Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÀI NÉT VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Việc mở rộng khả năng công nghiệp của Hàn Quốc đạt được thông qua sự mở rộng các công ty hiện có hơn là thông qua việc tạo ra doanh nghiệp mới. Mô hình này tồn tại hơn hai thập kỷ và dẫn tới kết quả là các công ty lớn và các tập đoàn kinh tế (tiếng Hàn gọi là jaebol hay chaebol) tăng rất ít, một nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa các công ty lớn và công ty nhỏ. Liên quan tới mô hình này là tỷ lệ tập trung thị trường ở Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với cả Nhật Bản và Đài Loan. Mô hình Nhật Bản thì ngược lại, được dựa trên sự gia tăng đáng kể cả về số lượng của các công ty lớn cũng như số lượng lớn các công ty nhỏ. Nền kinh tế Hàn Quốc thường được gọi là “nền kinh tế của các công ty lớn”, đối lập với nó là “nền kinh tế của các công ty nhỏ “của Đài Loan, hay “nền kinh tế lưỡng cực” của Nhật Bản.

Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc được gắn liền với sự đầu tư rộng lớn cho nguồn nhân lực, mà điều này được thực hiện một cách khá dễ dàng, và cũng rất có hiệu quả bởi quá trình hiện đại hoá nhanh chóng ở Hàn Quốc.Tổng chi phí cho giáo dục,cả cộng đồng và tư nhân,thường xuyên vượt mức 10% GNP,mức cao nhất trong tất cả các nước đang phát triển(1). Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học vào cao đẳng hoặc đại học ở Hàn Quốc hiện nay đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ (2) . Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Nhật Bản.Hơn nữa, Hàn Quốc cùng với Mỹ hiện nay đang là những nước dẫn đầu thế giới về nguồn vốn nhân lực.

Quá trình công nghiệp hoá do Chính phủ chỉ đạo đã dẫn tới sự tập trung quá mức các ngành công nghiệp và dân số ở những thành phố lớn, đặc biệt là ở Seoul và những vùng lân cận. Mức độ đô thị hoá ở Hàn Quốc nhìn chung cao hơn mức chuẩn, thông thường được tiến hành ở các nước khác. Hậu quả là những vấn đề về đô thị như thiếu nhà ở, thiếu cơ sở giáo dục, dịch vụ công cộng nghèo nàn đã trở thành những vấn đề nghiêm trọng từ những năm 1970.

Do chính sách phát triển của Hàn Quốc là "ưu tiên tăng trưởng” nên vấn đề ổn định được ưu tiên ít hơn. Hậu quả là, nền kinh tế Hàn Quốc đã phải trải qua biến động kéo dài với mức tăng trưởng tổng thể cao hơn nền kinh tế Nhật Bản. Ví dụ như, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 1966 là 12,7%, nhưng lại giảm xuống chỉ còn 6,6% vào năm tiếp theo; tỷ lệ này lại tăng lên 13,8% vào năm 1970. Vào những năm 1970, quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc rất nhỏ nên tốc độ tăng trưởng chịu tác động của những biến động lớn do các bước xây dựng trong những dự án đầu tư lớn gây ra. Nền kinh tế hướng ngoại này cũng dễ chịu tác động của những biến động do giá dầu lửa tăng và những ảnh hưởng bên ngoài khác. Các nhà lập chính sách không có kinh nghiệm, đặc biệt là trong những năm 1960 cũng đã góp phần tạo ra những biến động về kinh tế. Sự tăng trưởng mang tính dao động nhanh nhưng mạnh là đặc trưng nổi bật của sự phát triển kinh tế Hàn Quốc.

Tăng trưởng của Hàn Quốc đi liền với sự bình đẳng cao trong thu nhập, mà điều này luôn được duy trì qua các giai đoạn phát triển. Ở Nhật Bản sự phân phối thu nhập được cải thiện trong quá trình tăng trưởng cao, nhưng lại chững lại vào những năm 1970. Sự thay đổi tương đối trong phân phối thu nhập ở Hàn Quốc được mô tả theo đường cong chữ U của Kuznets. Theo đó, tình trạng phân phối thu nhập có xấu đi đôi chút trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1980, nhưng lại được cải thiện ngay sau đó. Do biên độ giao động không lớn nên hình dạng đường cong chữ U trong trường hợp Hàn Quốc là tương đối thấp.

Tỷ lệ lao động trong thu nhập tăng không đáng kể ở Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao, nhưng lại tăng đáng kể ở Hàn Quốc. Điều này có thể do sự tăng lên nhanh chóng con số tuyệt đối những người làm công ăn lương và quản lý chuyên nghiệp ở Hàn Quốc. Tầng lớp quản lý ở Hàn Quốc rất nhỏ và nghèo ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng đã liên tục phát triển trong suốt giai đoạn tăng trưởng cao. Mô hình phân phối thu nhập của Hàn Quốc đối nghịch với mô hình của Đài Loan, được đặc trưng bởi “tăng trưởng đi liền với tăng sự bình đẳng”.

Tăng trưởng của Hàn Quốc được gắn liền với sự thâm hụt trong cán cân thương mại cho đến năm 1985. Điều này một phần do sự nghèo nàn về nguồn tài nguyên của Hàn Quốc, nhưng về cơ bản, đó là do chính sâch cho phép các công ty xuất khẩu nhập nguyên vật liệu thô, linh kiện và máy móc cần thiết cho việc sản xuẩt hàng xuẩt khẩu ở quy mô lớn. Đây từng được gọi là "chính sách thay thế nhập khẩu âm”. Bởi các công ty xuất khẩu ra sức nhập khẩu nên tốc độ gia tăng nhập khẩu rất cao. Tuy nhiên, từ năm 1986, cán cân thanh toán quốc tế đã chuyển sang trạng thái dương và Hàn Quốc chuyển từ “nước nợ trẻ ”sang "nước nợ trưởng thành”.

Tăng trưởng kinh tế cao ở Nhật Bản đi liền với quá trình lạm phát từ từ, nhưng trong trường hợp Hàn Quốc thì cả giá bán buôn và giá tiêu dùng đều tăng đột ngột và dao động mạnh, đặc biệt khi nền kinh tế phải đối phó với giá dầu tăng, mất mùa, thay đổi trong Chính phủ và những cú sốc khác. Cho đến năm 1983, nền kinh tế Hàn Quốc được mô tả như một nền kinh tế “có tốc độ tăng trưởng cao với lạm phát cao và dao động lớn". Tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc còn được coi là “sự tăng trưởng mang tính lạm phát". Lạm phát cao chủ yếu là do sự mở rộng quá mức nhu cầu cùng với sự mở rộng quá nhanh khả năng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu không bình thường, mang tính chất cưỡng ép.

Mối quan hệ vĩ mô giữa tăng trưởng và lạm phát không được thể hiện rõ trong trường hợp Hàn Quốc. Có thể thấy rằng từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, các nước đang phát triển có thể tăng trưởng với tốc độ cao không phụ thuộc vào tốc độ lạm phát cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng vi mô của lạm phát đã làm tổn hại đến công bằng xã hội ở Hàn Quốc như đối với người cho vay, người gửi tiết kiệm, người có thu nhập ổn định và người về hưu. Phần lớn người lao động ở Hàn Quốc là người gửi tiết kiệm nên họ bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát cao. Người lao động ở Hàn Quốc, những người không sở hữu nhà riêng phải chịu ảnh hưởng đặc biệt của giá tài sản cố định tăng nhanh. Lạm phát cao cùng với nhiều dự án đầu tư lớn cho giao thông và phát triển đất đai đã dẫn tới sự biến động về giá đất và đã khuyến khích đầu cơ đất đai trên phạm vi rộng. Các nhà đầu cơ khôn ngoan, hay thậm chí không khôn ngoan, nếu biết quan hệ tốt với các nhà lập chính sách thì có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn "trời cho" trong những năm 1960 và 1970. Những khoản lợi nhuận “trời cho” này cùng với sự thay đổi về giá trị đất đai là những điều đáng lo ngại đối với người dân đô thị. Trên cơ sở những kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy rằng việc quản lý những khoản thu nhập không chính đáng từ đầu cơ bất động sản là một trong những điều có thể gây ảnh hưởng nhất tới các vấn đề về bình đẳng xã hội.



Thực hiện: Mai Phương

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top