Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Tăng trưởng cao của Hàn Quốc được “kích thích” bởi “mở rộng xuất khẩu” và được duy trì bởi sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp xuất khẩu.Vì mở rộng xuất khẩu luôn chịu "sức ép" của Chính phủ do vậy các ngành xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung luôn được "kích hoạt" bởi Chính phủ và trong nhiều trường hợp vượt quá cả khả năng thông thường.

Nhiều ngành công nghiệp của Hàn Quốc được phát triển trên cơ sở “ưu tiên xuất khẩu”. Chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu đã buộc các công ty Hàn Quốc tiến hành chiến lược quảng cáo sản phẩm của họ ra thị trường bên ngoài hơn là thị trường trong nước, ví dụ như ngành công nghiệp sản xuất tivi màu. Chẳng hạn như, cho đến năm 1980, tivi màu không được bán ở thị trường nội địa nên các hãng sản xuất tivi màu buộc phải bán sản phẩm của họ ra thị trường bên ngoài. Hay các ngành công nghiệp sản xuất những mặt hàngcó giá trị cao như máy quay đĩa, điện thoại để bàn và áo lông chồn...

Ngược lại, các công ty Nhật Bản thường tổ chức quảng cáo sản phẩm của họ trên thị trường nội địa.Nhật Bản có thị trường nội địa rộng lớn, do đó có khả năng cho phép sự phát triển của một vài công ty lớn sản xuất cùng một loại hàng hoá.Bất kỳ công ty Nhật Bản nào có thể cạnh tranh thành công với các công ty Nhật Bản khác ở thị trường trong nước thì cũng có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài ở bất kỳ thị trường nước ngoài nào. Mở rộng công nghiệp trên nguyên tắc “ưu tiên xuất khẩu” của Hàn Quốc đối nghịch hoàn toàn với mô hình phát triển công nghiệp của Nhật Bản là dựa trên cơ sở nguyên tắc “ưu tiên thị trường trong nước”.



Chính bởi sự “chi phối” tự nhiên của sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp ở Hàn Quốc mà tỷ lệ ngành chế tạo trong GNP luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn mức “trung bình” hay mức “thông thường”(2) của các nước khác. Bởi vậy, sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang chế tạo ở Hàn Quốc được tiến hành nhanh hơn các mô hình đặc trưng thường thấy ở các nước khác.

Nhưng khi sự mở rộng khả năng công nghiệp có xu hướng thái quá thì tổng đầu tư trong nước luôn vượt quá tổng tiết kiệm nội địa. Hơn nữa, nhiều khoản tiết kiệm trong nước được chuyển sang đầu tư bất động sản như là một biện pháp để đối phó với tỷ lệ lạm phát cao. Và điều này dẫn tới kết quả là mức tiết kiệm trong nước của Hàn Quốc thấp hơn so với mức thông thường. Sự chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm được bù đắp bởi các khoản vay nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao các khoản nợ nước ngoài của Hàn Quốc tiếp tục tăng cho đến năm 1985, cùng với nhu cầu nhập khẩu dầu lửa và các nguyên liệu thô khác. Theo đó, các khoản vốn từ nước ngoài chảy vào Hàn Quốc nhiều hơn mức thông thường ở những nước khác. Bởi vậy, tỷ lệ nợ/vốn góp của các công ty lớn ở Hàn Quốc có xu hướng lớn hơn ở các nước NICs Châu Á khác bởi các công ty này luôn phải chịu sức ép phải mở rộng khả năng sản xuất và xuẩt khẩu. Điều này dẫn tới kết luận là tăng trưởng của Hàn Quốc được đặc trưng bởi tiết kiệm nội địa thấp, tỷ lệ nợ/vốn góp cao ở hầu hết các công ty và nợ nước ngoài lớn.

Do các chính sách ưu tiên được dành cho mở rộng xuất khẩu và các ngành công nghiệp chế tạo, trong khi đó lại thiếu nguồn vốn đầu tư và chi phí quốc phòng tương đối cao, nên đầu tư cho xã hội kém được ưu đãi và thường xuyên chậm trễ so với việc đầu tư cho các hoạt động sản xuất trực tiếp. Chính sách đầu tư xã hội của chính phủ chỉ được đưa ra khi có sự than phiền của các nhà kinh doanh về vấn đề cơ sở hạ tầng trở nên gay gắt, Chính phủ rất chậm chạp trong việc tăng cường các thiết bị cho giao thông, thông tin, điện nước và hệ thống nước thải. Như vậy, trong quá trình tăng trưởng các ngành công nghiệp của Hàn Quốc đã phải đối mặt với sự thiếu hụt và ách tắc về hàng không, điện thoại, đường sắt, v.v...Chẳng hạn, đến tận gần đây, sân bay quốc tế Kimpo ở Seoul vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với sân bay ở Hồng Kông, Singapore, Manila hay Kuala Lumpur chứ chưa nói đến sân bay Narita Tokyo. Điện thoại cũng rất đắt bởi thiếu đường dây điện thoại và tổng đài. Đến cuối những năm 1970, chi phí cho lắp đặt một máy điện thoại tốn tới vài ngàn đôla Mỹ.

Thực hiện: Mai Phương

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top