VỀ NHỮNG ĐIỀU CHỈNH TÀI KHOÁ CHO TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Về những điều chỉnh tài khoá giúp cho Hàn Quốc có thể thực thi tăng trưởng xanh, có bốn điểm đáng xem xét như sau: (i) Tăng trưởng xanh cần được “tiền tệ hoá” (monetize) dưới hình thức một chính sách về ngân sách; (ii) Cơ quan tài chính và kế hoạch trung ương phải đóng vai trò chính yếu; (iii) Ngân sách tăng trưởng xanh tăng lên không nhất thiết dẫn đến việc giảm đi các ngân sách y tế và giáo dục; (iv) Phân bổ lại các nguồn ngân sách cho tăng trưởng xanh là cần thiết trong một số khu vực chi tiêu. 1. Không có gói kích thích xanh nào là riêng lẻ. Tăng trưởng xanh đã được tích hợp đầy đủ vào ngân sách bổ sung tháng 4 năm 2009 của Hàn Quốc. Từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, các nước trên thế giới bắt đầu đưa ra những gói kích thích kinh tế bổ sung nhằm đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Xem xét từ mức độ mà cuộc khủng hoảng trên tác động đến Hàn Quốc thì quốc gia này cũng cần tham gia vào công cuộc đó.Tháng 1 năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động Thoả thuận xanh mới (Green New Deal), trong đó, xác định những dự án trọng điểm tập trung vào năng lượng tái tạo, các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, các phương tiện đường bộ và đường sắt ít (thải) các-bon, nước và quản lý chất thải. Trong thoả thuận mới này, Chính phủ đã ban hành một kế hoạch đầu tư trị giá 50 nghìn tỷ won (38,5 tỷ đô la) cho giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012. Cùng lúc đó, một ngân sách bổ sung đã được chuẩn bị, trong đó, gói kích thích xanh – bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng để tiếp sức cho nền kinh tế và tạo ra các việc làm xanh – là chính. Với mức 17,9 nghìn tỷ won, chiếm 6,3 % tổng ngân sách ban đầu của năm tài chính 2009, khoản ngân sách bổ sung trên là lớn nhất trong lịch sử tài khoá Hàn Quốc và nhiều chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh đã được tính vào các khoản tăng chi tiêu này. 2. Một trong các yếu tố thành công then chốt là cơ quan tài chính và kế hoạch trung ương đã chủ động ủng hộ việc lồng ghép các chương trình tăng trưởng xanh vào trong phân bổ ngân sách quốc gia. Tăng trưởng xanh là một ưu tiên dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak. Để liên kết chương trình nghị sự của chính quyền và chi tiêu công, Bộ Chiến Lược và Tài Chính (Ministry of Strategy and Finance_MOSF) – cơ quan tài chính và kế hoạch trung ương tại Hàn Quốc – đã dành quyền ưu tiên cao cho các sáng kiến tăng trưởng xanh khi xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn và soạn thảo các ngân sách thường niên. Do đó, yêu cầu hỗ trợ tài chính trong Kế hoạch 5 năm về Tăng trưởng xanh đã được phản ánh đầy đủ trong Kế hoạch quản lý tài khoá quốc gia 5 năm (2009-2013) – kế hoạch chi tiêu trung hạn của Hàn Quốc – cũng như trong các ngân sách thường niên sau đó. Chính phủ cũng ban hành “nguyên tắc ngân sách 2%”, một chính sách mà nhờ đó, 2% GDP sẽ được phân bổ trong vòng 5 năm để thực thi các chiến lược tăng trưởng xanh. Con số tổng cộng được dự đoán cho giai đoạn 5 năm là 107,4 nghìn tỷ won, với mức chi tiêu thực tế ước tính là 110,6 nghìn tỷ won (Hình 1). Trong số ba mục tiêu ưu tiên, ứng phó với biến đổi khí hậu sử dụng phần lớn nhất trong ngân quỹ (55%) do phần lớn dành cho Dự án cải tạo bốn sông lớn[1] vốn tiêu tốn 14,3 nghìn tỷ won trong giai đoạn trên (Hình 2). Hình 1. Ngân sách Tăng trưởng xanh (đơn vị: nghìn tỷ won) Hình 2. Phân bổ ngân sách 3. Ban đầu, có lo ngại rằng ngân sách tăng trưởng xanh tăng sẽ gây tổn hại cho các khoản ngân sách quan trọng khác. Tuy nhiên, dữ liệu từ năm 2007 cho thấy điều đó không chính xác. Bộ Chiến lược và Tài chính (MOSF) đã tái ưu tiên ngân sách quốc gia để gộp tăng trưởng xanh vào chi tiêu của các khu vực mà không gây ảnh hưởng bất lợi đến việc phân bổ ngân sách cho các hàng hoá công quan trọng như y tế, phúc lợi và giáo dục. Trên thực tế, các khoản ngân sách và phần chia trong tổng ngân sách phân bổ cho các hàng hoá công nói trên đã liên tục tăng – chi cho y tế và phúc lợi tăng từ 25,8% trong năm 2007 lên 28,5% trong năm 2013, cũng trong giai đoạn này, chi cho giáo dục đã tăng từ 13% lên 14,6% (Hình 3). Các quỹ cần thiết đã được huy động thông qua một quá trình xét lại chi tiêu bằng cách cắt giảm chi tiêu đối với những chương trình có tỷ lệ thực thi thấp và ít hiệu quả. Các nguồn bổ sung đã có được nhờ những nỗ lực giảm bớt 10% chi phí quản trị công. Hình 3. Xu hướng ngân sách theo khu vực 4. Những điều chỉnh tài khoá trong phân bổ ngân sách được thực hiện trong các khu vực chi tiêu cụ thể. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên ngân sách đã dịch chuyển từ đường bộ sang đường sắt để hướng tới tăng trưởng xanh. Điều này dẫn đến phần ngân sách phân bổ cho đường sắt tăng từ 19% trong năm 2007 lên 25% trong năm 2013, kéo theo tỷ lệ giữa đường bộ với đường sắt trong ngân sách giao thông giảm từ 1,6 xuống 1,2. Ngoài ra, trong lĩnh vực R&D, ưu tiên lớn hơn đã được ban hành cho đầu tư vào R&D xanh, khiến cho tỷ lệ R&D xanh trong tổng số R&D tăng từ 16,5% trong năm 2009 lên 22,2% trong năm 2012. Người dịch: Lương Hồng Hạnh Nguồn: Sang Dae Choi, The Green Growth Movement in The Republic of Korea: Option or necessity?, World Bank, Korea green growth partnership, 2014. [1]Dự án cải tạo bốn sông lớn là một dự án thuỷ lợi với nội dung là xây đập ngăn và nạo vét bốn con sông lớn của Hàn Quốc, các mục tiêu đặt ra: (i) Đảm bảo các nguồn nước dồi dào để chống lại sự khan hiếm nước; (ii) Thực hiện các biện pháp kiểm soát lũ lụt toàn diện; (iii) Nâng cao chất lượng nước và khôi phục hệ sinh thái; (iv) Tạo ra các không gian đa dụng cho dân cư địa phương; (v) Theo đuổi phát triển vùng lấy các dòng sông làm trung tâm.