THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ: KINH NGHIỆM TỪ HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc không làm thay doanh nghiệp. Chính phủ xác định các mục tiêu cần đạt tới và hoạch định một chính sách ưu tiên đối với các ngành kinh tế then chốt phù hợp với yêu cầu phát triển của Hàn Quốc từng thời kỳ. Chẳng hạn trong 2 kế hoạch 5 năm đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc chú trọng xây dựng các ngành công nghiệp nặng với 3 trụ cột, luyện kim, hoá chất, ô tô. Các chính sách tài chính và tiền tệ được thực thi theo hướng hỗ trợ tích cực cho các nhà kinh doanh trong 3 nhóm ngành này, kích thích họ chú trọng kinh doanh hướng nội. Khi tình hình kinh tế thế giới biến động không thuận lợi (khủng hoảng dầu mỏ lần 1 (1973), và đồng đôla bị thả nổi (1972), chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong 3 nhóm ngành này hướng mạnh vào thị trường thế giới. Điều lưu ý ở đây là gì? Đó là chính phủ điều chỉnh các công cụ can thiệp vĩ mô còn việc thực thi sự chuyển đổi là do các doanh nghiệp và là các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước không trực tiếp đầu tư một khoản vốn nào; Nhà nước chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh (các Chaebol), các tập đoàn này là lực lượng chủ công thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công ở Hàn Quốc. Và nội dung của chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn chặt với đa dạng hoá sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá thị trường trên cơ sở phát triển thị trường mục tiêu.
Tất nhiên, trong những năm gần đây, nhất là từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, Hàn Quốc đã xúc tiến cải tổ hệ thống chaebol và cải tổ hệ thống tài chính nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Những kinh nghiệm trong lĩnh vực này, phía Việt Nam cần tham khảo bởi chúng ta đang xúc tiến cải tổ hệ thống các công ty lớn theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà mục tiêu chính của cuộc cải tổ này là nhằm tới nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, cải tổ cơ chế điều tiết hoạt động ngân hàng, tài chính của Việt Nam cũng cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa. Điều chú ý là những cải tổ trong hai lĩnh vực này cần phải dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển trong khu vực và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.
Thực hiện: Minh Thanh
Biên tập: nhóm website
Nguồn: TVĐBA