Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Di sản văn hóa là sự biểu hiện lối sống của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo nên và truyền từ đời này qua đời khác, bất kể di sản đó tồn tại dưới dạng thức vật thể hay phi vật thể. Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc, “di sản văn hóa phi vật thể là di sản văn hóa vô hình được truyền từ đời này sang đời khác, gồm các loại hình sau: nghệ thuật biểu diễn truyền thống; kỹ thuật truyền thống liên quan đến ngành nghề thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật...; tri thức truyền thống về y học phương Đông, canh nông, đánh bắt thủy hải sản...; phong tục tập quán truyền thống như ăn, mặc, ở; các nghi lễ xã hội như tín ngưỡng dân gian; trò chơi, lễ hội, kỹ nghệ và võ nghệ truyền thống [1]. Di sản văn hóa phi vật thể là những di sản không có hình thể, không thể nhìn thấy bằng mắt, thậm chí người truyền dạy các kỹ thuật, tài nghệ, bí quyết nghề trực tiếp cũng truyền lại một cách “vô hình”, do vậy, việc xây dựng chính sách bảo tồn loại hình di sản này cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Ở Hàn Quốc, cùng với việc ban hành Luật Bảo tồn di sản văn hóa năm 1962, chính phủ nước này bước đầu tiến hành thể chế hóa việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể, phương pháp bảo tồn, chế độ công nhận di sản văn hóa phi vật thể, công nhận chủ sở hữu di sản, chính sách áp dụng đối với chủ sở hữu di sản được luật hóa trong một số điều của Luật Bảo tồn di sản văn hóa. So với di sản văn hóa vật thể, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua Luật Bảo tồn di sản văn hóa trong thời kỳ đầu ban hành luật chưa được quan tâm đầy đủ. Tuy nhiên, với quan điểm vừa triển khai vừa bổ sung, sửa đổi, Hàn Quốc đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của nước này. Luật Bảo tồn di sản văn hóa liên tục được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những điều khoản bổ sung vô cùng quan trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể.

Những thay đổi trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc cho đến trước thập niên 2000 chủ yếu do tác động của các yếu tố nội sinh của chính sách. Mặc dù trong thời gian qua, các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đã phát huy vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đạt được những thành công nhất định, song so với di sản văn hóa vật thể thì hệ thống chính sách về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển của loại hình di sản này. Trong khi đó, UNESCO đang thực hiện chính sách di sản văn hóa phi vật thể để bảo vệ nền văn hóa truyền thống của các quốc gia và theo đuổi sự đa dạng văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa. Bài toán đặt ra cho Chính phủ Hàn Quốc là tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hệ thống chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Sự thay đổi trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Hàn Quốc thực sự bắt đầu khi bước vào thiên niên kỷ mới cùng với quá trình toàn cầu hóa, thể hiện rõ qua sự thay đổi mô hình trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Sự thay đổi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh mới, tác động lớn tới những cải cách trong chính sách văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc. Năm 2005, Hàn Quốc là một trong những quốc gia ký kết Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc sẽ phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn được đề cập trong công ước trong công tác quản lý, bảo tồn hệ thống di sản văn hóa phi vật thể.

Những thay đổi đầu tiên trong chính sách về di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc khi bước sang thập niên 2000 là Cục Di sản văn hóa chính thức giữ vai trò hạt nhân trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, sau khi được chuyển lên từ Cục Quản lý di sản văn hóa năm 1999, kể từ đây các chính sách liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng sẽ do cơ quan này chủ trì. Các chính sách liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đáng chú ý trong giai đoạn này là sự thay đổi hệ thống quản lý người truyền dạy di sản. Năm 2001, chế độ công nhận chủ sở hữu danh dự cùng chế độ trợ cấp đặc biệtvđược đưa vào Luật Bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế, chế độ công nhận này đã được đưa ra thảo luận công khai năm 1998 cùng với phạm vi độ tuổi công nhận chủ sở hữu, phương án chuyển đổi chủ sở hữu di sản gặp khó khăn trong hoạt động truyền dạy do các vấn đề về tuổi cao, bệnh tật cũng đã được đề xuất. Song phương án đó đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các chủ sở hữu di sản nắm giữ kỹ năng, kỹ nghệ, bí quyết nghề, do vậy, đến năm 2001 chế độ này mới được công nhận và thể chế hóa bằng văn bản pháp luật, bắt đầu được triển khai trên phạm vi rộng vào năm 2005. Điều này có ảnh hưởng không chỉ đối với những người làm công tác chuyên môn mà còn đối với toàn xã hội Hàn Quốc bởi người Hàn Quốc kỳ vọng với sự chuyển giao thế hệ này, các thế hệ sau sẽ được trao truyền, lưu giữ và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ kế tiếp giá trị quý báu của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể cha ông họ để lại. Mặc dù đã được luật hóa nhưng có nhiều ý kiến cho rằng sự chuyển đổi thế hệ này khó có thể diễn ra một cách thuận lợi [2]. Bên cạnh đó, năm 2008, Luật Bảo tồn di sản văn hóa được sửa đổi, bổ sung lần thứ 31, theo đó chế độ bắt buộc công khai về kỹ năng, kỹ nghệ của chủ sở hữu di sản đã bị bãi bỏ năm 1999 lại được phục hồi. Chủ sở hữu di sản hoặc tổ chức sở hữu di sản có nghĩa vụ tổ chức các sự kiện công khai về di sản văn hóa phi vật thể mình đang nắm giữ ít nhất mỗi năm một lần [3]. Việc áp dụng lại chế độ này được coi là có ý nghĩa to lớn bởi nó mang lại quyền hưởng thụ văn hóa cho người dân Hàn Quốc [4]. Cùng năm đó, chế độ bãi bỏ công nhận chủ sở hữu di sản cũng được cụ thể hóa bằng các tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn, nếu chủ sở hữu gây ra các tranh cãi trong xã hội hoặc hoạt động truyền dạy gặp khó khăn do nguyên nhân liên quan đến sức khỏe thì sự công nhận chủ sở hữu sẽ bị bãi bỏ sau khi Ủy ban di sản văn hóa đưa ra ý kiến.

Nỗ lực xây dựng, cải cách chế độ chính sách của chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian qua, đặc biệt việc nước này ký Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2005 đã mang lại những kết quả thực sự xứng đáng và có ý nghĩa sâu sắc. Trong những năm đầu thập niên 2000, một số di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được công nhận và ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như lễ tế tông miếu Jongmyojerye, hát kể chuyện Pansori, lễ hội tết Đoan Ngọ vùng Gangneung... Những năm cuối thập niên 2000, khi Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực, phần lớn các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được đăng ký vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2009 như tế lễ Yeongsan, múa lên đồng Yeongdeung ở đền Chilmeori tại đảo Jeju, múa hát vòng tròn Ganggangsulle... Điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã được quốc tế công nhận là quốc gia đi đầu, gương mẫu trong lĩnh vực xây dựng chính sách và chế độ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể [5].

Những năm 2010 được coi là giai đoạn chuyển tiếp của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Song song với việc hoàn thiện thể chế chính sách về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong nước, Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến xây dựng và triển khai các chiến lược gia tăng vai trò quốc tế của mình về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong hệ thống các nước đã tham gia công ước.

Năm 2010, sau gần 50 năm xây dựng và ban hành Luật Bảo tồn di sản văn hóa, định nghĩa về “di sản văn hóa phi vật thể” tại mục 2 khoản 1 điều 2 được sửa đổi. Theo đó, phạm vi di sản văn hóa phi vật thể đã được mở rộng từ lĩnh vực nghệ thuật và thủ công vốn là đối tượng được bảo vệ trước đây sang cả trò chơi và nghi lễ. Điều này chứng tỏ Hàn Quốc đã tiếp thu và thay đổi quan điểm tương đối về loại hình di sản văn hóa này theo Công ước 2003 của UNESCO. Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu đồng hành cùng các nước thành viên UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2014, Trung tâm Di sản phi vật thể quốc gia được thành lập, trực thuộc Cục Di sản. Đây là cơ quan hành chính phức hợp di sản phi vật thể đầu tiên trên thế giới được thành lập nhằm mục đích bảo vệ có hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể và truyền dạy cho các thế hệ tương lai. Trung tâm có nhiệm vụ bảo tồn và truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể thông qua triển lãm, biểu diễn, giáo dục, khảo sát, nghiên cứu, đồng thời phát triển và hỗ trợ về di sản phi vật thể như hỗ trợ đối với chủ sở hữu di sản, mở rộng kênh bán hàng, giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế [6]. Có thể nói, đây là sự thay đổi đặc biệt trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc, một sự thay đổi mang tính sáng tạo, liên ngành, kết hợp nhịp nhàng giữa bảo tồn với sử dụng, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2014, Luật Bảo tồn di sản văn hóa được sửa đổi, hệ thống chính sách liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng có sự thay đổi, đó là chế độ không công nhận chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chỉ thực hiện chỉ định các hạng mục, tức là đối với các hạng mục di sản thuộc sở hữu đoàn thể thì chính phủ chỉ công nhận các hiệp hội bảo tồn là tổ chức nắm giữ. Có thể hiểu rằng di sản nghệ thuật muối kim chi hay hát dân ca Arirang là những sản phẩm văn hóa thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc của người Hàn Quốc và có giá trị văn hóa cao nhưng vì chúng đã được phổ biến như văn hóa đời sống thường ngày nên việc công nhận chủ sở hữu không dễ. Hơn nữa, cơ sở truyền dạy cũng đã được chuẩn bị đầy đủ nên việc công nhận chủ sở hữu cá nhân hay tổ chức là không cần thiết [7]. Như vậy, các di sản văn hóa phi vật thể tương tự như nghệ thuật muối kim chi hay hát dân ca arirang sẽ không được công nhận chủ sở hữu cá nhân cũng như chủ sở hữu đoàn thể mà chủ sở hữu của những di sản đó là các hiệp hội bảo tồn.

Năm 2015 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Hàn Quốc. Tháng 3 năm 2015, Luật Bảo tồn di sản văn hóa được sửa đổi, đồng thời các hạng mục liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đã được luật hóa riêng thành Luật Bảo tồn và chấn hưng di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Luật Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, luật số 18.766), có hiệu lực thi hành vào tháng 3 năm 2016. Đây là luật đầu tiên nhắm tới di sản văn hóa phi vật thể và việc ban hành Luật Di sản văn hóa phi vật thể được coi là một đối sách toàn diện của Hàn Quốc trước yêu cầu cải cách chính sách trong suốt những năm 2000, “cải cách chính sách về di sản văn hóa phi vật thể” và “kết hợp với các tiêu chuẩn của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” [8] mà Hàn Quốc là nước thành viên. Luật Bảo tồn di sản văn hóa được ban hành từ năm 1962 và vẫn có hiệu lực đối với di sản văn hóa phi vật thể trong một số điều khoản, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng hai loại hình di sản này có đặc điểm khác nhau nên nếu áp dụng chung cơ sở pháp lý sẽ gây ra những tác động không mong muốn tới hệ thống di sản văn hóa phi vật thể như phạm vi bảo tồn bị thu hẹp, nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng không phù hợp, những hạn chế trong việc hỗ trợ chủ sở hữu di sản, chưa sử dụng, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hay việc cấp phát giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về di sản văn hóa phi vật thể bị lạm dụng... Đặc biệt, trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống đã phát sinh vấn đề xung đột quyền sở hữu trí tuệ hiện đại và đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động truyền dạy do sự phát triển của công nghệ tiên tiến, hiện đại... Bên cạnh đó, sau khi Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được thông qua, sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên lại nảy sinh xung quanh vấn đề đăng ký di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã và đang đối diện với vấn đề đó. Do vậy, Luật Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể chuyên biệt ban hành được kỳ vọng có thể xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách phù hợp với đặc điểm của loại hình di sản này.

Cùng với việc chuẩn bị cơ sở pháp lý, Chính phủ Hàn Quốc cũng tiến hành xây dựng, triển khai trong thực tế các kế hoạch, dự án để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ngay sau khi Luật Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực năm 2016, Kế hoạch cơ bản về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 1 (2017-2021) với 3 chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm và 20 nhiệm vụ chi tiết được xây dựng và triển khai, tiếp đến là Kế hoạch cơ bản về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 (2022-2026), thành lập trường đào tạo truyền dạy, xây dựng và triển khai các dự án giáo dục về di sản cho các tầng lớp trong xã hội, mở rộng các hoạt động trải nghiệm thực tế về di sản...[9].

Có thể nói, cho đến nay các chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được hệ thống hóa thông qua Luật Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ban hành năm 2016. Với việc ban hành luật này, phạm vi bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc sẽ được mở rộng tương đương tiêu chuẩn của Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ có tính cạnh tranh quốc tế [10].

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo:

  1. Khoản 1 điều 2 Luật Bảo tồn di sản văn hóa (bản tiếng Hàn), https://www.law.go.kr/lsSc.do?section=&menuId=1&subMenuId=15&tabMenuId=81&eventGubun=060101&query=문화재보호법#undefined.
  2. 김용구 (2023), 2000년대 이후 한국무형문화재정책의 전개과정, 무형유산학회, 무형유산학 제8권 1호, DOI: 10.23207/ihs.2023.8.1.001 (Kim Yong-gyu (2023), “Quá trình triển khai chính sách di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc từ sau những năm 2000, Hội Di sản văn hóa phi vật thể”, Tạp chí Di sản văn hóa phi vật thể số 1 quyển 8).
  3. 법제처 국가법령정보센터 (2013), 문화재관계법령집 (Bộ Tư pháp Hàn Quốc (2013), Trung tâm Thông tin pháp luật quốc gia, Bộ luật liên quan đến di sản văn hóa), http://www.law.go.kr>Ibook>IbFileDownload
  4. 조순자(2019), 2000년대 이후 한국 무형문화재제도 변화의 특징과 요인 분석 -역사적 제도주의 관점에서, 무형유산학 제4권 2호, DOI:10.23207/ihs.2019.4.2.009 (Jo Sun-ja (2019), “Phân tích đặc điểm và nguyên nhân thay đổi trong hệ thống chính sách di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc từ sau thập niên 2000 trên phương diện chủ nghĩa thể chế lịch sử”, Di sản văn hóa học số 2 quyển 4).
  5. Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, https://nihc.jams.or.kr/ /co/main/jmMain.kci.
  6. 문화재청, 무형문화재 보전 및 진흥 기본계획 제1, 2차 (Tổng Cục di sản văn hóa, Kế hoạch cơ bản về bảo tồn và chấn hưng di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 1, 2), https://search.cha.go.kr/srch_org/search/search_top.jsp?home=total&subHome=0&sort=2&searchField=1&page=1&query=무형문화재+보전+및+진흥+기본계획.

 

 

 


Scroll To Top