Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


XEM XÉT LẠI VIỆC KÉO DÀI ĐỘ TUỔI NGHỈ HƯU

Đăng ngày:

Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh hơn so với đa số các nước phát triển khác. Mới đây, khoảng 7,33 triệu người thuộc thế hệ sau Chiến tranh 1950 - 1953, sinh trong giai đoạn từ 1955 đến 1963, đã bắt đầu nghỉ hưu, đang gây ra những vấn đề xã hội, như giảm việc làm và giảm thu nhập khiến cuộc sống sau khi về già của họ đầy bấp bênh. Nếu tuổi thọ dự tính tiếp tục tăng, nhờ vào chất lượng sống cao hơn và các tiến bộ y học, Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải chứng kiến nền kinh tế phát triển trì trệ. Nói một cách cụ thể, thế hệ lao động trẻ sẽ phải đặt lên vai mình gánh nặng chi phí xã hội, như lương hưu và các phí tổn y tế cho người cao tuổi, nên những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong việc ai sẽ trả những khoản phí sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Trong việc nhìn nhận các vấn đề trên, chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận các cách để tạo nhiều việc làm hơn nữa cho người cao tuổi. Vào năm 2010, chính phủ đã lập một cam kết sẽ giúp tạo việc làm cho thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Vào tháng 12/2011, chính phủ cũng giới thiệu “Kế hoạch bố trí công việc thêm cho người cao tuổi lần thứ 2”, đồng thời đưa ra những chính sách tiến bộ nhằm từng bước kéo dài tuổi nghỉ hưu và cho phép các lao động cao tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn mức quy định bằng cách thay đổi thời gian làm việc ngắn hơn. Trong Quốc hội, những cuộc thảo luận nghiêm túc vẫn đang diễn ra, bao gồm cả Dự luật được xây dựng nhằm mục đích tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 60 tuổi.

Xu hướng người lao động cao tuổi rời khỏi thị trường việc làm sớm hơn trước đây đang diễn ra mạnh mẽ và được coi là một tổn thất nghiêm trọng đối với mỗi cá nhân người lao động cũng như với quốc qua. Người cao tuổi đã nghỉ việc thường có nguồn thu nhập ít ỏi và phải dựa vào sự phân phối thu nhập từ những người đang tham gia lao động hoặc tiền tiết kiệm lương hưu của riêng họ. Vì vậy, không thể tránh khỏi chất lượng cuộc sống của họ sẽ thấp đi nhiều. Cụ thể hơn, việc nghỉ hưu của thế hệ bùng nổ dân số nói trên sẽ gây ra thiếu hụt lao động lành nghề tại các nơi làm việc, cản trở các lao động trẻ tiếp cận với các bí quyết kỹ thuật, do đó, gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của các công ty. Trong khi đó, tốc độ phát triển chậm dần của nền kinh tế và gánh nặng phải trả những khoản phúc lợi xã hội của người đóng thuế đang tăng lên, điều này có thể làm giảm tiềm năng phát triển của quốc gia và xuất hiện những căng thẳng về tài chính công. Không thể bác bỏ rằng, già hóa dân số đang ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của xã hội Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc bắt buộc người lao động trong mỗi công ty phải nghỉ hưu vào một độ tuổi giống nhau, bất chấp tình trạng hiện nay của thị trường việc làm, không phải là một giải pháp đúng đắn. Trong điều kiện thị trường việc làm không dễ thay đổi như hiện nay, nơi mà chế độ trả lương dựa trên mức độ thâm niên được sử dụng rộng rãi, các doanh nghiệp nhận thấy việc trả lương cho những lao động được kéo dài tuổi nghỉ hưu là điều khó khăn. Vấn đề quan trọng hơn nữa là, bố trí trả lương dựa theo thời gian công tác thường tạo ra một lỗ hổng lớn giữa năng suất lao động của người cao tuổi với mức lương của họ, ngăn cản các cán bộ quản lý nguồn nhân lực tuyển dụng lao động cao tuổi. Thêm vào đó, những công ty bị chính phủ giám sát nghiêm ngặt về các hoạt động quản lý nhân lực, bao gồm công tác tuyển dụng và sa thải nhân công, cùng với việc quyền tự trị bị suy yếu, không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp cho rằng, thuê người cao tuổi làm việc là một gánh nặng phiền toái.

Trong bối cảnh đó, việc yêu cầu tất cả các công ty tăng độ tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc họ phải hi sinh khả năng cạnh tranh của công ty khi thuê thêm các lao động cao tuổi. Bên cạnh đó, căn cứ vào thực tế chế độ nghỉ hưu hầu hết được sử dụng như một “kênh riêng” cho việc cắt giảm nhân công, nên kéo dài độ tuổi nghỉ hưu sẽ là một trở ngại cho công tác quản lý nhân lực của mỗi doanh nghiệp. Nếu một lao động được pháp luật cho phép làm việc đến năm 60 tuổi, điều này sẽ tạo ra một sự tồn đọng các lao động không có khả năng sản xuất, làm giảm hiệu quả của việc quản lý nhân sự. Mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích các doanh nghiệp, như các khoản tín dụng nếu họ thuê các lao động cao tuổi làm việc, nhưng những động thái này chưa thể là một giải pháp thực sự cho tình trạng thất nghiệp ở người cao tuổi, trừ phi thị trường việc làm trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn.

Vấn đề cần được cân nhắc hiện giờ không phải là làm thế nào để phân bổ một số lượng hạn chế các công việc, mà là làm thế nào để tạo thêm nhiều việc làm. Thị trường việc làm nên linh hoạt hơn để các doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nhiều các lao động cao tuổi có năng lực và có thể quản lý các nhân viên tùy theo tình hình doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn, Chính  phủ nên cung cấp thêm các chương trình phát triển cá nhân, các dịch vụ hỗ trợ thuyên chuyển công tác, các chương trình hỗ trợ tạo lập doanh nghiệp để giúp người cao tuổi ít cảm thấy bị tổn thất về tinh thần khi phải ngừng làm việc, giúp họ tìm được một việc làm mới hay bắt đầu công việc riêng.

Già hóa dân số là một xu thế xã hội tất yếu nên việc thảo luận làm cách nào để tận dụng hiệu quả hơn các lao động cao tuổi là điều cần thiết. Để đối phó trước các vấn đề có thể nảy sinh trong một xã hội già hóa, người cao tuổi nên tham gia vào thị trường việc làm một cách tích cực như các lao động trẻ, đóng góp vào sản xuất kinh tế và trả các khoản thuế cùng với các chi phí an sinh xã hội bằng chính thu nhập của mình. Để đạt mục tiêu đó, các công ty có thể quản lý đội ngũ nhân lực của họ theo một cách hiệu quả hơn và theo chế độ tự trị trong một thị trường việc làm linh hoạt hơn. Gia tăng độ tuổi nghỉ hưu chỉ có một tác động tiêu cực đến thị trường việc làm, đó là cản trở các công ty tuyển dụng lao động mới, bởi chi phí nhân công cao và làm cho cuộc cạnh tranh giữa các thế hệ càng trở nên gay gắt hơn do tình trạng khan hiếm việc làm. Chính phủ nên đưa ra những biện pháp cho phép người lao động ở lại thị trường việc làm lâu nhất có thể, miễn là họ đủ năng lực, bất kể tuổi tác. Nếu các công ty có thể quản lý tiền lương và công tác sử dụng nhân lực một cách linh hoạt hơn, thì tại sao họ phải tránh né việc thuê các lao động cao tuổi ?

 

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Dịch từ nguồn: Korea Labor Review, Spring 2012


Scroll To Top