SỰ VẬN ĐỘNG CHÍNH TRỊ TRÊN BÁN ĐẢO HÀN TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH ĐẾN NAY
Đăng ngày:
Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến đổi to lớn, tác động mạnh đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Bắc Á, quan hệ Nam - Bắc Korea và tiến trình hoà bình trên bán đảo này. Chiến tranh lạnh kết thúc đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên thế giới. Trật tự thế giới dựa trên sự đối đầu giữa hai siêu cường bị triệt tiêu, một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực, đa trung tâm đang từng bước hình thành. Trong thời kỳ quá độ hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh lạnh, mọi quốc gia, nhất là các nước lớn đều tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với điều kiện mới. Do sự tan rã của Liên Xô, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Bắc Á đã hình thành một khoảng trống quyền lực, tạo nên sự thay đổi rõ nét trong cán cân so sánh quyền lực và lợi ích giữa các nước lớn ở khu vực này. Mặt khác, trong xu thế vận động chủ yếu của thế giới là hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển, quan hệ giữa hai miền Korea cũng bắt đầu được cải thiện. Do Trung Quốc và Nga giảm bớt mối quan hệ đồng minh chiến lược với Triều Tiên, tăng cường cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, nên Triều Tiên cũng tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, cả hai miền đều nhận thấy rằng, tăng cường trao đổi hợp tác kinh tế sẽ có lợi cho sự phát triển đất nước, nên Triều Tiên và Hàn Quốc đều xúc tiến cải thiện quan hệ với nhau. Tiến trình hoà bình trên bán đảo Hàn bắt đầu chuyển động theo chiều hướng tích cực.
Sau Chiến tranh lạnh, nhu cầu thiết lập một nền hoà bình vững chắc cho bán đảo Hàn trở thành một vấn đề cấp bách đối với cả hai miền. Ngày 13/12/1991, hai chính phủ đã đạt được thỏa thuận lịch sử với việc ký Hiệp định cơ bản Bắc - Nam về hoà giải, không xâm lược, trao đổi và hợp tác. Hiệp định bao gồm 25 điều, đề cập đến tất cả các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh: 'hai bên sẽ không sử dụng các lực lượng vũ trang chống nhau" và "sẽ giải quyết hoà bình những bất đồng ý kiến và tranh chấp nổi lên thông qua đối thoại và thương lượng". Hai nước thoả thuận tiến hành những cuộc trao đổi, hợp tác và tăng cường tin tưởng lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Để làm như vậy, hai bên sẽ tiến hành trao đổi các chuyến thăm viếng dựa trên sự công nhận và tôn trọng chế độ chính trị của nhau, "cố gắng cùng nhau biến tình trạng đình chiến hiện nay thành hoà bình vững chắc", không sử dụng lực lượng quân sự chống lại nhau, để đm bo không xâm lược, sẽ tiến hành cắt giảm vũ khí và "cùng nhau trao đổi hợp tác kinh tế... nhằm tăng cường phát triển hợp nhất, cân đối nền kinh tế quốc dân và phúc lợi của toàn dân tộc".
Ngày 31/12/1991, hai chính phủ còn thoả thuận một bản "Tuyên bố chung về một bán đảo Hàn không có vũ khí hạt nhân". Tuyên bố này gồm 6 điểm, trong đó đáng chú ý là những nội dung như: Hai miền Nam - Bắc Korea sẽ không thử, sản xuất, nhận, xử lý, tàng trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân; hai miền sẽ chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục địch hoà bình; hai miền sẽ không có các cơ sở chế biến hạt nhân và làm giàu uraniom v.v... Tháng 9/1992, hai bên lại thông qua thêm 3 Hiệp định, chứa đựng những biện pháp cụ thể để thực hiện Hiệp định cơ bản. Đó là Hiệp định thiết lập Ủy ban chung Bắc - Nam cho sự trao đổi và hợp tác, Hiệp định thiết lập Ủy ban quân sự chung Bắc - Nam và Hiệp định thiết lập Ủy ban chung Bắc - Nam kiểm soát hạt nhân. Ngoài ra, việc Triều Tiên và Hàn Quốc đồng thời trở thành thành viên của Liên Hợp quốc vào tháng 9/1991 đã chứng tỏ có sự công nhận của quốc tế về sự tồn tại của hai thực thể chính trị trên bán đảo này và điều đó có ảnh hưởng khá quan trọng tới quan hệ giữa hai miền.
Các hiệp định được ký giữa hai miền năm 1991 đã tạo điều kiện cho Triều Tiên xúc tiến thương lượng về việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản. Nhưng căng thẳng ở bán đảo Hàn lại tăng lên vào tháng 3/1993, khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Sau một loạt các cuộc thương lượng tay đôi và dàn xếp đa phương, Mỹ và Triều Tiên đã ký một Hiệp định khung tại Geneve ngày 21/10/1994. Theo Hiệp định, Triều Tiên sẽ đình chỉ các chương trình hạt nhân, tiếp tục tuân thủ cơ chế không phổ biến hạt nhân bằng việc cam kết sẽ tháo dỡ 3 tổ hợp lò phản ứng hạt nhân, nhà máy tái xử lý và các cơ sở hữu quan khác, cũng như huỷ bỏ tất cả các cơ chế tái chế nhiên liệu đã sử dụng. Đổi lại, Mỹ thoả thuận sẽ cung cấp nguồn năng lượng thay thế (lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và dầu nặng) cho Triều Tiên; trao đổi văn phòng liên lạc giữa Whasington và Bình Nhưỡng; giảm bớt các quy định hạn chế mậu dịch và đầu tư vào Triều Tiên. Triều Tiên sẽ nhận được hai lò phản ứng nước nhẹ (LWR) sản xuất điện, ít sử dụng plotonium hơn. Tổ chức Phát triển năng lượng bán đảo Hàn (KEDO) sẽ cung cấp tài chính cho các lò phản ứng này. Ngoài ra, Triều Tiên sẽ được cung cấp dầu nhiên liệu nặng để thay thế năng lượng điện do các lò phản ứng graphit sản xuất. Hiệp định khung còn quy định rằng, cùng với tiến bộ đạt được về các vấn đề hai bên quan tâm, Mỹ và Triều Tiên sẽ nâng quan hệ song phương lên hàng đại sứ. Cùng với đó, Nhật Bản cũng sẽ nối lại các cuộc thương lượng ngoại giao với Triều Tiên. Đó là những dấu hiệu tích cực trong việc tiến tới xây dựng một bán đảo Hàn không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, từ cuối năm 2002, do KEDO không kịp thời cung cấp tiền như đã hứa, Mỹ cũng không cung cấp đúng thời hạn 50 vạn tấn dầu thô hàng năm cho Triều Tiên, nên Triều Tiên đã tuyên bố khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân, rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân... Trước thái độ thiếu thiện chí của Mỹ, tình hình vẫn đang ở vào thế bế tắc.
Năm 1998, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã thi hành chính sách hoà giải với Triều Tiên. Kim Dae-jung nhấn mạnh, cần "giải quyết cả gói" việc Triều Tiên đình chỉ nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa với việc xoá bỏ bao vây cấm vận kinh tế, tăng cường viện trợ kinh tế, thực hiện bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản. Hàn Quốc còn muốn cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc thông qua "Hội nghị 4 bên" (Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, Triều Tiên), làm dịu tình hình căng thẳng đối đầu trên bán đảo. Ông Kim Dae-jung đã đưa ra chính sách 3 điểm về Triều Tiên: Thứ nhất, duy trì một tư thế an ninh mạnh, Hàn Quốc không dung thứ bất cứ mưu toan phá hoại hoà bình nào từ phía Bắc; thứ hai, Hàn Quốc không có ý định thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập miền Bắc, mà thay vào đó, sẽ tìm cách cùng tồn tại và cùng phát triển thịnh vượng với miền Bắc; thứ ba, Hàn Quốc sẽ tiếp tục cải thiện và phát triển quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên bằng cách đẩy mạnh trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Triết lý thống nhất của ông Kim Dae-jung bao gồm 3 nguyên tắc cơ bản. Đó là độc lập, hoà bình và dân chủ. Theo đó, tất cả những vấn đề có liên quan đến bán đảo Hàn, kể cả vấn đề thống nhất cần phi được giải quyết theo tinh thần tự quyết dân tộc, thông qua đàm phán hoà bình và dân chủ.
Trên cơ sở đó, Tổng thống Kim Dae-jung đã thi hành "Chính sách Ánh dương" đối với miền Bắc. Chính sách này được thực hiện theo nguyên tắc tách kinh tế ra khỏi chính trị. Theo đó, Hàn Quốc tiến hành đơn gin hoá các thủ tục kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đầu tư vào miền Bắc (giải toả hoàn toàn lệnh cấm vận đầu tư, sửa đổi khung trần giới hạn vốn đầu tư), công bố các kế hoạch cung cấp viện trợ... nhằm khi lại hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Về phía mình, Triều Tiên cũng áp dụng một chính sách linh hoạt hơn. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là một cú sốc nặng nề giáng vào chế độ chính trị ở miền Bắc. Nga và Trung Quốc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc đã không còn là liên minh chiến lược của Triều Tiên. Quan hệ đồng minh Bắc Kinh - Bình Nhưỡng xấu đi hơn trước và liên minh quân sự Nga - Triều Tiên trên thực tế đã mất đi hiệu lực sau khi Liên Xô tan rã, nhất là vào tháng 9/1995, Nga tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước quân sự mà Liên Xô đã ký với Triều Tiên.
Do nhận thức được sự thay đổi của môi trường quốc tế, Triều Tiên đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, tăng cường cải thiện quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm phá vỡ sự cô lập trên trường quốc tế, từ đó đạt được những mục đích về kinh tế, cũng như đảm bảo cho sự vững mạnh của chế độ chính trị. Hiện nay, Triều Tiên đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thành viên Liên minh châu ÂU (EU), Australia; đang xúc tiến đàm phán để cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Canada; tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga. Đặc biệt là Triều Tiên đã chính thức trở thành thành viên Diễn đàn an ninh khu vực (ARF)... Những chuyển động tích cực hướng tới bên ngoài mà Triều Tiên đã và đang tiến hành đã giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn thiện cảm hơn và tất cả đều mong muốn thấy nước này hoà nhập nhanh chóng vào đời sống quốc tế.
Về nội trị, Triều Tiên tiến hành sửa đổi Hiến pháp vào năm 1996, đưa thêm vào đó các điều khoản khuyến khích các liên doanh, bảo đảm quyền lợi cho người nước ngoài và tạo ra một cơ sở để mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư bản. Chính phủ Triều Tiên đã có kế hoạch xây dựng khu thương mại tự do ở vùng Rajin-Songbong, lập các cảng thương mại tự do ở Nampo và Chonjin, phát triển các đặc khu kinh tế, phát triển các cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Dự án phát triển khu vực sông Tumen (TRADP). Tháng 7/2002, Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện quá trình cải cách kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường mở cửa.
Trên cơ sở những tiến bộ đạt được trên lĩnh vực chính trị, quan hệ kinh tế giữa hai miền Nam - Bắc cũng đạt được những bước tiến tích cực hơn. Trao đổi buôn bán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được chính thức bằng tuyên bố đặc biệt ngày 7/7/1988. Kể từ đó, buôn bán Hàn Quốc – Triều Tiên nhanh chóng tăng lên. Những mặt hàng như sắt, thép, các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp đã được chuyển từ miền Bắc vào miền Nam và những mặt hàng như dệt may và hoá chất được chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Năm 1999, buôn bán hai chiều đạt mức 340 triệu USD. Các tổ hợp công ty (Chaebol) của Hàn Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ quan hệ với miền Bắc. Hàng trăm công ty lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đường sá, hải cảng, sân bay, cầu, trạm diện ở miền Bắc. Phương thức "vốn của miền Nam cộng với sự cạnh tranh và lực lượng lao động có kỷ luật của miền Bắc" đang là nhân tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai miền.
Một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai miền là vào trung tuần tháng 6/2000, lần đầu tiên nguyên thủ quốc gia của Hàn Quốc (Tổng thống Kim Dae-jung) và Triều Tiên (Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il) đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng. Nội dung của cuộc gặp này tập trung bàn bạc về khả năng thống nhất trên 3 nguyên tắc (độc lập, hoà bình và đại đoàn kết dân tộc); khẳng định lại nguyện vọng phi hạt nhân hoá bán đảo Hàn; đoàn tụ những gia đình bị ly tán để tiến tới sự hoà hợp và đồng nhất dân tộc; các vấn đề hợp tác kinh tế trong khuôn khổ song phương; vấn đề giải trừ vũ khí và phối hợp các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc như đã nêu trong Hiệp định cơ bản Bắc - Nam năm 1991 v.v...
Cuộc gặp cấp cao lịch sử này đã tạo đà cho hai bên hàn gắn vết thương chia cắt, là cầu nối đưa bán đảo Hàn hướng tới sự thịnh vượng trong hoà bình và thống nhất. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ nghi kỵ và đối đầu giữa hai miền không thể xoá tan trong một sớm một chiều. Giữa hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề cơ bản khó có thể giải quyết. Khi mà cả hai bên vẫn còn giữ lập trường cứng rắn đối với nhau: Triều Tiên vẫn sản xuất và thử vũ khí hạt nhân; Hàn Quốc vẫn tập trận chung với Mỹ; 37.000 lính Mỹ vẫn còn đang đóng ở miền Nam và Hàn Quốc tích cực tham gia vào Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) của Mỹ... thì hai bên khó có thể tìm kiếm được một sự thống nhất chung để tiến tới hợp tác hoàn toàn. Nhưng dù sao, đó cũng là bước khởi đầu hết sức tích cực thúc đẩy quá trình hoà bình và tái thống nhất bán đảo Hàn. Nó đã đem lại một sức sống mới cho những cố gắng nhằm đảm bảo hoà bình một cách lâu dài và bền vững ở khu vực này trong thế kỷ XXI.
Thực hiện: Mai Hoài Anh, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
Biên tập: Nhóm website
Nguồn: TCNCĐBA 0103