SỰ THAY ĐỔI TRONG HIẾN PHÁP HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Cho đến nay, năm 2001, năm kỷ niệm lần thứ 53 ngày ra đời của Hiến pháp Hàn Quốc, lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc đã có những sự thay đổi đến chóng mặt. Có nhiều ý kiến cho rằng điều đó là do Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở áp đặt từ bên ngoài, thiếu nền tảng tự do, dân chủ. Sự áp đặt đó ngay từ đầu đã tạo tiền đề cho Hiến pháp dễ bị lạm dụng vì mục đích chính trị. Và thực tế Hiến pháp Hàn Quốc đã bị lạm dụng, trong hơn 50 năm có tới “ 12 dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được đưa ra và 9 trong số đó đã được thông qua, 8 vị tổng thống đã được bổ nhiệm thông qua bầu cử gián tiếp hoặc bầu cử toàn dân cùng với 5 cuộc trưng cầu dân ý trong toàn quốc. Quốc hội đã bị giải tán 3 lần. Tình trạng Thiết quân luật đã được thực thi 13 lần trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc là 1.825 ngày, hay tương đương 5 năm và 188 ngày; tính đến tháng 4 năm 1998 đã có 5.539 luật được ban hành” [1].
Chúng ta biết rằng, theo Hiến pháp ban hành lần đầu, ngày 17 tháng 7 năm 1948, Tổng thống do Quốc hội chỉ định. Năm 1952, lần sửa đổi đầu tiên đã đưa ra quy định bầu cử Tổng thống theo phương thức bỏ phiếu trực tiếp. Lần sửa đổi thứ hai, thực hiện vào năm 1954, phó Tổng thống được quyền trở thành Tổng thống nếu Tổng thống đương nhiệm từ trần hoặc không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Tháng 7 năm 1960, khi Tổng thống đương nhiệm Lee Sung Man bị sinh viên và quân đội lật đổ, chính phủ lâm thời đã sửa đổi Hiến pháp nhằm tổ chức bộ máy nhà nước theo hình thức Cộng hòa nghị viện. Trong đó quy định Thủ tướng là người điều hành chính còn Tổng thống qua bầu cử công khai, là nguyên thủ quốc gia và thống lĩnh lực lượng vũ trang. Lần sửa đổi thứ tư, tháng 11 năm 1960, đã thêm vào Hiến pháp một điều cho phép Quốc hội ban hành các đạo luật trừng phạt những người đã có việc làm liên quan đến gian lận trong bầu cử hoặc đã từng có những hành động làm phương hại tới những người đấu tranh chống lại những gian lận đó. Các đạo luật này cũng bao gồm cả các điều quy định về hình phạt đối với những hoạt động phản dân chủ và các viên chức chính phủ có những hành vi dính líu đến tham nhũng.
Năm 1962 chính quyền quân sự tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần thứ năm.Trong lần sửa đổi này quyền lực của Tổng thống và cơ quan Lập pháp trở lại như ban đầu. Năm 1969, trong lần sửa đổi thứ sáu đã bổ sung điều khoản cho phép Tổng thống được nắm quyền từ hai nhiệm kỳ lên ba nhiệm kỳ. Tổng thống Park Chung Hee đã được hưởng lợi từ sự sửa đổi này. Và ông ta còn được tiếp tục hưởng lợi trong lần sửa đổi Hiến pháp thứ bảy vào năm 1972 bằng việc cho phép ông nắm quyền Tổng thống suốt đời cộng với việc thay đổi hệ thống bầu cử gián tiếp Tổng thống theo một cơ chế tuyển cử mới. Theo Hiến pháp sửa đổi này, thì Tổng thống thực sự là người có toàn quyền với việc được phép chỉ định 1/3 số ghế của Quốc hội, quyền giải tán Quốc hội và ban hành những quyết định trong tình hình khẩn cấp.
Lần sửa đổi thứ tám được chính quyền quân sự Chun Doo Hwan thực hiện vào tháng 10/1980 sau khi Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát tháng 10/1979. Trong lần sửa đổi này, bất cứ ai khi nắm quyền Tổng thống cũng chỉ được phép giữ nó tối đa là một nhiệm kỳ 7 năm song chế độ tuyển cử không có gì thay đổi so với trước đó. Lần sửa đổi Hiến pháp thứ chín cũng là lần cuối cùng tính đến nay được thực hiện vào năm 1987 với việc khôi phục lại chế độ bầu cử Tổng thống trực tiếp và rút ngắn nhiệm kỳ Tổng thống xuống còn 5 năm, đồng thời giữ nguyên quy định những ai nắm chức vụ đó cũng chỉ được duy trì tối đa là một nhiệm kỳ.
Qua khái lược về lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc nêu trên cho phép chúng ta rút ra một kết luận là nó được sửa đổi quá thường xuyên so với các nước phương Tây. Luật cơ bản của quốc gia này được thay đổi trung bình 5 năm một lần. Phần lớn các sửa đổi đều liên quan đến cơ cấu, quyền lực Chính phủ, trong đó hoặc điều chỉnh kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống, hoặc thay đổi các phương thức bầu cử Tổng thống từ gián tiếp sang trực tiếp và ngược lại.
Tronng hầu hết các trường hợp, các phương pháp thông qua sửa đổi ở trên thường không được định trước, ví dụ như sửa đổi năm 1952 được thông qua bằng bỏ phiếu, còn sửa đổi năm 1954 thì do đảng cầm quyền quyết định. Trong hầu hết các trường hợp, các thế lực chính trị xúc tiến các sửa đổi Hiến pháp thường là các thế lực đang cầm quyền hoặc thuộc các đảng phái giữ vai trò chi phối nhà nước. Những sửa đổi như vậy thường được chuẩn bị một cách bí mật, còn việc trưng cầu dân ý chỉ được tiến hành nhằm “chính thức hoá quy định”, bởi vì các nhóm trên biết rõ rằng những sửa đổi đó là không công bằng. Các thế lực trên thường áp dụng tình trạng thiết quân luật hoặc các biện pháp khẩn cấp khác để kiểm soát việc thay đổi Hiến pháp do những lúc đó thường xuyên xuất hiện lực lượng chống đối mạnh. Ngoài ra, những thay đổi này thường chứa những điều khoản bổ sung trong đó nêu ra những nguyên tắc nhằm hạn chế hoạt động của các chính khách hoặc tịch thu tài sản của những cá nhân bị tố cáo là sở hữu bất hợp pháp.
Sửa đổi lần thứ 9 của Hiến pháp vào năm 1987 đánh dấu một bước thay đổi quan trọng, trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Hiến pháp Hàn Quốc đã được toàn dân nhất trí và được thông qua bằng các thủ tục dân chủ và hòa bình, đây là một sự kiện phản ánh được niềm mong mỏi thực sự của nhân dân.
Thực hiện: Hồ Việt Hạnh
Biên tập: nhóm website
[1] Kwon Young- Sung, Korea’s Constitutional History Marred by Trial, Korea Focus, July- August 1998, No.4. p.44.