THƯƠNG MẠI TRIỀU TIÊN – TRUNG QUỐC TRÊN ĐÀ PHỤC HỒI
Đăng ngày:
Thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc có lịch sử lâu dài và biến động, phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia. Thương mại Triều Tiên - Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1940, khi Triều Tiên mới giành được độc lập và thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động thương mại chỉ thực sự tăng trưởng mạnh mẽ từ những năm 1990 - khoảng thời gian Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vàTriều Tiên cũng thực hiện một số cải cách kinh tế nhất định. Vào những năm 2000, thương mại giữa hai quốc gia đã có sự bùng nổ đáng kể, lúc này Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp một lượng lớn hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa công nghiệp cho Triều Tiên, trong khi Triều Tiên xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Giai đoạn này chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong khối lượng thương mại nhờ vào việc hai nước ký kết các hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc trong tổng thương mại của Triều Tiên đã giảm từ 77,24% vào năm 2013 xuống 61,5% vào năm 2015. Tuy nhiên, kể từ khi Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Triều Tiên vào năm 2016-2017, Trung Quốc đã chiếm đến 95% thương mại hàng hóa của Triều Tiên[1]. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khối lượng thương mại qua Khu công nghiệp Kaesong (KIC) từng chiếm 99,6% tổng thương mại của Triều Tiên[2]. Tuy nhiên Hàn Quốc đã đóng cửa KIC trong vòng một tháng sau cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Triều Tiên vào tháng 1 năm 2016[3]. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong thương mại liên Triều vào năm 2016 khiến cho sự phụ thuộc thương mại quốc tế của Triều Tiên vào Trung Quốc trở nên lớn hơn bao giờ hết. Thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự giảm sút trong xuất khẩu và nhập khẩu của nước này. Nhưng trong những năm gần đây, thương mại giữa hai bên đang có dấu hiệu phục hồi. Về nhập khẩu Nhập khẩu của Triều Tiên từ Trung Quốc khá đa dạng so với xuất khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này từ Trung Quốc là dầu thô và dầu tinh chế. Các danh mục khác bao gồm: máy móc, đồ điện tử, hàng dệt may và xe tải. Triều Tiên cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng xa xỉ từ Trung Quốc dù đã bị cấm bởi các lệnh trừng phạt[4]. Biều đồ 1: Nhập khẩu của Triều Tiên từ Trung Quốc (Đơn vị triệu USD). Nguồn: Source: China Customs Statistics <http://www.customs.gov.cn> Từ biểu đồ 1 chúng ta thấy, trong năm 2023 giá trị nhập khẩu của Triều Tiên từ Trung Quốc đạt 2,00 tỷ USD, tăng 124,1% so với năm 2022. Đây là mức cao nhất có thể đạt được do hai nước chưa thể nối lại hoàn toàn thương mại đường bộ, trong khi đó các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Triều Tiên và gây khó khăn cho việc phục hồi sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, Triều Tiên đã tăng mạnh nhập khẩu phân bón và gạo, phản ánh nhu cầu cấp thiết về thực phẩm và nguyên liệu nông nghiệp. Bên cạnh đó Triều Tiên cũng tăng cường nhập khẩu than cốc, đạt mức cao nhất trong bảy năm, điều này có thể là do sự gia tăng nhu cầu sản xuất vũ khí và thép để xây dựng cơ sở hạ tầng. Số liệu theo ngành cho thấy dệt may chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nhập khẩu của Triều Tiên (30,0%), tiếp theo là nông nghiệp (26,3%), hóa chất (14,0%), nhựa và cao su (13,7%)[5]. Về xuất khẩu Trong những thập niên vừa qua, cơ cấu xuất khẩu của Triều Tiên đã thay đổi đáng kể. Hàn Quốc và Nhật Bản từng là những nước nhập khẩu hàng đầu của Triều Tiên, nhưng tầm quan trọng của hai nước này trong xuất khẩu của Triều Tiên đã giảm mạnh từ khi các các hạn chế nghiêm ngặt đối với dòng chảy thương mại từ Triều Tiên được thực thi. Ngược lại, tỉ trọng của Trung Quốc trong cơ cấu xuất khẩu của Triều Tiên liên tục tăng khi bối cảnh quốc tế của Triều Tiên xấu đi. Sự thay đổi này cho thấy ảnh hưởng chủ đạo của các yếu tố chính trị đối với xuất khẩu của Triều Tiên[6]. Biều đồ 2: Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc (Đơn vị triệu USD). Nguồn: China Customs Statistics. Bảng 1. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong năm 2023 (Đơn vị triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu Giá trị (2023) Tỷ lệ (%) 2022 Tỷ lệ (%) 2023 Tóc giả và lông mi giả 166,74 8.7 57.1 Hợp kim sắt 32,06 20.2 11.0 Tungsten và đá tungsten 25,94 23.1 8.9 Năng lượng điện 22,26 15.3 7.6 Quặng molybdenum 7,17 10.2 2.5 Kính 6,09 5.0 2.1 Carbide 5,39 3.3 1.8 Tơ tằm thô 4,41 6.6 1.5 Bộ chuyển động đồng hồ 4,06 1.3 1.4 Graphit nhân tạo 2,53 0.3 0.9 Nguồn: China Customs Statistics <http://www.customs.gov.cn> Biểu đồ 2 thể hiện dữ liệu xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong năm 2023, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 290 triệu USD, tăng 118,4% so với mức 130 triệu USD năm 2022. Tuy nhiên, mức xuất khẩu này chỉ đạt mức 16,9% so với thời kỳ trước khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được thắt chặt. Mặc dù xuất khẩu đã tăng so với mức 214,7 triệu USD của giai đoạn 2018-2019, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn còn thấp và tăng trưởng không đáng kể. Xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như tóc giả và lông mi giả, chiếm 57,1% tổng xuất khẩu. Các sản phẩm khoáng sản như hợp kim sắt (32,06 triệu USD), tungsten (25,94 triệu USD) và quặng molybdenum (7,17 triệu USD) cũng đóng góp vào xuất khẩu của Triều Tiên (bất chấp các lệnh trừng phạt). Xuất khẩu năng lượng điện đạt 22,26 triệu USD, và kính (6,09 triệu USD), đây là những danh mục đang nổi lên như một mặt hàng xuất khẩu mới từ năm 2022 (xem Bảng 1). Từ việc phân tích các số liệu thống kê thương mại của Triều Tiên, chúng ta có thể thấy rõ xu hướng và thách thức hiện tại mà nền kinh tế nước này đang đối mặt. Sau khi mở cửa biên giới và nối lại các hoạt động thương mại, nhập khẩu nguyên liệu thô đã tăng đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may. Điều này cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực khôi phục và phát triển ngành công nghiệp dệt may vốn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của quốc gia này. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vẫn diễn ra chậm chạp. Triều Tiên vẫn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như dệt may, tóc giả, và các khoáng sản như hợp kim sắt, tungsten, và molybdenum. Mặc dù những sản phẩm này đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế, nhưng sự phụ thuộc quá mức vào chúng có thể hạn chế khả năng phát triển bền vững và đa dạng hóa danh mục xuất khẩu. Điều này cho thấy Triều Tiên chưa đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu. Sự chậm chạp trong phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới cũng phản ánh những thách thức nội tại của nền kinh tế Triều Tiên, bao gồm cả việc thiếu hụt công nghệ, nguồn vốn, và sự hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng tạo ra những rào cản lớn đối với việc mở rộng và đa dạng hóa hoạt động thương mại của Triều Tiên. Tóm lại, thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong năm 2023 đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau khi biên giới được nới lỏng. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó, từ việc phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới đến việc đối phó với các thảm họa thiên nhiên và đảm bảo an ninh lương thực. Triều Tiên cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và hiệu quả hơn để thích ứng với tình hình kinh tế và chính trị phức tạp hiện nay. Điều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới để thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng thời, nỗ lực đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sẽ giúp Triều Tiên giảm thiểu rủi ro và tăng cường giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu. Bùi Đông Hưng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo: [1] Daniel Wertz and 38 North (2020). China-North Korea Trade: Parsing the Data. February 25, 2020. 38North - Informed analysis of events in and around North Korea <https://www.38north.org/2020/02/dwertz022520/> [2] South Korean Ministry of Unification, ‘2016 통일백서’ [2016 White Paper on Korean Unification], 통일부 <http://www.unikorea.go.kr/download.do?filename=45174_201605191007191162.pdf>, p. 67. [3] South Korean Ministry of Unification, ‘개성공단 전면 중단 관련 정부 성명’ [Official statement on shutting down the Kaesong Industrial Complex], 10 Feb. 2016, 통일부: <http://www.unikorea.go.kr/content.do?cmsid=1557&mode=view&cid=44418>. [4] Nguyen Hoa Kim Thai (2021) China-North Korea merchandise trade and tourism industry relationship in stage 2017-2019 under the impact of International sanctions. Thu Dau Mot University Journal of Sience. Volume 3 - Issue 4-2021, p.94-109 [5] China Customs Statistics. General Administrator of Customs of the People's Republic of China <http://english.customs.gov.cn/Statics/1a196022-1e28-4a52-8b2a-18d99aee91d5.html> [6] Seung-Ho Jung (2016). Effects of Economic Sanctions on North Korea–China Trade: A Dynamic Panel Analysis. Seoul Journal of Economics 2016, Vol. 29, No. 4