Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CẢI CÁCH KINH TẾ TRIỀU TIÊN: THĂM DÒ CON ĐƯỜNG THỨ BA VÀ TƯƠNG LAI CHƯA XÁC ĐỊNH CỦA NÓ1 (phần 1)

Đăng ngày:

Tác giả: Lưu Minh

Đơn vị: Phòng Nghiên cứu Châu Á -Thái Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu kinh tế thế giới, Kỳ 7 năm 2008

http://wenku.baidu.com/view/e712be6fb84ae45c3b358c00.html

 

Tóm tắt: Ngày mùng 1 tháng 7 năm 2002, Triều Tiên bắt đầu thực hiện chính sách cải cách kinh tế mới. Mục đích của chính sách được suy nghĩ từ vấn đề sinh tồn cũng như lý tưởng hy vọng xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Do nhiều yếu tố hạn chế nên cải cách ở Triều Tiên là một mô hình hỗn hợp, trong quá trình đó không tránh khỏi các mâu thuẫn. Triều Tiên đã học tập một phần kinh nghiệm của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như giá cả, tiền lương, thị trường, ngoại hối, mô hình phân phối, kinh doanh xí nghiệp, sản xuất tại nông trường, tuy nhiên, do hạn chế về chính trị, thiết kế cải cách không có tính hệ thống và tính điều tiết, thêm vào đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung ứng và cơ sở kinh tế lạc hậu dẫn đến cải cách rơi vào khó khăn.

1. Động lực cải cách: kết hợp giữa sinh tồn và phát triển

Từ ngày 1 tháng 7 năm 2002 đến nay, Triều Tiên đã có 6 năm thực hiện chính sách cải cách kinh tế. Đối với chính sách do các nhà lãnh đạo của Triều Tiên đưa ra, có nhiều cách để giải thích. Một quan điểm cho rằng, những điều chỉnh này chỉ để duy trì sự tồn tại của chính quyền hoặc đó là sự thừa nhận những hiện tượng đã xuất hiện của nền kinh tế tự do. Những chính sách này cho thấy, Kim Jong Il và các nhà lãnh đạo về kinh tế của ông không có ý định hoặc hứng thú để thực hiện một cuộc cải cách thật sự  và có quy mô. Những cải cách này chỉ là bức chân dung thực phẩm kém cỏi mà Chính phủ cấp cho người dân2. Một quan điểm khác là, Triều Tiên hy vọng học mô hình của Trung Quốc, biến mình trở thành một quốc gia giàu mạnh, điều này hoàn toàn do sự ngưỡng mộ của Triều Tiên trước những thành quả mà Trung Quốc đạt được trong quá tình cải cách.

Hai quan điểm này đều có lý lẽ của nó. Những chính sách mà Triều Triên lựa chọn trong tháng 7 năm 2002 nên xuất phát từ vấn đề sinh tồn, có thể chỉ là sự tính toán hoặc là phản ứng bị động của Chính phủ trước thị trường tự do đang tồn tại. Chợ nông thôn của Triều tiên đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước, sự đi lên của nó không phải do Chính phủ trợ giúp hay sắp xếp, mà vốn là sự phát triển tự nhiên do nhu cầu của thị trường hoặc là bản năng phản ứng trước sự đói kém và thiếu thốn. Đối mặt với xu thế phát triển này, Chính phủ bằng lòng với tiến trình thị trường hóa3. Nhưng ngay khi Chính phủ phát hiện ra thị trường buôn bán lương thực tự do cuối cùng sẽ dẫn đến sự tăng giá không thể kiểm soát nên tháng 10 năm 2005, Chính phủ lập tức kích hoạt lại chế độ phân phối tập thể từ đầu.

Chính sách tháng 7 năm 2002 thật sự đã thừa nhận một vấn đề: giá cả của thị trường tự do ở một mức độ nào đó sẽ quyết định hoặc chỉ rõ xu thế của nền kinh tế, đồng thời, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh tế của Chính phủ. Trước tháng 7 năm 2002, giá cả nhiên liệu và thực phẩm trên thị trường đã chênh lệch đáng kể so với giá chính thức. Do nhà nước đã không thể khống chế được hệ thống giá cả thực tế nên giá thành trong ngành dịch vụ và điện lực cao hơn giá nhà nước quy định rất nhiều. Tỷ giá chính thức của đồng won Triều Tiên so với đôla Mỹ chỉ tồn tại trên hình thức, không thể có trong giao dịch của tư nhân. Hơn nữa, do Triều tiên phải nhập khẩu một lượng hàng hóa lớn từ Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu thốn đồ dùng nghiêm trọng nên chỉ có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ hoặc đôla Mỹ để tiến hành giao dịch. Bởi thế, Triều Tiên không thể không dùng cách nâng cao giá cả hàng hóa hoặc phá giá tiền tệ để phản ánh giá trị thực của hàng hóa.

Khi Chính phủ gần như đã không thể khống chế được giá cả thực tế của các mặt hàng thì người dân không thể tiếp tục dựa vào một chút tiền đã mất giá để mua bán đồ dùng hàng ngày trên thị trường. Cùng lúc đó, Chính phủ không có cách nào để tiếp tục phân phối thực phẩm và đồ dùng theo cách thông thường, bởi giá cả phân phối đã không thể theo kịp giá cả thực tế. Chính phủ cũng không thể tiếp tục phá giá tiền tệ để hạ định mức sản phẩm và mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra cho các xí nghiệp, càng không thể khống chế được ngân sách quốc gia và dự toán tài chính quốc gia 4. Do “chợ đen” có thể mang lại lợi nhuận nên nông dân và thương nhân đều muốn bán hàng hóa ở đây, vì thế, chính thị trường không chính thức này cuối cùng lại là nhân tố chủ yếu quyết định sự phân công lao động và phân bổ nguồn tài nguyên. Đương nhiên, các thị trường này đã thu hút lượng lớn tài sản và tài nguyên quốc gia. Từ quan điểm này có thể kết luận rằng:  với những biện pháp cải cách vào giữa năm 2002, nền kinh tế của Triều Tiên đang đứng bên bờ vực sụp đổ5.

Ngoài ra, đợt cải cách này cũng có thể được xem là điểm khởi đầu để Triều Tiên thuận theo xu thế và cơ chế của nền kinh tế thị trường. Chúng ta có thể suy đoán rằng, những thay đổi về kinh tế trong tương lai là kết quả từ việc suy nghĩ và lập kế hoạch tỉ mỉ của Chính phủ Triều Tiên.

Những phán đoán này được chứng minh trong chuyến viếng thăm bí mật của Kim Jong Il đến Bắc Kinh và Thượng Hải tháng 1 năm 2001. Khi đó, ông chỉ rõ là muốn học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, điều này được thể hiện rõ trong lịch trình chuyến đi của ông đến Thượng Hải: Ông đã tham quan Xưởng sản xuất ô tô Biệt Khắc (Buick) được thông dụng ở Thượng Hải, Công ty điện tử Hoa Hồng NEC Thượng Hải (xưởng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất Trung Quốc), Công ty Bối Nhĩ (Bell) Thượng Hải, Khu công nghệ cao Trương Giang, khu mô hình nông nghiệp hiện đại Tôn Kiều, Khu đô thị mới Phố Đông, Viện Nghiên cứu phát triển phần mềm, Viện Nghiên cứu gen, Khu Thương mại và Tài chính Lục Gia Chủy, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Tất cả những địa điểm này đều có chung đặc điểm là sự kết hợp giữa đầu tư quản lý của nước ngoài và công nghệ cao. Điều này cho thấy chuyến thăm của Kim Jong Il tới Trung Quốc là muốn học tập kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển khu công nghệ cao và công nghệ thông tin tiên tiến, từ đó, đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng. Từ tình hình trên cho thấy, tinh thần của cuộc cải cách tháng 7 năm 2002 là phù hợp với mục tiêu chuyến thăm của ông tới Thượng Hải, bởi vì chuyến đi của Kim Jong Il lần này là để mở đường cho kế hoạch cải cách tiền lương và giá cả của Chính phủ sau này6.

Kim Jong Il muốn biến Triều Tiên trở thành một Thượng Hải thứ hai, đưa nó trở thành một “quốc gia hùng mạnh”7. Do vậy, những cải cách của ông chủ yếu có hai đặc điểm: một là thu hút công nghệ và đầu tư nước ngoài, đồng thời thiết lập nhiều đặc khu kinh tế; hai là cải cách thể chế quốc gia để trở thành một nước có tính cạnh tranh, linh hoạt và hiệu quả cao. Những tư tưởng này chủ yếu phản ảnh trong bài phát biểu “Hướng dẫn quản lý kinh tế” cuối năm 2001 của ông. Văn bản này đã chỉ ra việc phân cấp quyền hạn kế hoạch hóa tập trung, thừa nhận sự tương hỗ giữa quy luật cung cầu với nguyên tắc cạnh tranh thị trường và các yếu tố đưa hoạt động giao dịch trong hệ thống kế hoạch vào thị trường.

Động lực của cuộc cải cách này là: Thứ nhất, áp lực của tình hình thực tế làm cho nhà lãnh đạo Triều Tiên không thể không tìm biện pháp làm cho thể chế kinh kế quốc gia thích ứng một cách cục bộ với cơ chế thị trường mới nảy sinh. Thứ hai, bản thân Kim Jong Il có nguyện vọng xây dựng một đất nước hùng mạnh, phồn thịnh như Trung Quốc nên ông đã thúc đẩy Triều Tiên cải cách mở cửa. Tuy nhiên, hoàn cảnh ngoài nước và điều kiện trong nước của Triều Tiên là: phải đối mặt với Hàn Quốc, quốc gia đồng bào tư bản chủ nghĩa hùng mạnh; ở trong trạng thái “nửa chiến tranh” với đất nước siêu cường, có tính thù địch cao là Hoa Kỳ; hệ ý thức “không muốn từ bỏ việc khống chế tư tưởng người dân Triều Tiên”; lý tưởng sùng bái cá nhân Kim Jong Il; nguyện vọng tiếp tục duy trì nguyên tắc và kết cấu Xã hội chủ nghĩa. Do những điều kiện này hạn chế và trói buộc nên các nhà lãnh đạo không thể không lựa chọn một con đường thứ ba giao thoa giữa thể chế của Stalin với mô hình của Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng ta có thể suy luận rằng, những kinh nghiệm Kim Jong Il muốn học tập từ Trung Quốc chủ yếu là kinh nghiệm về “phần cứng”, ví dụ như đặc khu kinh tế, đầu tư nước ngoài, thu hút kỹ thuật tiên tiến chứ không phải là các kinh nghiệm về “phần mềm” như giải phóng tư tưởng của người dân, mở cửa giao lưu văn hóa với nước ngoài, liên hệ và giao lưu tự do với người nước ngoài, xây dựng xí nghiệp tư nhân, cạnh tranh thương mại tự do, dần dần cải thiện môi trường đầu tư, sự tự do hoạt động của hệ thống sản xuất và thị trường tự do8. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể có một tư tưởng không sát thực tế, đó là chỉ cần áp dụng một phần và từ từ cơ chế thị trường và mở cửa đối ngoại có chọn lọc là có thể có được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài và kỹ thuật tiên tiến giống Trung Quốc để giải quyết khó khăn kinh tế trong nước.

2. Đánh giá cải cách: hình thức và ý nghĩa tích cực của nó

Hiện tại, kế hoạch cải cách kinh tế của Triều Tiên có hai phân tầng: một là mục tiêu đầy tham vọng của Kim Jong Il đã đề cập ở trên; hai là chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô và sự thay đổi của thể chế đang trong quá trình thực hiện bởi nội các và các lãnh đạo bộ ngành cụ thể có liên quan.

Nếu như lấy tháng 7 năm 2002 làm giai đoạn thứ nhất, cuộc cải cách của Triều Tiên nhìn từ góc độ sâu rộng có thể chia thành một số giai đoạn và hình thái, trong đó cải cách giá cả và tiền lương là giai đoạn một. Vì sao Triều Tiên lại lựa chọn giá cả và tiền lương làm khởi điểm thử nghiệm cải cách mà không phải từ vấn đề cần thiết nhất là nông nghiệp? Trước mắt, các nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ nhưng có thể khái quát ba cách giải thích như sau:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo không muốn vừa bắt đầu đã chạm vào vấn đề quyền sở hữu cực kỳ nhạy cảm, ngược lại theo cách nghĩ của họ, sự ảnh hưởng của những thay đổi trong lĩnh vực lưu thông đối với cơ sở và nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội lại khá thấp.

Thứ hai, cải cách giá cả và tiền lương được coi là vấn đề then chốt trong cải cách kinh tế, hơn nữa “bàn tay vô hình” có thể điều chỉnh hữu hiệu sự mất cân bằng nghiêm trọng của nền kinh tế đất nước, mang lại sự bình ổn trong quan hệ cung cầu, có tác dụng rõ rệt với khôi phục sản xuất và cạnh tranh thị trường.

Thứ ba, Chính phủ không thể thông qua trợ cấp để hỗ trợ giá cho các mặt hàng chủ yếu, mà việc nâng cao lương trong ngành dịch vụ và công nghiệp nặng có thể làm công nhân và nhân viên các ngành khác có thu nhập ổn định, có đủ tiền để duy trì cuộc sống.

Đợt cải cách này của Triều Tiên có một số mặt tương đồng với Trung Quốc vào những năm 80 đến những năm 90 của thế kỷ trước.

Thứ nhất, sự mở rộng toàn diện của thị trường và tiền tệ hóa thể chế phân phối thay thế thể chế phân phối định lượng cũ. Triều Tiên hiện tại, ngoài tem phiếu lương thực, những mặt hàng vật dụng khác đã được bãi bỏ (đến sau năm 2006 có lặp lại). Đến cuối tháng 9 năm 2005, toàn quốc có 300 chợ, thủ đô Bình Nhưỡng có 2 chợ lớn, còn có rất nhiều các cửa hàng bách hóa, tạp hóa nhỏ. Ngoài ra, còn có ba loại chợ khác: chợ mua bán vật liệu, ngoại hối và hàng hóa nhập khẩu. Chính phủ Triều Tiên chỉ khống chế tổng lượng giao dịch của các thị trường này, tránh để nó gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống phân phối sản phẩm công nghiệp của Nhà nước.

Tháng 7 năm 2002, theo lệnh của Chính phủ, giá cả lương thực thực phẩm, nhiên liệu, điện tăng trung bình 26 lần, giá gạo tăng 550 lần, phí giao thông công cộng tăng 20 lần. Mức giá này cũng đã gần bằng với mức giá trên thị trường tự do, hoặc có thể nói nó đã phản ánh được giá cả thực của các ngành dịch vụ. Kể từ thời điểm này, giá cả được thả nổi theo thị trường và theo quy luật cung cầu. Hiện tại, phần lớn các mặt hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp đều có giá cả thị trường và giá của Nhà nước đưa ra. Tuy Chính phủ đã khôi phục giá lương thực chính thức theo hệ thống phân  phối công cộng để duy trì cơ cấu giá hành chính nhưng thực tế giá thị trường vẫn là một thước đo để định giá. Căn cứ vào xu thế phát triển và kinh nghiệm của Trung Quốc, khi các nhà máy ở Triều Tiên dần quen với giá cả trên thị trường tự do đặc biệt là môi trường kinh doanh làm cho họ có thể thích ứng với những thách thức của vấn đề tăng hoặc giảm giá, chắc chắn Nhà nước sẽ đưa hai hệ thống giá này thành một loại duy nhất.

Thứ hai, lấy ngoại hối làm ví dụ, từ sau cải cách, tỷ giá hối đoái trên thị trường “chợ đen” đã tăng vọt. Hiện tại, tỷ giá chính thức của đồng won so với đôla Mỹ từ 141/ 1 đã tăng lên khoảng 2000/1. Tỷ giá của đồng won so với euro từ 180/1 tăng lên 3500/1. Rõ ràng, Chính phủ không thể kiểm soát được sự mất giá mạnh của đồng won. Vì thế Triều Tiên muốn thông qua việc thành lập một trung tâm giao dịch ngoại hối quốc gia, công khai mua bán đôla Mỹ và euro dựa trên tỷ giá hối đoái thả nổi của thị trường. Giao dịch của trung tâm này không chịu sự kiểm soát của Nhà nước đối với các tài khoản ngoại hối. Đây là kỹ năng mà Triều Tiên học được từ Trung Quốc, dù chỉ là bị động.

Thứ ba, các yêu cầu kế hoạch mang tính cưỡng chế được giảm thiểu, các nhà máy quốc hữu có quyền quản lý tự chủ nhiều hơn. Chính quyền Bĩnh Nhưỡng sẽ ít nhiều phân quyền quản lý cho chính quyền địa phương và các nhà máy. Giám đốc chứ không phải Bí thư Đảng ủy sẽ quản lý công tác sản xuất. Nhà máy sẽ tự định ra kế hoạch sản xuất, giá cả và tự chủ về tài chính (No land 2004). Chúng ta có thể suy luận rằng, các doanh nghiệp sau khi hoàn thành hạn ngạch sản xuất cụ thể và lợi nhuận quốc gia yêu cầu (thuế), có thể căn cứ vào tình hình thị trường để sản xuất hoặc xuất khẩu một phần hàng hóa sang Trung Quốc. Họ còn có thể dùng lợi nhuận dôi dư để đầu tư vào các sản phẩm có lợi nhuận hoặc lĩnh vực phục vụ kinh doanh. Do có thể linh hoạt chuyển đổi sản xuất, nên các nhà máy có thể tăng tiền thưởng cho công nhân để khích lệ họ9.

Thứ tư, quy mô tổ sản xuất nông nghiệp đã được thu nhỏ. Để nâng cao sản lượng và hiệu quả sản xuất, Triều Tiên giảm bớt các tổ sản xuất, vốn là đơn vị sản xuất nhỏ nhất của quốc gia.  Số lượng thành viên từ 25 giảm xuống còn 7 hoặc 8 người và thành viên trong tổ chủ yếu là người thân thích. Trên tổ sản xuất là các đội sản xuất, mỗi đội quản lý từ 3 đến 5 tổ. Về điểm này, Triều Tiên mô phỏng không hoàn toàn mô hình “chia ruộng theo hộ”10 của Trung Quốc. Điều này thể hiện Triều Tiên vẫn muốn duy trì hình thức nông trường tập thể (kinh tế công). Nếu không có kinh tế công, giới lãnh đạo Triều Tiên lo lắng họ sẽ bị mất đi tài sản công hữu quan trọng như ruộng đất và quyền lực chính trị từ sự kiểm soát ruộng đất.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh chính sách lần này phần nào phẩn ánh nội dung của cải cách nông nghiệp Trung Quốc, vừa để nông dân cảm thấy mình lao động cho chính bản thân vừa có quyền với số nông sản và các sản phẩm phụ khác. Nhờ vào sự điều chỉnh này, người dân có thu nhập cao hơn, hiệu quả sản xuất và nhiệt tình trong công việc cũng được nâng cao11. Tất nhiên, hiệu quả của cải cách cũng tùy vào từng nông trường, một số nơi tình hình khá tốt, ngược lại vài nơi vẫn nghèo khó.

Thứ năm, ngày càng nhiều các dòng vốn đầu tư của tư nhân và Nhà nước Trung Quốc đổ về trong lĩnh vực thương mại và khai thác mỏ của Triều Tiên. Nước này đang tích cực chiến lược thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc, vì về mặt chính trị, nguồn đầu tư này đáng tin cậy, hơn nữa, Triều Tiên không muốn mở cửa quy mô lớn như Hàn Quốc12. Hai bên Trung-Triều có một loạt bổ sung về kinh tế, Trung Quốc có nguồn vốn dồi dào, giá cả hàng hóa rẻ, có kinh nghiệm cải cách, còn Triều Tiên thì thiếu hụt về nguồn vốn và hàng hóa nhưng lại có nguồn nguyên liệu thô; hai bên có bối cảnh văn hóa và bối cảnh chính trị tương đồng, có thể dễ dàng thông cảm cho nhau; đồng thời, Nhân dân tệ là một ngoại tệ mạnh.

Trong lĩnh vực thương mại, Triều Tiên cần hiện đại hóa các cửa hàng quốc doanh, cải thiện năng lực phục vụ, bao gồm cả bày bán và tiêu thụ hàng hóa. Những cửa hàng này đều là hình ảnh bên ngoài của Bình Nhưỡng, là cơ sở của kinh tế thương mại Nhà nước, là nguồn hàng hóa tiêu dùng chủ yếu của người dân. Nếu như phải lấy các cửa hàng đổ nát và trống rỗng so sánh với các chợ tấp nập, mặt hàng phong phú trong một thời gian dài thì người dân sẽ mất niềm tin vào nền kinh tế nhà nước. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đến đầu tư có thể cải thiện kinh doanh và nguồn cung cấp hàng hóa, bảo đảm sự tồn tại của các cửa hàng này, xây dựng lại nền kinh tế quốc doanh và cuối cùng là mang lại một sức sống, động lực cho thương mại Triều Tiên.

Đối với Triều Tiên, tăng cường hợp tác về khai khoáng với Trung Quốc cũng là một lĩnh vực mới. Triều Tiên có tài nguyên khoáng sản phong phú như than đá, đồng, quặng sắt, vàng, magiê… Do thiếu điện và nguồn vốn, các mỏ của Triều Tiên ở trong trạng thái khi thác cầm chừng hoặc đóng cửa hoàn toàn. Khi Triều Tiên hiểu rằng họ có thế lợi dụng ưu thế về tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy các nhu yếu phẩm cần thiết thì suy nghĩ của họ cũng được cởi mở hơn.

 

Kiều Thị Dung


Scroll To Top