Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


XÂY DỰNG BỘ MÁY CHỐNG THAM NHŨNG Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:


(1) Thư ký Tổng thống;

(2) Văn phòng Thủ tướng;

(3) Ban Thanh tra và Kiểm toán (BAI);

(4) Viện Công tố;

(5) Uỷ ban Chống tham nhũng độc lập Hàn Quốc (KICAC);

(6) Tổng thanh tra ở các bộ;

(7) Thanh tra Quốc hội.

Trong số 7 cơ quan trên thì Viện Công tố, Ban Thanh tra và Kiểm toán và Uỷ ban Chống tham nhũng độc lập Hàn Quốc là những cơ quan có trách nhiệm cao nhất.

Chúng ta sẽ tìm hiểu sơ bộ chức năng, quyền hạn của 3 cơ quan quan träng nêu trên:

(1) Ban Thanh tra và Kiểm toán (BAI).

Ban Thanh tra và Kiểm Toán được thành lập trên cơ sở Hiến pháp và Đạo luật Ban Thanh tra và Kiểm Toán. Đây là tổ chức thanh tra và kiểm toán tối cao trong số các cơ quan chính phủ về ngăn ngừa tham nhũng tại Hàn Quốc. Cơ quan này là tổ chức trực thuộc Văn phòng Tổng thống nhưng có tính độc lập trong thi hành công vụ. Trách nhiệm của Ban Thanh tra và Kiểm toán là kiểm toán tất cả các hạng mục chi tiêu nhà nước và thanh tra các hoạt động của Chính phủ và việc thực thi trách nhiệm của các công chức.

(2) Viện Công tố.

Theo Điều 246 của Luật Tố tụng Hình sự, Viện Công tố có đầy đủ thẩm quyền và nghĩa vụ xử lý nhiều loại tội phạm khác nhau, từ điều tra đến truy tố. Cơ quan này được chỉ đạo các cơ quan cảnh sát và các cơ quan điều tra khác, đề nghị Toà án áp dụng các luật lệ thích hợp và giám sát việc thi hành bản án hình sự. Cơ quan này còn tham gia tiến hành giải quyết tranh chấp về hành chính và dân sự mà trong đó Chính phủ là một bên hoặc là người có liên quan. Công việc chính trong hoạt động của cơ quan này là thực hiện chức năng truy tố trong tố tụng hình sự.

Để tăng cường năng lực của Chính phủ, các cơ quan chống tham nhũng trên toàn quốc và các vụ điều tra chống tham nhũng được tập trung tại Viện Công tố nhà nước. Nhiều chuyên gia đã được mời để thiết lập một lực lượng mạnh mẽ trong việc thực hiện việc điều tra nạn tham nhũng kinh niên có tính chất cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành dễ xảy ra tham nhũng. Một số công tố viên đã thẳng tay chống tệ tham nhũng của các công chức cao cấp, công chức ở cấp trung gian cũng như cấp dưới. Viện Công tố Quốc gia cũng đã điều tra nguồn gốc tài sản của công chức bị cáo buộc tham nhũng nhằm mục đích sung công và tịch thu các tài sản thu lợi bất chính.

Văn phòng Tổng Công tố viên tổ chức các phiên họp các Công tố viên cao cấp phụ trách tiến hành các cuộc điều tra đặc biệt ít nhất một lần một năm và hàng năm tổ chức một số hội thảo. Các phiên họp và các cuộc hội thảo tạo ra cơ hội để phát triển và trao đổi nghiệp vụ, thúc đẩy quan hệ công tác chặt chẽ giữa các Viện Công tố địa phương. Tháng 2/2000, Viện Công tố tối cao và Viện Công tố hạt Seoul đã thành lập các Cục và các Nhóm điều tra tội phạm qua máy tính nhằm hỗ trợ các hoạt động điều tra đối với các phương thức tham nhũng mới có sử dụng kỹ thuật máy tính hiện đại.

(3) Uỷ ban Chống tham nhũng độc lập Hàn Quốc (KICAC).

Những chức năng chính của KICAC là xây dựng các chính sách chống tham nhũng và các biện pháp tăng cường thể chế cho khu vực công; khảo sát, đánh giá chính sách chống tham nhũng và tiến độ thực thi; giáo dục và hoạt động chống tham nhũng; ủng hộ các nỗ lực ngăn ngừa tham nhũng của các tổ chức phi chính phủ; và thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các tổ chức chống tham nhũng. Đồng thời, cơ quan này còn có nhiệm vụ phúc đáp các đơn từ khiếu nại về tham nhũng, bảo vệ người khiếu nại và thực hiện các hoạt động khác liên quan đến công tác chống tham nhũng.

Việc giải quyết tố cáo tham nhũng đối với công chức cao cấp được quản lý theo 7 bước. Khi người tố cáo nộp đơn, KICAC thụ lý và bắt đầu các hoạt động thu thập chứng cứ. Mọi công việc thu thập dữ liệu cần phải hoàn tất trong vòng 30 ngày tính từ ngày thụ lý hồ sơ. Khi đã tiến hành thu thập và xác minh đủ tài liệu cần thiết, KICAC chuyển vụ việc sang Viện Công tố. Viện Công tố tiến hành điều tra và sau đó thông báo kết quả cho KICAC. KICAC đề nghị Toà án Tối cao tiến hành xét xử. Cuối cùng, KICAC sẽ thông báo kết quả xử lý cho người tố cáo.

Để khuyến khích việc xét xử các hành vi tham nhũng của công chức, KICAC được trang bị kỹ lưỡng các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng để tránh sự trả thù. Luật Chống tham nhũng quy định rằng người tố cáo không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào đối với vị trí công tác và không phải gánh chịu sự phân biệt trong môi trường làm việc của mình. Người tố cáo có thể đề nghị KICAC phục hồi vị trí công tác (khi xảy ra trường hợp sa thải), thuyên chuyển công tác hoặc các hình thức khác. Uỷ ban có thể yêu cầu cơ quan nhà nước hữu quan tiến hành kỷ luật và xử phạt tiền lên đến 10 triệu won đối với người gây cản trở đối với người tố cáo.

Không một cơ quan điều tra nào có quyền tiết lộ hoặc cung cấp danh tính người đã báo cáo vụ việc nếu không có sự đồng ý của người đó. Cơ quan điều tra đồng thời phải thực hiện thêm những bước quan trọng để bảo vệ danh tính của người tố cáo. KICAC đồng thời có quyền đề nghị điều tra đối với bất kỳ việc tiết lộ danh tính nào và kỷ luật người vi phạm. Uỷ ban này có quyền chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra khác để bảo vệ danh tính của người khiếu nại nếu người đó không muốn tiết lộ danh tính của mình. Khi cần thiết, KICAC có quyền đề nghị Trưởng đồn cảnh sát có thẩm quyền bảo vệ tính mạng cho người tố cáo.

Trong trường hợp người tố cáo tham nhũng cung cấp những tài liệu có lợi cho cơ quan nhà nước hữu quan hoặc ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra, người tố cáo có quyền được thưởng lên đến 200 triệu won. Khi nhận được đề nghị thanh toán tiền thưởng, Ban Xét tiền bồi hoàn KICAC sẽ gặp gỡ để xác định số tiền thưởng. Sau khi xem xét chi tiết, KICAC sẽ thanh toán số tiền thưởng thích hợp theo đúng thủ tục pháp lý đã quy định.

Khi giải quyết tố cáo về tham nhũng, KICAC có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan điều tra như Viện Công tố và Ban Thanh tra và Kiểm toán. KICAC cần phải đóng vai trò làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra khác.Với tư cách là một cơ quan mới được thiết chế, KICAC phải đối mặt với cả những khó khăn bên trong của việc cơ cấu chặt chẽ đội ngũ cán bộ viên chức gồm 160 người của mình trong một tổ chức mới và những khó khăn bên ngoài tạo ra bởi các hoạt động nhạy cảm của các cơ quan điều tra và truy tố.

Xét về mặt chỉ đạo định hướng, KICAC đã chuyển sự quan tâm từ mục tiêu phát hiện và trừng phạt tham nhũng sang mục tiêu loại bỏ những gốc rễ cội nguồn của tham nhũng về văn hoá, xã hội và thể chế.



Tác giả: Ngô Minh Thanh

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top