SỰ TẬP TRUNG VÀ SỨC MẠNH PHI THỊ TRƯỜNG CỦA CÁC CÔNG TY HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Một trong những điểm quan trọng nhất của sự tập trung công nghiệp ở Hàn Quốc là sức mạnh thị trường do các tập đoàn kinh doanh (Jaebol hay Chaebol) chi phối, các tập đoàn này ở Nhật Bản được gọi là các Zaibatsu. Năm 1987 ở Hàn Quốc có tổng cộng khoảng 32 Jaebol. Nhưng vào năm 1989 con số này đã tăng lên đến 43 tập đoàn khi tổng tài sản của các công ty vượt tiêu chuẩn 400 tỷ won (khoảng 500 triệu đô la Mỹ) thuộc 11 tập đoàn lớn thành lập vào năm 1988. Đó là ranh giới giữa Jaebol và phi Jaebol(4). Hiện nay chính phủ chỉ coi 30 tập đoàn kinh doanh (BGs) là những tập đoàn quan trọng. 30 Jaebol này bao gồm khoảng 623 công ty công nghiệp. Các BGs này ở Hàn Quốc bao gồm hầu hết các tập đoàn tư nhân lớn. Các công ty con của BGs phát triển nhanh hơn các công ty phi tập đoàn, một bằng chứng là phần trăm doanh số bán ra tăng liên tục từ sau năm 1977. 30 BGs lớn nhất kiểm soát 623 công ty và đóng góp khoảng 15% GNP của Hàn Quốc năm 1994.
Có những tranh cãi ủng hộ và phản đối sự bành trướng của các BGs ở Hàn Quốc. Một tranh cãi chủ yếu, đặc biệt là của những người không phải là các chuyên gia kinh tế là sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa BGs và phi BGs, đặc biệt là ở các công ty nhỏ hơn. Điểm chủ yếu trong tranh cãi của họ là các BGs có xu hướng tiến hành các hoạt động nuốt chửng hay loại trừ và bóc lột các công ty nhỏ, điều nguy hiểm khác là sức mạnh ngày càng tăng của BGs dẫn tới việc BG này sẽ kiểm soát toàn bộ nền kinh tế và cả chính phủ.
Về điểm này, chúng tôi cần làm rõ sự khác nhau giữa BG và một Conglomerate. Ngài James E. Austin thuộc trường kinh doanh Harvard đã mô tả sự khác nhau giữa BG và Conglomerate như sau:
Trong Conglomerate, một công ty mẹ bao gồm một loạt các công ty con, thông thường một số quan hệ nhân sự và hoạt động tồn tại giữa chúng là quan hệ pháp lý. Chúng có xu hướng không chuyển giao nguồn lực quản lý cho nhau; chúng là các thực thể tồn tại tách rời theo luật định. Còn trong BGs các mối quan hệ là quan hệ cá nhân, và việc chuyển giao nguồn lực quản lý và tài chính giữa chúng là chuyện bình thường.
Điều đó chứng tỏ rằng, các BGs miêu tả đúng tình hình của Hàn Quốc hơn các Conglomerate.
Bên phía ủng hộ, một số người tranh luận rằng các BGs cần tiếp tục phát triển để có thể cạnh tranh được với Nhật Bản và các nước tiên tiến khác. Người ta có thể tranh luận rằng, thị trường ngày nay dành cho BGs của Hàn Quốc là thị trường toàn cầu và sự tập trung thị trường của họ nên điều chỉnh trên cơ sở này, không nên chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Các lợi thế khác của BGs có thể là do họ nhập khẩu công nghệ nước ngoài và đào tạo cả công nhân và các nhà thầu khoán. Các tập đoàn này còn huy động và nắm giữ tài năng quản lý và lãnh đạo. Theo ông Joseph Schumpeter, các BGs năng động hiệu quả hơn các công ty nhỏ. Nói tóm lại, những giá trị của các BGs Hàn Quốc phải được đánh giá theo hiệu quả động chứ không phải theo hiệu quả tĩnh. Sự phát triển của nó gắn liền với mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và vượt Bắc Triều Tiên, để nhập khẩu công nghệ nước ngoài, khắc phục sự khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, và tất cả được thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn. Các tập đoàn này đã có được những ưu đãi đặc biệt của chính phủ, điều mà các công ty nhỏ không có, vì vậy tăng trưởng của các tập đoàn này theo một nghĩa nào đó, cao một cách giả tạo. Thật may mắn là tất cả các công ty của Hàn Quốc – BGs và phi BGs đều hoạt động hết công suất từ năm 1986 và với sự mở rộng cạnh tranh của BGs Hàn Quốc ra thị trường toàn cầu thì những tranh cãi phản đối sự mở rộng của BGs đã không còn chỗ đứng.
Tuy nhiên, việc tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do là rất cần thiết cho các công ty và chế độ kinh tế thị trường của Hàn Quốc. Các nhà hoạch định chính sách và các doanh nhân đã dần nhận ra tầm quan trọng của cạnh tranh công bằng và tự do. Trong thực tế các luật điều chỉnh độc quyền và đảm bảo buôn bán công bằng đã được áp dụng trong một thời gian ngắn trước đây ở Hàn Quốc. Luật điều chỉnh độc quyền và Luật thương mại bình đẳng đã được thông qua lần đầu tiên ở Hàn Quốc và năm 1980. Theo luật này, một Uỷ ban Buôn bán công bằng đã được thiết lập trong Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế vào năm 1981. Mục đích của đạo luật này được thể hiện ở điều 1 như sau: “Đạo luật này nhằm khuyến khích cạnh tranh tự do và công bằng, từ đó khuyến khích các hoạt động kinh doanh sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng cũng như thúc đẩy sự phát triển cân đối nền kinh tế quốc dân”(1). Như vậy mục đích của Luật thương mại bình đẳng của Hàn Quốc là khá rõ ràng và toàn diện. Đạo luật này có thể được coi như một đạo luật hữu dụng nhất ở Hàn Quốc cho những nhà hoạch định chính sách và cho cả những người dân thường.
Qua quá trình làm việc ở Uỷ ban Kế hoạch kinh tế với tư cách là Uỷ viên uỷ ban thương mại bình đẳng, tôi thấy rằng, người Hàn Quốc có định hướng nhóm rất cao và có xu hướng tạo lập một số Cartel khác nhau để cùng phối hợp hành động. Việc giáo dục công chúng về tầm quan trọng của cạnh tranh tự do và công bằng, có sự hiểu biết về luật thương mại bình đẳng là rất quan trọng. Chính phủ cũng cần phải thay đổi như Masu Uekusa đại học Tokyo đã phát biểu “sự chuyển biến cơ bản của chính sách công cộng đối với công nghiệp là chuyển từ chính sách điều chỉnh bằng mệnh lệnh sang chính sách ủng hộ cạnh tranh(2). Các nhà hoạch định chính sách kinh tế ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của Luật thương mại bình đẳng trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất, cơ cấu và tổ chức các ngành công nghiệp Hàn Quốc.
Thực hiện: Thu Hà
Biên tập: nhóm website
(1) Ngân hàng thế giới, 1987b, xem trang 28.
(2) Ngân hàng thế giới, 1987b, xem trang 31.
(3) Leroy Jones, 1980, xem trang 149.
(4) Uỷ ban kế hoạch hoá kinh tế, Uỷ ban bình đẳng thương mại, 1989. Tôi đã làm việc với tư cách là uỷ viên hội đồng bình đẳng thương mại tại EPB.
(1) Uỷ ban kế hoạch hoá kinh tế, Uỷ ban hội trợ thương mại, 1978.
(2) Masu Uekusa, 1987, xem trang 203.