2000 1980 1990 2000 Tiểu học 61 40 23 44 41 31 Trung học cơ sở 93 99 99 41 56 69 Phổ thông TH 85 83 96 43 48 57 Đại học 78 79 83 36 50 55 Nguồn: Cục thống kê quốc gia (Dẫn lại Thúc đẩy Hàn Quốc học ở Việt Nam; Nxb Thế giới, tr.385; Hà Nội 2010) Bảng thống kê trên cho thấy, tỉ lệ lao động nữ có trình độ đại học tăng nhanh từ 36% năm 1980 lên 55% năm 2000. Tuy nhiên, so với nam giới (83%) thì vẫn còn thấp hơn nhiều. Số lao động nữ có trình độ đại học tăng và đồng lương họ nhận được cao đã khiến cho các gia đình có con gái cũng đã đầu tư cho con học hành và tiêu chuẩn giáo dục của nữ giới nâng cao. Sau khi tốt nghiệp, số phụ nữ trẻ coi sự nghiệp và làm ăn kinh tế quan trọng hơn việc kết hôn. Từ đó dẫn đến việc tuổi kết hôn của họ ngày càng muộn đi và sự lựa chọn người bạn đời cũng khắt khe hơn. Sự kết hôn đồng chất theo giai tầng xuất hiện và phát triển mạnh. Nam giới muốn kết hôn, xây dựng gia đình với thiếu nữ Hàn Quốc cần phải có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao, có học vấn và kinh tế gia đình khá giả… Điều đó đã dẫn đến hệ quả là: (1) Số phụ nữ lựa chọn được bạn đời đáp ứng mong ước của họ bị hạn chế, dẫn đến tình trạng độc thân hoặc tiếp tục chờ mong theo thời gian; (2) Số nam giới không đủ điều kiện lấy vợ người Hàn ngày càng tăng và tuổi đời ngày một cao. Hơn nữa, chi phí cho hôn nhân ở Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi do sự phát triển về kinh tế và công nghiệp hóa. Đặc biệt từ sau năm 1990, chi phí cho một cuộc hôn nhân, tạo lập gia đình tăng đột biến ở thành thị. Theo Nhật báo kinh tế Seoul ngày 6 – 9 – 2004 cho biết, đến năm 2000, chi phí trung bình cho một cuộc hôn nhân được ước tính là 78,45 triệu won (khoảng 78.450USD lúc bấy giờ); Nếu tính cả chi phí nhà ở thì con số đó là 134,9 triệu won (khoảng 134,980 USD lúc bấy giờ). Chú rể trả 60% tổng chi phí, bởi anh ta có trách nhiệm về chuyện nhà ở mà đó là khoản chi phí lớn nhất, còn cô dâu chi tiền mua các trang thiết bị cho ngôi nhà.[1] Đây cũng là một trở ngại đối với nam giới muốn lập gia đình mà kinh tế còn hạn chế. Ở những vùng nông thôn, dẫu rằng lực lượng lao động trẻ đa phần ra thành phố kiếm việc làm, song, trong số người còn lại sống và làm việc ở nông thôn thì cũng có hiện tượng mất cân bằng về giới tính và hôn nhân tạo dựng gia đình. Số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn từ 20 đến 30 ít hơn nam giới. Điều đó đã cho thấy sự thiếu hụt trong việc kết hôn đối với nam giới. Hơn nữa, phụ nữ nông thôn không có xu hướng kết hôn với nam giới nông thôn, bởi họ nhận thức rằng, nếu họ lập gia đình với đàn ông nông thôn thì cuộc sống của chính họ sẽ vất vả, nghèo khó như cha mẹ họ. Điều này càng làm tăng sự thiếu hụt phụ nữ để nam giới nông thôn tạo lập một gia đình nhỏ. 2. Sự gia tăng đột biến của các gia đình đa văn hóa và các vấn đề xã hội nảy sinh Một vấn đề nổi bật ở xã hội Hàn Quốc từ năm 2000 trở đi là vấn đề “di trú kết hôn”, hoặc còn gọi là hôn nhân quốc tế tạo nên “gia đình đa văn hóa”. Khái niệm “gia đình đa văn hóa” được người Hàn Quốc hiện nay sử dụng một cách thông dụng để chỉ một công dân Hàn Quốc kết hôn với một người nước ngoài và chung sống với nhau dưới một mái nhà. Để đi tới thống nhất sử dụng thuật ngữ “gia đình đa văn hóa” ở Hàn Quốc là cả một quá trình tranh luận sôi nổi, tốn không biết bao nhiêu giấy mực và chi tiêu không ít tiền cho các chương trình nghiên cứu, tổ chức hội nghị hội thảo, bởi xã hội Hàn Quốc, dân tộc Hàn suốt hàng nghìn năm qua luôn có tính thuần nhất, thuần chủng và khó chấp nhận một sự biến đổi văn hóa mang tính lai