Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH Ở HÀN QUỐC: TẤT YẾU HAY LỰA CHỌN?

Đăng ngày:

Khái quát

Khi vừa nhậm chức vào năm 2008, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố “Tăng trưởng xanh, ít các-bon” là tầm nhìn quốc gia mới của Đại Hàn Dân Quốc. Tác nhân chính yếu nhất dẫn tới tầm nhìn này là do cộng đồng đã nhận ra tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế dựa vào phát thải các-bon ở mức độ cao. Chiến lược này nhằm chuyển đổi mô hình phát triển hiện hành, vốn tăng trưởng thiên về số lượng và phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch, sang một mô hình tăng trưởng hướng đến chất lượng, trong đó, chú trọng nhiều hơn vào sự tự chủ năng lượng và tính bền vững thông qua các phương thức như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Nhìn từ quan điểm này, để đạt tới viễn cảnh tăng trưởng kinh tế bền vững cho đất nước và hạnh phúc cho người dân, chiến lược Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc có vẻ gần với một con đường tất yếu hơn là một sự lựa chọn.

Con đường tất yếu

Bước vào thời đại của thiếu hụt tài nguyên và gia tăng khủng hoảng môi trường, nhiều quốc gia đã nhận định biến đổi khí hậu và vấn đề năng lượng là những thách thức khốc liệt nhất của đất nước mình. Họ buộc phải tập trung toàn bộ nỗ lực để đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, đồng thời, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Do không thể miễn nhiễm với các khủng hoảng năng lượng và môi trường toàn cầu, Hàn Quốc đã theo đuổi Tăng trưởng xanh nhằm hướng tới: (i) Nhu cầu về một động cơ tăng trưởng kinh tế mới; (ii) Nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; (iii) Mối quan tâm trong nước về biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của việc thích nghi với nó.

1. Hàn Quốc lựa chọn Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng kinh tế mới để tạo ra các động cơ tăng trưởng mới và việc làm thông qua công nghệ xanh và công nghiệp xanh.

Từ những năm 1960, Hàn Quốc đã đạt tới mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ sự phát triển của các ngành công nghiệp hóa chất nặng, sử dụng chiến lược lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Tiếp đó, sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (IT) đã dẫn tới sự khai sinh của một động cơ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, từ nửa sau của những năm 1990, Hàn Quốc đã phải vật lộn với mức tăng trưởng kinh tế thấp và nạn thất nghiệp; điều đó dẫn đến yêu cầu về một động cơ tăng trưởng mới.

Theo số liệu của Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc, năm 2010, Hàn Quốc là nước tiêu thụ năng lượng đứng thứ 10 trên thế giới và 97% tổng cầu năng lượng là từ nhập khẩu, trong đó hơn 80% là năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch (trong khi tỷ lệ nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản là 73%, Hoa Kì là 64% và Pháp là 53%). Quan trọng hơn, các ngành công nghiệp tạo ra 70% tổng sản lượng công nghiệp quốc gia như dầu mỏ, hoá chất và thép đều là các ngành tiêu thụ năng lượng cao. Cấu trúc tiêu thụ năng lượng ở mức cao này khó tránh khỏi tình trạng nhạy cảm cao độ với các biến động về giá năng lượng; và hậu quả là, kinh tế Hàn Quốc đã phải hứng chịu tác động kinh hoàng mỗi lần giá năng lượng tăng mạnh. Do vậy, nền kinh tế Hàn Quốc rất dễ bị tổn thương vì tính chất nhạy cảm của nó đối với những thay đổi đột biến từ các yếu tố bên ngoài. Trước tình trạng phụ thuộc cao vào các nguồn năng lượng nhập khẩu và nhiên liệu hoá thạch, việc Hàn Quốc lựa chọn chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả và ít các-bon làm phương thức tạo ra động cơ tăng trưởng mới là một điều cấp thiết.

2. Tăng trưởng xanh là tất yếu ở Hàn Quốc không chỉ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn vì mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy tăng trưởng kinh tế là sống còn nhưng nó không phải là nhân tố duy nhất cấu thành hạnh phúc của người dân. Chất lượng cuộc sống, bao gồm tình trạng sức khoẻ và chất lượng môi trường, cũng quan trọng như các điều kiện sống thuộc về vật chất, như thu nhập và của cải. Theo một thăm dò của Viện Gallup năm 2010, Hàn Quốc xếp hạng 27 trên 34 quốc gia thuộc OECD khi tự đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống theo thang điểm từ 0 đến 10. Đây là mức dưới trung bình. Điều này minh chứng cho việc các chính sách của chính quyền hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống là hết sức cần thiết ở Hàn Quốc.

Một số ngoại tác môi trường[1] như ô nhiễm không khí và khả năng tiếp cận với nước sạch, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Theo Danh mục sống tốt hơn (Better Life Index) mà OECD công bố năm 2011, chỉ số PM10[2] trong không khí – “hạt ô nhiễm” trong không khí có đường kính rất nhỏ, đủ để xâm nhập và gây hại cho phổi – của Hàn Quốc là 33 microgram trên mét khối, cao hơn hẳn so với mức trung bình của khối OECD là 21 microgram trên mét khối. Về chất lượng nước, Hàn Quốc cũng xếp dưới mức trung bình của OECD, cụ thể chỉ có 74% dân số hài lòng với chất lượng nước, trong khi mức trung bình của OECD là 84%. Do đó, một trong các mục đích chính của chiến lược Tăng trưởng xanh tại Hàn Quốc là nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách phát triển các thành phố xanh, xây dựng hạ tầng giao thông xanh và cải thiện quản lý tài nguyên nước.

3. Để thoả mãn mối quan tâm trong nước về dịch chuyển chính sách và góp phần vào các nỗ lực quốc tế trong đối phó với biến đổi khí hậu, việc Hàn Quốc đề ra mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính là cần thiết.

Hàn Quốc đã chủ động tham gia vào các nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Họ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cắt giảm 30% lượng khí nhà kính so với kịch bản BaU[3] năm 2020. Mục tiêu mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra chính là mức cắt giảm cao nhất mà Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovermental Panel on Climate Change_IPCC) đề xuất với các các quốc gia đang phát triển nhằm ổn định mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn ngưỡng 2oC.

Tuy nhiên, ngoài những đóng góp tự nguyện để giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu, Hàn Quốc cũng có động cơ thay đổi của riêng mình. Mức tăng nhiệt độ tại Hàn Quốc đã vượt quá ngưỡng trung bình trên toàn cầu, cùng với đó, tần suất của hạn hán, lũ lụt theo dự đoán sẽ tăng lên. Trong khi nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 1906 đến năm 2005 đã tăng 0,74oC (IPCC, 2007) thì tại Hàn Quốc, mức tăng là 1,7oC từ năm 1912 đến năm 2008 (Nghiên cứu của Viện khí tượng quốc gia Hàn Quốc, 2009). Thực chất, tại Hàn Quốc, mức tăng nhiệt độ đã vượt gấp hai lần mức trung bình toàn cầu cho thấy tiến triển đáng báo động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Ngoài ra, xét đến sự phụ thuộc cao độ của Hàn Quốc vào nguyên liệu hoá thạch, trong bối cảnh phải thực thi các nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính do cộng đồng quốc tế đặt ra, gánh nặng đặt ra cho nền kinh tế Hàn Quốc được dự đoán là rất lớn. Xét tới tính nhạy cảm và dễ tổn thương với môi trường và năng lượng của mình, Hàn Quốc đã chọn cách tham gia vào phong trào quốc tế về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nên sự khác biệt với các nước có hoàn cảnh tương tự.

 

Người dịch: Lương Hồng Hạnh

Trung tâm NC Hàn Quốc

Nguồn: Sang Dae Choi, The Green Growth Movement in The Republic of Korea: Option or necessity?, World Bank, Korea green growth partnership, 2014.

 



[1] Ngoại tác môi trường: khái niệm kinh tế học chỉ những tác động đến môi trường xảy ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nhưng không được bù đắp; ảnh hưởng của chúng đến lợi ích của người tiêu dùng và chi phí của doanh nghiệp nằm ngoài cơ chế thị trường (không tính vào giá thành sản phẩm). Một hệ quả của ngoại tác tiêu cực là chi phí sản xuất tư nhân có xu hướng thấp hơn chi phí “xã hội” của quá trình sản xuất đó. Do đó, mục đích của nguyên tắc “người gây ô nhiễm/người dùng trả tiền” là thúc đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp nội hoá ngoại tác trong các kế hoạch và chi tiêu của họ (nguồn: OECD_Glossary of Statistical Terms).

[2] PM: particulate matter .

[3] Kịch bản BaU (Business as Usual): là kịch bản kinh tế, trong đó, các xu hướng phát triển trong tương lai được tiếp nối từ quá khứ và không có bất cứ sự thay đổi nào về chính sách.


Scroll To Top