Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Đăng ngày:

Bạo lực học đường là một trong những vấn đề gây ra nỗi lo sợ, ám ảnh cho xã hội, đặc biệt là các em trong độ tuổi đến trường, gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của các em trong môi trường học đường. Bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể, sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm, tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục [1]. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, tuy nhiên có thể nói rằng nguyên nhân chính có thể tới từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Theo báo cáo do UNICEF công bố tại thời điểm tháng 9 năm 2018, có một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới, tức là khoảng 150 triệu học sinh cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học. Trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt và tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần như vậy. Bên cạnh đó, bình quân 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn đồng trang lứa [2]. Qua báo cáo trên, có thể thấy rằng, bạo lực học đường không chỉ là vấn nạn của riêng quốc gia nào mà nó là mối quan tâm, lo ngại chung của toàn thế giới.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, thực trạng bạo lực học đường ở Hàn Quốc đang ngày càng phổ biến, mang tính chất nghiêm trọng và là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội Hàn Quốc trong những năm trở lại đây. Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa được công bố, ​​số vụ bắt nạt đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 năm gần đây, từ 31.000 vụ năm 2017 lên 62.000 vụ năm 2022. Năm 2022, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng thực hiện một cuộc khảo sát đối với 3,21 triệu học sinh thì có 53.880 học sinh (chiếm 1,7%) trả lời các em đã từng bị bạo lực học đường trong khoảng thời gian từ học kỳ 2 năm 2021 đến học kỳ 1 năm 2022, trong đó, có tới 3,8% học sinh tiểu học, 0,9% học sinh THCS và 0,3% học sinh THPT cho biết các em từng bị bạo lực học đường. Số học sinh từng bị bạo lực bằng lời nói chiếm 41,8%, bạo lực thể chất chiếm 14,6% và bị bắt nạt là 13,3% [3]. Kết quả khảo sát trên cho thấy đây là con số đáng báo động, vượt qua cả kết quả khảo sát trong giai đoạn 2016-2019, giai đoạn được coi là gia tăng đột biến của vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, để chống lại nạn bạo lực học đường, từ năm 2004, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật Phòng ngừa và đối phó với bạo lực học đường. Luật đặc biệt này nhấn mạnh việc học sinh tham gia vào các hành vi như tấn công, bắt cóc, tống tiền, phá hoại tài sản và gây thiệt hại về thể chất hoặc tinh thần là một phần của hành vi bắt nạt. Cũng theo luật này, các ủy ban ngăn chặn nạn bắt nạt được thành lập ở các trường phổ thông trên cả nước. Ủy ban này chịu trách nhiệm đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và đưa ra hình phạt cho thủ phạm. Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng có trách nhiệm tổ chức trung tâm hỗ trợ giúp nhà trường ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra thông qua các lớp học nghệ thuật và giáo dục thể chất nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội và phát triển cảm xúc lành mạnh cho học sinh. Tuy nhiên, vấn nạn bạo lực học đường vẫn xảy ra thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn khiến người dân hoài nghi về khả năng của Ủy ban này. Có nhiều nguyên nhân tác động đối với sự việc này là do hầu hết các thành viên đều không có chuyên môn pháp lý, gần một nửa số thành viên của Ủy ban là phụ huynh học sinh, còn lại là giáo viên và quan chức từ các văn phòng giáo dục địa phương. Mỗi Ủy ban có khoảng 10 thành viên thì chỉ có 2 hoặc 3 thành viên là chuyên gia pháp lý như luật sư. Một vấn đề khác phát sinh với các Ủy ban là Ủy ban được thành lập theo Luật Phòng ngừa và đối phó với bạo lực học đường, song quyết định của họ đưa ra khi phát sinh sự việc lại không đủ thẩm quyền pháp lý và đây chính là hạn chế mà những kẻ bắt nạt học đường và người giám hộ lợi dụng để phản đối quyết định và đưa vấn đề ra tòa.

Năm 2011, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã xây dựng Đối sách tổng hợp ngăn chặn bạo lực học đường, trong đó đáng chú ý là nội dung kê khai lịch sử vào hồ sơ học bạ đối với những kẻ có hành vi bạo lực trong môi trường học đường sau vụ việc một học sinh trung học cơ sở tự tử vì bị bạo hành tập thể, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội Hàn Quốc. Đối sách tổng hợp ngăn chặn bạo lực học đường là biện pháp được chính phủ công bố nhằm tạo ra những trường học công bằng và an toàn, không có bạo lực học đường. Đối sách này áp dụng nguyên tắc không khoan nhượng đối với bạo lực học đường một chiều và liên tục, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ tập trung vào những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Sau 10 năm triển khai thực hiện, chính phủ Hàn Quốc cho rằng đối sách này có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình hiện nay bởi nạn bạo lực học đường tiếp tục gia tăng cả về số lượng vụ việc lẫn sự nghiêm trọng trong mỗi vụ việc.

Cùng với việc sửa đổi Luật Phòng ngừa và đối phó với bạo lực học đường năm 2018, đầu năm 2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc tiến hành lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân để sửa đổi toàn diện chính sách ngăn chặn bạo lực học đường. Điều đó có nghĩa là khi xảy ra vụ bạo lực học đường, hiệu trưởng sẽ phải tách nạn nhân và học sinh có hành vi bạo lực trong vòng 7 ngày thay vì 3 ngày như trước. Bởi vì, việc áp dụng biện pháp cách ly 3 ngày tính cả ngày nghỉ được cho là không mang lại hiệu quả thiết thực, khó bảo vệ nạn nhân. Theo nội dung trong đối sách sửa đổi này, hiệu trưởng sẽ phải ra quyết định về phương pháp tách như về đối tượng, thời gian, địa điểm thông qua tham vấn với tổ chức chuyên trách hoặc lấy ý kiến giáo viên trong trường. Thời gian tách không được vượt quá 7 ngày và việc tách riêng hai học sinh phải được thông báo cho học sinh gây hại và phụ huynh của học sinh đó. Bộ Giáo dục cũng sẽ xúc tiến phương án ưu tiên thực thi biện pháp kỷ luật chuyển trường so với các biện pháp kỷ luật khác. Mới đây, bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng đã yêu cầu lưu trong hồ sơ của các học sinh có tiền sử bắt nạt hoặc liên quan bạo lực học đường cho đến khi nộp đơn tuyển sinh đại học. Quy định mới sẽ áp dụng bắt đầu từ năm 2024, đồng thời kéo dài thời gian lưu trữ hồ sơ bắt nạt hiện tại từ hai năm thành bốn năm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, tháng 12 năm 2023 vừa qua, Bộ Giáo dục và Bộ Hành chính và an toàn Hàn Quốc vừa công bố Phương án cải thiện chế độ xử lý các vụ bạo lực học đường. Hai cơ quan này sẽ bố trí điều tra viên chuyên trách về bạo lực học đường để nhận chuyển giao nghiệp vụ điều tra các vụ bạo lực học đường vốn do các giáo viên phụ trách. Điều tra viên sẽ được tuyển từ cảnh sát hoặc giáo viên đã nghỉ hưu từng có kinh nghiệm điều tra bạo lực học đường, dự kiến sẽ tuyển tổng cộng 2.700 người.

Song song với việc bổ sung, sửa đổi luật, thay đổi các biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, chính phủ Hàn Quốc còn tăng cường tuyên truyền về bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các đại sứ là thần tượng âm nhạc nổi tiếng được giới trẻ yêu mến, thực hiện các chương trình giáo dục phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, lộ trình ngăn chặn, xóa bỏ triệt để vấn nạn bạo lực học đường sẽ còn nhiều gian nan, cần nhiều thời gian.

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo:

  1. Khoản 5 điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP, https://vanban.chinhphu.vn//default.aspx?pageid=27160&docid=190430
  2. Bộ Giáo dục Hàn Quốc xem xét sửa đổi toàn diện chính sách ngăn chặn bạo lực học đường, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57868
  3. https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-chí/hơn-150-triệu-thanh-thiếu-niên-trên-thế-giới-bị-bạo-lực-học-đường
  4. Nhà báo Jeong Ah-ran, Tổng thống Yoon, Bộ Giáo dục hãy báo cáo ngay các biện pháp xóa bỏ bạo lực học đường (尹대통령 “교육부, 학폭근절 대책 조속히 보고하라”) , https://www.yna.co.kr//view/AKR20230227075800001?section=politics/all&site=topnews01
  5. 장희경, 천혜정 (2015), 학교폭력 대책 방안과 그에 대한 문제점, 대한치과위생학회지: Vol. 17, No. 2, 2015 (Jang Hee-gyung, Cheon Hye-jeong, Biện pháp phòng chống bạo lực học đường và các vấn đề liên quan, Tạp chí Hiệp hội vệ sinh nha khoa Hàn Quốc)
  6. 김정란 (2014), 청소년의 가정폭력 노출이 학교폭력 가해행동에 미치는 영향: 가정생활만족도, 학교생활만족도, 내재화의 매개효과, Korean Journal of Human Ecology 2014. Vol. 23, No. 2, 269-279 (Kim Jeong-ran, Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với bạo lực gia đình đối với bạo lực học đường ở thanh thiếu niên: Tác động trung gian của sự hài lòng về cuộc sống gia đình, sự hài lòng về cuộc sống học đường và sự hòa nhập).
  7. Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Công bố kết quả khảo sát bạo lực học đường lần thứ 1 năm 2022 (2022년 1차 학교폭력 실태조사 결과 발표), https://www.nypi.re.kr//brdartcl/boardarticleView.do?brd_id=BDIDX_PNgj64HP4873h2WcmPAg75&menu_nix=QJ6qkw4x&cont_idx=141&edomweivgp=R

 

 


Scroll To Top