Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN THỂ HIỆN SỨC MẠNH NGOẠI GIAO-QUỐC PHÒNG NHÂN DỊP KỶ NIỆM 70 NĂM ĐÌNH CHIẾN

Đăng ngày:

Ngày 27/7/1953, các bên liên quan trong cuộc chiến Triều Tiên bắt đầu từ ngày 25/6/1950 gồm đại diện quân đội Triều Tiên, Trung Quốc và đại diện quân đội Liên Hiệp quốc đã kí kết Hiệp định đình chiến. Trải qua 7 thập niên, Hàn Quốc và Triều Tiên trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Ngày 27/7 được phía Hàn Quốc gọi là  Ngày Đình chiến (정전 기념의 일) còn phía Triều Tiên gọi là Ngày chiến thắng (전승절). Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 70 năm đình chiến, Triều Tiên đã tiến hành nhiều sự kiện lớn và ý nghĩa về an ninh quốc phòng và ngoại giao, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Về phía Triều Tiên, cuộc Triển lãm Vũ khí 2023 được tổ chức vào dịp  này tại thủ đô Bình Nhưỡng. Sự kiện do Bộ Quốc phòng Triều Tiên tổ chức. Một số mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của Triều Tiên với tầm bắn khoảng 15.000 km như Hwasong-17 và mẫu Hwasong-18 dùng nhiên liệu rắn, phương tiện siêu vượt âm đặt gắn trên tên lửa Hwasong-8, cũng như một số mẫu máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn sử dụng động cơ phản lực và tua-bin cánh quạt đã được trưng bày... Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergey Shoigu đã đến tham quan và hội đàm ngay tại triển lãm. Việc Triều Tiên trưng bày các phương tiện không người lái có kỹ thuật tiên tiến dù chưa rõ đã được triển khai trên thực tế hay chưa nhưng chắc chắn đã có chiến lược, chiến thuật cho mình. Sự  hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Nga tại đây cũng hàm ý hai bên sẽ có sự hợp tác trong lĩnh vực này (5).

Buổi Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng cũng được Triều Tiên tổ chức trọng thể vào tối ngày 27/7. Quân dân Triều Tiên đã luyện tập trước đó nhiều tháng cho Lễ duyệt binh này. Các vũ khí mới của Triều Tiên được trưng bày trong Triển lãm Vũ khí 2023 bao gồm tên lửa xuyên lục địa Hwasong-18 cũng xuất hiện tại Lễ duyệt binh. Trên Lễ đài, ngoài lãnh đạo Kim Jong-un còn có Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergey Shoigu và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung. Để tham dự các sự kiện kỷ niệm, phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu dẫn đầu và Phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Lý Hồng Trung dẫn đầu đã đến đã đến Bình Nhưỡng. Đây là những phái đoàn nước ngoài đầu tiên tới thăm Triều Tiên kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới để phòng dịch Covid-19. Điều này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Lễ duyệt binh mừng Ngày chiến thắng. Đồng thời, sự hiện diện của các quan chức cấp cao Trung Quốc và Nga tại đây không chỉ mang thông điệp tri ân những đóng góp của hai quốc gia này trong lịch sử mà còn khẳng định sự đoàn kết hợp tác của Triều Tiên, Nga, Trung Quốc trong hiện tại và tương lai. Lễ duyệt binh cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam về phạm vi phòng vệ Triều Tiên “đã vượt qua giới hạn dành cho Mỹ và Đại Hàn Dân Quốc”, và vấn đề quan trọng “không phải là chiến tranh hạt nhân có diễn ra hay không mà là khi nào và ai khơi mào cuộc chiến tranh hạt nhân” (2).

Trước đó, lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc, ca ngợi và tri ân sự hi sinh của họ cho Ngày Chiến thắng. Đặc biệt, năm nay truyền thông quốc tế cũng đưa tin rộng rãi lãnh đạo Kim Jong-un cùng em gái Kim Yo-jong – Phó Trưởng ban đảng Lao động Triều Tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Choe Sun-hee, Bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam, tới thăm nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Hoechang, tỉnh Nam Pyongan, để tôn vinh những người lính tình nguyện Trung Quốc đã ngã xuống  trong Chiến tranh Triều Tiên. Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc đã được xây dựng năm 1954 trên một quả đồi ở vùng Tây Bắc Triều Tiên có diện tích 90.000m2, vốn là nơi Tổng bộ Quân tình nguyện Trung Quốc đóng doanh trại từ tháng 9/1951. Nơi đây an táng 115 đảng viên, 16 đoàn viên và 3 liệt sĩ vô danh thuộc đoàn quân chí nguyện Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên, đặc biệt, trong đó có hài cốt của Mao Ngạn Anh, con trai ruột của nguyên chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (6). Sự thăm viếng và tôn vinh những liệt sĩ quân chí nguyện Trung Quốc của dàn lãnh đạo Triều Tiên thể hiện sự coi trọng những đóng góp và hợp tác chặt chẽ về an  ninh quốc phòng giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Lãnh đạo Kim Jong –un đã phát biểu trong buổi lễ rằng “Thắng lợi vĩ đại mà nhân dân hai nước Triều - Trung dành được đang phát huy sức mạnh to lớn” (1).

Sự thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ quân chí nguyện Trung Quốc trước đây thường được thực hiện trong ngày 27/7 và sau lễ duyệt binh nhưng năm nay được tổ chức trước đó 2 ngày (ngày 25/7) cũng gây sự chú ý của dư luận (3). Lãnh đạo Kim Jong-un không phát biểu tại Lễ duyệt binh ngày 27/7 cũng gây chú ý của dư luận Hàn Quốc. Những dịp lễ lớn công khai, lãnh đạo Triều Tiên thường có những phát biểu hàm chứa các thông điệp đối ngoại nhưng lần này ông Kim Jong – un không phát biểu đã gây tò mò mặc dù đây không phải là lần đầu tiên. Dưới thời của lãnh đạo Kim Jong-un, có 14 lần duyệt binh thì chỉ có 5 lần ông phát biểu. Có khả năng ông Kim Jong –un cho Lễ duyệt binh là hoạt động của quân đội nên Bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam đã phát biểu tại sự kiện này (2).

Sự kiện 70 năm đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng gây sự chú ý ở Mỹ, một bên liên quan trong cuộc chiến tranh này với nhiều luồng ý kiến khác biệt. Ông Brad Sherman, Nghị sĩ đảng dân chủ, đại biểu Hạ nghị viện đã tổ chức tọa đàm tại Quốc hội Mỹ với chủ đề “Sự chuyển đổi từ Hiệp định đình chiến sang Hiệp định hòa bình hoàn toàn” và khẳng định “Duy trì trạng thái chiến tranh sẽ tạo tình huống căng thẳng không cần thiết”, “Không thể tưởng tượng được chính phủ Triều Tiên sẽ từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân”, cần “với sự giám sát, hạn chế sát sao, đình chỉ chương trình hạt nhân và đàm phán vì lợi ích kinh tế, nới lỏng cấm vận, kí kết hiệp định hòa bình”. Tọa đàm này cũng cho biết, Luật Hòa bình Bán đảo Triều Tiên đến nay đã nhận được 34 chữ kí đồng thuận trong Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, trước đó 1 ngày, Quỹ Đồng minh Hàn-Mỹ USA và Mạng lưới One Korea (OKN) đã họp báo phản đối chấm dứt đình chiến, kí kết hiệp định hòa bình (4).

 

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên tổng hợp

 

Tài liệu tham khảo

1)     Cho Jae-yeon, Ông Kim Jong-un thăm mộ liệt sĩ và mộ quân Trung Quốc trước  Ngày chiến thắng: “Tinh thần chiến thắng bất diệt” (조재연, 김정은, 북한 전승절 하루 앞두고 열사묘 · 중국군묘 찾아 “영원히 승승장구”), 문화일보, ngày 26/7/2023.

2)     Kim Ji-heon, Mới Nga Trung sang, ông Kim Jong-un lại kiệm lời… Tại sao không cầm mic phát biểu? (김지헌,  중러 불러놓고 말 아낀 김정은…연설 마이크 왜 안 잡나), 연합뉴스,  ngày 28/7/2023.

3)     Kim Ji-heon, Ông Kim Jong-un làm lễ tại mộ liệt sĩ và mộ quân Trung Quốc trước  Ngày chiến thắng: “Tinh thần chiến thắng bất diệ” (김지헌, 김정은, 전승절 맞아 열사묘·중국군묘 참배…"영원히 승승장구), 연합뉴스, 2023. 7. 26

4)     Kim Nan-yeong,  Thông điệp “Hiệp định hòa bình” tại Quốc hội Mỹ dịp 70 năm đình chiến, có cả sự kiện phản đối (김난영 특파원,  정전 70주년 맞아 美의회서 '평화협정' 메시지…반대 행사도) newsis, 2023. 7. 28

5)     Lee Jong-yoon, Miền Bắc triển lãm trang bị vũ trang, ý nghĩa sự xuất hiện của Global Hwak là gì? (이종윤,  北 '무장장비전시회', 북한판 글로벌호크 등장 의미는?),  파이낸셜뉴스, ngày 27/7/ 2023.

6)     Vũ Anh (Theo Bí ẩn lịch sử), Vì sao hài cốt con trai Mao Trạch Đông không đưa về an táng tại Trung Quốc? Báo Dân Việt, 09/07/2020

 


Scroll To Top