Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KHOA HỌC KỸ THUẬT TRONG THỜI KỲ TĂNG TRƯỞNG CAO Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Với dự án quốc gia là phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc trong thập niên 1970-1980 đạt tới hai con số. Để đạt được thành quả phát triển kinh tế thần kì đó và tự chủ quốc phòng trong bối cảnh chia cắt trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc cho khoa học kỹ thuật là yếu tố cơ bản quan trọng. Chính phủ Hàn Quốc đã rất quan tâm phát triển khoa học kỹ thuật và trọng dụng các chuyên gia. Đặc biệt là kể từ thập niên 1970, sau khi Kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ 2 thành công, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee càng nhận thức rõ hơn và chú trọng hơn cho phát triển khoa học kỹ thuật. Phát triển kinh tế và phát triển khoa học kỹ thuật được xem như là hai mặt của đồng tiền và để có được năng lực khoa học kỹ thuật và tự chủ kỹ thuật, chính quyền Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và phát triển khoa học kỹ thuật chiến lược.

Trong Nội các Hàn Quốc thời kỳ này, bí thư thứ 2 của Tổng thống chuyên đảm trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật gồm mảng xây dựng chính sách và thực hiện chính sách khoa học kỹ thuật. Tổng thống cho thành lập Quỹ Phát triển khoa học kỹ thuật nhằm thành lập và hỗ trợ các viện nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng như các trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhằm phục vụ cho Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 3 với trọng tâm là công nghiệp nặng, hóa chất và xuất khẩu, chính quyền đã thành lập hàng loạt các Viện nghiên cứu chuyên môn như Viện Nghiên cứu tàu thuyền, Viện Nghiên cứu điện tử, Viện nghiên cứu máy móc kim loại, Viện Nghiên cứu hải dương, Viện Nghiên cứu Hóa học, Khu công nghiệp phát triển nhiên liệu hạt nhân, Viện Nghiên cứu kỹ thuật thông tin…

Đặc biệt, chính phủ Hàn Quốc áp dụng chế độ cho phép doanh nghiệp tiết kiệm 1 phần kinh phí trong doanh thu của mình để phát triển khoa học kỹ thuật. Công ty phát triển khoa học kỹ thuật với chức năng kinh doanh phát triển duy nhất mảng khoa học kỹ thuật được phép thành lập. Đồng thời, chính phủ đặt ra chế độ “đặc biệt” cho vay phát triển khoa học kỹ thuật thông qua Ngân hàng công nghiệp.

Nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội cũng như nghiên cứu phát triển các kỹ thuật mới, nghiên cứu kiến tạo tương lai cũng được chính quyền Park Chung-hee coi trọng. Các Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực nào đó thường ngoài chức năng nghiên cứu còn có chức năng tư vấn và có tiếng nói mang tính quyết định trong việc lựa chọn nhân sự, tổ chức, ngân sách liên quan. Do đó, các nhà khoa học nghiên cứu tại các Viện này không chỉ có tiếng nói về mặt khoa học mà còn được xã hội, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước nể trọng.

Đối với nhà nghiên cứu có năng lực được trở thành thành viên của các Viện Nghiên cứu trực thuộc tổng thống, chính quyền ông Park Chung-hee cũng có chế độ đãi ngộ đặc biệt như chế độ lương bổng ở bậc lương cao nhất, được cấp biệt thự riêng cho gia đình và chế độ phúc lợi tốt nhất. Có thể kể đến các Viện trực thuộc Tổng thống như Viện Kế hoạch Kinh tế (EPB), Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI),Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST), Viện Nghiên cứu Văn hóa tinh thần Hàn Quốc (Nay là Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương- AKS). Các viện này đều có ngân sách quốc gia phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, dự án, chính sách liên quan.

- Viện Kế hoạch Kinh tế (Economic Planning Board, 1961), vừa xây dựng chính sách vừa phân bổ quản lý ngân sách quốc gia cho các bộ ngành, hầu như nắm các quyền lực quan trọng trong chính phủ. Đây là cơ quan được Tổng thống trọng dụng, có quyền lực cao và tổng thể được xem là nơi “vừa đánh trống vừa thổi còi” có quyền lực cao nhất và tổng thể nhất về lĩnh vực kinh tế. Viện trưởng Viện này ban đầu hàm bộ trưởng sau đó từ năm 1963 được nâng lên hàm Phó thủ tướng dưới chính quyền ông Park Chung-hee. Đây là nơi xây dựng các Kế hoạch phát triển kinh tế 3 năm, điều hành, phân phối, điều tra, thống kê, phân tích, đánh giá, quản lý điều phối tổng thể về cơ cấu, nhân lực, tài chính... nhằm đưa kế hoạch đạt được mục tiêu đề ra. Cục Thống kê của Viện này là nơi mua và sử dụng máy tính đầu tiên của Hàn Quốc. Năm 1994-1998, các bộ phận chức năng di chuyển về các bộ ngành và giải thể.

- Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST, 1966), là Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên được thành lập ở Hàn Quốc, nghiên cứu tổng hợp về khoa học kỹ thuật, là Viện nghiên cứu đầu ngành của Hàn Quốc về các kỹ thuật chiến lược của quốc gia. Sau gần 5 năm xây dựng, từ đầu thập niên 1970, Viện được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống phòng nghiên cứu hiện đại với các nhà khoa học hàng đầu của Hàn Quốc. Đây là dự án thành công và lớn nhất của Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 2. Viện có bộ phận nghiên cứu khoa học kỹ thuật sáng tạo tương lai và hàng chục bộ phận nghiên cứu khác. Viện có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị dưới sự chỉ đạo của quốc gia và là một trong những cơ quan dân sự được Bộ Quốc phòng bảo vệ chặt chẽ ở mức cao nhất. Từ thập niên 1980, Viện có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và liên thông.

- Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI, 1971) được thành lập với chức năng là cơ quan nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển 5 năm mà chủ yếu là các chính sách kinh tế một cách khả thi và hệ thống. Viện cũng là cơ quan nghiên cứu các kế hoạch ngắn hạn nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn, hợp tác với Viện Kế hoạch kinh tế trong việc xây dựng các Kế hoạch 3 năm. Viện nghiên cứu, phân tích đánh giá thực tiễn của Hàn Quốc không chỉ về kinh tế như tiền tệ, công nghiệp, thương mại mà còn về cả chế độ phúc lợi xã hội như bảo hiểm tai nạn công nghiệp, bảo hiểm nghề nghiệp, phụ cấp nghỉ việc, lương hưu, nghèo đói... cũng như so sánh với các nước tiên tiến để tìm ra cho Hàn Quốc phương hướng chính sách cũng như các tiêu chí phát triển một cách có hệ thống. Hiện nay, Viện có Trường Cao học quốc tế kết hợp nghiên cứu và đào tạo cao học cho sinh viên quốc tế và trong nước.

- Viện Nghiên cứu Văn hóa tinh thần Hàn Quốc (AKS, 1978, Nay là Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương- Academy for Korean Studies) là Viện nghiên cứu tinh túy văn hóa của Hàn Quốc nhằm trau dồi giá trị lịch sử,   tự chủ, xây dựng hệ thống giá trị lành mạnh, giáo dục tinh thần cho nhân dân hướng tới xây dựng một nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh công nghiệp hóa nhanh chóng và ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa phương Tây. Viện được thành lập, hỗ trợ và phát triển bởi ngân sách quốc gia (Viện trưởng hàm Bộ trưởng). Từ năm 1980, Viện thành lập Trường Cao học Hàn Quốc học nhằm bồi dưỡng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Tại các Viện nghiên cứu chuyên môn có chức năng nghiên cứu cơ bản và tư vấn chính sách cho Tổng thống như các Viện nêu trên thường có phòng ngủ và phòng làm việc dành riêng cho Tổng thống. Những lúc cần trao đổi, bàn bạc chính sách, Tổng thống có thể gọi các chuyên gia vào phủ Tổng thống nhưng Tổng thống cũng thường xuyên xuống các Viện, cùng làm việc, trao đổi và nghỉ lại tại các Viện này.

Các quan chức về kinh tế và doanh nhân tài giỏi là đội ngũ tư vấn thân cận nhất của tổng thống. Những chuyên gia được tổng thống trọng dụng thường xuyên gặp gỡ để trao đổi là các công chức chuyên môn. Có các công chức chuyên môn kinh tế được đào tạo ở nước ngoài hoặc ở các trường đại học danh tiếng trong nước là những người bên cạnh tổng thống trong gần 20 năm trời như Kim Chung-ryum[1],  Kim Yong-hwan[2], Chang Ye-jun[3], Kim Yong-sik[4], Yoon Joo-yung[5], Shin Jik-su[6],… Họ là những người có 4 lần đảm trách các chức vụ trong hệ thống cơ quan nhà nước như lãnh đạo của Viện Kế hoạch Kinh tế, Ngân hàng, Bộ Tài chính… Các doanh nhân của các tập đoàn tư nhân đang phát triển mạnh như Lee Byung-chul[7], Chung Ju-yung[8], Shin Hyun-hwak[9]…, các học giả (không thuộc công chức nhà nước) cũng là 1 trong 5 nhóm gặp gỡ trao đổi nhiều nhất với Tổng thống. Tổng thống gần như gặp gỡ các quan chức, chuyên gia kinh tế, học giả hàng đầu thường xuyên, cùng trao đổi và trò chuyện hàng ngày về các mục tiêu và kế hoạch quốc gia.

Dưới một chính quyền được cho là chính quyền độc tài, sự lãnh đạo của đảng cầm quyền và quản lý của nhà nước đều được quyết định cao nhất bởi tổng thống Park Chung-hee nên tưởng chừng không có yếu tố nào có thể tác động được tới tổng thống và bộ máy chính quyền. Thế nhưng, chính trong thời kỳ đó, điểm nổi bật và đáng chú ý nhất là các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học kỹ thuật lại được tôn vinh và được chính quyền trọng dụng, đãi ngộ. Sự lắng nghe, coi trọng các chuyên gia kinh tế và khoa học kỹ thuật cũng như cách sử dụng nhân sự tư vấn, xây dựng và thực hiện kế hoạch của tổng thống Park Chung-hee mang tính chuyên môn, hiệu quả và tính tác chiến theo phong cách cầm quân của một tướng lĩnh quân đội. Sự nhận thức, sự coi trọng khoa học kỹ thuật và những thành quả kinh tế thần kỳ dưới thời chính quyền tổng thống Park Chung-hee được đánh giá đã hoàn thành hơn 1 nửa chặng đường phát triển hiện nay của Hàn Quốc[10].

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 



Chú thích và tài liệu tham khảo

 

[1]Thạc sĩ kinh tế trường Clark (Mỹ), Các chức vụ dưới thời Park Chung-hee: Phó giám đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng ban Bí thư Tổng thống có thâm niên dài nhất của Hàn Quốc.

[2] Cử nhân Luật trường Đại học Seoul, học giả nghiên cứu tại trường California, tiến sĩ kinh tế danh dự trường Đại học Fairleigh Dickinson,  Các chức vụ dưới thời Park Chung-hee: Vụ trưởng quản lý Tiền tệ Bộ tài chính, Bí thư Ngoại tệ, Bí thư Kinh tế Ban Thư kí Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

[3] Cử nhân hành chính học, cử nhân kinh tế học trường ĐH Seoul, Thạc sĩ kinh tế trường Vanderbilt (Mỹ), Các chức vụ dưới thời Park Chung-hee: Vụ trưởng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Phó viện trưởng điều hành Viện Kế hoạch kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Công thương

[4] Cử nhân Luật trường Chuo, Nhật Bản, Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Hàn Quốc tại UN, Trợ lý đặc biệt về ngoại giao của Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Đất đai.

[5] Thạc sĩ Chính trị học Đại học Koryo, Đại học Colombia (Mỹ), Giáo sư trường ĐH Chungyang, Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Trưởng phòng thư kí Chủ tịch đảng Dân chủ Cộng hòa, Trưởng Ban Thường trực Đảng Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Khanh, Trợ lý truyền thông của Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin.

[6] Cử nhân Đại học sư phạm Jeonju, Cử nhân trường Đại học Seokyung, Tốt nghiệp Trường Bộ binh lục quân, Cử nhân Hành chính Trường Đại học Quốc phòng, Tiến sĩ Luật danh dự Trường Đại học Findlay (Mỹ), Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Thẩm phán Tòa án Seoul, Phó Cục trưởng Cục tình báo trung ương, Chánh án tối cao, Bộ trưởng Bộ Pháp chế, Cục trưởng Cục tình báo trung ương.

[7] Học dở ngành Kinh tế chính trị Đại học Waseda (Nhật), Người sáng lập Thương hội Samsung, Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Chủ tịch Liên hiệp doanh nhân toàn quốc, Tổng biên tập tờ Nhật báo trung ương, người sáng lập công ty Samsung điện tử, người sáng lập công ty Samsung hóa chất.

[8] Tốt nghiệp tiểu học, làm thợ sắt, buôn gạo, sáng lập Công ty Hyundai ô tô, Công ty Hyundai xây dựng, Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Chủ tịch Liên hiệp doanh nhân toàn quốc, Giám đốc Quỹ doanh nghiệp phúc lợi xã hội Asan, Chủ tịch phía Hàn Quốc Ủy ban Hợp tác Kinh tế Hàn-Anh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn-Ả rập, Hàn-Phi.

[9] Cử nhân Luật Đại học Keijo (Nhật Bản), Giáo sư Đại học Deagu, Bộ trưởng Bộ Phú hưng, Các chức vụ dưới thời Tổng thống Park Chung-hee: Giám đốc công ty điện lực Donghae, Giám đốc công ty Sangyong, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Viện trưởng (Bộ trưởng) Viện Kế hoạch kinh tế.

[10] Kim Dong-hyun, Choi Hyun-hong, 1997, Quá trình hình thành chính sách khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc (한국 과학기술정책의 형성과정), Nghiên cứu chính sách 96-16, Viện Nghiên cứu quản lý chính sách khoa học kỹ thuật, tr.29.

11 Trang web của các Viện nghiên cứu Hàn Quốc, Từ điển Bách khoa thư Hàn Quốc


Scroll To Top