HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NĂM 2014 (Phần 1)
Đăng ngày:
Ngày 23/09/2014 vừa qua, đại diện của các quốc gia trên thế giới đã tập trung tại New York (Mỹ) để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Đây được cho là hội nghị quy tụ đông đảo nhất các vị lãnh đạo của thế giới, kể từ Hội nghị các nước thành viên Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch), với gần 120 Tổng thống, Thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao các nước. Ngoài ra, còn có đông đảo các đại diện của giới khoa học, tài chính, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và báo giới. Hội nghị nhằm tạo thêm động lực chính trị, thúc đẩy quá trình thương lượng trong khuôn khổ UNFCCC để đạt được thoả thuận pháp lý có ý nghĩa trong năm 2015 tại Hội nghị các nước thành viên UNFCCC tại Paris. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, biến đổi khí hậu là "mối đe dọa hòa bình và thịnh vượng đối với hàng tỷ người", "Hôm nay, chúng ta phải cam kết đưa thế giới đến một con đường mới ". Ông Ban Ki-moon còn nhấn mạnh: "Chúng ta không ở đây để nói chuyện. Chúng ta đang ở đây để làm nên lịch sử". Về phía Hàn Quốc, hội nghị có sự tham gia của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thị trưởng thành phố Seoul Park Won-soon. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của hội nghị. Biến đổi khí hậu là gì? Biến đổi khí hậu, theo định nghĩa của UNFCCC là sự biến đổi cơ bản của khí hậu được quy trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người, làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu; sự thay đổi này cộng thêm khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong các thời kì có thể so sánh được. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, về nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu, 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Những tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XX tăng 0,55°C và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 2-5°C trong thế kỷ XXI, kèm theo đó là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hậu quả nặng nề cho muôn loài, trong đó có con người. Các nghiên cứu cũng cho thấy mỗi năm biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế thế giới tổn thất 1,2 nghìn tỷ USD; khiến hơn 4,5 tỷ người (khoảng 64% dân số toàn cầu) phải sống tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy... Trước thềm Hội nghị Trước khi diễn ra hội nghị, ngày 22/9, khoảng 600.000 người ở khắp nơi trên thế giới đã xuống đường tuần hành nhằm chứng tỏ “quyền lực nhân dân”, với thông điệp thống nhất là kêu gọi thế giới hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu, thực hiện những cam kết nghiêm túc về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây được xem là sự kiện toàn cầu kêu gọi chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử. Với tên gọi “Tuần hành của nhân dân vì khí hậu”, cuộc tuần hành ở New York đã nhận được sự ủng hộ của 1.400 tổ chức, thu hút sự tham gia của khoảng 310.000 người. Tham gia cuộc tuần hành tại New York có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng với cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Sinh thái Pháp Segolene Royal. Những cam kết cụ thể tại Hội nghị Đáng chú ý, lần đầu tiên, Trung Quốc đã đưa ra cam kết hành động mạnh mẽ để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, khi Phó Thủ tướng nước này, ông Trương Cao Lệ, phát biểu rằng Trung Quốc sẽ giới hạn lượng khí thải và cắt giảm khí thải sâu vào năm 2020. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu rằng, biến đổi khí hậu đã diễn tiến nhanh hơn so với những nỗ lực để giải quyết nó và Mỹ cùng Trung Quốc có một trách nhiệm đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ông cũng lên tiếng thúc giục lãnh đạo của các quốc gia khác trên thế giới nên theo gương Hoa Kỳ đi đầu tiến hành chiến lược năng lượng sạch và giảm phát thải. Cam kết cơ bản nhất mà ông đưa ra là tuyên bố Mỹ sẽ thiết lập một Kế hoạch cắt giảm khí thải sau năm 2020 vào đầu năm tới. Liên minh Châu Âu cho biết, 27 quốc gia thành viên của khối này sẽ cắt giảm khí nhà kính, dự kiến đến năm 2030 sẽ giảm 40% so với mức năm 1990. Khối này cũng kêu gọi sử dụng năng lượng sạch và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng khoảng 30%. Phát biểu tại phiên họp về tài chính trong khuôn khổ hội nghị, ông Ban Ki-moon bày tỏ sự hài lòng về hội nghị này và cho biết hàng tỉ USD đã được cam kết để hỗ trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh, trong đó, Pháp và Đức mỗi nước cam kết 1 tỉ USD, Hàn Quốc 100 triệu USD và Mexico 10 triệu USD. Ngoài ra, hội nghị cũng chứng kiến nhiều cam kết tài chính đáng chú ý khác, như Liên minh Châu Âu cam kết 3 tỉ USD giúp các nước đang phát triển giảm tác hại của biến đổi khí hậu từ nay tới năm 2020; liên minh các chính phủ, các tổ chức tài chính, xã hội và doanh nghiệp công bố kế hoạch huy động 200 tỉ USD cho các hoạt động phát triển thân thiện với môi trường… Một số quan ngại Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có ý kiến cho rằng, không có nhiều chính quyền đưa ra các cam kết thực sự. Tổ chức Oxfam thì đánh giá những sáng kiến được đưa ra tại hội nghị là hữu ích, tuy nhiên, lại không có nhiều sáng kiến mang tính đột phá. Trong khi đó, Brazil, nơi chủ yếu rừng bị hủy hoại, lên tiếng cho biết nước này từ nay đến năm 2030 sẽ không ký thỏa thuận cam kết ngưng nạn phá rừng. Điều này phá hỏng thời hạn được hơn 150 quốc gia tham dự hội nghị đề ra là chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Chính phủ Mỹ quyết định không tham gia cùng 73 quốc gia khác trong kế hoạch đánh thuế các-bon vì Quốc hội Hoa Kỳ cho biết sẽ bác bỏ kế hoạch này. Cho đến đầu năm sau, nước Mỹ mới công bố mục tiêu phát thải mới. Trung Quốc dù có ký thỏa thuận về đánh thuế các-bon nhưng người đại diện của Bắc Kinh tại hội nghị là Phó thủ tướng Trương Cao Lệ lên tiếng than phiền rằng thế giới đối xử với những quốc gia đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, theo cách khác hẳn với những quốc gia phát triển khi cho phép những nước phát triển thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Về phía Việt Nam Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tác động của nước biển dâng, do Việt Nam có đường bờ biển dài, dân cư tập trung đông tại các vùng đồng bằng ven biển và các hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và lâm nghiệp. Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã đề ra các định hướng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm. Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển tăng cường thực hiện các cam kết theo Nghị định thư Kyoto, cung cấp tài chính và công nghệ tiên tiến cho các nước đang phát triển đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Lương Hồng Hạnh dịch và tổng hợp Nguồn: Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye: http://www1.president.go.kr/president/speech.php?srh[view_mode]=detail&srh[seq]=7412&srh[detail_no]=98 (bản tiếng Hàn) http://www.un.org/climatechange/summit/list-speakers/ (bản tiếng Anh) http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/9/1302B682E65BF2BA/ http://www.baomoi.com/Khai-mac-Hoi-nghi-thuong-dinh-LHQ-ve-bien-doi-khi-hau/119/14887544.epi http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10094&cn_id=676377 http://www.moitruong.com.vn/Home/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=21769