HÀN QUỐC NỖ LỰC THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Đăng ngày:
Ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc được hình thành vào khoảng năm 1965 bởi công ty Commy của Mỹ với việc thành lập một nhà máy lắp ráp bán dẫn ở quốc gia này. Sau đó, công ty bán dẫn Korea đã được thành lập và được công ty bán dẫn Samsung mua lại vào năm 1977. Kể từ đó đến nay, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc cũng đạt được nhiều bước tiến và thành tựu đáng kể. Cụ thể là vào năm 1982, Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc (viết tắt là ETRI) lần đầu tiên phát triển bộ nhớ ROM (Read only Memory) dung lượng 32K tại Hàn Quốc. Sau đó, vào năm 1983, công ty điện tử Samsung Electronics lần đầu tiên phát triển bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động DRAM 64K tại Hàn Quốc và trở thành công ty đầu tiên ở Hàn Quốc phát triển bán dẫn thương mại hóa. Hàn Quốc tiếp tục phát triển bộ nhớ DRAM 64M vào năm 1992 và bộ nhớ DRAM 256M vào năm 1994 lần đầu tiên trên thế giới cũng như nắm bắt được cơ hội để vươn lên trở thành một cường quốc về chip bán dẫn. Năm 1992, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đạt 10 tỷ đô la và đến năm 1996, Hàn Quốc đạt vị trí thứ hai thế giới về chíp bán dẫn. Nước này cũng chiếm 52% thị phần chíp nhớ trên thế giới vào năm 2014. Đây cũng là mặt hàng duy nhất Hàn Quốc xuất khẩu nhiều và đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân với kim ngạch xuất khẩu đạt 57,1 tỷ USD trong cùng năm [1]. Bên cạnh đó, nước này cũng đang muốn cải thiện sự ổn định của chuỗi cung ứng để trở thành thành phần quan trọng trong lĩnh vực ngoài chíp nhớ như công nghệ đóng gói chíp, màn hình và pin v.v… Tuy nhiên, trong năm 2022 và đầu năm 2023, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu về công nghệ thông tin sụt giảm, nhu cầu thị trường toàn cầu về di động và máy tính cá nhân cũng giảm theo gây ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Hàn Quốc. Do nguồn cung vẫn giữ nguyên và nhu cầu lại giảm khiến cho kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc đã giảm liên tục suốt 7 tháng và tỷ lệ tồn kho trên doanh thu của chíp bán dẫn trong tháng 1 năm 2023 là 265,7%, cao nhất sau 26 năm kể từ tháng 3 năm 1997 [2]. Điều này cũng khiến cho lợi nhuận của công ty SK Hynix và công ty điện tử Samsung bị sụt giảm một cách đáng kể. Bên cạnh đó, các cường quốc công nghệ khác như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở sản xuất chíp trong nước, triển khai các biện pháp bảo hộ, cắt giảm thuế và ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, Luật chíp bán dẫn và khoa học được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký tên và thông qua vào tháng 8 năm 2022 với nội dung chi khoảng 280 tỷ USD để phát triển nền công nghiệp chíp bán dẫn của nước này và khấu trừ thuế 25% chi phí đầu tư thiết bị cho các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất chíp bán dẫn tại nước này.[3] Đồng thời, Chính phủ Mỹ đã công bố tiêu chuẩn chi trả trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư chíp bán dẫn vào Mỹ với gói hỗ trợ có quy mô lên tới 39 tỷ USD. [4] Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh Washington đã cân nhắc hàng đầu tới lợi ích về mặt an ninh khi xem xét đối tượng trợ cấp như khả năng doanh nghiệp cung cấp chíp bán dẫn ổn định cho các cơ quan an ninh như Bộ Quốc phòng Mỹ và sẽ loại các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất hay hợp tác tại các quốc gia đáng lo ngại về an ninh như Nga, Trung Quốc khỏi đối tượng trợ cấp. Điều này khiến cho công ty điện tử Samsung và công ty SK Hynix, hai doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư hoặc nâng quy mô dây chuyền chíp bán dẫn tại Mỹ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi cả hai thị trường này đều quan trọng với Hàn Quốc. Hiện nay, Hãng điện tử Samsung đang sản xuất 40% chíp nhớ NAND Flash, hãng SK Hynix cũng đang sản xuất 20% chíp nhớ này và gần một nửa bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) tại nhà máy ở Trung Quốc. Việc Mỹ tái khẳng định sẽ ngăn chặn các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc khiến hai hãng này không tránh khỏi việc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất của mình. [4] Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp này. Cụ thể là vào ngày 15/03/2023 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã chủ trì Hội nghị kinh tế dân sinh khẩn cấp và cho biết nước này sẽ xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới trong khu vực đô thị dựa trên nguồn vốn tư nhân quy mô lớn trị giá 300 nghìn tỷ won. Cụm công nghiệp sản xuất chíp bán dẫn và công nghệ cao quy mô lớn nhất thế giới rộng 7,1 triệu m² sẽ được quy hoạch và xây dựng tại thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ccụm công nghiệp này sẽ liên kết hơn 150 công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu, phụ tùng, thiết bị và công ty bán dẫn“fabless” (công ty không sản xuất tấm silic, hoặc chíp, được sử dụng trong sản phẩm của mình; thay vào đó, nó chuyển công việc sang một nhà máy sản xuất, hoặc đúc) v.v….. [5] Các ngành công nghệ cao sẽ là động lực tăng trưởng chính và là tài sản an ninh quốc gia, đồng thời liên quan trực tiếp đến việc làm và kế sinh nhai của người dân Hàn Quốc. Do đó, từ năm 2023 cho tới năm 2026, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư 550.000 tỷ won nguồn vốn tư nhân (422,85 tỷ USD) vào 6 lĩnh vực trọng tâm bao gồm gồm chíp bán dẫn, màn hình, pin thứ cấp, sinh học, phương tiện tương lai và robot. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm về địa điểm, nghiên cứu và phát triển (R&D), nhân lực cũng như hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp tham gia vào dự án này. [5] Hàn Quốc sẽ thành lập 14 khu liên hợp công nghiệp công nghệ cao quốc gia mới với diện tích 33 triệu mét vuông và tổng diện tích lên tới hơn 10 triệu pyeong ở các tỉnh trong cả nước để thúc đẩy các ngành công nghệ cao như vũ trụ, ô tô tương lai và hydro. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thu hút đầu tư 3.200 tỷ won vào năm 2030 để phát triển công nghệ chất bán dẫn thế hệ tiếp theo cần thiết cho sản xuất điện, phương tiện và trí tuệ nhân tạo. [6] Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đề nghị Quốc hội Hàn Quốc nhanh chóng thông qua dự luật về việc nâng mức khấu trừ thuế về chi phí đầu tư thiết bị công nghiệp công nghệ cao tối đa từ 25% đến 35% cho doanh nghiệp mà chính phủ đã đệ trình. [6]. Tiếp đó, vào ngày 16/3/2023, trong cuộc họp chiến lược về xuất khẩu và đầu tư chíp bán dẫn hệ thống, với sự tham gia của các doanh nghiệp chíp bán dẫn trong nước do Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc tổ chức, Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (viết tắt là KITA) nhận định rằng tuy các điều kiện kinh tế thế giới và tình hình lĩnh vực chíp bán dẫn nói chung vẫn tiếp tục xấu đi nhưng nhiều khả năng lĩnh vực chíp bán dẫn sẽ hồi phục từ nửa cuối năm nay nhờ sự gia tăng nhu cầu chíp nhớ DDR5 và các sản phẩm chíp bán dẫn dung lượng lớn, tính năng cao, xuất phát từ sự tăng trưởng của thị trường trí tuệ nhân tạo (AI). Hiệp hội thương mại nhấn mạnh rằng, Chính phủ Hàn Quốc cần tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực chíp nhớ thế hệ mới, như chíp bán dẫn AI. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng nước này cần dựa vào thế mạnh hiện có để bổ sung những điểm yếu, hoàn thiện năng lực cạnh tranh toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp như công nghệ và doanh nghiệp ở lĩnh vực thiết kế chíp bán dẫn, công đoạn thử nghiệm và đóng gói, bồi dưỡng nhân lực chuyên môn. [7] Nguyễn Ngọc Mai Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật Theo nguồn: 1. Ahn Kee Hyeon “ Tình hình và triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn” (안기현 “반도체 산업의 현황및 미래”), Vaccum Magazine (T9/2014), pg.35-37 2. Ký giả Lee Yoon Hee, Tỷ lệ tồn kho chất bán dẫn trong tháng 1 đạt 265,7%, mức cao nhất trong vòng 26 năm qua (이윤희 기자, 1월 반도체 재고율 265.7%…26년 만에 최고) KBS: https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=7618750 3. Jeong Sae Ba, Trước ngày thực thi Luật bán dẫn của Mỹ, Tương lai của các công ty bán dẫn Hàn Quốc ở giao lộ giữa Mỹ và Trung Quốc? (정새배, 美 반도체법 시행 코앞…미중 기로에 선 K-반도체 앞날은?) KBS: 美 반도체법 시행 코앞…미중 기로에 선 K-반도체 앞날은? (kbs.co.kr) 4. So-Hyeon Kim, Concerned about CHIPS Act, Korea says US investment less attractive The Korea economic daily: https://www.kedglobal.com/business-politics/newsView/ked202303060030 5. Ký giả Yonhap, Tổng thống Yoon: “ Cụm công nghiệp bán dẫn quy mô tới 300 tỷ ở khu vực đô thị, 14 cụm công nghệ cao ở các tỉnh” (Yonhap 기자, 尹 "수도권에 '300조' 반도체 클러스터…지방엔 14개 첨단산단") Yonhapnews: https://www.yna.co.kr/view/AKR20230315058600001 6. Ký giả Kim Dong Ha, Tổng thống Yoon: ‘Xây dựng cụm công nghiệp bám dẫn có hệ thống với quy mô tới 300 tỷ ở khu vực đô thị” (김동하 기자, 尹대통령 “수도권에 300조 규모 시스템 반도체 클러스터 구축”” Chosun Ilbo: https://www.chosun.com/politics/politics_general/2023/03/15/3AR5DUBQSFG6BG3PLPPBEDJ5XI/ 7. Phóng viên Ji Hyeong Jeol, Cuộc họp chiến lược giữa chính phủ và doanh nghiệp… Hàn Quốc đứng thứ nhất về chíp bán dẫn nhưng các doanh nghiệp chỉ chiếm 3% thị phần hệ thống bán dẫn (지형철 기자, 메모리 1위인데 시스템반도체 점유율은 3%…정부·업계 전략회의) KBS: https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=7628032