"QUẢN LÝ ĐA DẠNG" VÀ CHIẾN LƯỢC VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Thực trạng của hệ thống việc làm mang tính bắt buộc dành cho người khuyết tật Tại Hàn Quốc, “tạo việc làm cho người lao động” vẫn đang là một trong những vấn đề kinh tế nóng hổi nhất. Ngay cả ở cấp địa phương, chính quyền, tập đoàn và các công dân đều đang tập trung những nguồn lực chung và riêng cho công tác tạo việc làm, đặc biệt là cho những lao động kém may mắn, bao gồm cả lao động là người nghèo và phụ nữ. Tuy nhiên, “việc làm cho người khuyết tật” vẫn là một vấn đề cần nhận được sự quan tâm lớn hơn ở đất nước này. Vào năm 1991, Hàn Quốc đã đưa ra “một hệ thống việc làm mang tính bắt buộc dành cho người khuyết tật”, trong đó, bao gồm một hạn ngạch việc làm. Hệ thống này đang ràng buộc các chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức công và các công ty tư nhân có 50 lao động thường xuyên trở lên. Cụ thể hơn, hệ thống này yêu cầu với các cấp chính quyền trung ương hay địa phương, các công ty quốc doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, lao động là người khuyết tật phải chiếm trên 3% lực lượng lao động thường xuyên. Với các công ty tư nhân, chính quyền cấp trung ương và địa phương (lực lượng lao động không phải là công chức), số lao động là người khuyết tật phải chiếm 2,7% vào năm 2010 so với 2% của năm 2009. Với mục đích dự tính số lao động là người khuyết tật cho các nhà tuyển dụng có 100 lao động thường xuyên, hạn ngạch đưa ra là 2,3% năm 2011, và 2,5% vào cuối năm 2013. Các nhà tuyển dụng có phần trăm lao động là người khuyết tật cao hơn mức hạn ngạch sẽ được nhận trợ cấp 300.000~ 500.000 won cho mỗi một lao động tăng thêm (phụ thuộc vào giới tính và tỉ lệ khuyết tật). Mặc dù tỉ lệ lao động là người khuyết tật có mức tăng ổn định nhưng hiện vẫn còn khá thấp so với hạn ngạch đã đề ra. Vào cuối tháng 12 năm 2010, toàn quốc có tổng số 126.000 lao động là người khuyết tật, tương đương với 2,24%. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt kết quả tốt hơn khu vực kinh tế tư nhân. Các cơ quan nhà nước cấp địa phương đạt được tỉ lệ lao động là người khuyết tật cao nhất là 3,68%. Sau đó đến các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên và các cơ quan hành chính quốc gia đã vượt qua hạn ngạch bắt buộc, đạt 3%. Ngược lại, các cơ quan thuộc các ngành giáo dục, có tỉ lệ thấp nhất 1,33%. Còn về phía khu vực kinh tế tư nhân, tỉ lệ lao động là người khuyết tật tại các công ty với số lao động ít hơn 500 đã cao hơn so với hạn ngạch, nhưng vẫn thấp hơn so với các công ty có số lao động nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng giới thiệu việc làm cho người khuyết tật Hàn Quốc đã kí các biên bản ghi nhớ với các công ty lớn nhằm mục đích đảm bảo các công ty sẽ đạt được hạn ngạch lao động là người khuyết tật sớm hơn khi hợp tác với họ. Kết quả là tính từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng 5.500 công việc tốt cho các lao động là người khuyết tật ở 224 công ty đã kí kết. Thêm vào đó, 5 công ty kí biên bản cam kết có thành tích hoạt động xuất sắc nhất sẽ được bầu chọn mỗi năm để Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động trao giải thưởng “Công ty của năm”. Tại sao chúng ta nên thuê lao động là người khuyết tật? Các công ty thất bại trong việc thực hiện cam kết và nghĩa vụ xã hội đều không thể giành được sự tin tưởng của khách hàng cũng như không thể thúc đẩy sự phát triển bền vững. Sau Thông cáo của Chính phủ gần đây về việc đưa ra một danh sách các công ty có kết quả yếu kém trong công tác tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật, vài tập đoàn lớn lo lắng về tác động bất lợi có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của họ nên đang cố gắng hết sức để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Vậy, tại sao họ không muốn thuê các lao động là người khuyết tật? Họ phàn nàn rằng các công việc đưa ra không phù hợp với những người khuyết tật. Các lao động khuyết tật có nguy cơ tai nạn tại nơi làm việc cao. Hoặc công việc của họ đòi hỏi phải có một khoản chi phí phụ trội cho những tiện nghi và sự quản lý lao động đặc thù đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này không nằm ở sự hạn chế của lập pháp, thể chế hay điều kiện vật chất. Luật pháp và thể chế liên quan đến người lao động khuyết tật ở Hàn Quốc cũng chặt chẽ như ở các nước tiên tiến khác. Luật pháp và các điều lệ này không chỉ cung cấp việc làm bắt buộc cho người khuyết tật cùng với ban hành hạn ngạch kém hiệu lực nói trên, mà còn cấm sự phân biệt đối xử chống lại người khuyết tật trong lao động, bao gồm các thủ tục sửa đổi về quyền lợi lao động của họ. Vấn đề ở đây là một định kiến cố hữu đối với những người khuyết tật. Sự nhận thức lệch lạc này cho rằng người khuyết tật là những người bất lực và chỉ có thể nhờ vào sự giúp đỡ của người khác và đơn giản là họ không liên quan tới khái niệm “lao động”. Quản lý đa dạng là một giải pháp để các công ty hoàn thành nghĩa vụ xã hội và tăng sự cạnh tranh Tuy có những vấn đề như vừa nêu trên, song, một vài tập đoàn hàng đầu đã thông qua khái niệm “quản lý đa dạng” như là một giải pháp thành công để bảo đảm nguồn nhân lực đa dạng, bao gồm cả nhân lực là người khuyết tật. Ví dụ như, 6 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn điện tử Samsung đã đưa ra phương cách riêng để chiêu mộ số lượng lớn lao động là người khuyết tật trong suốt thời gian tuyển dụng. Tập đoàn này còn xây thêm những đoạn đường dốc thoai thoải, các phòng nghỉ và cổng an ninh chuyên dụng cho các nhân viên là người khuyết tật, lắp đặt các ghế ngồi có thể điểu chỉnh độ cao tại quán ăn tự phục vụ của công ty và tạo chỗ đậu xe dành riêng cho người khuyết tật trong phạm vi công ty. Trong những năm qua, những đóng góp cho cộng đồng từ các công ty, đơn giản chỉ là hình thức của từ thiện và quyên góp, bây giờ lại xuất phát từ phương pháp tiếp cận mang tính chiến lược “đôi bên cùng có lợi” nhằm mục đích giúp công ty hoàn thành các nghĩa vụ xã hội và đồng thời tăng sự cạnh tranh. Một ví dụ khác là Liên hợp Canon Korea Business Solution đặt tại Hàn Quốc. Tập đoàn này đã thuê một số lượng lớn lao động là người khiếm thính, tạo ra “một môi trường không có rào cản” cho những lao động là người khuyết tật. Thực vậy, khiếm tính sẽ không còn là một khuyết tật nữa nếu chúng ta có thể trò chuyện qua ngôn ngữ kí hiệu. Lãnh đạo các công ty cũng nhận thức rằng điều quan trọng nhất ở đây là người khuyết tật có thể làm việc nếu khắc phục được khiếm khuyết của họ. Chúng ta có thể hợp tác làm việc tốt với họ nếu chúng ta sẵn sàng thay đổi hoàn cảnh. Trong trường hợp một công ty gặp khó khăn khi thuê lao động là người khuyết tật một cách trực tiếp, công ty có thể sử dụng hệ thống tuyển dụng gián tiếp thông qua các công ty con. Một công ty có thể lập một công ty con với các công việc và môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật. Số lao động là người khuyết tật làm thuê cho công ty con đó sẽ được tính vào tỉ lệ lao động là người khuyết tật của công ty mẹ. Với hệ thống này, một công ty không những đạt được hạn ngạch lao động về người khuyết tật và quảng bá được hình ảnh của mình mà còn thu được một khoản lợi kinh tế khi không hoặc phải trả ít thuế. Gần đây, 33 công ty trong đó có POSCO, NHN và Tổ chức Giáo dục Công giáo (Catholic Education Foundation) đã kí một hợp đồng xây dựng cơ sở làm việc tiêu chuẩn dạng công ty con cho mục đích này. Nhiều lao động là người khuyết tật sẽ mở mang thêm nhận thức của chúng ta và thị trường thế giới Việc làm dành cho người khuyết tật mang một ý nghĩa lớn với các công ty theo nhiều cách khác nhau. Không kể đến vấn đề hoàn thành mức hạn ngạch bắt buộc, họ còn có thể nâng cao danh tiếng của công ty, đóng góp sản xuất cho cộng đồng và giảm chi phí kinh doanh. Văn phòng giới thiệu việc làm cho người khuyết tật Hàn Quốc luôn có một nhóm lao động là người khuyết tật có tay nghề cao, ủng hộ nỗ lực của các công ty lớn trong việc xây dựng một nơi làm việc đạt tiêu chuẩn dạng công ty con cho những lao động này và trợ cấp đào tạo theo yêu cầu để thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của các công ty về nguồn nhân lực chuyên môn. Thêm vào đó, Văn phòng còn tặng miễn phí các trang thiết bị và dụng cụ trợ giúp, hỗ trợ chi phí thuê các hướng dẫn viên về công việc và cấp tiền trợ cấp cho các nhân viên khuyết tật. Kết quả thống kê cho thấy, 90% người khuyết tật là do bẩm sinh và tỉ lệ con số này đang tăng nhanh. Câu hỏi được đặt ra là vấn đề việc làm cho người khuyết tật không nên giải quyết với một thái độ mang tính đối phó và bị động như trước đây. Các công ty cần phải tuyển dụng thêm nhiều lao động là người khuyết tật, không đơn thuần chỉ là việc cải thiện phúc lợi xã hội mà còn để phát triển nguồn nhân lực. Nói cách khác, các công ty cần phải vượt xa hơn việc thích nghi với quá trình đa dạng bằng cách kết hợp khái niệm đa dạng vào các nguồn lực mang tính chiến lược. Chìa khóa để làm vừa lòng khách hàng mà mọi công ty đều tìm kiếm chính là nằm ở chỗ tuyển được những “cầu thủ xuất sắc” có thể hoàn thành tốt công việc, bất luận họ có hạn chế về hình thức bên ngoài hay các khiếm khuyết thân thể. Các công ty cần nhận thức rằng, chỉ khi bắt đầu sớm hơn, họ sẽ tuyển được những “cầu thủ xuất sắc”. Lao động là người khuyết tật có thể tạo nên một giá trị mới khi giúp mọi người hiểu rằng sự khiếm khuyết chỉ là một mặt trong sự đa dạng của cuộc sống và chúng ta chia sẻ niềm tự hào khi được hợp tác cùng họ. Người dịch: Tống Thùy Linh Nguồn: Korea Labor Review, May/June 2011, vol.7, No.38