QUAN ĐIỂM CỦA HÀN QUỐC VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH
Đăng ngày:
Ngày 15/08/2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung–bak đã công bố chiến lược “Tăng trưởng xanh” là tầm nhìn quốc gia của Hàn Quốc trong 60 năm tới. Vậy Tăng trưởng xanh là gì? Trong lần đầu tiên định nghĩa khái niệm Tăng trưởng xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã nêu rằng Tăng trưởng xanh là một chiến lược bắt đầu bằng sự từ bỏ quan niệm lạc hậu là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không thể song hành với nhau; từ đó, hướng tới tối đa hoá sự kết hợp giữa hai phạm trù này.[1] Để hiểu rõ định nghĩa này, ta cần nhìn lại những quan điểm trong quá khứ. Từ trước tới nay, phần đông giới kinh doanh vẫn quen với lập luận rằng: không phải bao giờ xu hướng thân thiện với môi trường cũng song hành với việc kiếm tìm lợi nhuận; và xã hội cũng cho rằng “công nghệ xanh”[2] chỉ là biểu hiện “Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility) chứ có thể không liên quan gì tới lợi nhuận kinh doanh, thậm chí có khi còn gây ảnh hưởng tiêu cực. Đây là một quan điểm phiến diện. Khi cho rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không song hành với nhau, tăng trưởng và sự hài hòa, tôn trọng thiên nhiên không thể cùng sánh bước; nghĩa là chúng ta công nhận sự sung túc, giàu có của loài người mâu thuẫn với sự an toàn của toàn thể giới tự nhiên. Đây hiển nhiên là một điều vô lý. Con người là một bộ phận của giới tự nhiên, mối liên hệ giữa con người và tự nhiên là mối liên hệ hữu cơ. Bởi vậy, con người không thể sống khỏe mạnh, giàu có, hạnh phúc bằng cách hủy hoại chính “Bà mẹ thiên nhiên” của mình. Hơn nữa, ngày nay, sự ra đời của cơ chế mua bán quyền phát thải đã tạo nên điểm kết nối quan trọng giữa “xanh” và “kinh doanh”, khiến chúng khó tách rời nhau. Như vậy, quan niệm được đưa ra trong định nghĩa trên của Hàn Quốc có nhiều điểm đáng lưu ý. Sau này, trong Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon, Hàn Quốc lại một lần nữa đưa ra định nghĩa về Tăng trưởng xanh. Định nghĩa như sau: Tăng trưởng xanh là tăng trưởng đạt được sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường, bằng việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; đồng thời phát triển nghiên cứu năng lượng sạch và công nghệ xanh để đảm bảo động lực tăng trưởng mới và tạo ra những việc làm mới...[3] Khi so sánh định nghĩa trên của Hàn Quốc với định nghĩa của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) [“Tăng trưởng xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái. Cách tiếp cận mới này cho phép tìm kiếm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường bằng việc thúc đẩy những thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội”.], ta nhận thấy có một số khác biệt. Định nghĩa của UNESCAP mang tính tổng hợp và bao quát hơn, trong đó nhấn mạnh vào phương châm hướng tới “xanh” bằng cách thay đổi phương thức sản xuất và tiêu dùng. Định nghĩa của Hàn Quốc đi vào chi tiết hơn và cũng phù hợp với bối cảnh của Hàn Quốc khi nhắm tới mục tiêu giải quyết hiện trạng của nền kinh tế Hàn Quốc ngày nay là tỷ trọng nhập khẩu năng lượng lớn, tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao... Bởi vậy, trong định nghĩa này, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng sạch, công nghệ xanh và khả năng tạo ra những việc làm mới. Với chiến lược Tăng trưởng xanh, lần đầu tiên, Hàn Quốc đã đưa việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường lên chương trình nghị sự chính sách hàng đầu. Đây là một nỗ lực đáng được ghi nhận của chính quyền Tổng thống Lee Myung Bak. Vào tháng 1/2013, theo một kết quả điều tra do Viện nghiên cứu Hankook tiến hành, có 97% những người được hỏi (trong số 1000 người) cho rằng, chính quyền mới nên duy trì chính sách tăng trưởng xanh. Như vậy, những kết quả bước đầu và ý nghĩa của chiến lược này đã phần nào được người dân Hàn Quốc công nhận. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống mới của Hàn Quốc, bà Park Geun Hye, cùng các cộng sự đã tỏ ra khá thận trọng đối với đường lối Tăng trưởng xanh dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak. Tuy vậy, tính đến nay, đội ngũ mới này cũng chưa đưa ra được một chiến lược môi trường tổng thể. Vì vậy, một yêu cầu được đặt ra với chính quyền Tổng thống Park Geun Hye là việc nhận định rõ ràng những kết quả đạt được sau khi thực hiện Kế hoạch 5 năm về Tăng trưởng xanh (2009 -2013) và tính khả thi của Chiến lược Tăng trưởng xanh để đưa ra những chính sách môi trường phù hợp hơn trong tương lai. Lương Hồng Hạnh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chiến lược Tăng trưởng Xanh, ít các-bon được xuất bản tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc. [2] Ở đây, hiểu theo nghĩa : những hoạt động kinh doanh quan tâm tới phát triển môi trường bền vững. [3] Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon (저탄소 녹색성장 기본법 ) của Hàn Quốc [Đạo luật số 9931 ban hành ngày 13/01/2010].