Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


DI SẢN PHÁT MINH ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Tư tưởng kỹ thuật quan trọng trong suốt thời kỳ Silla được gắn liền với tên tuổi của Chang Pogo, người được biết như là “Hoàng tử về buôn bán” hay “thuyền trưởng của biển vàng”. Chang Pogo đã phát triển và duy trì mạng lưới buôn bán đường biển rất rộng lớn, nối liền các khu vực của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản trong thế kỷ 19. Thời kỳ này là thời kỳ thương mại quốc tế trên biển đang ở giai đoạn trứng nước ngay cả ở Châu Âu, nơi mới thoát khỏi kỷ nguyên trung cổ. Chang Pogo cũng còn nổi tiếng là người đã đóng rất nhiều tàu lớn và xây dựng nhiều bến cảng và kho hàng ở bán đảo Shandong của Trung Quốc.

Trụ sở của Chang Pogo đóng tại đảo Wando, nằm ở phía Tây Nam bán đảo Hàn (Korea Peninsula). Hiện nay vẫn còn có thể tìm thấy những dấu tích của đỉnh pháo đài thời kỳ buôn bán thịnh vượng trên biển. Những năm gần đây, một vài tàu buôn chở đầy đồ gốm, sứ Trung Quốc bị đắm được phát hiện ở bờ biển không xa đảo Wando và được lưu giữ tại bảo tàng quốc gia ở Quangdu.

Khi sự thống nhất của Silla bị suy yếu, một trong những kẻ nổi loạn là Wang Kon đã đứng ra thành lập nên vương quốc Koryo (918-1392). Wang Kon thực hiện được điều đó do có sự ủng hộ của các lãnh chúa phong kiến, thương gia và sự chấp nhận đầu hàng một cách tự nguyện của Vua Silla cuối cùng. Tên gọi “Korea” theo ngôn ngữ phương Tây có nguồn gốc từ tên gọi “Koryo”.

Phát minh then chốt nhất trong thời kỳ Koryo là việc sử dụng hình thức in ấn bằng kim loại đầu tiên được thế giới công nhận. Phát minh này của Hàn Quốc vào năm 1234 đã đi trước việc sử dụng hình thức in ấn bằng kim loại của Gutenberg ở Đức khoảng 200 năm. Mặc dù chính xác thời điểm sử dụng lần đầu tiên máy in kim loại ở Hàn Quốc vẫn đang là vấn đề tranh luận song nhìn chung nó được xem như là sự phát triển một bậc của việc in khắc gỗ trong lịch sử đặc biệt là trong việc in Kinh phật.

Triều đại Koryo đã cho ra đời một bộ sưu tập Kinh phật đồ sộ và lâu đời nhất của thế giới được biết tới như “Tripitaka Koreana”. Nó bao gồm 81.258 bản khắc gỗ loại lớn được hoàn thành trong 16 năm, kết thúc vào năm 1251. Những nhà lãnh đạo Koryo đã thực hiện một công trình đồ sộ là sao chép lại các bản Kinh phật đó để gìn giữ Kinh phật trước các cuộc xâm lăng liên tục của Mông Cổ. Điều đó đã tạo thuận lợi thúc đẩy kỹ thuật in ấn phát triển nhanh cả về in khắc gỗ và kim loại trong suốt thời kỳ Koryo.

Thời kỳ Koryo cũng nổi tiếng về sự phát triển trong lĩnh vực thiên văn học và đồ gốm. Thậm chí các chuyên gia Trung Quốc cũng phải khen ngợi đồ gốm xanh thời kỳ Koryo, nổi tiếng bởi sự tinh xảo và lớp men “xanh rái cá” được coi như là cái “đẹp nhất trên thiên đường”. Các nhà lịch sử Nhật Bản thừa nhận rằng người Nhật Bản đã học kỹ thuật làm đồ gốm từ những người thợ gốm Hàn Quốc. Trong suốt giai đoạn Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc (1592-1597), tất cả các làng gốm Hàn Quốc đã bị bắt đến Nhật Bản và những kỹ năng, kỹ thuật của họ trong việc làm đồ gốm đã bị khai thác, lợi dụng.

Thậm chí người Hàn Quốc còn xây dựng được một chiếc cầu treo qua sông Injin vào thời kỳ Koryo. Chiếc cầu này vẫn còn tồn tại ở khu phi quân sự phía bắc Seoul. Nó được xây dựng một trăm năm trước khi một chiếc cầu tương tự xuất hiện ở phương Tây. Những phát minh nổi tiếng khác trong thời kỳ Koryo còn có cả bánh xe và đồng hồ nước. Bộ Kinh phật vẫn được hoàn thành cùng với việc hình thành nên nghi lễ tôn giáo trên khắp đất nước mặc dù liên tục Hàn Quốc chịu sự xâm lấn của Mông Cổ. Điều đó cho thấy rằng Vương triều Koryo đã đứng vững được trước sự xâm lăng tàn bạo của đế quốc Mông Cổ trong khoảng 30 năm.

Do sức mạnh của đế quốc Mông Cổ bị suy yếu dần vào thế kỷ thứ 14, bọn cướp biển Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc cướp bóc ở các làng ven biển với một quy mô lớn và có tính hệ thống. Điều này đã làm người dân mất lòng tin vào Phật giáo vì Phật đã không xuất hiện để bảo vệ họ, kình địch và mẫu thuẫn gay gắt giữa những người theo Phật giáo và Khổng giáo ngày càng tăng. Sự xích mích giữa các quan chức tri thức và binh lính cũng trở lên xấu đi, mà nguyên nhân là do vào thời điểm này kế hoạch Tripitaka được đẩy mạnh, binh lính bị phớt lờ và bị phân biệt đối xử. Về sau, triều vua Koryo rất cần các vị tướng có thể tổ chức được quân đội chống lại cướp biển Nhật Bản và sự xâm lược của Trung Quốc từ phía Bắc. Tướng Yi Songgye là một trong những người lãnh đạo quân sự có năng lực nhất và được tôn trọng nhất của đất nước. Sau khi giành được sự ủng hộ của các quan chức cấp cao quan trọng, tướng Yi lật đổ chế độ quân chủ Koryo đang suy yếu và thành lập một triều đại mới với tên gọi là Choson.

Vương quốc Choson (1392-1910), do tướng Yi lập nên, cũng được coi là triều đại Yi theo kiểu gia đình trị, chấp nhận đạo Khổng làm quốc giáo. Đạo Phật chính thức bị ngăn cấm, mặc dù không bị tiêu diệt tận gốc và hậu quả là các nhà sư đã phải lui vào sống ẩn dật trong núi. Phật giáo đã liên tục bị đàn áp trong suốt triều đại Choson. Đây là lý do chính tại sao ở Seoul không có những ngôi chùa hay tu viện lớn như ở Kyoto hoặc Tykyo.

Triều đại Vua Sejong, vị vua Yi thứ tư (1419-1450), được đánh dấu bởi sự nở rộ cảu các phát minh khoa học. Dụng cụ đo lượng mưa đầu tiên trên thế giới; hay còn gọi là “pluviometer” đã được phát minh dưới sự ủng hộ của Vua Sejong vào năm 1442, dụng cụ này ra đời trước dụng cụ do lượng mưa của Gastell (1639) gần hai thế kỷ. Chính do hệ thống đo lượng nước mưa do Chính phủ Hàn Quốc duy trì mà quốc gia này có những ghi chép liên tục lâu đời nhất thế giới về lượng mưa. Triều Tiên còn là nước có truyền thống trồng lúa lâu đời nhất và việc đo lượng mưa này cũng đã góp phần rất lớn vào việc tăng sản lượng gạo. Theo tác giả Dwight Perkin của đại học Harvard, Hàn Quốc là một trong những nước có năng suất sản xuất lúa gạo cao nhất trên thế giới, thậm chí từ trước khi bị Nhật Bản thôn tính vào năm 1910.

Việc sáng tạo ra hệ chữ Hangul, bảng chữ cái của Hàn Quốc vào năm 1443 của Vua Sejong được xem như là một trong những thành tựu hoàn hảo về tri thức của triều đại Yi. Edward B. Adams, một nhà giáo được sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc đã mô tả hệ chữ Hangul như sau: “Đó là sự kết hợp của 24 biểu tượng cực kỳ đơn giản, mà sự kết hợp này tượng trưng cho hầu hết những âm thanh có thể tượng trưng được. Ngay cả tiếng gió vi vu, tiếng chim hót, tiếng chó sủa cũng có thể được thể hiện một cách chính xác bởi hệ thống ngữ âm “Hangul”. Thomas Y Park, một chuyên gia về hệ chữ Hangul, đã viết trong cuốn sách “Hệ chữ Hangul là bảng chữ cái của thế giới” của ông rằng “Hệ chữ Hangul là bảng chữ cái hay nhất, đơn giản nhất trên thế giới. Nó có thể mô tả 8.778 âm thanh (hay âm tiết). Trong khi đó bảng chữ cái của Nhật Bản chỉ có thể mô tả được 201 âm thanh và bảng chữ Trung Quốc chỉ mô tả được 427 âm thanh”. Park sinh ra ở Mãn Châu, Trung Quốc, học tại trường đại học Kim ll Sung ở Pyong Yang, CHDCND Triều Tiên, ông đã sống ở Mỹ 31 năm và là một kỹ sư máy tính. Ông Edwin Reischauer – Giáo sư trường đại học Harward, đã từng mô tả hệ chữ Hangul như là bảng chữ cái logic nhất trên thế giới. Russel Howe thì cho rằng hệ chữ Hangul rất dễ học mà “bất kỳ một người bình thường biết suy nghĩ nào cũng có thể học Hangul trong khoảng thời gian bay từ Mỹ hoặc Châu Âu đến Hàn Quốc”. Theo Dwight H. Perkinss, người Hàn Quốc trong triều đại Choson “về giáo dục đã vượt những người láng giềng mạnh hơn họ là Trung Quốc và Nhật Bản, ít nhất là trong lĩnh vực giáo dục phổ cập”. Điều này là nhờ vào sự sáng tạo ra hệ chữ Hangul. Về ngữ âm, Hangul dễ học hơn nhiều so với chữ Trung Quốc. Rất có thể sự sáng tạo ra Hangul đã góp phần nâng cao trình độ giáo dục cho hầu hết tất cả mọi tầng lớp ở Hàn Quốc trong triều đại Choson.

Một phát minh nổi tiếng khác trong triều đại Choson là tàu chiến thiết giáp đầu tiên trên thế giới. Năm 1592, vị đô đốc nổi tiếng nhất Hàn Quốc, Yi Sun-Shin, đã cho đóng “tàu con rùa” (kobukson); tàu có tên như vậy vì hình dáng của nó và được bọc sắt. Sau này đô đốc Yi đã sử dụng những tàu con rùa được vũ trang hạng nặng của ông đánh tan hạm đội Nhật Bản trong cuộc xâm lược của Nhật Bản từ năm 1592-1598. Sau chiến thắng, đô đốc Yi đã bị vu cáo và chỉ trích tại toà án bởi các đối thủ chính trị đố kỵ và đồi bại, nhận tiền đút lót. Nhưng lịch sử đã minh oan cho ông, ở Đông Á, đô đốc Yi được xem là một trong những nhà chiến lược hải quân giỏi nhất thế giới. Sau này đô đốc Togo cùng với những người lính và thủy thủ Nhật Bản dưới quyền trên đường chinh chiến với người Nga đã ghé thăm quê nhà của đô đốc Yi Sun-Shin và thực hiện nghi lễ tôn giáo ở đó để cầu khẩn “sự giúp đỡ tinh thần” của đô đốc Yi. Togo nói rằng đô đốc Yi là nhà chỉ huy hải quân giỏi nhất trên thế giới, giỏi hơn cả bản thân hay ông đô đốc Nelson.

Điều đáng tiếc là ở phương Tây, lịch sử Hàn Quốc thường bị phản ánh méo mó bởi các tác giả theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản và những người chỉ có kiến thức cơ bản về Nhật Bản chứ không phải về Hàn Quốc. Trong cuốn sách “Korea’s Colorful Heritage – Di sản sắc màu của Hàn Quốc”, tác giả Jon C. Cowell đã ghi chép lại nhiều phát minh và những thành tựu văn hoá của Hàn Quốc truyền thống.

Những nỗ lực đổi mới mang tính lịch sử trong các triều đại Silla, Koryo và Yi chính là nguồn gốc sâu xa của sự phát triển kinh tế hiện đại của người Hàn Quốc. Đặc trưng của cầu treo Koryo được bắt chước ở những cây cầu nổi tiếng được xây dựng ở Penang, Malaxia và cầu nối giữa đảo Nahame với đảo chính dọc theo bờ biển phía Nam Hàn Quốc. “Tàu con rùa” của đô đốc Yi được coi là tổ tiên của ngành công nghiệp đóng tàu hiện đại của người Hàn Quốc - một ngành lớn nhất thế giới vào năm 1987. Những thành tựu quan trọng khác cho thấy tinh thần sáng tạo không ngừng của Hàn Quốc giành được tại cuộc thi “Olimpic kỹ thuật”, chính thức được biết đến như là cuộc đua tài về đào tạo và hướng nghiệp quốc tế.

Thực hiện: Nguyễn Hòa và Nhóm website CKS

Nguồn: Các tài liệu lưu tại TTNCHQ

Scroll To Top