Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ Ở HÀN QUỐC TỪ NĂM 1960 ĐẾN 1970

Đăng ngày:

Do không có khả năng nội tại để thiết lập và đưa vào hoạt động các hệ thống sản xuất, các doanh nghiệp của Hàn Quốcđã phải lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ nhập khẩu. Những công nghệ này nhìn chung là đơn giản hơn những công nghệ trong thời kỳ phát triển và việc học tập cách điều hành cũng tương đối dễ dàng. Hàn Quốc tập trung đầu tư vào sự phát triển nguồn nhân lực kể từ Korea War. Nguồn nhân lực của Hàn Quốc đã trở thành một nền tảng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá tiếp theo bằng cách tạo điều kiện cho việc thông qua nhanh chóng những công nghệ nhập khẩu.

Để giảm thiểu chi phí cho việc tiếp nhận công nghệ nước ngoài và tạo nên một sự độc lập về mặt công nghệ từ sự chi phối của nhiều quốc gia đối với Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã thực hiện những chính sách thắt chặt đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sự lựa chọn công nghệ phù hợp và dễ tiếp thu đòi hỏi một trình độ nhất định về khả năng nghiên cứu và phát triển trong nước. Để xây dựng cơ sở hạ tầng về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệvà Viện Khoa học và Công Nghệ Hàn Quốc đã được thành lập trong những năm 60. Đồng thời, Luật thúc đẩy Khoa học và Công nghệ cũng được Quốc hội nước này ban hành. Luật này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ ở Hàn Quốc.

Những năm 1970 được coi là giai đoạn phát triển của khoa học, công nghệ nước này. Khi đó, người ta tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp cần nhiều vốn và công nghệ hơn, nhất là các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất. Đó là những ngành sản xuất đã được mở rộng một cách đáng kể và đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế. Chính sách khoa học và công nghệ thời kỳ này tập trung vào việc mở rộng đào tạo về kỹ thuật và công nghệ trong các lĩnh vực có liên quan tới các ngành công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, một loạt các viện nghiên cứu được Chính phủ tài trợ đã được thành lập ở các lĩnh vực như chế tạo máy, đóng tàu, khoa học biển, điện tử, và điện. Để đáp ứng các nhu cầu đa dạng về phát triển công nghiệp, Hàn Quốc đã có rất nhiều nỗ lực cải cách lại bộ máy, thể chế nhà nước và các doanh nghiệp nhằm thay đổi và phù hợp với việc tiếp thu công nghệ nhập khẩu.

Trong thời gian này, Chính phủ đã cho phép tự do hoá việc nhập khẩu công nghệ, điều mà từ trước được kiểm soát và xem xét rất kỹ lưỡng. Hàn Quốc đã thực thi tự do hoá từng phần việc chuyển giao công nghệ và thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hoá chất, công nghiệp nặng và các ngành đòi hỏi các công nghệ nước ngoài tinh vi hơn. Đồng thời, Chính phủ đã cải cách thể chế để thúc đẩy tiềm lực công nghệ trong nước.

Thực hiện: Thanh Mai

Biên tập: Nhóm website

Nguồn: TVTTNCHQ 07

Scroll To Top