NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU THƯƠNG MẠI Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
- 1962: Lụa, vônfram, cá và các sản phẩm cá, dầu động vật và chất béo, gỗ dán, và sản phẩm tổng hợp, vải, máy móc, quần áo, các sản phẩm hóa chất. - 1968: Dệt và may, điện tử, sản phẩm thép, giầy dép - tất, tàu thuỷ, ô tô và các sản phẩm cá, máy móc, đồ điện, nhựa nhân tạo.
- 1974: Quần áo, đồ điện tử, tàu thuyền, vải, len, gỗ dán, tất - giầy dép, thép tấm, sản phẩm bông, nhựa nhân tạo.
- 1994: Các sản phẩm điện tử, dệt may, sản phẩm hóa chất, thép, ô tô, tàu thuỷ, máy móc, giầy dép - tất, đồ nhựa plastic và xăng dầu.
Các mặt hàng xuất khẩu chiếm ưu thế chủ đạo vào đầu những năm 60 là các mặt hàng như: Lụa, vônfram, cá và các sản phẩm cá. Các sản phẩm chế tạo chiếm ưu thế thấp hơn. Nhưng khi tiến hành công nghiệp hóa thì hàng công nghiệp chiếm ưu thế và trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo. Tỷ lệ các mặt hàng sơ chế như thực phẩm, nguyên vật liệu… trong tổng giá trị xuất khẩu chiếm 80,1% năm 1960, đến năm 1975 đã giảm xuống dưới 15%. Vào năm 1994, chỉ số này đã tụt xuống thấp hơn nữa, chỉ chiếm khoảng 3%
Sự tăng lên của tỷ lệ sản phẩm chế tạo trong xuất khẩu đã kéo theo sự thay đổi của nhóm mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ đạo. Trong những năm 60, các mặt hàng chế tạo chủ đạo đòi hỏi nhiều sức lao động như gỗ dán, tóc giả, áo len,… đều dựa vào công nghệ tương đối đơn giản. Vào những năm 70, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo đã chuyển sang các mặt hàng như dệt, tàu thuỷ, thép tấm và những mặt hàng đòi hỏi nhiều vốn đầu tư hơn, công nghệ phức tạp hơn và yêu cầu về lao động cũng cao hơn. Vào thập niên 80, các mặt hàng xuất khẩu còn đòi hỏi đầu tư nhiều vốn hơn. Năm 1986 có thể coi là một bước ngoặt đối với sự chuyển đổi cơ cấu các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hướng vào các loại hàng hóa đòi hỏi nhiều kỹ năng như máy vi tính, chất bán dẫn, vô tuyến màu, ô tô…
Những thay đổi này phản ánh nguồn tài nguyên và các điều kiện khác của Hàn Quốc (phần lớn theo cơ cấu của Nhật Bản) như Lawrence Krause và Sueo Sekiguchi đã đưa ra(1). Đó là, các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ đạo đã thay đổi theo thời gian từ (1) các sản phẩm đòi hỏi nhiều sức lao động sang (2) các sản phẩm đòi hỏi nhiều vốn đầu tư rồi đến (3) các sản phẩm cần nhiều cả về vốn lẫn kỹ năng, (4) các sản phẩm cần cả vốn, công nghệ và tiền công lao động; cuối cùng là (5) các sản phẩm cần nhiều sự nghiên cứu, vốn và kỹ năng cao.
Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng khá lớn của các điều kiện đặc thù cũng như chính sách thúc đẩy thương mại của Hàn Quốc. Do thiếu nguồn tài nguyên cần thiết cho công nghiệp hóa đã khiến Hàn Quốc phải nhập khẩu rất nhiều. Cũng vì vậy mà thực phẩm là một trong những mặt hàng chiếm tỷ lệ nhập khẩu khá lớn.
Ngành công nghiệp chế tạo máy của Hàn Quốc còn chưa thực sự phát triển, việc thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp nặng trong những năm 70 và các ngành công nghiệp cần công nghệ cao thời kỳ gần đây là nguyên nhân làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để hỗ trợ sự phát triển này. Do đó, các thiết bị về vận tải và máy móc đã chiếm hơn một phần ba tổng nhập khẩu vào năm 1994.
Thực hiện: Ngô Long
Biên tập: Nhóm website
(1) Lawrence Krause và Sueo Sekiguchi, 1976.